Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:57 (GMT +7)

Tuổi thanh xuân và con đường huyền thoại

VNTN- Đường Trường Sơn, hay “đường mòn Hồ Chí Minh” là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam, một số nhánh vòng qua nước bạn Lào và Campuchia, cung cấp sức người sức của chi viện cho chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1959 đến năm 1975, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) của Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai các lực lượng để đảm bảo hoạt động của con đường đặc biệt quan trọng này.

 “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”

 “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc ta đã lên đường ra trận. Năm tháng ấy mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình ngọn lửa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng “đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần “quyết chiến quyết thắng” được thể hiện bằng ý chí và hành động quả cảm của tất cả các lực lượng có mặt tại Trường Sơn.

                                    1-1690274020.jpg
4 chiến sĩ trong tiểu đội của ông Sầm Quang Minh chụp ảnh lưu niệm tại Buôn Ma Thuột ngày đầu giải phóng.

Tiếp chuyện chúng tôi, trung tá Sầm Quang Minh, nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn đơn vị C1, D781, Binh trạm 14, Đoàn 559, hiện sinh sống tại xóm Khánh Hòa, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên không giấu nổi xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm bên đồng đội trong những năm tháng rực lửa ấy. Ông chia sẻ: - Tôi nhập ngũ tháng 5/1971, sau một tháng huấn luyện chiến sĩ mới tại Sư đoàn 304B, tôi được cử đi học tại Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc. Nếu ai chưa đến Trường Sơn, khó có thể hình dung sự hùng vĩ của núi rừng. Đại ngàn trùng điệp, núi cao, vực sâu. Có thể nói Trường Sơn là nơi tôi luyện, thử thách bản lĩnh của thế hệ những người trẻ trong chiến tranh, bao gồm cả bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

Để chặn đứng con đường chi viện cho chiến trường của ta, ngoài lực lượng biệt kích, thám báo dưới mặt đất, trên trời máy bay trực thăng OV10 thường xuyên bay lượn sẵn sàng nổ súng và phát tín hiệu chỉ điểm cho máy bay F4 lao tới ném bom. Bộ binh có phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để giữ bí mật tối đa. Với những người lính lái xe, khi từng đoàn xe chở hàng nối nhau hành quân việc giữ bí mật quả là khó. Bom đạn chết chóc luôn rình rập, không chắc tay lái không thể đến đích.

Đại đội trưởng của tôi là Anh hùng Lực lượng vũ trang Khúc Văn Lượng, quê ở Nam Định. Sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo của anh được đồng đội kể lại nghe như huyền thoại. Tiểu đoàn của tôi gồm các lại xe Zin 157, Zin 130 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Binh trạm 14 đến Binh trạm 32 trên Đường 20 Quyết Thắng.

Từ năm 1970, đường Trường Sơn đã kết nối liên hoàn với hệ thống trục dọc, trục ngang trải rộng từ Đông sang Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường. Các tuyến “đường kín” dưới tán rừng được bộ đội công binh, thanh niên xung phong xây dựng, xe tải có thể chạy suốt trong mái rừng ngụy trang. Các tuyến đường này chỉ được trải đất đá, khu vực lầy thụt lát nền bằng cây rừng. Ở Trường Sơn, thời tiết chia hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Vào mùa khô lực lượng vận tải cơ giới tập trung cao độ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mùa mưa các khe suối, thung lũng, đoạn đường ngầm nước ngập, mưa rừng xối xả hoạt động rất khó khăn. Xe của lực lượng vận tải tại Trường Sơn phần lớn không có kính chắn gió. Không hẳn xe bị trúng bom mà đều bị hư hại do mảnh bom, đất đá văng khi bom, mìn nổ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết trong bài “Tiểu đội xe không kính” mô tả rõ hiện thực đó.

Dọc các tuyến đường Trường Sơn, Đoàn 559 bố trí đầy đủ các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, pháo phòng không, thông tin liên lạc… đảm bảo hệ thống giao thông luôn được thông suốt. Không chỉ vận tải hàng hóa, các tuyến đường Trường Sơn còn là căn cứ hậu cần chiến lược, là hướng tuyến hành quân của các sư đoàn chủ lực với nhiều vũ khí, khí tài quân sự… chi viện cho chiến trường. Với ưu thế của hệ thống đường Trường Sơn, quân đội ta có các điều kiện mở những cuộc tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn giữa bộ binh với sự hỗ trợ của xe tăng, pháo hạng nặng tiêu diệt nhiều căn cứ quân sự của địch.

Đường 20 Quyết Thắng là một tuyến đường quan trọng và luôn diễn ra các trận oanh tạc của máy bay địch. Đường chỉ vừa một làn xe len lỏi qua các sườn núi cao vực sâu, xe vào một làn và ra theo lối khác. Nếu không chắc tay lái, xe có thể lao xuống vực hoặc va vào cây rừng. Dù các tuyến đường chiến lược này đã được ngụy trang nhưng phát hiện các hoạt động vận tải của ta, máy bay địch liên tục quần thảo ném bom bắn phá. Cứ khoảng 30 phút lại có một trận bom tọa độ. Thời gian chúng ném bom dữ dội, trước yêu cầu nhiệm vụ hết sức khẩn trương, chúng tôi được lệnh hoạt động vào ban đêm. Khoảng 5 giờ chiều bốc hàng, 6 giờ cả tiểu đoàn xuất phát. Tuy chạy bằng đèn gầm nhưng vẫn phải dùng bìa giấy che bên trên đề phòng máy bay địch. Xe đi thâu đêm đến gần sáng giao hàng xong lại trở ra chuẩn bị cho chuyến kế tiếp. Do quân số hao hụt vì thương vong và sốt rét rừng, mỗi xe chỉ bố trí một chiến sĩ, nhưng đêm nào chúng tôi cũng lên đường, thời gian ngủ nghỉ rất ít. Chúng tôi nghĩ đồng đội mình trên các mặt trận đang mong chờ từng cân gạo, từng viên đạn chi viện, không lý gì những người lính lái xe vận chuyển hàng hóa lại quản ngại gian khổ, hy sinh.

Những trái tim mang lửa dọc Trường Sơn

Ông Sầm Quang Minh giở các trang lịch sử truyền thống của đơn vị, vẻ mặt trầm tư giới thiệu với tôi: Là người chiến sĩ lái xe, trên mọi cung đường chúng tôi đi qua, sự lạc quan đối mặt với gian khổ hiểm nguy, sự hy sinh anh dũng của đồng đội luôn để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc và những cảm nhận rõ nét về niềm tin chiến thắng của dân tộc. Dù cái chết có thể đến với bất kỳ ai trong gang tấc, mọi người vẫn sống, chiến đấu với sự bình tĩnh tự tin, bình thản xử lý mọi tình huống. Dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, bộ đội, thanh niên xung phong vẫn ngày đêm bám cầu, bám đường.

                                    2-1690274020.jpg
Trung tá Sầm Quang Minh

Trong các lực lượng làm nhiệm vụ tại Trường Sơn, đặc biệt là tại các trọng điểm máy bay địch thường xuyên đánh phá có đông đảo nữ công binh, nữ thanh niên xung phong, nữ giao liên tuổi đời mười tám đôi mươi. Chúng tôi vẫn gọi họ là những “bông hồng thép”, bởi chỉ có tinh thần thép mới có thể trụ vững ở nơi mà bát cơm trộn lẫn bụi đất, mồ hôi, thậm chí cả máu của đồng đội. Nhiều tháng hậu phương chưa tiếp tế kịp mọi thứ đều thiếu thốn, từ lương thực, thực phẩm tới xà phòng giặt và gội đầu, vải màn vệ sinh phụ nữ. Nhiều chị em bị sốt rét rừng, rồi vắt cắn, muỗi đốt sinh ghẻ ngứa. Mỗi chị em chỉ có hai bộ quần áo, mùa mưa những ngày không kịp khô phải đốt lửa sấy quần áo mặc.

Trên các tuyến đường Trường Sơn, cứ vài chục mét đường các đơn vị đi trước đã đào sẵn một căn hầm cá nhân làm nơi tránh trú. Những căn hầm ấy không thể tránh được bom mà chỉ là tránh các loại bom bi nổ gần, các mảnh bom đạn gây sát thương. Tuy vậy gặp máy bay địch oanh tạc chúng tôi vẫn điều khiển xe tiến về phía trước. Một khi dừng lại cả đoàn xe trúng bom hậu quả sẽ khôn lường. Xe nào trúng bom đã có lực lượng tại chỗ ứng cứu. Rừng Trường Sơn bạt ngàn, nhưng các trọng điểm 68, Chà Là, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích… máy bay Mỹ đội bom suốt ngày đêm, cây cối trụi lá chỉ còn trơ những thân cây khô khốc. Trong đó ác liệt nhất là đèo Phu La Nhích nằm trên Đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Đoạn đèo kéo dài khoảng 8 cây số hoang tàn, đổ nát, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào tồn tại dưới sức công phá, cày đi xới lại của bom đạn Mỹ. Ngọn đèo chênh vênh, bên vách núi dựng đứng, bên vực sâu thăm thẳm, không mở được các tuyến đường tránh, không có nơi trú ẩn an toàn... Theo tài liệu của bộ đội Trường Sơn, trong những năm tồn tại tuyến đường 20, đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó có khoảng 2.450 lần B52. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong chốt giữ trọng điểm hứng chịu bình quân khoảng 1.900 quả bom các loại.

Hoạt động vận tải ban đêm, các loại máy bay do thám của địch luôn bắn pháo sáng tìm mục tiêu chỉ điểm cho máy bay phản lực lao tới trút bom. Chúng tôi phổ biến nhau kinh nghiệm: Nếu pháo sáng địch ở phía trước, rất có thể cung đường đó sẽ bị ném bom, pháo sáng trên đầu phải nhanh chóng tăng tốc cơ động, nếu phía sau thì không hề gì. Tại khu vực ngầm Ta Lê, xe của tôi đi sau xe của tiểu đội trưởng Nguyễn Đăng Thắng. Khoảng 10 giờ đêm, xe anh Thắng trúng bom tọa độ bốc cháy, xe tôi nảy giật lên như muốn bay khỏi mặt đường, tôi cho xe vượt lên thì chỉ thấy trong lửa sát xi cong queo, không còn nhận ra hình thù. Trước những sự hy sinh của đồng đội như thế, chúng tôi vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công tác liệt sĩ nhờ lực lượng bám đường.

Tháng 8/1972 chúng tôi nhận lệnh phối hợp cùng các đơn vị bạn chở hàng từ cảng Xuân Sơn phục vụ chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Thời gian này, địch cho máy bay B52 ném bom đánh phá với cường độ cao. Có đêm cả đoàn xe đi trước trúng bom B52, bom nổ lửa phát sáng cuốn cả đội hình xe tung lên trời…

Một sự kiện mãi làm tôi bị ám ảnh, đó là chuyến chở hàng từ cảng Xuân Sơn lên Đường 20 Quyết Thắng. Ngày 11 tháng 11 năm 1972, máy bay Mỹ ném bom B52, bắn tên lửa làm sập tảng đá lớn (khoảng 100 tấn), lấp cửa hang bên đường (bây giờ gọi là hang Tám Cô) ở km 16, trong hang vẫn còn tiếng gọi của 8 nữ thanh niên xung phong. Lực lượng cứu hộ gồm máy ủi, xe tăng móc cáp kéo tảng đá ngoài cửa hang, nhưng tảng đá quá lớn làm lực lượng cứu hộ bất lực…

Sau hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam tháng 1/1973, tiểu đoàn chúng tôi tiếp tục hoạt động trên các tuyến đường 20 Quyết Thắng, đường 9 – Nam Lào và sau đó trên tuyến 14B. Dù khi đó miền Bắc hòa bình đã được lập lại, nhưng chiến trường miền Nam chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Ta và địch giành nhau từng mét đất bảo vệ vùng giải phóng. Có lần tôi gặp anh em bộ binh hành quân về phía sau, một số chiến sĩ mang vác súng, có chiến sĩ đeo cả chục khẩu súng AK. Tôi dừng xe hỏi thì được biết các anh vừa đi chiến đấu, số súng là của những người đã hy sinh, họ mang về giao lại đơn vị...

                                    3-1690274021.jpg
Một chiếc B-52D chất đầy bom cất cánh từ căn cứ quân sự ra đánh phá miền Bắc (Ảnh tư liệu lịch sử)

Tháng 10/1974 chúng tôi chở hàng vào Đắk Lắk, sau đó chở hàng phục vụ tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Tại Buôn Ma Thuột ngày đầu giải phóng, bốn anh em cùng tiểu đội chúng tôi may mắn tìm được hiệu ảnh và cùng chụp chung để ghi lại khoảng khắc vượt qua dãy Trường Sơn tiến về vùng đô thị.

Trong khí thế thần tốc tiến công để đi đến trận cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi nhận lệnh tiếp tục hành quân phục vụ các đơn vị chiến đấu giải phóng Nha Trang và tiến vào tập kết tại Tổng kho Long Bình. Sau ngày 30/4, tại đây chúng tôi lại khẩn trương tập luyện để tham dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn.

     * * *

Có thể nói từng tấc đất Tổ quốc Việt Nam hôm nay đều có máu của nhiều thế hệ, trong đó có máu của những người con cầm súng chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Trên tuyến đường Trường Sơn, đã có hàng vạn cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang và đồng bào ta ngã xuống. Nhiều tác phẩm điện ảnh, văn học, báo chí đã phản ánh sâu sắc cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta, nhưng hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn quên mình trong lửa đạn vẫn làm tôi thực sự xúc động. Chắc chắn máu của những người đã đổ xuống sẽ mãi uy linh trong hồn thiêng sông núi hôm nay và mai sau.

Thái Dương

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước