Từng bước hiện đại hóa nền hành chính
VNTN - Xây dựng chính quyền điện tử đang là một mục tiêu mà nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt quan tâm. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang nỗ lực thực hiện, để từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Đó là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII, về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.
Theo đó, trong 6 tháng qua, UBND tỉnh đã thực hiện được những nội dung: Tổ chức ra mắt Cổng thông tin điện tử phiên bản mới trên nền tảng Công nghệ mã nguồn mở Liferay; Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện gửi nhận văn bản điện tử và văn bản có chữ kí số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh như: Chữ kí số chuyên dùng, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Quản lí văn bản điện tử đi và đến; Triển khai hệ thống phần mềm dùng chung thực hiện chuyển đổi mã định danh mới thay thế cho mã định danh cũ trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại 912 đơn vị đã thực hiện liên thông văn bản; tổ chức triển khai thí điểm tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Thái Nguyên giải pháp thanh toán các thủ tục hành chính không dùng tiền mặt tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh…
Bồi dưỡng kiến thức ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước cho cán bộ công chức cấp xã tại thị xã Phổ Yên Nguồn: Sotttt.thainguyen.gov.vn
Để đạt được kết quả trên, trước đó, tỉnh đã có Đề án Cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 19/1/2016 của UBND tỉnh, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đến năm 2020, 100% các văn bản tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử; 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử của tỉnh trong công việc, đảm bảo dữ liệu điện tử và các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử.
Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án đã cơ bản đạt được những yêu cầu đề ra. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã thực hiện trao đổi gửi/nhận: 407.111 văn bản điện tử. Trong đó, số văn bản điện tử gửi đi là 42.324, trên tổng số khoảng hơn 400.000 văn bản giấy phát hành của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn (từ tỉnh đến xã)/năm = 10,5%. Tổng số đơn vị tham gia kết nối trao đổi văn bản điện tử qua trục liên thông nội bộ tỉnh là 910 đơn vị, tăng gần 3 lần so với năm 2017 (311 đơn vị). Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử đạt: 90% (với 9.000 tài khoản từ tỉnh đến xã).
Đến nay, tỉnh đã thực hiện tích hợp chữ ký số vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản đi đến và điều hành cho gần 100% các sở, ban, ngành (trừ Sở Tài chính chưa tích hợp do sử dụng giải pháp khác, nhà thầu chưa thực hiện tích hợp), 09 huyện, thành phố thị xã, 180 xã phường thị trấn; đồng thời, đã tích hợp vào hệ thống công báo, hệ thống thư điện tử của tỉnh. Đã triển khai mở rộng phần mềm quản lý văn bản đi đến và điều hành đến các xã phường, thị trấn với đầy đủ chức năng. Đã cấp 1189 chứng thư, chữ ký số cho cá nhân và 137 chứng thư cho tổ chức, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Nâng cấp hệ thống CNTT, đảm bảo các điều kiện để cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tiếp trên môi trường mạng. Triển khai tích hợp, công khai thông tin tiếp nhận, xử lý kết quả và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; thống kê danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để công bố công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn đang hoàn thành các dự án ứng dụng CNTT trong đó có 03 dự án thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: 1) Nâng cấp, xây dựng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử theo mô hình chính quyền 3 cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện và tới 180 xã, phường, thị trấn và kết nối với Chính phủ; 2): Nâng cấp, xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống giao ban điện tử trực tuyến (hội nghị truyền hình) từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ cấp huyện đến cấp xã; 3): Nâng cấp, xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng, nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và từ cấp huyện đến 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn như Sở Thông tin Truyền thông và Viễn thông Thái Nguyên, vừa qua tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến đến tận các Đảng bộ trực thuộc.
Mặc dù vẫn còn khó khăn, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên sẽ từng bước hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
“Chữ ký điện tử” là thông tin đi kèm theo dữ liệu (hình ảnh, văn bản, video…) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác. |
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...