Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:37 (GMT +7)

Tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội biểu quyết Luật An ninh mạng

VNTN - Cùng với nhiều luật khác, Luật An ninh mạng cũng sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5.

Sẽ bế mạc vào sáng 15/6, trong bốn ngày rưỡi của tuần làm việc từ 11-15/6, Quốc hội sẽ thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Thể dục thể thao, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Theo chương trình đã được Quốc hội quyết định thì trong danh sách các luật được thông qua còn có Luật Đơn vị, hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát hành sáng 9/6 Văn phòng Quốc hội thông tin: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp".

Chưa có thông cáo tiếp theo về quyết định của Quốc hội, nhưng trong các trường hợp tương tự thì đề nghị cho lùi luôn được chấp nhận.

Luật An ninh mạng sẽ được đưa ra biểu quyết trong sáng thứ ba (ngày 12/6). Trước khi bấm nút Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, ngày 29/5 dự thảo Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường. Trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội phát hành vào ngày 8/6, Tổng thư ký Quốc hội cho biết đã có 25 lượt ý kiến của 18 vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường và 2 vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến về Ban Thư ký.

Ý kiến của các vị đại biểu đề cập nhiều vấn đề, trong đó có kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thông thông tin của các cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 24.

Khoản 2 điều này quy định: "Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng hoặc khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng".

Báo cáo tổng hợp cho biết, có ý kiến tán thành với điều này, nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng kiểm tra khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng để tránh lạm quyền tại khoản 2.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng Bộ Công an kiểm tra an ninh mạng tại khoản 2, vì nội dung kiểm tra có cả thông tin của cơ quan, tổ chức được lưu trữ trong hệ thống thông tin cần phải giữ bí mật.

Vẫn theo báo cáo, có ý kiến cho rằng, trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng thực hiện theo trình tự, thủ tục kiểm tra đột xuất đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là không thỏa đáng.

Ý kiến thảo luận về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet hoặc trực tiếp quản lý hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2, khoản 3 điều 26) cũng được thể hiện tại báo cáo.

Điểm a khoản 2 điều này quy định cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thông thông tin Việt Nam phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản.

Điểm d quy định các cơ quan tổ chức nói trên phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điểm đ quy định các cơ quan, tổ chức nói trên phải thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Khoản 3 điều 26 quy định cụ thể các loại thông tin phải lưu trữ tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam tại điểm d khoản 2 điều này.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết nhiều ý kiến tán thành với các quy định tại khoản 2 khoản 3 điều 26. Có ý kiến đề nghị lược bỏ quy định trách nhiệm “thiết lập cơ chế xác thực thông tin” hoặc bổ sung “yêu cầu cung cấp số định danh cá nhân để xác thực” tại điểm a khoản 2.

 Có ý kiến cho rằng, quy định “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản” tại điểm a khoản 2 dễ bị lạm dụng, nên đề nghị quy định rõ trường hợp và thẩm quyền.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận xét: Nếu viết chung chung là khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình" thì sẽ dẫn đến một nguy cơ lớn là có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định.

Ý kiến khác đề nghị phân loại thông tin thành 3 cấp độ, trong đó cấp độ 2 (thông tin cá nhân cần hạn chế cung cấp) và cấp độ 3 (thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật quân sự, bí mật thương mại…) cần phải lưu trữ trong nước và bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Một số ý kiến còn băn khoăn với quy định tại điểm d khoản 2, vì cho rằng quy định này không bảo đảm tính khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thông tin bên lề kỳ họp cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua cũng đã có những chỉnh sửa nhất định so với dự thảo trình Quốc hội thảo luận lần cuối cùng ngày 29/5 như đã nói trên.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy