Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
07:44 (GMT +7)

Tư tưởng trị nước dựa vào hiền tài nhìn từ Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Lịch sử khoa cử Việt Nam bắt đầu kể từ khoa thi Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa thi Nho học cuối cùng vào năm Kỷ Mùi niên hiệu (1919) đời Khải Định, tổng cộng có 185 khoa thi; 2.906 lần người đỗ đại khoa, trong đó có 46 Trạng nguyên (không tính một số người đỗ thủ khoa trước đó chưa có danh hiệu Trạng nguyên); 48 Bảng nhãn, 75 Thám hoa. Phần đông trong số những bậc đỗ đạt này đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước.

Trong lịch sử khoa cử Nho học gần 850 năm, 82 bia Tiến sĩ hiện còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là chứng tích tiêu biểu. Đặc biệt, những lời khắc trên các văn bia này thể hiện tư tưởng trị nước dựa vào hiền tài của ông cha.

Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội. Nguồn: internet.

Đây là những tấm bia ghi danh những người đỗ đại khoa - đỗ thi Hội, thi Đình, tức đỗ Tiến sĩ trở lên - của triều Lê và Mạc từ khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) triều Lê Thái Tông đến khoa thi 1779. Chính xác hơn, đó là 81 tấm bia Tiến sĩ của triều Lê và 01 tấm bia Tiến sĩ triều Mạc - bia khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529).

Loạt bia Tiến sĩ đầu tiên gồm 10 tấm được dựng ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Bia đầu tiên ghi lại lịch sử khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông (1442), bia cuối cùng được dựng năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng 41 (1780) cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Năm 1427, Lê Lợi lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng quân Minh xâm lược, giành lại chủ quyền cho đất nước sau 20 năm chúng ta bị nhà Minh đổi làm quận, huyện và lệ thuộc Trung Quốc. Vốn xuất thân từ một hào trưởng địa phương nơi núi rừng Thanh Hóa, nhưng khi lên ngôi đứng đầu muôn dân trăm họ, đức vua Lê Thái Tổ đã quan tâm đến việc tuyển chọn người tài năng cho bộ máy. Nhiều trường lớp đã được mở ở các địa phương cho tới kinh thành Thăng Long, tuy nhiên đất nước vừa trải qua chiến tranh nên việc tổ chức thi cử chưa được mở lại. 15 năm sau, năm 1442, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông, triều đình mới tổ chức khoa thi Hội đầu tiên cho sĩ nhân cả nước. Khoa thi này có 450 người tham dự. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người.

Trạng nguyên khoa thi này là Nguyễn Trực (1417 - 1474), người xã Bối Khê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (Thanh Oai, Hà Nội). Nguyễn Trực làm quan trải các chức như: Thự trung thư lệnh, Tri tam quán sự, đặc thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ (1424 - 1525), người xã Đại Lan, huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được cử 3 lần đi sứ sang nhà Minh. Thám hoa Lương Như Hộc (1420 - 1501), người xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân (nay là xã Tân Hưng thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến chức Đô Ngự sử, hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh, được về trí sĩ. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân làng Hồng Liễu. Sau khi ông mất, dân làng tôn thờ làm Thành hoàng.

Đứng đầu danh sách đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là Ngô Sĩ Liên (không rõ năm sinh, năm mất) người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức (nay thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ngô Sĩ Liên giữ các chức quan như Đô Ngự sử, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Quốc Tử Giám Tư nghiệp, kiêm Sử quán Tu soạn. Là nhà viết sử nổi tiếng, ông đã biên soạn bộ sử lớn của đất nước là Đại Việt sử kí toàn thư, chép từ thời Hồng Bàng đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi.

Năm 1484, Bộ Lễ mới tâu vua Lê Thánh Tông xin tiến hành khắc bia đề họ tên thứ bậc người thi đỗ các khoa thi từ năm 1442 đến năm đó, để lưu danh về sau. Bộ Lễ cũng xin đổi danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang thành tiến sĩ cập đệ. Người đỗ phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân và được nhà vua chuẩn tấu.

82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới. Nguồn: laodongthudo.vn.

Nơi ghi danh những bậc hiền tài

Đời sau có thể tìm thấy ở những tấm bia này tên tuổi những bậc hiền tài đã ghi danh vào sử sách: nhà sử học Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư - Tiến sĩ năm 1442; danh nhân Trịnh Thiết Trường, Tiến sĩ năm 1448, người đã không chịu nhận học vị Tiến sĩ khoa thi trước vì cho là chưa đạt ý nguyện; các nhà toán học Lương Thế Vinh và Vũ Hữu, Trạng nguyên năm 1463; nhà sử học Vũ Quỳnh, Tiến sĩ năm 1478; Nguyễn Quốc Trinh, người nổi tiếng về trung thực và khảng khái, Trạng nguyên năm 1659; nhà sử học Lê Hi, Tiến sĩ năm 1664; nhà văn hóa Nguyễn Quý Đức, Tiến sĩ năm 1676, người có công lao tu sửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau này; nhà bác học Lê Quý Đôn, Tiến sĩ năm 1752; nhà văn hóa Bùi Huy Bích, tác giả Hoàng Việt Thi tuyển, Tiến sĩ năm 1769; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm và nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Ích, Tiến sĩ khoa 1775 v.v..

Tứ trụ và cổng chính Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua ảnh tư liệu. Nguồn: laodongthudo.vn.

Thể hiện tư tưởng trị nước dựa vào hiền tài

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”; đó là lời của bài ký bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông (1442). Các văn bia Tiến sĩ đều có những nội dung, những tuyên ngôn về sử dụng và đãi ngộ người tài một cách độc đáo. Các triều đại xưa luôn xem hiền tài là tinh hoa của giống nòi, là bộ phận ưu tú nhất của đất nước, những người tạo nên văn hiến của đất nước này.

Hiền tài quan hệ trọng đại đến trị bình của quốc gia, an nguy của xã tắc, nên các triều đại xưa luôn coi việc tuyển chọn hiền tài là công việc hệ trọng của quốc gia. Việc kén chọn hiền tài không gì bằng con đường khoa cử. Những lời tuyên ngôn từ những tấm bia này đến nay hãy còn nguyên giá trị:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (Thân Nhân Trung, bia khoa 1442).

“Sự lớn lao của nền chính trị của các bậc đế vương không gì quan trọng bằng trọng dụng nhân tài” (Đỗ Nhuận, bia khoa 1448).

“Từ xưa các bậc đế vương trị nước, chấn hưng giáo hóa, mở mang thịnh trị không đời nào không coi việc cầu tìm nhân tài, kén chọn kẻ sĩ là việc đầu tiên” (bia khoa 1496).

“Bề trên đặt khoa thi, cốt để thu hút nhân tài, đâu chỉ để trông vào cho đẹp mắt. Kẻ dưới đăng tên dự thi là để theo bậc thang mà bước lên đường huân nghiệp, đâu phải để mưu cầu danh lợi. Bởi vì nền chính sự tốt đẹp của quốc gia không có nhân tài thì không thể gây dựng được” (Nguyễn Văn Lễ, bia khoa 1592) v.v..

Trên mỗi tấm bia Tiến sĩ đều có khắc các bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Nguồn: internet.

Tấm gương soi chung và răn dạy trí thức

Cái vinh diệu của sự lưu danh đã là tột đỉnh, là mơ ước ngàn đời của kẻ sĩ, song nhà Nho luôn thể nghiệm cuộc sống sâu sắc và giữ mình trong sạch để không để lại vết nhơ. Vì thế dù ở nơi lánh đời xa xôi hẻo lánh hay chốn trang nghiêm công đường, phải làm sao để xứng danh kẻ sĩ, không phụ ơn vua, lộc nước và kỳ vọng của mọi người. Bởi chỉ một chút ô danh có thể làm nhục liên lụy đến tổ tông, làm nhơ đạo học, làm nhục cho thầy, tên tuổi để lại ô danh trên bia đá. Vì thế, hầu như tất cả các tấm bia đều có những răn dạy này.

“Kẻ sĩ được khắc tên vào tấm bia đá này, thật may mắn biết bao! Cho nên phải đem lòng trung nghĩa tự thẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau… khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết… Thảng hoặc có người có vẻ ngoài có vẻ văn chương mà bên trong đức hạnh thiếu phần tu dưỡng, khiến cho cái mà người ta đọc được trên bia không giống như dư luận mà họ nghe biết, việc làm trái với sở học, làm hủy hoại hạnh kiểm, điếm lụy danh giáo thì là vết nhơ cho tấm đá này” (Thân Nhân Trung, bia khoa 1487).

“Thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” (Nguyễn Đăng Cảo, bia khoa 1577).

“Nếu không được như thế tức là chỉ được ngồi không, coi việc giữ tước lộc chức vị là cao, coi xảo trá giả dối là trí, chạy theo dục vọng mà không theo đạo đức, bỏ thực chất mà theo hư danh, như thế thì hình tích đã chẳng còn, mà công luận không sao cho thoát, há chẳng đáng khinh bỉ lắm thay! Đủ biết đá này dựng lên, ý khích lệ thật rất sâu sắc, ý khuyên răn cũng thật rất đến chốn, đúng bổ ích cho thế đạo, há chỉ là đặt dựng suông đâu” (Nguyễn Quý Ân, bia khoa 1659) v.v..

Ngày 9 tháng 3 năm 2010, Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội (Bia Tiến sĩ Văn Miếu) đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Mấy trăm năm đã trôi qua, những lời khắc trên các tấm bia này vẫn còn đó, tư tưởng trị nước dựa vào hiền tài vẫn chưa bao giờ là chuyện cũ, những lời răn dạy trí thức trên những tấm bia vẫn mang tính thời sự nóng hổi hôm nay.

Tất cả những câu, những chữ trên văn bia Văn Miếu vẫn mãi mãi là niềm tự hào hãnh diện về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng trí thức, giữ gìn phẩm giá liêm sỉ của người trí thức trước thời cuộc.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy