Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
15:45 (GMT +7)

Từ những cuộc đối thoại với dân

VNTN - Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân không phải là hoạt động mới, nhưng chủ động “tìm” đến nhân dân để lắng nghe và tinh thần “xây dựng” qua từng ý kiến của người dân lại là điểm mới trong phương thức đối thoại giữa những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh với nhân dân trên địa bàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây cũng là cách để những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gần dân hơn, hiểu dân hơn, từ đó có những giải pháp đúng đắn, kịp thời nhằm tăng sự đồng thuận, giảm bức xúc và giải quyết triệt để các vấn đề nổi cộm ở cơ sở ngay từ “gốc”… 


Từ chủ trương đến kết quả

Địa bàn rộng, đông dân cư, có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là những yếu tố tác động làm nảy sinh nhiều vấn đề “nóng” trên địa bàn huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên. Chính vì vậy mà Thường trực Tỉnh ủy đã chủ động lựa chọn 2 địa phương này để tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ và nhân dân trên địa bàn trong thời gian qua. Tại các buổi đối thoại, hàng chục lượt ý kiến chia sẻ, kiến nghị, đề xuất về các vấn đề “nóng” như đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, chất lượng cây trồng, vật nuôi… đã được các đại biểu nhân dân thẳng thắn trình bày một cách tỉ mỉ về việc mình bức xúc điều gì, hài lòng điều gì, mong muốn thế nào. Những ý kiến đó đã được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương và các ngành liên quan lắng nghe, tiếp thu và giải đáp kịp thời ngay tại buổi đối thoại. Trong đó, thay mặt những người đứng đầu của tỉnh, đồng chí Bùi Xuân Hòa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp, ngành trong tỉnh trong việc giải quyết kịp thời, xác đáng và triệt để những ý kiến, kiến nghị chính đáng mà người dân phản ánh; đồng thời giao nhiệm vụ, tiến độ giải quyết cho từng địa phương, đơn vị liên quan. Đồng chí cũng khẳng định vai trò của mỗi người dân trong việc đồng lòng, đồng sức tích cực tham gia giải quyết chính những ý kiến mà nhân dân phản ánh, bởi không một chính quyền nào có thể làm được tất cả mọi việc nếu như không có sự đồng thuận của nhân dân.

Một buổi đối thoại với dân của lãnh đạo Thị xã Phổ Yên.       Nguồn: phoyen.thainguyen.gov.vn

Thực tế cho thấy, việc chủ động trao đổi thông tin hai chiều đã giúp cho mối quan hệ giữa cán bộ các cấp và nhân dân gần gũi hơn, tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Đồng chí Bùi Văn Lương - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Phổ Yên cho rằng: “Đây là cách làm hiệu quả. Bởi tại các buổi đối thoại như thế này, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh, của địa phương sẽ có thêm một kênh tiếp xúc, đối thoại rộng rãi, trực tiếp với nhân dân trên địa bàn. Sau đó, từ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp có thể phát hiện, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Như vậy, chắc chắn sẽ có những định hướng giải quyết vấn đề mà nhân dân phản ảnh một cách kịp thời và triệt để”.

Về vấn đề này, đồng chí Lê Kim Phúc - Bí thư Huyện ủy Đại Từ cũng cho rằng: “Đây là cách làm vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa tạo diễn đàn để người dân trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình. Thêm vào đó, khi được trực tiếp nghe những người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh, của huyện giải đáp, người dân cũng sẽ thấy được một phần trách nhiệm của bản thân trong đó”.

Mơ ước về những lớp học khang trang, đẩy đủ thiết bị học tập của trên 200 trẻ ở 7 tổ dân phố chỉ cách trung tâm phường Lương Sơn, thành phố Sông Công gần 5km đã trở thành hiện thực trong năm học 2017-2018 này, khi mà mới đây, điểm trường mầm non tại Tổ dân phố Xộp đã được hoàn thành. Đó là kết quả của những ý kiến đề xuất thiết thực và chính đáng tại buổi đối thoại giữa thường trực Thành ủy Sông Công với nhân dân phường Lương Sơn gần 1 năm trước. Nụ cười rạng rỡ trên môi, cô giáo Trương Thị Hằng, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Sơn, thành phố Sông Công chia sẻ: “Từ nay, các em không còn phải đi học nhờ nữa. Đường vào trường cũng được nâng cấp, thuận tiện cho việc đi lại, nhà trường và phụ huynh đều rất phấn khởi. Giáo viên cũng yên tâm công tác hơn.”

Xây dựng điểm trường Tổ dân phố Xộp chỉ là một trong số rất nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Sông Công tiếp nhận và giải quyết qua các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân trên địa bàn. Đồng chí Dương Xuân Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sông Công cho biết: “Các cuộc đối thoại được tổ chức theo từng cấp, từ đối thoại tổng quát về công tác quy hoạch phát triển đến đối thoại cụ thể về từng lĩnh vực, nhằm tranh thủ cao nhất sự góp ý và đồng thuận của người dân trong thực hiện nhiệm vụ chung; qua đó giải quyết tốt các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Đây là một trong những giải pháp mà Đảng bộ thành phố Sông Công đã thực hiện nhằm đổi mới phương thức đối thoại, phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Đối thoại hay tiếp xúc?

Thực tế cho thấy, những buổi đối thoại giữa những người đứng đầu của tỉnh, đứng đầu các huyện thành thị với nhân dân các địa phương đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên số buổi đối thoại còn… khiêm tốn, chưa nhiều như kỳ vọng của người dân. Cùng với đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả thực sự của những buổi đối thoại “xây dựng và cầu thị”, bởi hiện nay, các cuộc đối thoại này đang được thực hiện dưới hình thức tiếp xúc nhiều hơn đối thoại. Có nghĩa là, số lượng ý kiến, kiến nghị được phản ánh tại đây tương đối lớn; vấn đề được phản ánh lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, trách nhiệm giải quyết của nhiều cấp ngành. Điều này dẫn tới việc trả lời, giải đáp, giải quyết các ý kiến, kiến nghị ngay tại chỗ có thể chưa triệt để. Bởi vậy, vô hình chung các buổi tiếp xúc, đối thoại cũng sẽ nghiêng nhiều về tiếp nhận hơn là giải quyết. Nói cách khác là nghiêng về tiếp xúc hơn là đối thoại.

Đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái - Thái Nguyên cho rằng: “Đối thoại là phải nói đi lại nói lại, có nghĩa là có tương tác trực tiếp giữa hai phía. Và có khi một vấn đề A, hay B bức xúc nào đó có thể được người đứng đầu của tỉnh đưa ra phương án giải quyết dứt điểm ngay tại buổi đối thoại. Mà muốn đưa ra được phương án giải quyết dứt điểm thì không có cách nào hơn là phải nắm bắt thông tin kịp thời, đầy đủ”.

Có thể thấy, thay vì trước đây, khi nảy sinh những vấn đề bất cập, người dân phải đến các cơ quan công quyền phản ánh, thì nay cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động “tìm” đến người dân để lắng nghe, nắm bắt và giải quyết, đó là cách làm mới, hợp lòng dân. Có thể vẫn còn có kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, có thể số ý kiến được giải quyết triệt để không nhiều, nhưng khi dân được trực tiếp nghe câu trả lời từ những người có trách nhiệm cao nhất của địa phương, thì chắc chắn những khó khăn, vướng mắc sẽ dần dần được tháo gỡ.

Làm thế nào để ít dần những buổi đối thoại chỉ được tổ chức khi vấn đề bức xúc của nhân dân đã đẩy lên đến đỉnh điểm, ít dần những buổi đối thoại trong không khí “căng thẳng, đau đáu chờ câu trả lời” từ phía ngành chức năng… Thay vào đó là những buổi đối thoại chủ động, đúng thời điểm, dân chủ, thẳng thắn, và được diễn ra trên tinh thần cầu thị, xây dựng từ người đứng đầu địa phương và những đại biểu nhân dân. Đó thực sự là những gì mà người dân kỳ vọng vào những người đại diện của mình.

Trần Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy