Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:00 (GMT +7)

“Từ nhân dân mà ra”

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Tin tưởng vào năng lực của đội ngũ cán bộ và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2017, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho xã Tiên Hội (Đại Từ) thực hiện đạt xã điểm nông thôn mới (NTM) tiên tiến; đến năm 2020 hoàn thành xã NTM kiểu mẫu của tỉnh. Ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã đúc kết: Thành công đều “từ nhân dân mà ra”. Minh chứng ở Tiên Hội là từ không có tên trong danh sách xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của huyện, nhưng đến hết năm 2015, xã Tiên Hội đạt 19 tiêu chí NTM, trở thành điểm sáng của phong trào. 


Sau nhiều lần hò hẹn, ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội mới sắp được lịch đưa chúng tôi đi thực tế. Ông phân trần: Làm cán bộ lãnh đạo địa phương, đâu chỉ ngồi bàn giấy, lo họp các ban chỉ đạo, mà hằng ngày trực tiếp gặp dân, nắm bắt được tâm tư, tình cảm và có hướng giải đáp thấu tình đạt lý. Vì… nhân dân là chủ thể của mọi phong trào.

Từng nhiều năm gắn bó với phong trào địa phương, nên ông thấu hiểu được nghĩ suy, mong ước của người dân quê mình, trong đó có cả những người thân của ông. Nên khi ở vị trí cán bộ lãnh đạo, ông không câu nệ, luôn lấy kết quả công việc làm thước đo phong trào. Ông cho biết: Năm 2017, xã tập trung vào các nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới; xây dựng kè chắn lũ Đồng Chung ở xóm Gò; xây dựng hệ thống cụm loa truyền thanh của xã, tập trung tu sửa nghĩa trang Liệt sỹ; làm bê tông 2,1 km đường liên xóm vào vùng sản xuất tập trung và 1,2 km đường vào khu sản xuất rau công nghệ cao; cứng hóa 500 mét kênh mương tại cánh đồng Bãi Cải,Trung Na 2.

Công việc của năm đang bày ra phía trước. Nhưng chắc chắn cán bộ, nhân dân xã Tiên Hội sẽ gặt hái được thành công. Bởi ở đây lòng người đồng thuận, biết chung sức, góp công xây dựng quê hương. Cụ Ngô Thị Liệu, 94 tuổi, xóm Thắng Lợi kể: Ngày trước, đây là một vùng đất nghèo của huyện Đại Từ. Đường xá lấm lem mưa, nắng; nông dân chật vật với mùa vụ, song chẳng có ai giàu…Cụ ngưng lời, khóe mắt như chợt cười mãn nguyện, rồi tiếp tục câu chuyện: Con cháu bây giờ giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi. “Chúng nó” làm “tam nông”, làm “nông thôn mới”, nghe “chúng nó” nói: Tất cả những việc đó là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tuổi cao, sức yếu, cụ không tham gia các cuộc họp của xóm, nhưng cụ biết rõ về tam nông, về xây dựng NTM thông qua việc con, cháu trong nhà thảo luận, bảo nhau tích cực đóng góp. Nên ngồi ở nhà, song cụ còn biết được ở xã có thêm những trục đường mới được làm bê tông, nhà ai làm giàu nhờ cây chè, cây bưởi và chăn nuôi trang trại. Câu chuyện của cụ, là một minh chứng sinh động về việc phát huy có hiệu quả tinh thần dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Được tôn trọng - nguyện vọng hết sức chính đáng của mỗi người dân khi tham gia các phong trào tại địa phương. Hơn thế, khi mỗi cán bộ, đảng viên biết gương mẫu, đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân mình, thì mọi việc dù khó mấy cũng đạt kết quả tốt. Ví như việc đồng chí Ma Văn Thành, Phó Bí thư Chi bộ; bà Đàm Thị Huân, Trưởng xóm Soi Chè đã không ngần ngại đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, đóng góp làm đường dân sinh. Rồi khi bắt tay vào xây dựng NTM, mỗi cán bộ, đảng viên ở xã đều nêu cao được tinh thần tiên phong, gương mẫu, tham gia đi đầu trong việc đóng góp tiền của, hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi xã hội.

Theo số liệu tổng hợp của UBND xã: Giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn xã có 929 lượt hộ dân tham gia hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng, với diện tích đất được hiến 44.500m2. Đến nay, toàn xã đã thực hiện bê tông hóa được 12km đường; giải phóng mặt bằng để trải nhựa 9km đường liên xã và nhiều công trình khác. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia đóng góp bằng ngày công và nguyên vật liệu với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Từ triển khai có hiệu quả việc lồng ghép, huy động vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn, huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân và mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2016, nhân dân ở xóm Đồng Chung đã có cây cầu chắc chắn, bảo đảm an toàn đi lại với tổng trị giá xây dựng 300 triệu đồng; Nhà văn hóa đa năng trung tâm xã được xây dựng, với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng; công trình nhà 2 tầng, 8 phòng học và khuôn viên Trường tiểu học Tiên Hội được xây dựng với tổng trị giá 5 tỷ đồng; công trình mương thoát nước khu quy hoạch dân cư Đồng Mạc, Phố Dầu được xây dựng, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Từ đồng lòng, phát huy nội lực, người dân xã Tiên Hội đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cùng thời gian, trên địa bàn xã có thêm nhiều những trục đường bê tông thoáng, rộng vươn dài về đến từng ngõ nhỏ, chòm xóm thêm nhiều công trình nhà ở khang trang. Và theo mùa vụ, ở Tiên Hội ngày càng xuất hiện thêm những triệu phú vườn đồi. Ông Hàn Tân Hoa, xóm Tiên Trường 2 là một minh chứng. Ông là một trong những nông dân đầu tiên ở xã mang cây nhãn Hưng Yên về trồng trên đất của gia đình. Ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 6.000m2 đất vườn đồi, cũng như bà con chòm xóm, sau bao năm cuốc bới trồng các loại cây mơ lai, hồng, vải, tre măng bát độ, lận đận với điệp khúc trồng, chặt, chặt trồng làm người dân chúng tôi đằng đẵng với khó nghèo. Rồi sau cùng chúng tôi cũng tìm ra cây cứu cánh cho cuộc sống của mình, đó là cây nhãn Hưng Yên, hạt nhỏ, cùi dày, ăn ngọt như đường phèn, bán được giá. Hiện gia đình tôi có hơn 100 gốc, mỗi gốc cho 2 tạ quả/vụ. Giả định mất giá, cũng bán được 10.000 đồng/kg, vườn nhãn vẫn cho tôi 200 triệu đồng/năm.

Từ năm 2011 đến nay, nhân dân xã Tiên Hội tham gia đối ứng cùng Nhà nước làm được 12km đường bê tông.

Chuyện phá bỏ cây vườn tạp, chuyển đất sang trồng cây ăn quả, làm giàu, nhiều người dân nhắc ngay đến ông Trần Văn Nhâm, xóm Tiên Trường 1. Ông Nhâm là người đầu tiên ở xã về Viện Giống cây trồng Trung ương mua cây bưởi Diễn và cây cam Canh về trồng. Mỗi năm vài chục gốc, đến nay gia đình ông có hơn 300 gốc bưởi, 100 gốc cam Canh đang cho thu hoạch, đạt 14 tấn quả/vụ, bán được hơn 1 tỷ đồng/năm. Ở xóm Tiên Trường 1, gia đình ông Trần Văn Quý, trồng 600 gốc bưởi Diễn, thu đạt gần 1,5 tỷ đồng/vụ. Cùng các loại cây cho quả là nhãn, bưởi, cam, người dân xã Tiên Hội còn đưa các loại cây thanh long, ổi, chuối về trồng trên đồi bãi để làm giàu. Hiện nhân dân xã Tiên Hội đã trồng được gần 100 ha cây ăn quả các loại, đạt giá trị từ 200 đến 300 triệu đồng/ha.

Chủ tịch xã Tô Viết Sơn tâm sự: Xây dựng NTM, chúng tôi đã làm rất tốt khâu tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ và người dân hiểu được đầy đủ, rồi mới vận động, định hướng cho mọi người, mọi nhà cùng vào cuộc. Và để “bền rễ, sâu gốc”, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân làm giàu thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức cho các hộ có cùng sở thích trồng cây ăn quả, làm chè, chăn nuôi được tham gia hội thảo, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời vận động các hộ dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về tiền vốn, giống cây trồng, vật nuôi không lấy lãi. Chúng tôi đang định hướng cho người dân đầu tư trồng cây ăn quả, trồng chè thành vùng sản xuất tập trung, từng bước xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm của mình.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong công tác chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã Tiên Hội chủ động phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện triển khai thực hiện các Đề án phát triển cây chè đến năm 2020; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất chất lượng cao, công tác chuyển giao KHKT, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện khuyến khích phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại dịch vụ; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thâm canh. Hiện nay xã có 2 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, như Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na, với 11 thành viên chuyên sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Tiên Trường 2 có 25 hộ tham gia, với 10,3 ha chè VietGAP. Bà Nguyễn Thị Toàn, thành viên của Tổ hợp tác cho biết: Gia đình tôi có 4.500m2 đất trồng chè, trong đó có gần 4.000m2 đất chè sản xuất theo quy trình VietGAP. Chè VietGAP bán được 170.000 đồng/kg, chè sản xuất theo phương pháp truyền thống bán được 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 1,5 tấn chè búp khô, tương đương với số tiền 240 triệu đồng/năm. Hiện xã Tiên Hội có 1.810 hộ, 6.727 nhân khẩu, 16 xóm. Thu nhập của người dân đạt bình quân 23,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm nhanh, từ 17,28% năm 2011, xuống còn 7,32% hiện nay.

Ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội (Đại Từ) trong một lần đi thực tế, vận động nhân dân tham gia làm chè VietGAP.

Từ phát huy nội lực, người dân xã Tiên Hội đang từng ngày làm thay đổi diện mạo quê hương. Minh chứng là những năm gần đây, khi nhắc đến Tiên Hội, người Thái Nguyên nhắc ngay đến một số những sản phẩm: nhãn Tiên Hội; bưởi, cam Tiên Hội, chè Tiên Hội… và hiện Tiên Hội có thêm một sản phẩm mới, đó là rau an toàn Tiên Hội. Tất cả đều “từ nhân dân mà ra”.

Minh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước