VNTN - Nói tới "mẻ gang đầu tiên" hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ đối với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Thái Nguyên mà với cả ngành công nghiệp nặng nước nhà.
Sản xuất tai nghe điện thoại tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên.
Đó là thời điểm lịch sử cách đây gần 52 năm, vào năm 1959, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn để xây dựng Khu công nghiệp Gang thép. Việc được chọn xây dựng Khu Gang thép có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh cả trên phương diện kinh tế và phương diện xã hội, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương. Cũng từ đó, Thái Nguyên chúng ta trở thành đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, cái nôi của ngành luyện kim cả nước. Sau hơn 3 năm tập trung nguồn lực, khẩn trương thi công, đến ngày 29/11/1963, toàn thể cán bộ, công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên vui mừng phấn khởi đón mẻ gang đầu tiên ra lò. Đây là mốc son đánh dấu quá trình khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của hơn 22 nghìn lao động toàn công trường. Cũng từ đây, cùng với các địa danh quen thuộc như thành phố Cảng Hải Phòng, thành phố Dệt Nam Định, thành phố Hóa chất Việt Trì... cả nước biết đến Thái Nguyên với danh xưng "thành phố Thép".
Khi về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên vào ngày 1/1/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui khi được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất gang thép khép kín với từng mẻ gang nóng hổi ra lò. Trong buổi nói chuyện với nhân dân địa phương và công nhân Gang thép ngay sau đó, Người nói: “Với Khu Gang thép, đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng về công nghiệp nặng thì đồng bào miền xuôi phải thi đua với đồng bào miền núi… Cán bộ và công nhân có thể tự hào rằng sau hơn 3 năm lao động cần cù, tự tay mình đã ngăn sông, xẻ núi, xây dựng một Khu Gang thép to lớn đầu tiên của nước ta”. Bác cũng căn dặn cán bộ, công nhân Khu Gang thép: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang…”.
Sản xuất thép tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Có thể nói mẻ gang đầu tiên đó như một dấu mốc quan trọng làm nên niềm tin, sức mạnh cho các thế hệ người Thái Nguyên phấn đấu duy trì và phát triển ngành công nghiệp sao cho tương xứng. Là một địa phương giàu tài nguyên khoáng sản và phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, vonfram, titan... nên chúng ta rất thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp luyện kim. Và thực tế thì ngành này nhiều năm nay vẫn đóng góp đáng kể cho kinh tế của tỉnh dẫu biết trong xu thế phát triển mới, ngành công nghiệp luyện kim ít được ưu tiên hơn trước do những tác động xấu tới môi trường tự nhiên. Nói vậy bởi ngành công nghiệp nặng của chúng ta xuất phát và đi lên chủ yếu từ ngành khai khoáng và luyện kim. Hầu hết các cơ sở sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp phục vụ luyện kim (gồm cả luyện kim đen và luyện kim màu) đều đang tồn tại và có những đóng góp đáng kể cho doanh thu toàn ngành. Khu vực Gang thép Thái Nguyên vẫn đang đứng đầu ngành luyện kim của tỉnh cả về quy mô đầu tư, hạ tầng, nhân lực và mức độ tác động xã hội. Tiếp đến là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tên tuổi như Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp, Công ty CP kim loại màu Thái Nguyên, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và phát triển nông thôn miền núi...
Tuy vẫn được xem là "cái nôi" của ngành luyện kim cả nước, nhưng thời gian gần đây chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã có những thay đổi theo hướng dịch chuyển dần từ công nghiệp luyện kim truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ với giá trị đóng góp vượt trội hơn. Chúng ta đều biết, ngành khai khoáng và luyện kim luôn để lại những tác động xấu, trong đó đáng quan tâm là tác động về môi trường. Thời gian qua, với công nghệ lạc hậu, hạn chế về quản lý, thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường... đã là những rào cản khó vượt qua đối với ngành khai khoáng, luyện kim của địa phương. Và đó là nguyên do tại sao tỉnh ta có những dịch chuyển bước đầu trong nội tại ngành công nghiệp. Thực tế hai năm trở lại đây cho thấy, sau khi có sự thay đổi hợp lý, ngành công nghiệp của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp phần lớn giá trị vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Các nhà phân tích cho rằng, năm 2014 là năm đánh dấu sự chuyển biến lớn theo hướng phù hợp trong cơ cấu ngành công nghiệp và sự phát triển mạnh mẽ đó trong 8 tháng đầu của năm 2015 đã một lần nữa khẳng định kết quả sản xuất công nghiệp thay đổi theo hướng hiện đại là khả quan.
Tập đoàn Samsung và các nhà đầu tư phụ trợ đi kèm là những đơn vị mở đầu cho sự dịch chuyển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ở địa phương. Các nhà đầu tư này đã không chỉ tạo làn sóng đầu tư vốn FDI khổng lồ với hàng tỷ USD mà còn mang đến cho ngành công nghiệp một luồng gió mới theo hướng công nghệ cao. Samsung đã tạo ra một chuỗi giá trị có hàm lượng thông minh vượt trội với sức đóng góp lớn cho cả ngành công nghiệp. Nếu năm 2013, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh chỉ đạt gần 39 nghìn tỷ đồng, thì năm 2014 với sự xuất hiện của Samsung và chuỗi các dự án phụ trợ, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng tới mức khó tin, gần 200 nghìn tỷ đồng, gấp nhiều lần so với những năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sức đóng góp lớn nhất, chiếm tỉ trọng tới 84% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong năm nay, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh còn tăng lên mức 300 nghìn tỷ đồng. Từ những kết quả đó có thể khẳng định, chính sự đóng góp của Samsung và các doanh nghiệp FDI khác đã quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và của toàn ngành công nghiệp nói riêng. Trong năm 2014, khu vực có vốn FDI đã đạt giá trị sản xuất tới 134,2 nghìn tỷ đồng, bằng 845% kế hoạch. Ngoài ra, khu vực công nghiệp này còn tạo ra sự vượt trội về kim ngạch xuất khẩu so với những năm trước. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt 240 triệu USD thì năm 2014 đã tăng lên khoảng 9 tỷ USD và khả năng năm 2015 sẽ tăng ở mức 16 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục mà ít ai dám nghĩ tới, nhưng thực tế lại đang diễn ra ở tỉnh ta kể từ khi có sự thay đổi nội ngành công nghiệp.
Tập đoàn Samsung tiếp tục triển khai các dự án điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình, T.X Phổ Yên
Để chứng minh vấn đề này, chúng ta hãy thử phân tích đôi chút về diễn biến sản xuất công nghiệp trên địa bàn từng thời điểm từ năm 2014 (năm đầu tiên Samsung và một dự án phụ trợ bắt đầu hoạt động) đến nay. Trong 2 tháng đầu của năm 2014, sản xuất công nghiệp diễn biến khá chậm, chỉ tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước do Samsung chưa sản xuất. Bước sang tháng 3, khi có sự xuất hiện các sản phẩm điện tử thông minh của Samsung, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng đột biến. Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 49.800 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước và về trước 6 tháng so với kế hoạch năm. 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp tăng rất mạnh, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm. Hơn 7 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp cũng tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.
Đây được xem là bước đột phá quan trọng của ngành công nghiệp, đánh dấu sự phát triển kinh tế vượt trội của tỉnh. Theo dự báo khả năng những năm tới ngành công nghiệp công nghệ cao của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi sau "sự kiện" Samsung vào Thái Nguyên, một số tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới đã chú ý và muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh ta. Với điều kiện hạ tầng gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được xây mới và nâng cấp cải tạo, cộng với việc quy hoạch và hoàn thiện 6 khu công nghiệp tập trung, trên 30 cụm công nghiệp, những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ưu đãi, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhiều đối tác.
Việc chuyển dịch công nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại và có hàm lượng công nghệ cao là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển của mỗi địa phương, song trên thực tế để sự dịch chuyển đó mang lại hiệu quả tốt đẹp, thực chất làm lợi cho kinh tế địa phương, rất cần sự sáng suốt lựa chọn phương án cũng như đối tác chiến lược của tỉnh. Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đã nhìn ra một số điểm yếu trong thu hút đầu tư công nghệ cao có sử dụng vốn FDI. Đó là tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài còn rất thấp, cá biệt có những trường hợp chưa kết nối tham gia. Thái Nguyên thu hút nhà đầu tư khổng lồ là Samsung nhưng thực chất đóng góp cho nền kinh tế địa phương của Tập đoàn này hiện tại chưa tương xứng với tên tuổi, quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Nếu chỉ nhìn vào số liệu về giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu thì Samsung đang tạo ra những ấn tượng chưa từng có, nhưng từ góc nhìn tỷ lệ nội địa hóa (với việc Tập đoàn này chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện sản xuất từ nước ngoài) thì mới thấy hết được khả năng đóng góp cho địa phương của doanh nghiệp. Giá trị thực của tỉnh khi Doanh nghiệp này đầu tư là một phần thu ngân sách, giải quyết lao động và giá trị gia công lắp ráp mà thôi...
Với mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì những dịch chuyển trong nội tại ngành công nghiệp như hiện nay của Thái Nguyên là phù hợp. Chỉ có điều, trong quá trình dịch chuyển không thể xem nhẹ vấn đề định hướng, quy hoạch, lĩnh vực đầu tư... trên cơ sở có lợi nhất cho địa phương về mọi mặt.
Nguyễn Nguyễn
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...