Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
03:35 (GMT +7)

Từ lời xin lỗi dán trên kính xe

VNTN - Những ngày qua, một hình ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội là một lời xin lỗi dễ thương dán bên ngoài cửa kính xe ô tô: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên lạc với cháu qua số điện thoại để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai. 0949…”.

Đó là việc làm của một nam sinh lớp 11, trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Việc làm đó của em nhận được rất nhiều lời bình luận, hầu hết là ngợi khen về ý thực tự giác, trách nhiệm, về đạo đức của em, về sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Nhiều người còn bày tỏ, khi biết được hành động của em đã tự soi lại mình và tự cảm thấy xấu hổ, thành thật thừa nhận rằng nếu ở hoàn cảnh đó mình khó có thể làm được như thế.

    Lời xin lỗi để bên ngoài cửa kính xe ô tô

Đoạn kết của câu chuyện này cũng kết thúc rất đẹp. Sau khi gọi vào số điện thoại ghi trên mảnh giấy, chủ của chiếc xe ô tô bị làm hỏng gương - là một bác sĩ công tác tại Hội Châm cứu TP Hải Phòng - biết được “thủ phạm” là một em học sinh, lại tiếp tục nhận được lời xin lỗi, được xin bồi thường thiệt hại, anh đã cảm kích thật sự, nên đã không những không bắt đền mà còn động viên, chúc em học tập giỏi. Thành viên Facebook tên Do Xuan Khoi viết: “Qua câu chuyện này đã cho bản thân tôi một bài học rất đáng quý, hai con người đó với xã hội hiện nay quả thật rất ít. Một người bác sĩ có tấm lòng vị tha cao cả, còn một bạn học sinh với sự trung thực dám làm dám chịu”. Bạn Minh Nhí bình luận: “Một hành động để chúng ta cùng suy ngẫm! Rất cần xã hội có nhiều người như thế, cám ơn cháu”.

Không ít người khi biết hành động đẹp cả ở hai phía (một nam sinh, một bác sĩ) đã tỏ ý nghi ngờ, cho rằng đây là một câu chuyện của văn chương, của tiểu thuyết, không có trong đời thực, hoặc nếu có thì cũng không phải ở Việt Nam trong thời buổi hiện nay.

Nghi ngờ cũng có nguyên do của nó. Bởi thường ngày, mọi người được nghe, được đọc, được thấy biết bao nhiêu những thông tin, những hành động không đẹp diễn ra trong đời sống đương đại, nào tham ô, tham nhũng, nào cướp giết hiếp, cho vay nặng lãi, bạo lực học đường… Những việc làm một thời đã rất phổ biến, trở thành bình thường trong xã hội như nhặt được của rơi đem trả cho người mất, trẻ giúp già, nam giúp nữ, thương người như thể thương thân… hầu như ngày càng ít đi, mất đi. Đó là điều thực sự đáng báo động. Có nhiều lý do để giải thích cho sự sa đọa, sự xuống cấp đó, nhưng tựu chung lại là do hình thái xã hội, hình thái kinh tế có nhiều biến đổi, các giá trị, danh dự được quy ra, được tính bằng tiền; lòng tự trọng, tự tôn dân tộc bị suy giảm.

Một thành viên khác có tên là Hiếu Hảo chia sẻ: “Ngày còn ở Nhật tôi đã thấy một việc giống như vậy. Một bạn người Nhật vô tình va quẹt làm hỏng cái giỏ ở phía trước xe và không biết khổ chủ là ai. Anh ta viết 1 tờ giấy: tôi thành thật xin lỗi vì đã làm hỏng xe của bạn, tôi gửi bạn 1 sen yên (tương đương 250.000 VN đồng). Tưởng chỉ có ở Nhật mới có chuyện đó?”. Và hiện nay ở Nhật Bản, có những vùng nông thôn, người nông dân mở quầy hàng bán nông sản ngay ven đường mà không cần người trông coi, cũng chẳng có camera giám sát, chỉ có các loại hàng hóa đính kèm số tiền, một cái cân, một thùng đựng tiền. Người mua tự chọn hàng, tự cân, tự bỏ tiền vào thùng. Tiền thu được không thiếu một xu.

Ở ta chắc chưa làm được như thế. Còn nhớ, vào những năm 80 thế kỷ trước, ở Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ, Hà Nội, người ta đặt một máy bán báo tự động. Cứ thả một đồng 5 xu (tiền kim loại) vào hộc thì máy thả ra một tờ báo Nhân dân. Chỉ mấy ngày sau, một nhóm trẻ em đã có “sáng kiến” là xâu chỉ qua lỗ đồng xu, cứ thả vào hộc rồi lại rút ra. Chỉ một đồng 5 xu đó mà các em lấy hết số báo trong thùng chứa của máy. Sau đó, dịch vụ này bỏ hẳn.

Có lẽ, một ngày nào đó, người Việt Nam sẽ có tinh thần tự giác, tin tưởng lẫn nhau, có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc rất cao như người Nhật. Nó bắt nguồn từ chính những hành động ngày hôm nay như của nam sinh kia ở thành phố Hải Phòng.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy