Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
09:26 (GMT +7)

Từ “Giận mà thương”, nghĩ đến chuyện tác quyền

VNTN - Theo bài viết "Có ai còn nhớ Nguyễn Trung Phong" đăng tải trên trang vanhoanghean.com.vn từ 22-9-2015 thì, năm 1970, tác giả Nguyễn Trung Phong viết vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh "Khi ban đội đi vắng", với nhân vật chính là một đôi vợ chồng nông dân xứ Nghệ thời hợp tác hoá . Biết ban đội (cán bộ HTX) đi vắng nên anh chồng tranh thủ đi buôn một chuyến lên chợ Lường (một trong những chợ lớn nhất ở Nghệ An). Thời đó, đi buôn được coi là "bóc lột", là... phạm pháp. Vì sợ ảnh hưởng đến gia đình và cũng vì trách nhiệm của xã viên, người vợ đã ra sức khuyên chồng đừng đi buôn như thế.

Với tình huống này, trong vốn cổ không có làn điệu nào phù hợp để diễn tả được trạng thái tâm lý, sự đan cài, níu kéo giữa các trạng thái cảm xúc, giữa lý trí và tình cảm, giữa cái chung và cái riêng của hai vợ chồng nọ. Thế nhưng, sau mấy ngày đêm nghiền ngẫm suy nghĩ, cuối cùng Nguyễn Trung Phong cũng đã sáng tạo ra một làn điệu đáp ứng yêu cầu của kịch bản. Đó là làn điệu mang tên "Giận mà thương".

Rất tiếc là, do không biết đến thông tin vừa nêu mà hầu hết những ai yêu thích ca nhạc dân tộc đều mặc nhiên vô tư coi "Giận mà thương" cũng chỉ là một trong những làn điệu sẵn có của dân ca Nghệ Tĩnh. Bởi vì lâu nay, mỗi khi phát đoạn lời người vợ khuyên chồng trong vở kịch nói trên, các Đài Phát thanh - truyền hình hầu như chưa bao giờ nhắc tới tác giả của làn điệu mới này; trái lại, có Đài còn cho phát cả những bài gọi là viết lời theo điệu Giận mà thương, hoặc theo điệu Ví giận thương (!).

Cũng theo bài viết nói trên, Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nguyên là Phó trưởng Ty Văn hoá Nghệ Tĩnh (đã mất). Ông tuy không được qua trường lớp đào tạo nào về âm nhạc và sân khấu nhưng đã trở thành một kịch gia nổi tiếng của Nghệ An. Tác phẩm tiêu biểu của ông là kịch bản chèo "Cô gái sông Lam" giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu năm 1962. Tối ngày 27-5-1962, Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được biểu diễn vở này tại Phủ Chủ tịch và Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ trực tiếp trao tặng Huy hiệu của Người.

Như vậy là sau câu thơ để đời "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong" của Thanh Tịnh được truyền thông vô tình "sang tên" cho người khác; sau khi chẳng còn mấy ai biết đến Bảo Định Giang chính là tác giả của "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ"; sau khi câu thơ trĩu nặng tình người xa quê “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…” của Á nam Trần Tuấn Khải; câu thơ lấp lánh ánh trăng "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" của Bàng Bá Lân, bài thơ “Trên trời mây trắng như bông” của Ngô Văn Phú được chuyển vào kho... ca dao, vv..., thì đến lượt "Giận mà thương" - một thành tựu sáng tạo cá nhân của Nguyễn Trung Phong sẽ được "công hữu hoá"?

Rất có thể bản thân và gia đình những tác giả bị quên tên hoặc nhầm tên không nặng về giá trị vật chất của tác quyền; nhưng nếu như chúng ta vẫn tiếp tục “giữ nguyên hiện trạng" thì phải chăng đã vô tình thể hiện sự thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ? Sẽ là thỏa đáng nếu khi phát "Giận mà thương", nhà đài có thêm phần giới thiệu tác giả, đại loại như: Nguyễn Trung Phong phát triển dân ca Nghệ Tĩnh, hoặc sáng tác dựa trên âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh của Nguyễn Trung Phong; cũng nên làm điều đó với những câu thơ của các tác giả Thanh Tịnh, Bảo Định Giang, Trần Tuấn Khải, Bàng Bá Lân, Ngô Văn Phú trên.

Những bài thơ, bài hát hay mang phong vị dân gian thường có xu hướng dân gian hóa, tác giả của chúng từ hữu danh dần dần trở thành vô danh. Đó là xu hướng hình thành ca dao dân ca trong nền văn học. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, khi tác phẩm văn chương nghệ thuật có quá nhiều phương tiện để ghi lại và lưu trữ thì việc “trả lại tên cho… tác giả” không khó khăn để thực hiện. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào nhận thức và thái độ của người sử dụng mà thôi.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy