Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Từ cuộc sống đến nghị trường

Giữa tháng 11 này, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành kỳ họp thứ hai, một kỳ họp mà thời gian ngắn hơn nhiều so với các kỳ họp cuối năm khác, nhưng thực tế cuộc sống lại đặt ra yêu cầu rất lớn, từ những quyết sách tại nghị trường.


Gắn bó mật thiết với nhân dân

Sau 16 ngày họp cả trực tuyến và trực tiếp, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua 2 luật, cho ý kiến 5 dự án luật, thông qua 12 nghị quyết, xem xét nhiều vấn đề quan trọng khác. Bên cạnh một số vấn đề cụ thể, chuyên ngành, còn lại, bao trùm các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường là yêu cầu, đòi hòi lớn của cuộc sống về hai vấn đề vô cùng quan trọng cho cả trước mắt lẫn lâu dài: Chiến lược tổng thể phòng chống, dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội họp phiên bế mạc sáng 13/11/2021

Tại nghị quyết chung về kỳ họp, Quốc hội đã nêu rõ yêu cầu tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Còn ở nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, khá nhiều công việc đã được ấn định thời gian hoàn thành. Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội đã yêu cầu trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin. Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Cũng trong năm 2022, Quốc hội yêu cầu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Triển khai tiêm phòng COVID -19 tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh: Đào Tuấn

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội quyết nghị, trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, yêu cầu cụ thể là đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.

Riêng đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Còn nhiều, nhiều nữa những yêu cầu gắn với đòi hỏi cấp bách cũng như lâu dài của cuộc sống đã được Quốc hội nêu trong các nghị quyết của kỳ họp, minh chứng cho nhận xét: hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao, được thể hiện tại nghị quyết chung của kỳ họp.

Cuộc sống không chờ đợi

Sau khi kỳ họp thứ hai kết thúc, tuần qua, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp.

Nhận xét chung từ nhiều cuộc tiếp xúc, trong đó có buổi tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri Hải Phòng, là Quốc hội và Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, hợp lòng dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh. Nhiều chủ trương, chính sách đúng và trúng cho từng vùng miền, khu vực, địa phương đã tạo ra nhiều động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh tham gia giã bánh giầy cùng bà con nhân dân huyện Định Hóa (16/11/2021)

Nhưng, vẫn còn đó những đòi hỏi từ cuộc sống không chờ được đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, nếu vẫn theo thông lệ vào tháng 5/2022 mới diễn ra. Như, quyết định giải pháp tổng thể về tài chính và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, sửa một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh...

Bởi thế, hiện nay, "các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đang rất tích cực chuẩn bị vấn đề này, cố gắng đến cuối tháng 12/2021, chậm nhất là đầu tháng 1/2022 Quốc hội sẽ tiến hành thêm một Kỳ họp nữa - việc chưa có tiền lệ để sớm có giải pháp tổng thể về tài chính và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, tăng trưởng, an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng cũng ngày đêm trao đổi với nhau để thống nhất các vấn đề cụ thể trình Bộ Chính trị và xin ý kiến Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội cho biết khi về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với đồng bào các dân tộc xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày 16/11 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ân cần thăm hỏi bà con trong chuyến công tác tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên) ngày 16/11 vừa qua.

Phát biểu khi về thăm Định Hoá giữa tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta phải nỗ lực xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả của dân, do dân và vì dân, nhân dân được thụ hưởng mọi thành quả của đổi mới và phát triển. Sự nghiệp đổi mới không có người dân tham gia thì cũng không thành công được. Thành quả của đổi mới và phát triển mà nhân dân không được thụ hưởng thì cũng chẳng có ý nghĩa. Từ ngày trước Bác Hồ đã nói như thế. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn. Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm hơn nữa

Cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội còn cho biết, trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cho vay tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp. Cũng liên quan đến gói hỗ trợ này, ngày 16/11, khi làm việc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, gói chính sách tiền tệ, tài chính hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, sẽ xem xét các nội dung liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và hiện đại hóa ngành y. Như thế, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, chỉ trong nửa năm, Quốc hội có thể họp ba kỳ, đó chính là đòi hỏi từ cuộc sống đã khiến nghị trường hối hả hơn, đưa Quốc hội đến gần dân hơn.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy