Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
08:51 (GMT +7)

Từ cơ hội vàng đến hiện thực hóa đầu tư

VNTN - Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao…, những năm gần đây, Thái Nguyên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tiềm lực ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã tạo nên sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.

Thành công từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 đã mang đến cơ hội tiềm năng, có giá trị gia tăng lớn cho 62 dự án của 44 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 115 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có: 16 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 03 dự án nông nghiệp; 15 dự án siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao; 19 dự án hạ tầng đô thị và giao thông; 05 dự án về y tế, giáo dục, công nghệ thông tin và 04 dự án về xử lý rác và nghĩa trang.

Dự án Nhà máy KHVATEC HANOI tại Khu công nghiệp Điềm Thụy là 1 trong 3 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 48 triệu đô la Mỹ, thu hút hơn 2.000 lao động

Trong số các dự án đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, có rất nhiều dự án có quy mô lớn, tác động tích cực tới sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong những năm tiếp theo, như các dự án của Tập đoàn T&T, Tập đoàn TMS, Tập đoàn Danko, Công ty Cổ phần Vườn Thời đại Việt Nam,… Trong đó, phải kể đến 2 dự án của Tập đoàn FLC, gồm Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên, quy mô diện tích 1.525ha, tổng vốn đầu tư 14.800 tỷ đồng và Dự án Khu đô thị mới FLC Thái Nguyên, quy mô diện tích trên 500ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC cho biết: “Hiện nay, cả 2 dự án đều đang được các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch và phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, FLC đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng phối hợp và hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong thời gian sớm nhất, để Tập đoàn có căn cứ tính toán hiệu quả đầu tư dự án theo quy hoạch”.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T cũng khẳng định: “5 dự án mà T&T đã ký kết đầu tư tại Thái Nguyên, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 50 nghìn tỷ đồng hứa hẹn sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên, tạo hiệu ứng thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp khác. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các dự án. Phấn đấu đến năm 2025, các dự án do T&T đầu tư tại Thái Nguyên sẽ trở thành hiện thực”.

Ngay sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương và có những chỉ đạo cụ thể đối với việc hiện thực hóa các dự án đã ký kết. Theo đó, Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được thành lập, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành của chính quyền các cấp được coi trọng, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đôn đốc và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó khẳng định trách nhiệm của tỉnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, coi sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự phát triển chung của tỉnh.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân và những nỗ lực của các chủ đầu tư, đến nay đã có 22/62 dự án, bằng 35% số dự án hoàn thành thủ tục về đầu tư, với số kinh phí đăng ký thực hiện trên 12.300 tỷ đồng; 36/62 dự án, bằng 58% số dự án đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

Với số kinh phí đăng ký thực hiện trên 100 nghìn tỷ đồng; chỉ có 04 dự án chậm triển khai, do nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện.

Hiện, 22 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư đã giải ngân được gần 1.100 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án đã đi vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của đơn vị, cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Dự án nhà máy KHVatec Hà Nội tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy là một trong những minh chứng điển hình. Ông Kim Do Kyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH KHVatec Hanoi bày tỏ: “Ngay từ khi triển khai dự án, KHVatec đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, nhờ đó chúng tôi đã hoàn thành dự án sớm hơn so với kế hoạch. Hiện nhà máy có quy mô 102 triệu sản phẩm/năm, đã thu hút hơn 2.000 lao động và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho địa phương”.

Không chỉ có các nhà đầu tư ngoài tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động từ các dự án đã ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018. Trong đó, điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG với hàng loạt dự án nhà máy may ở các huyện, các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư, dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1;… Hiện cả 3 dự án do TNG làm chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, công ty đang lập hồ sơ thiết kế cơ sở và tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác bồi thường GPMB phục vụ dự án.

Công ty CP Thương mại Thái Hưng cũng là một trong những doanh nghiệp của tỉnh ghi dấu ấn tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, với các dự án có số vốn đăng ký đầu tư lớn về lĩnh vực đô thị. Ông Nguyễn Duy Luân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho biết: “Được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ trường học và nhà ở Gia Sàng Thái Hưng Eco City (gọi tắt là Khu đô thị Crown Villas) và Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án công viên giáo dục trải nghiệm Thái Hưng tại Thành phố Thái Nguyên. Hiện nay, Khu đô thị Crown Villas đang được công ty triển khai tích cực, với Tiểu khu Iris đã hoàn thành được 30% khối lượng xây dựng. Trong đó, trường phổ thông liên cấp Iris - một tiện ích đặc biệt nằm trong tiểu khu này đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng, dự kiến đi vào hoạt động ngay trong năm học 2019-2020 này”.

Là địa phương có số dự án đầu tư lớn nhất từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, ngay sau đó, thành phố Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án đã ký kết; thành lập tổ công tác, kịp thời nắm bắt và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là đối với công tác bồi thường, (GPMB) qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện đúng kế hoạch.

Một minh chứng đáng mừng nữa, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt đề xuất đầu tư mới của các nhà đầu tư uy tín như: TMS, Flamingo, Danko, là sự tiếp tục ghi nhận về một môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên luôn vận động, với lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, môi trường đầu tư minh bạch và những chính sách đầu tư cởi mở.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đánh giá tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018: “Tỉnh Thái Nguyên đã bày tỏ quyết tâm rất cao trong việc đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương và cộng đồng quốc tế cũng “yểm trợ” cho những nỗ lực đáng ghi nhận đó. Rõ ràng, đây là giai đoạn quan trọng để Thái Nguyên nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, qua đó tạo động lực để phát triển một cách toàn diện và bền vững”.

Có thể nói, 1 năm sau sự kiện xúc tiến đầu tư, Thái Nguyên đã nắm bắt được “cơ hội vàng” để ngày càng có những đổi thay tích cực, từ diện mạo đô thị đến sự phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, làn sóng đầu tư sôi động cũng góp phần thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức triển khai các dự án đầu tư, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Huy Hòa - Trần Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy