Từ bi kịch chìm tàu đến “luật của người Việt”
VNTN - Một ngày đầu tháng 6, chiếc tàu chở khách du lịch mang tên Thảo Vân 2 lật nhào trên dòng sông Hàn (Đà Nẵng) nhấn chìm 56 du khách và mãi mãi cuốn đi 3 con người xấu số khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Lý do rõ ràng tới mức chỉ sau hơn một ngày, chính quyền đã đưa ra được kết luận cuối cùng và không ai có thể biện hộ: Phương tiện xuống cấp không đủ điều kiện vận hành, lượng khách gấp đôi so với quy định, không đủ áo phao phòng hộ... Chúng ta phẫn nộ với hành động kiếm tiền trên tính mạng người khác của chủ tàu, bức xúc với sự thờ ơ (vô tình hoặc cố ý) của các đơn vị quản lý… Nhưng chắc chắn, không thể không trách sự vô trách nhiệm với chính mình của hơn năm chục nạn nhân khi bị nhồi nhét mà vẫn lên tàu, không có áo phao mà vẫn điềm nhiên thưởng ngoạn.
Tàu du lịch Thảo Vân chìm trên sông Hàn làm 3 người chết được trục vớt. Nguồn: Internet
Hành động thỏa hiệp với cái ác, tặc lưỡi để lòng tham có cơ hội hoành hành, coi thường luật pháp dù luật pháp ấy đang bảo hộ cho chính mình đã khiến chuyến du lịch ý nghĩa bỗng trở thành thảm họa. Điều đáng nhấn mạnh là, chuyện nhồi nhét khách khi tham gia giao thông đường thủy như Thảo Vân 2 không phải hãn hữu ở nước ta. Cuối tuần, ngày lễ, trên các tuyến xe từ Bắc vào Nam, hành khách phải đứng một chân, ngồi nửa ghế là chuyện quá bình thường. Với suy nghĩ “cốt sao được việc”, “ở đâu chả thế” khiến hành khách đáng ra là “nạn nhân” thì lại thành “đồng phạm” tiếp tay cho cái xấu. Mỗi khi đến chốt cảnh sát giao thông, anh lái, chị phụ hô to: “Kéo rèm, cúi xuống, nằm im”, tức thì mấy chục con người “cun cút” nghe lời như thể trước mắt là đồn giặc và người phụ lái ấy là… phụ mẫu.
Những nghịch lý nêu trên bắt nguồn từ cái nhìn và cách hành xử của người Việt đối với luật pháp. Luật ra đời để bảo vệ cộng đồng, ngăn ngừa cái ác, đảm bảo sự công bằng và duy trì trật tự xã hội. Vậy mà ở Việt Nam, luật thường bị lép vế bởi lệ - thói quen tùy tiện được đám đông bảo hộ. Phép vua thua lệ làng, một bồ cái lý không bằng một tý cái tình - tư duy coi nhẹ lý tính, hạ thấp pháp luật ấy đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức người dân nông nghiệp hàng ngàn năm qua. Từ bao đời nay, chúng ta vốn chỉ theo lệ, nghĩa là nhìn người khác, hùa theo số đông, theo thói quen chứ không thích luật, dẫu là luật của một ông Vua đi nữa. Bị cảnh sát tuýt còi đề nghị xuống xe, chín trên mười người Việt “hồn bay phách lạc”, không nhớ một dòng luật nào trong đầu để tự biết mình đúng hay sai mà chỉ làm theo lệ: đút một tờ polyme trong xấp giấy tờ, gọi điện cho người thân, dúi vào tay anh cảnh sát cái phong bì chuẩn bị sẵn ở nhà có dòng “Kính viếng” kết hợp với khuôn mặt thẫn thờ “rất đúng mốt một nhà có đám”… Không hiểu luật dẫn đến sợ luật, sợ tất cả những gì liên quan đến luật. Kiện tụng, ra tòa, làm chứng, đệ đơn… được cho là sự tối kị, “vạn bất đắc dĩ” bởi định kiến hằn sâu: “kiện ông Huyện về quê”, “kiện củ khoai”, “chờ được vạ thì má sưng”… Xa hơn nữa là thói quen lách luật, trốn luật. Ý thức tôn trọng pháp luật - điều xuất hiện trong những bài học đầu tiên của sách giáo khoa, trong rất nhiều baner đường phố, trong mọi bản kiểm điểm, báo cáo định kỳ dường như lại quá mờ nhạt trong tâm thức mọi người. Không hiểu luật, sợ luật, chống lại pháp luật - đó là cái vòng luẩn quẩn, là con đường đưa chúng ta rời xa thế giới của văn minh.
Giữa thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ, một chí sĩ yêu nước có tư tưởng cấp tiến đã viết bản điều trần “Tế cấp bát điều” gửi tới vua Tự Đức, trong đó nhấn mạnh việc “Xin lập khoa Luật” bởi đó là nền tảng của một xã hội kỷ cương, bền vững. Văn bản chính luận ấy đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 11. Và khi mùa thi Đại học đến gần, ta lại thấy, Luật học đang được xếp ở vị trí đầu bảng trong tốp các ngành khoa học xã hội có sức hút đối với người học. Liệu đó có phải tín hiệu mừng báo hiệu trong tương lai gần, người Việt trẻ sẽ thay đổi cái nhìn về luật?
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...