Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:37 (GMT +7)

Truyện ngắn Phùng Cung: Lý tưởng nhân văn trong mối tương quan văn hóa và nhân cách

Lý tưởng nhân văn là những gì người đọc cảm nhận rõ nét qua những truyện ngắn của Phùng Cung - một người nhìn thấu và nhìn rõ hồng trần. Phùng Cung như một người tài hoa với cái nhìn thâm sâu và thẳng thắn về sự tha hóa của nhân cách và chạy theo cám dỗ quyền lực, tất thảy những điều đó chính là một trong những nguyên nhân làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Truyện ngắn Phùng Cung: Lý tưởng nhân văn trong mối tương quan văn hóa và nhân cách
Tác phẩm của nhà văn Phùng Cung

Phùng Cung (1928 - 1998) sinh ra tại làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng quê tổ ở tại xã Cam Lân, tổng Đường Lâm thuộc Sơn Tây - xứ Đoài. Sơn Tây bấy giờ bao gồm cả tỉnh Vĩnh Phúc và một phần tỉnh Phú Thọ nên có thể xem quê sinh và quê tổ của ông là một. Phùng Cung từ nhỏ đã được gửi đi tỉnh lỵ Sơn Tây học, cho đến khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, ông mới trở lại Vĩnh Phúc khi vừa tốt nghiệp trung học. Nhiều người cho rằng Sơn Tây là đất học, không hoàn toàn đúng, nói đúng hơn là không phải đất học mà là đất để học, học chữ, học nhân cách, học lý tưởng bởi vùng “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” đã phần nào nói lên được tính cách của con người nơi đây - cứng cỏi và không dễ khuất phục. Có thể nói mảnh đất Sơn Tây là cái nôi ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành cũng như hình thành nhân cách, tầm nhìn của Phùng Cung.

Truyện ngắn Phùng Cung: Lý tưởng nhân văn trong mối tương quan văn hóa và nhân cách
 Nhà văn Phùng Cung

Cuộc đời Phùng Cung là những biến cố thăng trầm trước xã hội mà nhân cách con người luôn có nguy cơ bị tha hóa, biến chất. Lực bất tòng tâm, ông chỉ biết gửi gắm những suy tư, cảm xúc của mình qua những tập truyện ngắn. Truyện ngắn đầu tiên  được công bố của Phùng Cung là Con ngựa già của chúa Trịnh (in trên Nhân văn số 4, tháng 10 năm 1956). Tác phẩm là sự khắc khoải đau đớn của tác giả khi con người vì chạy theo cám dỗ, bổng lộc mà đánh mất đi tài năng, nhân cách. Phải kể đến hoàn cảnh bắt đầu đặt ngòi bút của tác giả. Năm 1947, khi Phùng Cung đang làm chủ tịch xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, thực dân Pháp thời điểm đó chiếm lại sân bay Tông và tỉnh lỵ Sơn Tây nhằm khống chế vùng Tây Bắc, anh em Phùng Cung lên chiến khu Việt Bắc. Sau đó, năm 1948, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Phùng Cung được điều về Hội cùng với Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…

Lúc này văn nghệ trở thành văn nghệ kháng chiến làm nhiệm vụ tuyên truyền, khích lệ, động viên tinh thần cho bộ đội, cho nhân dân, cho kháng chiến. Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc diễn ra năm 1949 đã phê phán và chối bỏ những nghệ thuật “không phù hợp”, điều này đã dẫn đến đến quan hệ giữa các văn, nghệ sĩ có sự rạn nứt. Thời điểm đó, tuy mới chỉ làm công tác ở văn phòng cơ quan Hội Văn nghệ nhưng Phùng Cung đã thấu được cái hoàn cảnh ấy. Đỉnh điểm cho nỗi uất ức và đau đớn của ông là trong cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy địa chủ, bố ông bị bắt và giam ở Thái Nguyên, khi ông trở về thăm bố thì chỉ còn lại nấm mồ lạnh lẽo, đơn sơ chỉ cành sắn cắm lên làm dấu. Ông ra về trong nỗi tiếc thương về số phận con người. Ông đã bày tỏ sự phê phán và châm biếm của mình qua ngòi bút sâu cay mà tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh.

Truyện ngắn của Phùng Cung là một hệ tư tưởng, một con đường riêng mà trên con đường đó ông dám phê phán, dám nói, dám châm biếm thực tế xã hội, sự tha hóa nhân cách, túng thiếu, khổ sở, con người vì bổng lộc mà đánh mất đi cái tôi, bản lĩnh của mình. Mặc dù trong hoàn cảnh xã hội như vậy, Phùng Cung vẫn nhất mực đi theo lý tưởng nhân văn và tìm được mối tương quan giữa văn hóa và nhân cách. Văn hóa không chỉ là cái nôi của nhân cách mà còn là môi trường để nuôi dưỡng, chi phối nhân cách. Văn hóa còn thì dân tộc còn, nhân cách còn và các giá trị truyền thống ông bà đúc kết hàng nghìn năm còn. Văn hóa mất là mất hết. Bởi thế không quá khi nói Phùng Cung là niềm tự hào của mảnh đất Sơn Tây cứng cỏi và không dễ bị khuất phục, tha hóa.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện  Nhân học Văn hóa, trong lời giới thiệu tập Truyện ngắn Phùng Cung đã viết: “Như vậy, kể cả Con ngựa của chúa Trịnh, sự nghiệp văn xuôi của Phùng Cung chỉ có mười lẻ một. Tất cả các truyện ngắn này đều nhắm đến một mục đích: chống lại sự tha hóa nhân cách, từ người nông dân nghèo đói, chống lại sự cám dỗ của quyền lực, chống chiến tranh,… như là những nguyên nhân hủy hoại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Phùng Cung đã tìm ra được mối liên hệ giữa văn hóa và nhân cách. Văn hóa không chỉ tạo ra nhân cách mà còn là môi trường nuôi dưỡng, bảo vệ nhân cách. Bởi vậy, hủy hoại văn hóa cũng là hủy hoại nhân cách, đúng hơn nhân cách văn hóa”.

Phùng Cung sáng tác cả văn xuôi và thơ, nhưng theo đánh giá của các bạn văn, văn xuôi của ông có phần trội hơn. Phùng Cung luôn hướng về các lý tưởng nhân văn, các giá trị cốt lõi mang bản sắc văn hóa thuần Việt. Ông đã kiến tạo lại bản chất văn hóa và ngôn ngữ mang đậm hồn quê, hồn Việt và văn hóa Việt - điều đã làm nên thương hiệu cho Truyện ngắn Phùng Cung với những tác phẩm đặc sắc như: Biệt tích; Chiếc mũ lông; Ván cờ khai xuân; Hương dạ hợp; Con muông nòi; Giải thoát; Mộ phách...

Nếu như Con ngựa già của chúa Trịnh là ngòi bút châm biếm sâu cay, ẩn dụ tế nhị về cám dỗ bổng lộc mà mất đi tài năng thì Biệt tích lại là một câu chuyện khác rất nhẹ nhàng, ẩn ý để bày ra sự lên ngôi của thực dụng, ngớ ngẩn, lười dốt, cẩu thả đã làm mất đi đạo đức nghề nghiệp của con người. Đó là truyện ông Lâm, một người thợ mộc, không thể hội nhập được với đời sống mới, không chấp nhận được lối ăn thật làm dối trong cái xã hội bấy giờ. “Với phó Lâm, tua, mộng là tuyệt kỹ, khi vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ!. Ấy vậy mà Hợp tác xã lại theo chủ trương “nhanh, nhiều, rẻ, tốt”, không cần chuẩn bị cũng không có sách lược gì mà cứ thế định cải tạo xã hội một lần là xong, cứ đinh đinh như kiểu ta nhất định thắng mà không lường được hậu quả, phương án đối phó với những diễn biến bất ngờ. Hay Mạt kiếp còn chua cay thê thảm hơn nhiều, đây là một trong những truyện ngắn đau đớn nhất nói về nạn đói, sự khốn khổ và túng thiếu tột cùng của con người. Vẫn là giọng văn đầy châm biếm của Phùng Cung nhưng ở đây tác giả còn khéo léo biến hóa ngòi bút để nói lên nỗi bi đát, éo le nhất, dở khóc dở cười trong thân phận con người. Lão Thiều bị cái đói nghiền nát nhân phẩm, lão cố ngóc đầu lên để được sống làm người, sống như người nhưng cuối cùng lão cũng bị dồn vào đường cùng mà ngã quỵ. “Ðói, lạnh, nặng, cả ba lực giáp công, lão không sao ngóc đầu lên được. Chỉ trong chớp mắt lão nghỉm hẳn”.

Xuyên suốt các tác phẩm của Phùng Cung, người đọc đều dễ dàng nhận thấy ông luôn giữ thái độ ôn hòa và khéo léo sử dụng hình thức ẩn dụ, châm biếm, lấy một câu chuyện để nói lên những bất bình, bất công, khổ lụy của chế độ thời bấy giờ. Tư tưởng của Phùng Cung đều lấy lý tưởng nhân văn, văn hóa và nhân cách con người làm nòng cốt.

Đã hơn hai thập kỉ kể từ ngày Phùng Cung rời xa trần thế, nhưng truyện ngắn của ông để lại cho thế hệ sau những cái nhìn rõ nét, bài học sâu sắc về văn hóa dân tộc cũng như những giá trị nhân văn cao cả.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy