Truyện cực ngắn - thể loại xung kích của văn chương
Truyện ngắn là thể loại quan trọng trên các báo và tạp chí. Không có nó, các ấn phẩm văn chương khó đứng vững. Truyện ngắn thường có độ dài từ 2000 đến 5000 chữ, những trường hợp đặc biệt có thể đến trên một, hai vạn chữ. Nhưng truyện ngắn còn có một loại hình số chữ ít hơn nhiều, chỉ khoảng 1500 chữ trở lại, có truyện chỉ vài trăm chữ… Người viết và người đọc quen gọi đó là truyện ngắn mini, truyện cực ngắn. Truyện rất ngắn. Ở Trung Quốc còn có tên gọi là tiểu tiểu thuyết, vi hình tiểu thuyết, truyện ngắn một phút, truyện ngắn bỏ túi…
Trên thế giới cũng như ở các nước phương Đông (Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ…), truyện cực ngắn đã có quá trình manh nha hình thành và có sự phát triển mạnh mẽ. Các nhà văn lớn như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Băng Tâm, Diệp Thánh Đào, Giả Bình Ao… song hành với những tác phẩm dài hơi cũng có nhiều truyện cực ngắn rất xuất sắc.
Ở Việt Nam nhà văn đại diện cho sự thành công về truyện mini phải kể đến Nguyễn Công Hoan với giọng văn hài hước, cười ra nước mắt. Ở Nga, nửa cuối thế kỷ XIX Anton Chekhov (1860 - 1904) đã có khá nhiều truyện ngắn chỉ từ 1000 chữ nhưng đã làm rung chuyển nền văn học thế giới. Các nước Âu Mỹ cũng có nhiều nhà văn sáng tác loại truyện này.
Ở Việt Nam và Trung Quốc truyện cực ngắn chỉ thực sự thịnh hành và được đông đảo bạn đọc biết tới vào khoảng bốn, năm mươi năm trở lại đây. Và có lẽ từ đó các nước ASEAN cũng bắt đầu phát triển truyện cực ngắn. Đặc biệt từ năm 1984 ở Trung Quốc đã có hẳn một tạp chí dành riêng cho truyện cực ngắn mang tên là "Truyện ngắn mini chọn lọc" chuyên đăng tải các truyện cực ngắn trên toàn quốc. Số lượng phát hành cao nhất trong làng văn chương Trung Quốc (700.000 bản mỗi kì). Hằng năm, tạp chí chọn ra 10 truyện ngắn hay nhất để trao thưởng. Như vậy là ít nhiều đã có sự phân loại (truyện ngắn thông thường/ truyện ngắn mini).
Vậy truyện ngắn thông thường với truyện ngắn mini có sự giống, khác nhau ở điểm nào? Tất nhiên đã là thể loại truyện ngắn thì thường có sự giống nhau về dung lượng, cấu trúc, khắc họa nhân vật, sử dụng chi tiết, ngôn ngữ và vài thủ pháp khác. Ở bài viết này chỉ xin bàn riêng về loại truyện cực ngắn, nghĩa là các truyện có số lượng chữ như vừa nói ở trên.
Trước hết, về định nghĩa (tương đối) thì truyện cực ngắn vẫn nằm trong định nghĩa chung của truyện ngắn: "truyện ngắn là hình thức văn xuôi tự sự cỡ nhỏ…". Khảo sát truyện ngắn của một số tác giả có tính chuyên nghiệp ta nhận thấy trong các truyện ngắn của họ thường có một hoặc vài ba tình huống, rồi xoay quanh các tình huống, các nhân vật, cốt truyện… toát lên ý tưởng, thông điệp gửi tới độc giả. Đó là quan niệm về truyện ngắn theo lối truyền thống. Tuy nhiên, theo một đề xuất của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn thì loại truyện ngắn chỉ có một tình huống mới là những truyện ngắn mang tính đặc trưng cho thể loại. Những truyện ngắn có từ hai, ba tình huống trở lên là những truyện ngắn có xu thế trở thành truyện vừa, truyện dài. Một quan niệm rất đáng chú ý. Đọc truyện cực ngắn, ta nhận thấy hầu hết chỉ có một tình huống. Từ đó, theo quan niệm của Chu Văn Sơn, có thể suy ra truyện cực ngắn mới chính là những truyện ngắn mang tính đặc trưng thể loại nhất.
Đã có không ít các nhà văn, nhà nghiên cứu từ xưa đến nay phát biểu về tính chất, đặc điểm của truyện ngắn. Ví như: "truyện ngắn như là đường bay của mũi tên bắn trúng đích", "truyện ngắn là con đường độc đạo". Hay các nhà lí luận thường so sánh truyện ngắn với những hình ảnh "lát cắt", "tia chớp" và bàn đến "độ căng" trong kĩ thuật viết truyện ngắn… Những ý kiến ấy, thấy dường như càng chính xác hơn khi áp dụng với loại truyện ngắn mi ni.
Vậy thể loại truyện ngắn mini dễ hay khó viết và giá trị của nó so với các truyện ngắn thông thường là gì? Thực ra trong sáng tác văn chương, khó có thể nói thể loại nào khó hơn thể loại nào. Thể loại nào cũng có mỗi sự khó hoặc dễ riêng. Với lại, cũng còn do từng tạng của người viết. Về giá trị nội dung và nghệ thuật cũng vậy. Một bài thơ tứ tuyệt hoặc bài thơ haiku (Nhật Bản) chỉ đóng khung trong ba dòng nhiều khi lại được độc giả thích thú hơn cả một trường ca. Thông qua việc đọc các tác phẩm cụ thể ta sẽ phần nào hình dung được những thắc mắc nêu trên.
Ở bài viết này, khi đưa ra những dẫn chứng để minh họa, xin phép được lấy dẫn chứng từ các truyện ngắn mini của Trung Quốc, là một nước có nhiều thành tựu ở mảng thể loại này.
Nếu đọc khoảng 100 hoặc 1000 truyện ngắn mini của các nhà văn Trung Quốc, ta dễ dàng nhận thấy, trước hết là lối viết rất dung dị, gần gũi với đời thường. Ngôn ngữ trong truyện ngắn mini không có sự cầu kì, hoa mĩ, đôi khi chỉ như những câu nói, giọng kể chân thật y như trong cuộc sống. Có thể vì vậy mà có nhà văn xếp truyện ngắn mini vào loại truyện bình dân (đối lập với văn chương bác học). Tất nhiên ta không phủ nhận tính bình dân của truyện cực ngắn. Bình dân thường rất dễ hiểu. Một độc giả bình thường, thậm chí ít học cũng có thể dễ dàng đọc thông thoáng một truyện ngắn mini. Điều đáng nói là mỗi truyện cực ngắn dường như đều có một triết lí, nhẹ hơn là một ý tưởng và biến nó thành thông điệp, khi sâu sắc, lúc nhẹ nhàng gửi tới bạn đọc. Đôi khi cũng có những truyện ngắn mini ở tầm cao hơn, tuy ít chữ, kiệm lời nhưng cũng luận về những vấn đề lớn như nhân loại, chiến tranh, triết học, văn hóa không kém gì những thể văn học khác. Nhưng có lẽ điều lí thú nhất ở truyện cực ngắn là luôn tạo ra sự bất ngờ, sự bất thường. Mà nói theo các nhà lí luận thì đó là "sự bất thường hiện ra như một cái bình thường; và cái bình thường hiện ra như một cái bất thường".
Đọc truyện "Người nhà quê" của Đằng Chương, một truyện cực ngắn được bình chọn là truyện hay nhất năm 2004 của tạp chí "Truyện ngắn mini chọn lọc", không khỏi giật mình về sự "bất thường" của một người nông dân Trung Quốc lần đầu ra thành phố. Khi đi trên quốc lộ anh ta nhất quyết phải hỏi bằng được ở đâu có đường ngựa vằn (vạch dành riêng cho người đi bộ qua đường) để sang đường. Đi mãi, hỏi mãi, tìm mãi không thấy đường ngựa vằn. Nhiều người khuyên anh ta: "chỗ nào cũng có thể qua được, anh muốn đi qua chỗ nào thì đi qua chỗ ấy", nhưng anh nhất quyết không nghe, phải tìm bằng được đường ngựa vằn thì mới sang đường. Nhiều người thương hại, cũng nhiều người chế giễu, nhưng anh vẫn giữ nguyên câu hỏi: "Ông có thể nói giúp tôi ở chỗ nào có đường ngựa vằn không?". Không ai tìm thấy đường ngựa vằn cho người nhà quê. Cuối cùng anh ta(*) mệt mỏi, bất lực, kéo lê túi hành lí trên đường, tiếp tục đi tìm đường ngựa vằn. Một câu chuyện hết sức bất thường về tâm lí (có lẽ ở đời thực không có ai như anh nhà quê trong truyện ngắn này), nhưng ở tác phẩm nó lại hoàn toàn trở thành cái bình thường. Để từ đó nói về một việc khác.
Hay truyện "Công viên của gã lang thang" cũng là một truyện hay của năm 2004 của tạp chí "Truyện ngắn mini chọn lọc". Truyện kể về một gã hành khất lang thang, ngủ trong công viên. Cái hình hài đói khát, rách rưới của gã không ai thèm để ý. Người qua đường coi như một gốc cây, một tảng đá vô tri vô giác. Công an thành phố nhận được từ điện thoại di động báo trong công viên đang xảy ra một vụ hãm hiếp, bạo hành phụ nữ. Họ đã kịp tới tóm gọn thủ phạm. Sau khi bắt được thủ phạm, công an rất nóng lòng tìm người điện thoại đến báo án để làm nhân chứng khi cần thiết. Nhưng họ hiểu đây là một việc mò kim đáy bể, vì đó chỉ là sim rác. Khi thực thi công vụ, các vị cảnh sát cũng nhìn thấy gã hành khất nằm ở tít góc công viên, nhưng cho qua vì cũng như nhiều người, họ chỉ coi gã như một gốc cây hay một tảng đá vô tri. Cảnh sát đi khỏi, gã lang thang co mình trong ổ chăn bao tải, mặt tỉnh bơ, khóa máy điện thoại di động cho vào túi. Vấn đề của truyện đưa ra không có gì lớn, nhưng có sự bất thường: Điện thoại di động một thời rất hiếm, chỉ những người khá giả mới có được, vậy mà nó lại là một vật dụng trong tay một gã lang thang đói rách.
Có lẽ truyện mini có nhiều độc giả còn bởi hầu hết đều giàu tính nhân văn.
Truyện ngắn "Ngân hàng đau đớn" của Tạ Phong Vinh là một ví dụ. Một chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa tìm đến "ngân hàng đau đớn". Đó là tên gọi của một ngân hàng có thể "chuyển khoản" những đau đớn, bệnh tật sang người khác, hoặc ngược lại. Chàng trai đến ngân hàng với ý định sẽ "chuyển khoản" đau đớn của người mẹ già bệnh tật sang cho mình, vì anh nghĩ đằng nào mình cũng chết nên để mẹ sống những ngày cuối đời được khỏe mạnh, vui tươi. Anh đã kí hợp đồng với ngân hàng, nhưng không biết nói với mẹ ra sao cho bà tán thành. Về nhà anh nói dối là đưa mẹ đến bệnh viện khám bệnh và nhân tiện mình cũng khám bệnh luôn thể. Họ cùng bước vào "Trung tâm chuyển khoản". Chàng trai thầm cầu nguyện mẹ được như ý. Các thiết bị bắt đầu làm việc. Một lát sau, chàng trai bỗng nhiên thấy mình khỏe hẳn lại, tinh thần vô cùng thư thái như được thay đổi da thịt. Anh thấy lạ, chồm dậy, vội nhìn sang phía mẹ, thấy bà nằm bất tỉnh nhân sự, vội gào lên, cho rằng ngân hàng lừa đảo. Nhưng nhân viên ngân hàng đã kịp thời cho anh biết, mẹ anh đã đến ngân hàng này trước anh và đã kí một hợp đồng chuyển nhượng tất cả đau đớn, bệnh tật của anh sang bà. Tất nhiên, ngân hàng phải giữ bí mật. Cuộc chuyển nhượng này là thực hiện theo hợp đồng của bà chứ không phải của anh. Nút thắt của truyện tận đến khi kết thúc mới hé lộ. Lại là sự bất ngờ và bất thường nữa. Sự thực thì làm gì trên thực tế có cái ngân hàng như vậy, nhưng vào tác phẩm thì cái bất thường ấy lại là cái bình thường, người đọc có thể chấp nhận. Rất nhiều truyện cực ngắn của Trung Quốc có giá trị nhân văn sâu sắc như vậy.
Đọc truyện ngắn mini Trung Quốc có cái thích thú là độc giả được "giật mình liên tục", "ngạc nhiên liên tục", cứ bị tác giả kéo theo hết bất ngờ nọ đến bất ngờ kia. Như truyện "Trí thức" của Tử Cán. Một giáo sư, tổng biên tập một tạp chí khá nổi tiếng từ một tỉnh lẻ xa xôi về Bắc Kinh dự hội nghị. Ông biết là tình hình tầu xe rất phức tạp nên mang theo một cuốn tạp chí do ông là tổng biên tập, phòng khi tầu xe quá chật chội, có nó đưa ra để làm vật chứng minh mình là một trí thức. Ngày ấy, ở Trung Quốc, trí thức là một thành phần được ưu tiên. Quả là tầu xe quá đông đúc, khiến ông dường như nghẹt thở không chịu nổi. Ông bèn bày tỏ với vài nhân viên trên tầu rằng với sức khỏe và tuổi tác, ông không thể chịu đựng được sự ngột ngạt nhưng họ đều làm ngơ. Cực chẳng đã, cuối cùng ông phải vừa phân trần vừa đưa cho một nhân viên toa tàu cuốn tạp chí mà phía cuối sách có in tên ông là tổng biên tập. Nhân viên cầm cuốn tạp chí đi sang toa tầu bên cạnh, bảo ông chờ đợi. Một lát sau, cô đến lễ phép mời ông vào toa xe dành riêng cho nhân viên trên tầu rất rộng rãi, thoải mái, lại còn pha trà mời ông rất trịnh trọng nữa.
Vị giáo sư, tổng biên tập cảm thấy rất tự hào.
Kết thúc hội nghị, về tới nhà, ông ôm vợ nói một hồi về cái giá trị của trí thức ngày hôm nay. Chỉ cần ông đưa cuốn tạp chí có in tên và chức danh của ông cho nhân viên toa xe là đã có một chỗ ngồi đàng hoàng.
Bà vợ ngạc nhiên hỏi về cuốn tạp chí. Khi biết ông đã lấy cuốn tạp chí mà mấy hôm trước bà có kẹp vào đó 500 nhân dân tệ, một khoản tiền khá lớn để chuẩn bị đi nộp nhà trường cho đứa cháu, bà lặng lẽ nhìn ông, không nói. Một truyện ngắn gây sự bất ngờ và ngạc nhiên cho bạn đến tận câu cuối.
Nói về những tính chất của truyện ngắn mini đã có không ít những phát biểu, nhận định. Có người cho rằng truyện cực ngắn là một sản phẩm kết hợp hòa trộn giữa truyện ngắn và thơ. Còn về nghệ thuật viết thì như một nhà phê bình đã từng nhận định rất chí lí, rằng một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật viết truyện ngắn mini là nghệ thuật tạo ra những khoảng trống. Cần hiểu đây là "khoảng trống nghệ thuật", nghĩa là những gì không có trong tác phẩm nhưng được độc giả tự bổ sung, phải đọc trong tâm thế đồng sáng tạo.
Có một truyện ngắn của nhà văn Liên Xô cũ chỉ vẻn vẹn vài trăm chữ (xin lỗi quên tên cả tác phẩm và tác giả): Bọn phát xít bắt được hai cha con Hồng quân Liên Xô. Khi đem xử bắn, tên đao phủ tỏ ra nhân đạo với người chết, đưa ra một mệnh lệnh: "Tao cho bố con mày một đặc ân là bắn đứa nào trước, đứa nào sau?". Không hề đắn đo, người cha chỉ vào con gái, ung dung nói "bắn nó trước!". Truyện chỉ có vậy. Không thêm một bình luận nhưng nó buộc người đọc phải suy nghĩ để tìm được ý nghĩa câu nói cuối cùng của người cha, nhận vào mình nỗi đau khi phải chứng kiến người thân yêu bị giết. Đó là một khoảng trống rất cần cho loại truyện ngắn mini.
Ngoài những đặc tính trên, người đọc còn nhận thấy các tác giả truyện mini nhiều khi chỉ đơn thuần muốn "khoe" kĩ thuật viết. Trên thực tế, có khi tác giả không quá quan tâm đến các ý tưởng mà chỉ nhằm đưa ra những cách thể hiện hay, bất ngờ, gây ra sự ngạc nhiên, hứng thú cho bạn đọc, như một "biểu diễn" của nghệ thuật văn chương.
Có thể nói, với dung lượng ngắn hết sức phù hợp với sức đọc của thời kinh tế thị trường ngày hôm nay; với sự dung dị, gần gũi với cuộc sống, truyện cực ngắn sẽ có xu thế trở thành một thể loại xung kích trên mặt báo, nhất là các báo văn chương. Từng có một giảng viên đại học đã làm một cuộc khảo sát khoảng 200 sinh viên văn học xem các em thích đọc loại truyện ngắn thông thường hay loại truyện mini, thì chiếm hơn 70% số sinh viên nói thích đọc truyện cực ngắn hơn. Điều này cũng không có gì là khó hiểu. Thì tạp chí "Truyện mini chọn lọc" ở Trung Quốc cũng là một tạp chí đông đảo bạn đọc nhất trong các loại tạp chí là gì. Ở Việt Nam cũng có một thời điểm, truyện mini chiếm ưu thế trên các báo, tạp chí như Thế giới mới, Tài hoa trẻ, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng… Mỗi truyện ngắn mini trên các báo, tạp chí này từng có hàng vạn độc giả, hàng nghìn lời bình. Rồi sau mỗi cuộc thi thường có sự tuyển chọn để xuất bản những tuyển tập truyện ngắn mini với vài ngàn bản một lần in, bán hết veo.
Tiếc rằng, hiện nay không hiểu sao nhiều tờ báo, tạp chí ở trong nước rất ít xuất hiện truyện ngắn mini. Bạn đọc thường chỉ thấy loại truyện này chủ yếu trên các trang văn hóa văn nghệ của các báo ngành, báo Đảng và một số rất ít ở các tạp chí văn nghệ địa phương. Vậy là chúng ta bỏ lỡ mất một thể loại được đông đảo quần chúng mến mộ, đón đọc.
Mong sao có được sự cải thiện để một ngày nào đó những truyện ngắn mini của tác giả Việt Nam thực sự trở thành một món ăn tinh thần, có thể phục vụ bạn đọc như một thể loại xung kích của văn chương.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...