Trường Sa đẹp tươi, gần gũi
VNTN - Trân trọng cơ hội hiếm hoi được trải nghiệm những điều tuyệt vời khi đến với Trường Sa, đi để thêm thấu hiểu và tự hào về lớp lớp người đang ngày đêm kiên gan giữ chủ quyền nơi phên giậu của Tổ quốc. Nỗ lực thu nhận mọi thứ vào ống kính máy ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Khánh Vân đã tạo nên dấu ấn nghề nghiệp của bản thân trong triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên mang chủ đề “Không xa đâu Trường Sa ơi”.
Khánh Vân cứ cảm kích mãi, rằng chuyến đi Trường Sa trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất vừa qua như là món quà Trời cho, bởi ước muốn ấy đã nung nấu trong lòng ông suốt mấy mươi năm. “Sung sướng và liều lĩnh” đăng ký đi biển đảo ở tuổi 64, có lúc ông giật mình lo sợ, bởi đã nghe kể nhiều về những cơn sóng cả dữ dội. Vậy là kế hoạch rèn luyện thể lực bắt đầu. Hơn hai tháng liền, những bài tập chống say sóng được vận dụng, những buổi vận động rèn sức bền được duy trì đều đặn đã cho ông sự tự tin về một thể trạng tốt. Trở về đất liền sau hơn hai mươi ngày “ăn ngủ cùng sóng biển”, gặp ai Khánh Vân cũng khoe một điều kỳ lạ, chẳng hiểu sao tóc bỗng dưng bạc đi nhiều lắm. Và nói đến điều ấn tượng nhất về Trường Sa, ông không thể kiềm lại niềm xúc động: Chưa bao giờ tôi thấy lá quốc kỳ tung bay phấp phới lại hùng thiêng đến thế; và giai điệu của khúc Quốc ca vang lên giữa mênh mông sóng nước đã chạm đến trái tim, khiến tôi lặng đi bởi cảm giác tự hào, kiêu hãnh.
Có gần hai mươi năm công tác tại trường Hạ sĩ quan xe tăng thuộc Binh chủng xe tăng (Long Thành, Đồng Nai), cái chất hào hoa, lãng mạn lính tráng như vẫn còn in đậm trong ông, để rồi khi đến với đảo xa, gặp gỡ những chàng trai đáng tuổi con, cháu mình, thấy gần gụi, thân thương quá đỗi. Ông bảo: “gặp những người lính trẻ, bỗng bồi hồi nhớ mình ngày xưa. Chính sự vui tươi, háo hức của họ đã truyền cảm hứng cho mỗi cú bấm máy của tôi trong suốt chuyến đi. Được quen thân những người bạn mới, tôi ghi nhớ tất cả vào sổ tay nhật ký hành trình. Tranh thủ mọi lúc mọi nơi, tôi chụp, chụp, và chụp. Bởi tôi biết đây là cơ hội không dễ gì có thêm lần nào nữa”.
75 tác phẩm chọn trưng bày tại triển lãm “Không xa đâu Trường Sa ơi”, khai mạc ngày 28/4 vừa qua tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là 75 khoảnh khắc sinh động về cuộc sống đời thường, con người, vẻ đẹp thiên nhiên nơi đảo xa mà nghệ sĩ Khánh Vân chắt lọc từ hàng nghìn file đã chụp. Quá trình tác nghiệp trên các điểm đảo, ông luôn nghĩ cách làm thế nào để tìm ra đặc thù riêng, thể hiện được những góc nhìn độc đáo, khác lạ. Xác định tiêu chí chụp ảnh thời sự - nghệ thuật, với tinh thần không quản ngại vất vả, ông thường tranh thủ thời gian tách đoàn, len lỏi khám phá bằng sự tò mò, thích thú, đi sâu vào mảng sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ đảo; tiếp tục phát huy thế mạnh chụp ảnh đời thường, tìm kiếm những khoảnh khắc vừa có giá trị thông tin, chứa đựng thông điệp của đời sống, lại giàu tính nghệ thuật.
Tâm sự
Có lẽ sự khéo léo trong giao tiếp đã khiến những ai gặp gỡ, tiếp xúc với Khánh Vân đều cảm thấy thoải mái. Nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi, nên việc tác nghiệp, tìm kiếm những bức ảnh đẹp về bố cục, ánh sáng cũng có phần dễ dàng hơn. Ở một tác phẩm, 11 gương mặt chiến sĩ trẻ đã được chớp lấy với những nụ cười, ánh mắt như cùng chung một tâm trạng háo hức gửi “Lời chào quyết thắng” tới người hậu phương. Nhìn họ, lòng bỗng ấm áp. Tuổi trẻ rực rỡ tràn đầy nhiệt huyết, không giấu giếm những hồn nhiên, nhí nhảnh, thật thà… Lại có những bức hình đầy ẩn ý như “Khát vọng”, ống kính tập trung làm nổi bật chậu xương rồng nhỏ xinh được đặt đâu đó trên lan can, hay trên khung cửa sổ? Hậu cảnh là cầu cảng, là biển xanh mênh mông. Nghĩ gì, thấy gì, tùy thuộc vào mỹ cảm của từng người xem ảnh. Ở đảo, sự gắn bó, thương yêu luôn hiện hữu từ những điều rất nhỏ. Chú chó thân thiện cùng những người lính trong phút họ nghỉ giải lao luyện tập ở thao trường, như muốn gửi trao “tâm sự”, muốn được vỗ về cưng nựng. Nội dung bức ảnh không mới lạ, song có thể khiến người xem vô thức mỉm cười, thấy lòng bình an đến lạ. Không phải là diễn tập, lệnh báo động thực sự vang lên khi đơn vị đang xôn xao chuẩn bị gói bánh chưng; hình ảnh người chiến sĩ chạy xuống cầu thang với đầy đủ quân tư trang cần thiết sẵn sàng chiến đấu, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời trong xanh được Khánh Vân tranh thủ chụp vội, cũng đã thể hiện tinh thần lao động chuyên nghiệp của người nghệ sĩ.
Mắt đảo
Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ của hải trình Trường Sa, ông hào hứng kể về “sự cố” tác nghiệp trên đảo Phan Vinh: gần 4 giờ sáng trong lúc mọi người còn đang say ngủ, tôi đã thức dậy, khoác máy ảnh một mình đi bộ ven đảo để khám phá, hi vọng có thể thu vào ống kính vẻ đẹp cảnh vật, con người đảo nhỏ buổi bình minh. Đang ngó nghiêng quan sát thì bị đội tuần tra đảo phát hiện, họ tra hỏi dồn dập vì nghi ngờ mình là thành phần xấu. Trước đó, cũng vì mải mê ngắm một “Nụ cười lính đảo” trẻ trung, vừa gặp mà như đã thiết thân từ lâu nên cứ hàn huyên, tàu hú còi rời cảng Cam Ranh nhưng tôi không để ý, suýt thì bị bỏ lại trên đất liền.
Nói gì, nói thế nào về Trường Sa qua những bức ảnh là điều khiến nghệ sĩ Khánh Vân trăn trở. Không thể phủ nhận sự áp lực về chuyện trùng đề tài, đến đâu cũng là tăng gia sản xuất, nghe đài, đọc báo, lên - xuống tàu…, nhưng với tinh thần lần đầu trải nghiệm, ông nhìn mọi thứ mới mẻ bằng mỹ cảm riêng có của mình. Ông tìm đến “anh nuôi” - “Người giữ lửa” ấy chỉ còn một ngày ở đảo là hoàn thành nghĩa vụ. Ngọn lửa nấu chín những món ăn, lửa mang niềm tin yêu biển đảo thiêng liêng của người chiến sĩ. Họ đã sống trọn vẹn với từng phút giây, để ngày ra quân không còn gì hối tiếc vì đã cống hiến hết mình. Đêm xuống, ông lẩn mẩn đi tìm khoảnh khắc “Câu cá đêm” và vui mừng khi thấy “Quà của biển” được các chiến sĩ khệ nệ thu về. Nụ cười của họ hóm hỉnh và nhẹ tênh trước gian khó biển khơi. “Mắt đảo” là một cú bấm máy đầy thú vị, chứa đựng cảm xúc chân thực đến từng nhịp thở của người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Ánh mắt ngước nhìn vào ống kính, nhưng vẫn thấy tinh thần kỷ luật thép, sự tập trung cao độ, một sắc thái nghiêm cẩn và mạnh mẽ.
Người giữ lửa
“Không xa đâu Trường Sa ơi” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Khánh Vân sau nhiều năm ông tham gia hoạt động nhiếp ảnh. Từ những ngày phụ trách tuyên huấn trong quân đội, ông đã đam mê chụp ảnh, tự mày mò học hỏi kỹ thuật để phục vụ công tác tuyên truyền của đơn vị. Sau khi phục viên (1990) ông theo nghề chụp ảnh dịch vụ, có thời gian thì đi sáng tác ảnh nghệ thuật. Được kết nạp vào Hội VHNT Thái Nguyên từ năm 2008, Khánh Vân thể hiện tài năng trong mảng đề tài về cuộc sống đời thường với những tác phẩm hàm chứa nội dung và thông điệp sâu sắc. Sau một năm vào Hội, tác phẩm “Được mùa” của ông đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Năm 2010, ông đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc với tác phẩm “Mẹ yêu”. Ngoài ra còn có rất nhiều giải Ba, giải Khuyến khích ở các cuộc thi cấp tỉnh. Năm 2017, tác phẩm “Em bé và những đôi chân” của ông được chọn là ảnh đinh trong Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế VN17.
Trong khuôn khổ của triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Khánh Vân tổ chức hoạt động đấu giá ảnh, bán ảnh với mục đích chung tay ủng hộ mua máy lọc nước biển gửi đến các điểm đảo. Chương trình đang được Trung ương Đoàn cùng Câu lạc bộ Biển đảo, Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai thực hiện. Tham quan triển lãm, công chúng còn gián tiếp được biết về những trải nghiệm, kỷ niệm của tác giả trong chuyến đi Trường Sa được chia sẻ trên những tấm băng rôn đẹp mắt qua lời văn mộc mạc, những câu thơ tự sáng tác đầy ngẫu hứng…
Nhiều đến mấy cũng vẫn là không đủ khi nói về Trường Sa, Khánh Vân và những bức ảnh đẹp của ông hi vọng góp thêm một chút thông tin về vùng phên giậu của Tổ quốc; đem đến một Trường Sa đẹp tươi gần gũi, để công chúng Thái Nguyên hiểu biết hơn về nơi ai cũng ước mong được đến một lần… Ngắm nhìn thành quả của mình, ông rưng rưng bộc bạch: Trường Sa sẽ mãi là dấu ấn đặc biệt và tươi đẹp của cuộc đời tôi. Tôi tin mình đã không chỉ nỗ lực vì ước mong của cá nhân, mà còn để nhiều người cùng có thể thưởng ngoạn và tự hào về một phần máu thịt thiêng liêng đất nước
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...