Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
19:19 (GMT +7)

Truông Bồn – khắc khoải mãi nhớ thương

  • VNTN- Hy sinh bởi chiến tranh, thật khó để nói nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào. Nhưng sự ra đi của những người chỉ cách hoà bình trong gang tấc, chỉ cách giấc mơ vào giảng đường vài bước chân, chỉ cách hạnh phúc lứa đôi nửa tầm tay với... vẫn luôn làm cho người ở lại day dứt, khắc khoải đến khôn nguôi.

Nhà tưởng niệm 1240 liệt sĩ đã hy sinh trên cung đường huyền thoại Truông Bồn 

Một ngày giữa tháng 5, cỏ cây ở khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An) như xanh hơn. Màu xanh tựa như tuổi xuân, như hoài bão, như tình yêu của những người con ưu tú đã tan vào lòng đất mẹ. Tôi cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu của Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Thái Nguyên lặng lẽ xếp hàng, trước ngôi mộ chung của 13 chàng trai, cô gái đã “bất tử” trong tim của những người dân đất Việt.

“Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”

Đoàn đại biểu của Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên tưởng niệm 13 liệt sĩ TNXP tại trước phần mộ tập thể

Khói nhang nhẹ toả, những cánh hoa trắng mỏng khẽ khàng được dâng lên trước mộ phần. 13 dòng tên các liệt sĩ hiện ra trước mắt cũng là lúc lòng mỗi người trong chúng tôi hoà vào thổn thức rất riêng, rất đỗi linh thiêng của Truông Bồn. 13 liệt sĩ nằm trong phần mộ là các thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 2, Đại đội 317.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến đường ác liệt nhất, bởi Truông Bồn là nút giao thông trọng điểm trên tuyến đường chiến lược 15A, là huyết mạch giao thông quan trọng của lính vận tải Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Không quân Mỹ xem Truông Bồn là “yết hầu” vận tải bởi có cung đường độc đạo chỉ dài khoảng 5km, địa hình hiểm trở, đèo dốc. Nếu bị đánh phá, sẽ gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài. Bởi vậy, chúng đã dùng lực lượng không quân khổng lồ ồ ạt ném bom huỷ diệt xuống Truông Bồn. Từ năm 1964 - 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa. Chúng đánh suốt ngày đêm không theo bất kỳ một quy luật nào. Trung bình mỗi mét đất nơi đây phải hứng chịu hơn 3 quả bom cày xới.

Dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, chúng tôi được tiếp cận với nhiều tư liệu quý: Theo nhật ký chiến sự của  đồng chí Nguyễn Thành Ất, Trưởng ban Chỉ huy đảm bảo giao thông Truông Bồn, cao điểm có ngày chúng đánh 131 trận, với 170 lượt máy bay và ném 934 quả bom xuống Truông Bồn chỉ trong 10 tiếng đồng hồ.

Với số lượng bom đạn khủng khiếp như vậy, Truông Bồn trở thành một vùng đất chết, vùng đất được ví là hũ bom của miền Bắc. Để đảm bảo chi viện cho chiến trường Miền Nam, tỉnh Nghệ An và Quân khu 4 đã huy động 13 đơn vị quân đội, 9 đại đội TNXP cùng các lực lượng giao thông vận tải, dân quân địa phương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường.

Tiểu đội thép Truông Bồn trước khi hy sinh (đầu tháng 8/1968) khẩn trương san lấp hố bom để thông đường, thông xe

Sự hung bạo của kẻ thù đã không thể làm nhụt đi ý chí của những chàng trai, cô gái mang trong tim tình yêu nước cao hơn tất thảy, ngược lại càng thổi bùng lên ý chí quyết thắng để “mạch máu” giao thông chi viện cho miền Nam thân yêu không ngưng nghỉ một ngày.

Với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, hàng vạn con người đã vượt lên bom đạn, vượt lên vất vả, thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa san lấp hố bom, phá bom, mở đường, đêm về thay nhau là cọc tiêu sống dẫn đường cho từng chuyến xe qua.

Các chị, các anh đã đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải toả hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn, theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến sinh tử này 1.240 cán bộ chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968.

Nhiều anh chị lẽ ra đã rời đơn vị vào một ngày trước đó. Nhưng khi nhận được mật lệnh của cấp trên yêu cầu đơn vị đảm bảo thông đường để đoàn xe quân sự đặc biệt vào chiến trường và bộ đội hành quân qua Truông Bồn trước khi trời sáng, tất cả các anh chị đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đồng đội.

“Ước mơ bình thường cũng bị chặt đứt bởi chiến tranh”

Phần mộ tập thể của 13 Anh hùng liệt sĩ Đại đội 317

Đó là một ngày Đông, trời chưa sáng, bóng đêm không nhìn rõ mặt người. Mọi người lập tức ra trận địa, ai cũng hồ hởi làm đường. Họ vừa làm vừa cười nói, vừa kể cho nhau nghe bao nhiêu dự định sau khi xuất ngũ. Người được về chăm sóc cha mẹ già, người thì sẽ làm đám cưới, nhiều người khác về nhập học.

Vừa sửa đường, vừa đứng làm cọc tiêu trong sương mù cho từng chuyến xe qua, tránh những chỗ lầy thụt và bờ vực. Khi chuyến xe cuối cùng vừa qua khỏi, công việc sắp hoàn thành thì thì tiếng kẻng báo động vang lên, hàng chục chiếc máy bay gầm rú, lao tới, trút bom xuống Truông Bồn. Tiếng nổ làm rung chuyển cả núi đồi. Từ trên bầu trời lả tả rơi xuống những mảnh áo, những cán xẻng, cành cây, cả những vành nón mũ.

Đội hình Tiểu đội 2 bị vùi nát dưới trận bom dữ dội. Khói bom chưa tan, đồng đội hớt hải chạy ra gào thét, tìm kiếm “Có ai còn sống không?, có ai còn sống không?, chết hết cả rồi sao!”. Tiếng gọi thảm thiết vọng vào rừng núi nhưng không một ai trả lời, bỗng có một nòng súng nhô lên, đồng đội dùng tay bới đất như điên dại, một lúc sau thì túm được tóc và đầu súng lôi ra. Đó là chị Thông, cơ thể vẫn còn ấm, cũng là người duy nhất còn sống sót. Khi đó đồng đội phát hiện trong hầm chị Thông còn người bị vùi lấp, nhưng chưa kịp cứu thì máy bay địch lại tiếp tục gầm rú, trút bom xuống trận địa, cả Truông Bồn chìm trong biển lửa. 13 chiến sĩ hy sinh, thân xác đã tan vào đất đá, cỏ cây Truông Bồn, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không nguyên vẹn hình hài.

Hướng dẫn viên hướng dẫn Đoàn viếng và thăm quan Khu di tích

Đồng đội chỉ tìm thấy bên hố bom nửa vành nón có ghi 2 chữ “Tặng Dung”; một cánh tay trên cổ tay còn buộc chiếc khăn mùi xoa màu đỏ, bị bom Mỹ đánh tạt vào trong tận bìa rừng. Trong chiếc khăn mùi xoa có một giấy báo nhập học, mang tên Vũ Thị Hiên.

Gạt nước mắt, đồng đội gom về những mẩu xương thịt, trộn lẫn với bùn đất không biết được được của ai, là ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung. Ngôi mộ ở ngay phía trước cửa vào Khu di tích, cũng là nơi mà chúng tôi đang đứng.

Điều làm cho chúng ta khắc khoải và nhói đau bởi trận bom khủng khiếp và tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 11 cô gái và 2 chàng trai khi chỉ còn ít giờ nữa Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc (do chúng ta thắng lớn về quân sự trên chiến trường và trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải ngừng ném bom ở miền Bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968). Chỉ còn ít giờ nữa thôi niềm vui được bước chân về phía hoà bình sẽ đến với các anh, các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đinh Thị Vinh, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Văn, Cao Ngọc Hòa, Trần Văn Hạp,... Niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội khi trong số họ người được xuất ngũ về chăm sóc mẹ già, người về là đám cưới, người vào giảng đường theo giấy gọi nhập học đã cầm tay.

Những vành hoa trắng bày tỏ lòng biết ơn và sự khắc khoải nhớ thương của thế hệ hôm nay dành cho các chị, các anh

Họ ngã xuống ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chị Nguyễn Thị Hoài vừa tròn 17, người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm cũng chỉ mới 22 tuổi. Ngắm nhìn phần mộ, rồi hướng mắt một lần nữa về phía bia tên của các chị, các anh khiến trong Đoàn mắt ai cũng ngân ngấn nước. Trong số 13 chiến sĩ hy sinh có 8 người đã được xuất ngũ, nhưng vẫn tình nguyện ở lại làm việc với đơn vị thêm một ngày... Trong đó có 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn còn gói trong từng chiếc khăn mùi xoa là tài sản quý giá của mỗi TNXP khi đó.

Họ đã yêu Tổ quốc bằng cả tính mạng của mình, bởi với một vị trí trọng yếu như Truông Bồn, với tính chất nguy hiểm của công việc, họ phải đối diện với cái chết không phải tính bằng ngày mà bằng giờ, bằng phút, bằng giây. Ở lại một ngày ai trong số họ cũng đều biết mình có thể gặp hiểm nguy, nhưng vì chiến trường miền Nam, để san sẻ nhọc nhằn cùng đồng đội, họ vẫn sẵn sàng ở lại.

Tượng chân dung các TNXP tại Nhà tưởng niệm của Khu di tích

Hướng dẫn viên kể câu chuyện của chị Đàm Thị Bốn khiến chúng tôi chết lặng. Giây phút chị cầm trên tay giấy báo nhập học cũng là lúc chị nhận được tin anh trai của mình vừa hy sinh ở chiến trường miền Nam. Cha mẹ già ở quê khóc cạn nước mắt. Chị được trở về chăm sóc cha mẹ già vì nhà không còn ai. Rồi khi chưa kịp đón con gái trở về, lại nhận được hung tin con gái cũng đã hi sinh. Cha mẹ chị ở quê nước mắt vốn đã cạn sẽ phải gắng gượng tiếp thế nào...

Nhìn về câu chuyện tình yêu của anh Cao Ngọc Hoà và chị Nguyễn Thị Tâm lại khiến tim chúng tôi như bị bóp nghẹt, đau đớn và khắc khoải. Hai anh chị đã bí mật yêu nhau suốt 3 năm ròng. Nhưng do quy định của tổ chức, họ chỉ có thể nói yêu nhau vào ngày cả 2 được xuất ngũ. Có ai biết đâu, ngày họ nói yêu nhau cũng là ngày họ hy sinh. Ngày họ hy sinh ở quê nhà không biết, chỉ nghĩ 2 con bận không kịp về như lời hẹn nên 2 gia đình vẫn tổ chức lễ ăn hỏi. 9 giờ lễ ăn hỏi vừa hoàn thành xong thì 10 giờ cả 2 gia đình nhận được tin 2 con đã hy sinh ở Truông Bồn.

Một số lưu bút bày tỏ lòng biết ơn và thương nhớ các liệt sĩ TNXP từ khắp mọi miền đất nước khi tới thăm Truông Bồn

Lời hẹn ước cũng mãi dang dở với chị Nguyễn Thị Phúc khi trước lúc hy sinh chị phải chịu nỗi đau ki nhận được tin người yêu của chị cũng vừa hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Khói hương lan toả, khúc tráng ca Truông Bồn khẽ ngân lên thổn thức, thoảng trong gió mùi thơm của những chùm hoa dẻ cuối mùa. Đoàn chúng tôi nhẹ bước chân lên dâng lễ tại Nhà tưởng niệm 1.240 liệt sĩ đã hy sinh trên cung đường huyền thoại Truông Bồn.

Xin được đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ, đời đời khắc ghi huyền thoại Truông Bồn!

Ngày 12/01/1996, Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận Truông Bồn là Di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23/9/2008, nhà nước ra Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cho 14 chiến sĩ thuộc Đại đội 317-TNXP Nghệ An, trong đó 13 chiến sĩ hy sinh ngày 31/10/1968. 

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục