Trụ cột
VNTN - Ra trường đúng 15 năm, chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Tùng đã là phó giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có tiếng của tỉnh. Kinh tế gia đình nghe nói ổn định, con cái học hành giỏi giang.
Chúng tôi đang ngồi ôn kỷ niệm thời sinh viên nghèo khó thì Tùng có điện thoại.
- Cái gì thế? Không ăn cơm nhà. Ăn đi, chờ với chả đợi. Ừ thì cho nó học, có thế cũng phải hỏi. Thôi nhé, đang bận. Vớ va vớ vẩn.
Chờ Tùng nghe điện thoại xong, tôi hỏi:
- Nói chuyện với ai mà cấm cảu ghê thế?
- Với ai nữa, với bạn Hương lớp trưởng của cậu ngày xưa ấy.
Tôi với Tùng và Hương học cùng lớp đại học. Lớp tôi ngày ấy nhiều trai ít gái. Hương học giỏi, nhanh nhẹn, năng động được bầu làm lớp trưởng. Là “mì chính cánh” nên Hương được các nam nhi trong lớp thi nhau chiều chuộng, nhiều người yêu thầm nhớ vụng mà không dám ngỏ. Bởi mọi người biết trái tim Hương đã thuộc về Tùng, chàng trai đồng hương cao ráo, có khuôn mặt lãng tử và tài chơi đàn ghi - ta. Ra trường, họ cưới nhau, làm cùng công ty, có con trai con gái. Cuộc sống của họ chả khác mơ là mấy.
- Ông liều nhỉ, gắt gỏng với lớp trưởng cơ đấy - tôi trêu Tùng.
Tùng thở dài ngán ngẩm:
- Ôi, chuyện xưa xửa xừa xưa rồi. Giờ lớp trưởng của cậu đã thành người khác rồi.
Như tâm sự chất chứa lâu ngày đến lúc phải tràn ra, Tùng kể:
- Hương ngày xưa thông minh, năng động bao nhiêu thì bây giờ thụ động, yếu ớt bấy nhiêu. Ra trường, bọn mình cưới nhau, về làm cùng công ty, như cậu biết. Khi vợ sinh con đầu lòng thì mình được đề bạt lên phó phòng kinh doanh. Đơn vị ăn nên làm ra nên thu nhập của mình khá lên, cuộc sống dễ chịu hơn trước nhiều. Nghỉ đẻ xong, Hương bảo “hay là em xin nghỉ không lương, để con cứng cáp rồi đi làm tiếp”. Mình đồng ý. Hương ở nhà chăm con 3 năm, lúc con đi mẫu giáo, mình động viên Hương đi làm trở lại, nhưng cô ý bảo ngại lắm, giờ lại phải thiết lập các mối quan hệ từ đầu, thôi thì anh làm trụ cột, em làm hậu phương vững chắc, cơm dẻo canh ngọt chăm chồng chăm con. 15 năm rồi mình làm trụ cột. Giờ đồng to đồng bé chi tiêu trong nhà từ túi mình ra hết. Con cái học hành, họ hàng công to việc lớn, nhất nhất trông vào mình. Áp lực lắm cậu à.
- Nhưng cậu giờ là phó giám đốc, thu nhập đâu đến nỗi nào - Tôi phản biện.
- Nhiều khi áp lực không chỉ là kinh tế - Tùng tư lự - Hương không làm ra tiền nên không dám quyết điều gì. Việc to việc nhỏ đều chờ chồng về hỏi. Rồi con cái học hành, cái gì cũng hỏi bố mày, mẹ không biết. Đấy, như vừa rồi hỏi cả chuyện có cho con đi học lớp yoga gần nhà không? Cô ấy không tranh luận, không trò chuyện, không thích đi đâu cùng chồng. Mình cứ như lấy nhầm người. Cô lớp trưởng năng động xinh đẹp ngày xưa biến mất rồi cậu ạ.
Quả thật, tôi khá ngạc nhiên về câu chuyện của Tùng. Quan niệm đàn ông là trụ cột, phải gánh vác gia đình tưởng chừng đã lỗi thời vẫn đang hiện hình tại ngôi nhà hiện đại của bạn tôi. Người phụ nữ giỏi giang như Hương lại tình nguyện đánh mất mình, trở thành người dựa dẫm, nhạt nhòa bên cạnh chồng. Và chồng Hương, từ một người đàn ông vui vẻ, sôi nổi, trở thành người gia trưởng, thiếu tôn trọng vợ.
Quan niệm đàn ông là trụ cột, là chỗ dựa cả về tinh thần, vật chất cho gia đình đã tạo áp lực không nhỏ cho đàn ông; cũng từ đó mà sinh ra những người phụ nữ lười biếng, dựa dẫm. Khi xã hội đấu tranh cho bình quyền nam - nữ thì bản thân người phụ nữ phải thay đổi cách nghĩ. Ai có điều kiện, người đó sẽ là trụ cột, bất kể là nam hay nữ. Nếu nhà có được 2 trụ cột thì sẽ vững hơn chỉ có 1 trụ cột.
Tôi rất muốn nói với Hương điều đó.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...