Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:43 (GMT +7)

Trình Quốc hội sửa Luật Đất đai vào cuối năm nay

VNTN- Không kịp trình đúng thời gian Quốc hội đã quyết định tại kỳ họp thứ ba đang diễn ra, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được xin lùi và dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại kỳ họp

Sáng 24/5, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Và lần thứ tư, việc sửa Luật Đất đai lại được xin lùi.

Trước thềm kỳ họp, các cuộc tiếp xúc cử tri đã ghi nhận không ít lo ngại của nhân dân trong quản lý đất đai.

Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các quy định về điều chỉnh quy hoạch, về thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, đấu giá đất, nhiều giao dịch về đất đai có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại đẩy giá tăng cao bất thường nhằm tạo "cơn sốt đất ảo" để kiếm lời diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố... chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm.

Uỷ ban Kinh tế cũng báo cáo với Quốc hội rằng, hiện nay việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.

Uỷ ban đề nghị chỉ rõ nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong các nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013; do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; hay do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm để có giải pháp khắc phục các vướng mắc, bất cập, đồng thời nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Ngoài ra, cơ quan của Quốc hội còn đề nghị báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN.

Bên cạnh đó hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang có nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Đề nghị của Uỷ ban Kinh tế với Chính phủ là sớm rà soát toàn diện về các vấn đề nêu trên để có biện pháp xử lý thích hợp, trường hợp cần thiết phải thu hồi nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng đất và phát huy hiệu quả nguồn lực này. Có ý kiến đề nghị quyết tâm, khẩn trương, ưu tiên bố trí thời gian và nguồn lực để sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023.

Cơ quan thẩm tra  tình hình kinh tế, xã hội còn đề nghị báo cáo về kết quả trong việc hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở các đô thị và cải thiện chỉ số “chất lượng quản lý hành chính đất đai”; trong đó lưu ý làm rõ hơn tình trạng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây về việc người dân phải chen lấn để xếp hàng làm thủ tục về đất đai.

Cũng ngay trong phiên khai mạc, báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội, về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Đây là nội dung phải được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba này.

Song, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

Người dân đang phải chịu quá nhiều phí tổn vì "một rừng luật"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu

Tham gia thảo luận tại phiên họp sáng 24/5 của Quốc hội, lý giải việc dân vẫn nghèo trong khi đất nước tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu, thu hút đầu tư nhiều…, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận định, một trong những nguyên nhân là do nhà nước, doanh nghiệp và người dân đang phải chịu phí tổn quá nhiều và quá nhiều loại phí tổn, trong đó có phí tổn của công tác lập pháp, lập quy, ban hành chính sách, quy định, hay nói rộng hơn, là phí tổn do công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp.

“Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn”, ông Nghĩa nhận định. Vị đại biểu này  đồng thời đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vận dụng các di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy