Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:42 (GMT +7)

Triển lãm tranh cổ động, ảnh về môi trường: Những thông điệp nhân văn

VNTN - Cuộc thi và Triển lãm tranh cổ động, ảnh về đề tài “Môi trường và biến đổi khí hậu” lần đầu tiên được tổ chức ở Thái Nguyên đã thực sự thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và nhiếp ảnh.


Được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từ ngày 01/10 đến 04/10/2015, 73 tác phẩm ảnh và 43 tranh cổ động trong khuôn khổ Triển lãm là những tác phẩm tốt nhất được lựa chọn trong số 264 bức ảnh, 84 tranh cổ động tham dự Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động, ảnh về đề tài Môi trường và biến đổi khí hậu do Sở Tài nguyên Môi trường và Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên phối hợp tổ chức. Có thể thấy rằng, Cuộc thi đã thu hút nhiều người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và mỹ thuật, bởi vấn đề ô nhiễm môi trường sống và những hệ lụy của biến đổi khí hậu - đang được toàn xã hội hết sức quan tâm..

Lần đầu được tổ chức tại Thái Nguyên, Cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ảnh về đề tài Môi trường và biến đổi khí hậu đã được Sở Tài nguyên Môi trường, (trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường) tổ chức rất bài bản, công phu và đầy tâm huyết, với sự phối hợp về chuyên môn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. “Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa. Thông qua việc sáng tác, bản thân các tác giả cũng tự mình ý thức được trách nhiệm phản ánh một cách trung thực về vấn đề môi trường qua những tác phẩm ảnh, tranh cổ động, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, góp phần cải tạo, xây dựng môi trường chung ngày càng tốt đẹp hơn”, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Hùng, người có khá nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi đã chia sẻ như vậy.

Thầm lặng ngày mưa - Giải Nhì “Cuộc thi và triển lãm tranh cổ động, ảnh về môi trường” của Việt Hùng

Hầu hết tác phẩm ảnh tập trung khai thác vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý, nạn phá rừng, rác thải…, qua đó thể hiện những băn khoăn, trăn trở và thái độ phản ứng của tác giả trước những hành vi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, phá hoại thiên nhiên, đe dọa sức khỏe và tính mạng cộng đồng... do ý thức của người dân còn chưa cao gây nên. Những dòng sông bị khai thác cát bừa bãi, cạn trơ đáy; những ngọn núi cháy nham nhở do nạn đốt nương làm rẫy; những cánh rừng - lá phổi xanh của trái đất, bị đốn trụi chỉ còn trơ gốc; những dòng suối đục ngầu do khai thác khoáng sản hoặc những bãi rác khổng lồ ngập túi ni lông; những bãi thải công nghiệp cao như những ngọn núi sẵn sàng tràn xuống vùi lấp nhà cửa ruộng nương và cả con người bất cứ lúc nào... Tất cả đã mang đến cảm giác ám ảnh, bất an cho người xem.

Vẻ đẹp về đất nước, con người, giá trị của thiên nhiên Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng; các giá trị đa dạng của môi trường; những nỗ lực của các cá nhân, tập thể trong việc bảo vệ, cải tạo môi trường sống... cũng được nhiều tác giả đề cập đến. Vẻ đẹp của những người công nhân môi trường dầm mình trong mưa gió để thu gom rác hoặc cặm cụi trồng cây xanh trên phố dưới trời nắng chang chang; từ các cơ sở phân loại, tái chế rác thải đến quang cảnh những ngày hội trồng cây, các chiến dịch làm sạch môi trường, những công nghệ thân thiện với môi trường và biến đổi khí hậu, mô hình sử dụng năng lượng sạch..., là những thông điệp hết sức nhân văn, như ngọn gió mát lành mang đến cho người xem hy vọng về một thế giới tương lai xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hãy chung tay bảo vệ môi trường - Giải Ba “Cuộc thi và triển lãm tranh cổ động, ảnh về môi trường” của Đỗ Thái Sơn

Mảng tranh cổ động cũng thu hút được sự chú ý của nhiều khán giả. Các tác phẩm triển lãm đều có chất lượng nghệ thuật tốt, phong cách thể hiện đa dạng, phong phú. Một số tác giả đã có những tìm tòi sáng tạo, đem đến cho người xem những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và tuyên truyền cao. Hầu hết tranh được sáng tác bằng phương pháp đồ họa trên máy vi tính, in trên chất liệu Format nên trông khá đẹp, sắc nét. Thông qua những khối, mảng màu chắc khỏe cùng những câu lệnh, khẩu hiệu đơn giản, ngắn ngọn nhưng súc tích chứa đựng một hàm lượng thông tin lớn, những vấn đề cần tuyên truyền thật cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, giúp người xem nhìn trực diện vào vấn đề nên tranh cổ động có sức lan tỏa rất rộng trong cộng đồng. 43 bức tranh cổ động là 43 ý tưởng sáng tạo, là tâm huyết, là công sức của các họa sĩ trong việc cố gắng tìm những cách thể hiện mới để có thể chuyển tải lượng thông tin nhiều nhất đến cho công chúng.

Đến với triển lãm, người xem sẽ hiểu biết hơn về môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Duẩn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Gang Thép, sau khi xem các tác phẩm đã xúc động nói: “Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm đã phản ánh đầy đủ hiện trạng về môi trường hiện nay. Ý thức của nhiều người còn chưa cao đã vô tình, thậm chí là cố ý làm tổn hại đến môi trường sống của chính bản thân mình và những người xung quanh. Những cuộc triển lãm như thế này có ý nghĩa giáo dục rất cao. Nếu như có thể tổ chức triển lãm lưu động ở các trường học hoặc những nơi công cộng sẽ có nhiều người xem hơn, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều. Thật tiếc, nếu cuộc thi được tổ chức sớm hơn, trước kì nghỉ hè, chắc chắn sẽ có sự tham gia của các em học sinh. Như vậy, với vai trò là chủ thể sáng tạo, các em sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ cuộc sống tương lai của mình”.

345 tác phẩm của 81 tác giả, trong đó có 28 tác phẩm của các em học sinh, chưa phải là nhiều cho một cuộc thi, nhưng với một cuộc thi chuyên đề thì lại được coi là khá thành công. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, nhiều tác phẩm dự thi có tính sáng tạo, gây được ấn tượng với người xem, có giá trị tuyên truyền cao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn về chất lượng cuộc thi. Đó là số lượng tác phẩm trùng lặp, giống nhau về đề tài tương đối nhiều, mặc dù khá đẹp nhưng vẫn phải loại bỏ, gây lãng phí. Vẫn còn một số tác phẩm phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường từ những năm trước đây mà ở thời điểm hiện tại các vấn đề đó đã được khắc phục. Chưa có nhiều tác phẩm phản ánh, giới thiệu những thành tựu của cơ quan chức năng, các cá nhân, tổ chức đối với hoạt động bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong khi lại quá nhiều tác phẩm phản ánh những mặt tiêu cực, tuy có tác dụng cảnh báo cao nhưng đồng thời cũng gây cho người xem cảm giác lo âu, bất an.

Một điều cũng cần nói tới là hiểu biết về môi trường, biến đổi khí hậu, về hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của nhiều tác giả còn hạn chế nên phản ánh những thông tin chưa đúng với quy định về bảo vệ môi trường; tác phẩm còn hời hợt, thiếu chiều sâu thông tin. Chưa có nhiều tác phẩm thực sự gắn với các vấn đề về môi trường ở địa phương. Cuộc thi còn thiếu vắng những tác phẩm thực sự xuất sắc, nổi trội, tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng. Đó là lý do cả hai chuyên ngành đều không có giải nhất.

Nếu đem so sánh ảnh của tác giả Thái Nguyên với những bức ảnh tại Liên hoan ảnh, phim Phóng sự - Tài liệu với chủ đề “Bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN” cùng trưng bày thì người xem dễ dàng nhận thấy một khoảng cách đáng kể về chất lượng tác phẩm.

Tuy đây đó vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế, cần được rút kinh nghiệm đối với cơ quan tổ chức, với những tác giả tham gia nhưng Triển lãm “Môi trường và biến đổi khí hậu” đã thu được những kết quả đáng kể, mang đến cho người xem nhiều điều phải suy ngẫm, chiêm nghiệm. Mỗi tác phẩm triển lãm là một thông điệp mà những nhà tổ chức và các tác giả muốn gửi gắm đến người xem: Hãy chung tay bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta khi còn chưa muộn!

Phương Châm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy