Triển lãm “Ngũ sắc”: Thổn thức một tình yêu quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc
VNTN- Phong phú về màu sắc, đề tài và cá tính sáng tạo, 51 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Ngũ sắc” không chỉ mang tới cho người xem một bữa tiệc màu sắc độc đáo mà ẩn chứa phía sau đó là thổn thức một tình yêu quê hương, sự đắm đuối với bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Mở cửa từ 7/7, triển lãm “Ngũ sắc” của nhóm họa sĩ: Dương Văn Chung (Thái Nguyên) Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Quang Pháp và Ngô Văn Sơn, đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã và đang gây được ấn tượng sâu sắc với giới cầm cọ và người yêu nghệ thuật.
1. “Ngũ sắc” được tạo nên từ sự đồng điệu từ đề tài cho đến ý tưởng ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện. Tuy 5 họa sĩ là 5 cá tính sáng tạo khác nhau nhưng xuyên suốt triển lãm là tình yêu quê hương, sự hoài niệm về những vùng quê giàu bản sắc trên đất nước đầy tươi đẹp thân thương.
Về điều này, khi xem triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đã có những lời bình tinh tế: “Nếu không có nền cốt của Ngũ hành, làm sao mà Ngũ Sắc đủ hình sắc để cất giọng muôn chiều ở mỗi chất liệu khác nhau, hòa điệu nhẹ nhõm với thiên nhiên của người Việt. Cách yêu làng, yêu quê chẳng ai giống ai. Chẳng ai mách bảo ai mà vẫn chung nhau sự bình dị, thân gần. Tranh của họ cứ làm ta nhớ ngày cũ ngày xưa, quê cũ quê xưa. Trời, nước, cây mây, lạ chưa, cơn cớ gì mà bạn và tôi phải thổn thức khi đụng chạm vào hình sắc nơi bức họa”.
Thật vậy, khi ngắm tác phẩm trong triển lãm hẳn người xem không thể không xúc động trước một làng quê Bắc bộ xưa được hoạ sĩ Nguyễn Bá Sơn tái hiện trong tranh đầy nên thơ, mộc mạc. Đó là chiếc cổng cũ với tường gạch rêu phong, lô xô những mái ngói thâm nâu. Đó là một ngõ quê đầy rơm cùng dáng mẹ tần tảo dắt con về trong một ngày tràn nắng… Từng mảng màu như hòa quện, đơn giản mà tinh tế. Những mảng vàng, mảng bạc, mảng trắng, mảng nâu như tĩnh lặng tôn những nét đỏ son chấm phá khiến không gian lãng mạn như một bài thơ.
Cũng là tình yêu quê, yêu làng đề tài trong tranh hoạ sĩ Nguyễn Hồng Quang rộng mở hơn. Với phong cách hiện thực, dường như Nguyễn Hồng Quang muốn thể hiện sự tìm tòi, khám phá, sự điêu luyện trong cách thể hiện chất liệu sơn dầu. Vẫn là cổng cũ, nhà cũ nhưng mọi vật được tả kỹ đến từng chi tiết, nhìn thoáng qua người xem dễ nhầm tưởng là những bức ảnh nghệ thuật.
Và những vật quen thuộc, tưởng như vô tri nhưng khi được Nguyễn Hồng Quang đưa vào tranh lại khiến nó độc đáo, ám ảnh. Trong triển lãm rất đông người xem đã bị níu bước và trăn trở với hình ảnh những chiếc máy bơm bị rỉ sét lâu ngày qua tác phẩm “Tĩnh lặng ngoại ô” của anh. Anh kể, những chiếc máy bơm hỏng vứt bừa bộn ở trên đường, ban đầu thấy xót xa nhưng sau đấy là sự trân trọng. Những chiếc máy bơm ấy có vẻ đẹp tạo hình tuyệt vời, hơn thế bản thân nó đã trải qua một quá trình dài làm ra của cải vật chất và anh muốn ngợi ca nó, ngợi ca cả những người sáng tạo ra nó. “Tĩnh lặng ngoại ô” cũng là tác phẩm anh dồn tâm huyết nhiều nhất trong quá trình sáng tác.
Không chỉ là con người, phong cảnh, trong triển lãm hẳn người xem phải trầm trồ về các tác phẩm tĩnh vật vẽ hoa của họa sĩ Ngô Văn Sơn. Qua nét cọ tài hoa, những loài hoa mộc mạc như chuối rừng, loa kèn… bỗng trở nên rực rỡ, sống động, lôi quấn.
Đặc biệt, với chất liệu sơn mài đậm bản sắc Việt, Ngô Văn Sơn đã thể hiện nhuần nhuyễn qua những tác phẩm vẽ cá của mình. Theo giới chuyên môn đánh giá: Dù là một chất liệu thuần Việt nhưng để vẽ sơn dầu thật tốt phải qua nhiều khó khăn, cực nhọc, đây cũng là một thách thức lớn với những người cầm cọ. 4 bức sơn mài của Ngô Văn Sơn không chỉ đẹp mà còn thể hiện được sự chỉn chu, tinh tế của một người đã hoàn toàn làm chủ được chất liệu.
2. Nếu như tranh của Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Hồng Quang tái hiện những hình sắc, cảnh vật làng quê Bắc bộ thì tranh của hai hoạ sĩ Dương Văn Chung và Nguyễn Quang Pháp lại là sự đắm đuối, thiết tha với văn hóa, với cảnh sắc, con người miền núi, vùng cao.
Sử dụng hai chất liệu sơn dầu và lụa, bằng lối vẽ biểu hiện và đồng hiện hoạ sĩ Dương Văn Chung đã mang đến triển lãm 8 tác phẩm độc đáo. Qua những bức họa đó anh muốn tri ân và giới thiệu về những nét văn hóa, vẻ đẹp đậm đà sắc màu dân tộc của con người, thiên nhiên rừng núi nơi anh sống và anh đã tới.
Tranh sơn dầu của Dương Văn Chung mang lối vẽ gợi tả, tối giản phần nền chỉ tập trung diễn tả nhân vật, đối tượng chính khiến người xem xúc cảm bởi sự dịu dàng, mê hoặc. Ngắm nhìn những bức họa về miền núi của anh, những nét hồn hậu, nguyên sơ của phụ nữ, thiếu nữ, trẻ em vùng Việt Bắc trong tranh tạo ra sự gần gũi, ấm áp lạ lùng.
Hai bức tranh lụa của Dương Văn Chung dường như người xem hơi khó nắm bắt. Dương Văn Chung chia sẻ, hai tác phẩm này anh thể hiện qua lối vẽ đồng hiện lồng ghép con người hòa lẫn thiên nhiên kết hợp sử dụng các mảng màu tương phản đậm nhạt để tạo điểm nhấn. Tuy nhiên, một niềm vui không hề nhỏ, bức lụa “Rừng chiến khu” anh mang tới triển lãm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề nghị sẽ mua sau khi triển lãm kết thúc.
Vốn là người con của núi rừng Việt Bắc “Rừng chiến khu” cũng là đề tài lâu nay Dương Văn Chung tâm huyết. Tác phẩm được vẽ năm 2020, lấy cảm hứng từ chiến tranh cách mạng Việt Nam, với lối đánh du kích, lấy rừng làm căn cứ, làm địa bàn chiến đấu, những cánh rừng sâu, hiểm trở đã che chắn cho bộ đội ta chiến đấu. Tranh sử dụng lối bố cục đồng hiện, kết hợp lồng ghép hình ảnh để nhân vật hòa lẫn với thiên nhiên. Màu sắc chủ đạo là gam màu ghi trầm với một số mảng đen ấn tượng đặt ở ngay giữa trung tâm của tác phẩm tạo sự tương phản với các mảng màu còn lại. Thông qua “Rừng chiến khu” Dương Văn Chung muốn thể hiện vẻ đẹp hoang sơ mà thi vị của thiên nhiên Việt Bắc với những gốc cây cổ thụ, những bông hoa rừng mộc mạc…
Cũng là yêu đất, yêu người miền núi nhưng tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Pháp lại mang màu sắc trẻ trung, tươi tắn của tuổi đôi mươi. Và chính điều này khiến khu vực trưng bày tác phẩm của anh luôn thu hút rất đông các bạn trẻ.
Theo Nguyễn Quang Pháp: Anh muốn thể hiện màu sắc về giấc mơ của những người vùng cao. Vẻ đẹp của con người vùng cao nguyên đá Hà Giang mà anh thấy cách đây hơn hai mươi năm, trong những lần đi thực tập thời sinh viên. Anh ấn tượng rất nhiều về hình ảnh những cụ già, những em bé, những đôi trai gái thổi khèn nơi phiên chợ… Và cảm hứng đó luôn được anh nuôi dưỡng, khoảng ba năm trở về đây anh tập trung sáng tác mảng đề tài này.
Bắt tay vào thực hiện, điều khó khăn nhất với Nguyễn Quang Pháp là cảm xúc và màu sắc. Thiên một chút của trường phái biểu hiện trừu tượng Nguyễn Quang Pháp thể hiện những hình sắc độc đáo trong anh để khi xem tranh người xem không chỉ thấy đẹp mà còn cần cảm nhận nhiều hơn.
Những hình ảnh ngộ nghĩnh, nét tinh giản về hình, sự hồn nhiên nguyên thủy của người vùng cao trong tranh của Nguyễn Quang Pháp đã khiến người xem cực thích thú. Và quả thật phải xem lâu mới cảm nhận hết được sự nên thơ, mê hoặc từ những sắc màu ấy. Nguyễn Quang Pháp thổ lộ, hầu hết trong các tác phẩm anh tập trung đặc tả đôi bàn chân của người phụ nữ. Những đôi chân ở các chợ vùng cao, những đôi chân thấp thoáng ở sau những cái ô, cái gùi, thấp thoáng ở những cái váy, thấp thoáng ở sau những núi đồi… Những bàn chân ấy rất nhiều vất vả lam lũ nhưng họ luôn tiến về phía trước. Từ những đôi chân ấy nói lên tất cả cuộc sống sinh hoạt của người phụ nữ vùng cao - họ luôn chăm lo cho gia đình, họ nhẫn nại và chăm chỉ… và dù có thế nào họ luôn có những giấc mơ đẹp ở phía trước.
Mỗi họa sĩ đều mang một phong cách và màu sắc riêng. 51 tác phẩm trong triển lãm “Ngũ sắc” đã tái hiện những vẻ đẹp của quê hương Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược và ẩn giấu phía sau đó là những điều mà người xem cần cảm nhận và khám phá. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đã nói về triển lãm “Họ cũng lạ khi chụm lại với nhau, buông những tiết điệu bí ẩn của Ngũ cung len lỏi trong hình hài của muôn vật như vừa muốn khoe lại vừa muốn cất giấu trong mỗi bức tranh”.
Tính đến ngày 16/7, đã có 6 bức tranh được bán tại triển lãm.
Triển lãm dự kiến mở đến ngày 13/7, song đã kéo dài thêm và kết thúc vào ngày 20/7. Tác giả Dương Văn Chung cho biết: tác phẩm "Rừng chiến khu" của anh sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật mua lại sau khi có kết quả của Hội đồng xét duyệt.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...