Triển lãm Mỹ thuật Tây Bắc – Việt Bắc năm 2022: Nét khởi sắc của Mỹ thuật đương đại Việt Nam
Một triển lãm quy mô, thu hút người xem, thực hiện triển lãm online đầu tiên của khu vực song song với triển lãm trực quan, trong thời gian trưng bày bán được tới 6 bức tranh… Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 27 được giới chuyên môn đánh giá là thành công về nhiều mặt và có những điểm khởi sắc cho Mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Phòng triển lãm ngày khai mạc
Từ khâu tổ chức…
Khai mạc ngày 7/10 tại Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc (thành phố Thái Nguyên) đã có trên 400 tác phẩm của hơn 300 tác giả tham dự, trong đó có 215 tác phẩm của 185 tác giả, được lựa chọn để trưng bày. Đa dạng về loại hình gồm: hội họa, đồ họa, điêu khắc; chất liệu phổ biến nhất là sơn dầu, acrylic, lụa, và khắc gỗ, đến với Triển lãm người xem sẽ được thỏa sức thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật mang đậm sắc màu, hơi thở đặc trưng vùng Tây Bắc - Việt Bắc. Tỉnh Thái Nguyên năm nay có 24 tác phẩm của 21 tác giả tham gia Triển lãm, về số lượng Thái Nguyên chỉ đứng sau Phú Thọ, còn về chất lượng đạt vào loại khá trong khu vực.
Dù là lần thứ tư Thái Nguyên đăng cai tổ chức Triển lãm nhưng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên - cơ quan thường trực của Ban Tổ chức, với một đội ngũ nhân lực mỏng và mới mẻ - chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật nên gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và thành viên trong Ban Tổ chức, kết nối nhịp nhàng nên mọi việc đã hoàn thành suôn sẻ.
Trực tiếp thực hiện Triển lãm, ngoài việc huy động các thành viên của cơ quan, Hội còn nhờ sự trợ giúp của một số thành viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh. Năng động, tích cực, và tâm huyết, trên cơ sở học hỏi, kế thừa, rút kinh nghiệm của những lần triển lãm trước nên đa phần các khâu “bếp núc” như: thiết kế, thi công, nhận tác phẩm… đã được hoàn tất đúng kế hoạch.
Trân trọng những thành quả, những nỗ lực sáng tạo của giới mỹ thuật, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, ngoài ra việc tương tác với các hội và Hội đồng Nghệ thuật, thì khâu quảng bá với công chúng cũng được Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên làm rất tốt. Và đặc biệt, với triển lãm 3D online, các thành viên Hội đồng Nghệ thuật, các tác giả của 15 tỉnh đến với Triển lãm đã dành rất nhiều lời khen cho đơn vị chủ nhà.
Họa sĩ Vũ Hữu Cương - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên (Hội Văn học nghệ thuật Điện Biên) cho biết: Ngoài việc chu đáo trong khâu kết nối, đón tiếp, Triển lãm năm nay tổ chức có quy mô lớn, địa điểm phù hợp với không gian đặc thù của một triển lãm mỹ thuật. Triển lãm đã có sức lan tỏa rộng đến với công chúng yêu mỹ thuật. Ấn tượng nhất với tôi là sự quan tâm của đông đảo công chúng Thái Nguyên đối với triển lãm. Sau lễ khai mạc, trong những ngày tiếp theo tôi đã gặp rất đông các bạn trẻ đến thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật, điều này là hiếm gặp và tạo dấu ấn khác biệt đối với các kỳ triển lãm khu vực trước đây mà tôi đã từng tham gia và là tín hiệu vui với những người làm mỹ thuật.
“Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang hồi sinh sau 2 năm dịch bệnh, mở ra một thời kỳ mới, giai đoạn mới, cơ hội mới cho các nghệ sĩ, họa sĩ…” (Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi khai mạc Triển lãm).
…đến chất lượng nghệ thuật
Nâng cao về chất lượng, năm nay Hội đồng Nghệ thuật đã chọn tới 13 tác phẩm để xét giải thưởng, đây là con số rất cao so với các kỳ triển lãm trước. Điều đặc biệt, đã lâu lắm Thái Nguyên mới đoạt giải thưởng lớn như vậy - bức tranh sơn dầu “Xóm vắng” của họa sĩ Hoàng Minh Đức đã giành giải cao nhất (giải A) của Triển lãm; giải B thuộc về tác phẩm điêu khắc gỗ “Hạnh phúc” của họa sĩ Trịnh Ngọc Thạch (Vĩnh Phúc); giải C thuộc về tác phẩm tranh khắc gỗ “Khau đắng” của họa sĩ Trần Giang Nam (Bắc Kạn). Ngoài ra còn có 10 giải Khuyến khích, 2 giải trẻ và tới 8 tác giả được hỗ trợ sáng tác trong đợt này; 19 tác phẩm của các tác giả chưa là đối tượng xét giải, nhưng chất lượng rất tốt đã được Hội đồng Nghệ thuật giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Với mỹ thuật Thái Nguyên, ngoài giành giải A, tác phẩm khắc gỗ mộc bản “Xuống Chợ” của họa sĩ Lê Quang Thái đã được giải khuyến khích; 3 tác phẩm của các tác giả: Nguyễn Gia Bảy; Nguyễn Duy Nhiếp, Hoàng Minh Đức đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiệm thu tài trợ năm 2022; 3 tác phẩm: “Thiết kế bìa sách” của Đào Tuấn, lụa “ Người giữ lửa” của Nguyễn Thị Thành, sơn dầu “Ký ức Tòng Đậu” của Nguyễn Quang Minh đã được Hội đồng Nghệ thuật giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Đề tài về chân dung người dân tộc, thể hiện theo lối tả thực được Hoàng Minh Đức theo đuổi nhiều năm nay và có không ít những thành công. Tuy nhiên, phải đến lần triển lãm này tác phẩm “Xóm vắng” do anh vừa sáng tác mới đạt đến đỉnh cao. Vẫn là chân dung những cụ già được vẽ trên nền những họa tiết trang trí hoa văn dân tộc, tả chân kỹ tới từng nét cọ… nhưng lần này Hoàng Minh Đức đã mạnh dạn chọn một bố cục dàn ngang, vẽ cùng lúc hai gương mặt của hai cụ bà miền sơn cước.
Khéo léo sắp đặt, với nhiều lớp hình ảnh và chi tiết gây ấn tượng mạnh, nhân vật hiện lên, níu mắt người xem ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Chân dung hai cụ bà dân tộc được vẽ nổi bật và cực chi tiết. Màu sắc chủ đạo là những gam màu ấm nóng ấm, lam chàm (màu sắc của người Việt Bắc), gương mặt hai cụ ở hai điểm như sự đối lập: một cụ quắc thước, tinh anh, mạnh mẽ; một cụ thì hiền lành, phúc hậu.
Bằng màu sắc, đường nét tinh tế, Minh Đức đã lột tả thành công đặc trưng của con người Việt Bắc. Ánh mắt, nét mặt của hai cụ bà như hằn in bao vất vả, cực nhọc của cuộc sống nhưng không che lấp thần thái bên trong, toát lên sự chất phác, chịu khó, khỏe mạnh và dễ gần. Và chính các cụ là những người giữ lửa hạnh phúc cho gia đình. Giữ lửa và truyền lửa cho con, cháu, soi đường chỉ lối để con cháu làm người tốt trong cuộc sống. Để tạo khoảng lặng ẩn dụ, khắc họa rõ nét thần thái hai cụ bà tác giả đã dùng hình ảnh cái quạt cọ. Cái quạt được đặt ở chính giữa bức tranh tưởng như vô tri nhưng thực chất có lẽ nó chính là vật để kết nối, một thủ pháp nghệ thuật, một vật phụ nhưng tạo “chiều sâu” nghệ thuật cho bức tranh.
Bên cạnh tác phẩm đoạt giải A, các tác phẩm trong bộ giải thưởng, theo như Hội đồng Nghệ thuật đánh giá đều chất lượng. Và một điểm rất đáng quý là bản sắc, chất vùng miền, chất khu vực được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm, đấy là cái chất riêng trong tư duy sáng tác của anh chị em mỹ thuật khu vực Tây Bắc - Việt Bắc.
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật, hoạ sĩ Đào Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết: Khi chấm giải, Hội đồng Nghệ thuật làm việc có được sự tập trung ý kiến nhưng đôi lúc cũng tranh luận rất gay gắt về tác phẩm chứ không phải đồng thuận hết. Hội họa khu vực Tây Bắc - Việt Bắc có một cá tính chung - cái chất vùng miền và điều đó thể hiện rất rõ ở triển lãm này. Trong dòng chảy chung của hội họa chúng tôi rất tôn trọng điều đó. Chúng tôi cũng chúc mừng Thái Nguyên không phải bởi Thái Nguyên là nhà đăng cai. Thực sự các tác phẩm được giải đã thể hiện chất lượng nghệ thuật của triển lãm này và chúng tôi đánh giá rất cao điều đó. Ví như tranh được giải A, rõ ràng nó đầy đủ “tố chất” để nó nhận giải cao. Tác phẩm ấy cũng mang đậm chất vùng miền. Chất vùng miền không phải chỉ là hình ảnh những bà cụ miền núi khắc khổ, đã hằn lên những nét của năm tháng trên khuôn mặt, mà đằng sau chân dung đó người ta còn nhìn thấy một câu chuyện về văn hóa. Chưa kể đến yếu tố kỹ thuật “bếp núc”, những tranh đoạt giải thưởng từ giải cao cho đến giải khuyến khích thực sự là những cá tính riêng và có giọng riêng, chính vì thế nhìn bộ tranh được giải trong Triển lãm, đặt trong một tương quan của mỹ thuật đương đại Việt Nam, người xem thật sự sẽ thấy rằng nó rất tốt.
Về tác phẩm điêu khắc, nhà điêu khắc Mai Thu Vân cho biết: Nhiều năm theo dõi các tác giả ở khu vực, trong triển lãm này, tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy các tác phẩm vẫn giữ được cái chất riêng, của từng người mà lại chuyển tải được nội dung cuộc sống. Trong điêu khắc nói riêng cũng như trong nghệ thuật đấy là một thách thức, là sự kết hợp khá là khó, bởi khi một tác phẩm đẹp thể hiện được tâm tư nguyện vọng của mình thì chưa chắc đã đạt được điều mà khán giả muốn xem. Các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm này lại làm được điều khó đó: vừa thể hiện rõ nét cái tôi của tác giả nhưng lại truyền tải được nội dung cuộc sống và có được sự mộc mạc để công chúng, khán giả có thể nhận biết, thì đấy là điểm tốt, một điều thành công của các nhà điêu khắc ở khu vực Tây Bắc - Việt Bắc.
Các tác phẩm điêu khắc luôn gây ấn tượng mạnh với người xem
Và những hạn chế
Về chất lượng nghệ thuật, của Triển lãm, cũng như tác phẩm đoạt giải A các thành viên Hội đồng Nghệ thuật đều thấy rất xứng đáng bởi đó là kết quả chấm chọn một cách công tâm, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, triển lãm lần này không phải không có những hạn chế.
“Về đội ngũ những người làm mỹ thuật của Thái Nguyên ở triển lãm này chưa được đồng đều, có người rất tốt nhưng có người chưa đạt được mặt bằng nghệ thuật chung. Điều này có lẽ do nhiều yếu tố chi phối, dành thời gian cho công việc chuyên môn hơi ít nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng” - họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết.
Cũng theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Triển lãm online đã làm rất tốt, đây là điểm mới không chỉ của mỹ thuật khu vực mà của cả mỹ thuật Việt Nam nhưng so với mức độ kỹ thuật số hiện nay thì chúng ta hoàn có thể làm được tốt hơn. Ví như: những tác phẩm trưng bày sắc nét hơn, có kèm đôi dòng thuyết minh. Hoặc cao hơn, người xem có thể vừa xem, vừa nghe âm thanh - lời giới thiệu về tác giả tác phẩm, ý tưởng khi họa sĩ sáng tác… Các nước tiên tiến đã có những triển lãm online như vậy. Và những người xem không có điều kiện đến trực tiếp triển lãm có thể thưởng thức từ xa mà không hề ảnh hưởng gì đối với chất lượng.
Ở triển lãm này, chất khu vực rất riêng vừa là điểm mạnh nhưng cũng là những điểm yếu của các họa sĩ Tây Bắc - Việt Bắc.
Việc các tác giả hơi lạm dụng chất liệu địa phương mà quên đi ngôn ngữ chung của nghệ thuật cũng là một hạn chế. Ví như, những người miền núi hay sử dụng chất liệu hoa văn miền núi… những thứ đó chỉ là vốn cần chứ chưa đủ để làm nghệ thuật. Việc khai thác quá nhiều thành bắt chước tự nhiên, thành tự nhiên chủ nghĩa, nó không nâng tầm nghệ thuật cho tác phẩm. Có lẽ do sự làm việc hằng ngày của các họa sĩ cũng không được thường xuyên nên khi sáng tác không tự rút ra được điều đó. Từ hạn chế trên, nếu để vươn tầm cao hơn trong nghệ thuật thì tư duy nghệ thuật cần phải thay đổi, phải bứt phá nhiều.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...