Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:51 (GMT +7)

Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 23: Họa sĩ trẻ đang “phả” sức nóng

VNTN - Được đánh giá là triển lãm có nhiều đột phá, sáng tạo; nhiều tác phẩm xuất sắc và độc đáo, bám sát đời sống, đặc trưng vùng miền.

Khai mạc đúng vào kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2018) tại tỉnh Lào Cai, triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 23, năm 2018 trưng bày 205 tác phẩm của 189 tác giả được Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam xét chọn từ 439 tác phẩm của 319 tác giả. Trong đó, có 104 tác phẩm của 88 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; 101 tác phẩm của 101 tác giả là hội viên và cộng tác viên của 15 tỉnh trong khu vực gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ.

“Búi tóc” - sơn dầu. Lò An Quang (Sơn La)

Mặc dù là một tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỹ thuật thông qua các hoạt động như: tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phan Si Păng; các trại sáng tác mỹ thuật... Sau 11 năm, Lào Cai trở lại nhận đăng cai triển lãm Mỹ thuật khu vực. Trước khi tổ chức triển lãm, vì ảnh hưởng bão nên khâu chuẩn bị gặp không ít khó khăn. Song tiếp sau Vĩnh Phúc thì Lào Cai là đơn vị thứ hai có không gian trưng bày lý tưởng, Hội đồng nghệ thuật và các họa sỹ khá hài lòng về công tác tổ chức cũng như dàn dựng trưng bày tác phẩm.

 

“Hương rừng” -  lụa. Dương Văn Chung (Thái Nguyên)

Triển lãm được trưng bày đủ các thể loại nghệ thuật tạo hình: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, trang trí, sắp đặt... Các tác phẩm phản ánh đa dạng, sinh động về đời sống, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của 15 tỉnh trong khu vực Tây Bắc - Việt Bắc. Hội đồng nghệ thuật đánh giá triển lãm lần này có sự đột phá về chất lượng. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH, TT&DL) - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định: triển lãm năm nay rất khởi sắc, có nhiều sự bứt phá của đội ngũ họa sỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ kế cận. Hội đồng nghệ thuật đã hai lần gọi điện xin ý kiến Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam để xin thêm giải thưởng, bởi triển lãm quá nhiều tác phẩm đẹp. Theo tiền lệ, giải thưởng triển lãm mỹ thuật thường chỉ có 6 giải (trong đó có 3 giải A, B, C và 3 giải Khuyến khích), song giải thưởng lần này tăng gần gấp đôi, thêm 1 giải C và 3 giải Khuyến khích). Ông bộc bạch: “…dường như các họa sỹ trẻ hội viên địa phương đang đồng hành với chúng ta (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), họ (hội viên địa phương) đang “phả” ra sức nóng mạnh mẽ, nếu chúng ta không tự thay đổi chính mình thì họ sẽ vượt lên bỏ xa chúng ta… Đây như một lời khích lệ đội ngũ họa sỹ trẻ hãy phát huy hơn nữa năng lực sáng tạo vốn có, đồng thời qua đó cũng là lời tâm sự với các thế hệ họa sỹ tiền bối hãy đổi mới, sáng tạo hơn nữa, hãy là điểm tựa, là gương sáng cho lớp họa sỹ trẻ vững tin hơn.

Khẳng định chất lượng của triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho biết giải A cho triển lãm các khu vực thật hiếm hoi, đến nay có 5 khu vực đã triển lãm nhưng mới chỉ có 2 giải A (trong đó Khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc chiếm 1 giải). Mặc dù giải thưởng lớn năm nay thuộc về hai họa sỹ “gạo cội” quen thuộc: giải A thuộc về họa sỹ Lò An Quang (Sơn La) với tác phẩm Búi tóc (sơn dầu); giải B thuộc về tác phẩm Đêm vùng cao (tượng gỗ) của Nguyễn Lưu (Vĩnh Phúc), nhưng 3 giải C lại thuộc về hai họa sỹ trẻ Hoàng Anh Chiến (Tuyên Quang) với tác phẩm Bố ơi mình đi đâu thế (sơn dầu) và Hương rừng (lụa) của tác giả Dương Văn Chung (Thái Nguyên). Đây là những tác phẩm mang tính thời sự, gây ấn tượng mạnh với công chúng. Qua đó, cho thấy Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc đã có bước phát triển của nền mỹ thuật hiện đại, có sự đổi mới của các loại hình mỹ thuật, hình thành đội ngũ họa sỹ tạo hình trẻ, đã tìm được hướng đi đúng cho riêng mình.

17 tác phẩm điêu khắc đã được chọn triển lãm, và các tác giả vẫn tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Hơn 30 tác phẩm đồ họa; còn lại là hội họa. Với hội họa, chất liệu tranh sơn dầu vẫn chiếm ưu thế hơn sơn mài và lụa. Có nhiều tác giả vẫn giữ được phong cách sáng tạo, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao như: Lò An Quang (Sơn La), Mai Hùng, Lê Cù Thuần (Tuyên Quang), Trần Giang Nam (Bắc Cạn),… Đặc biệt số đông họa sỹ trẻ đầy triển vọng như: Trương Mạnh Sáng (Bắc Cạn), Trịnh Ngọc Hà (Thái Nguyên), Mai Thanh Hưng (Điện Biên), Vũ Thị Lệ Thủy (Lào Cai), Nông Thị Thủy (Lạng Sơn),…

Ngoài 4 giải lớn, 6 giải Khuyến khích thuộc về các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai. Có gần 30 tác phẩm của các tác giả chưa là đối tượng xét giải, được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; 10 tác phẩm (trong 104 tác phẩm) được nghiệm thu tài trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên có tới ba tác phẩm được nghiệm thu.

Tác phẩm sơn dầu Búi tóc (Lò An Quang) nhận được sự nhất trí cao từ các nhà chuyên môn, bởi lẽ tác giả đã có sự tìm tòi. Họa sỹ Lê Anh Vân, thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam cởi mở chia sẻ: đề tài tuy không mới nhưng tác giả đã tìm cách tạo hình độc đáo lạ mắt, một nét sinh hoạt rất đời thường nhưng Lò An Quang đã xây dựng hình tượng rất đặc trưng vùng miền. Tác giả đã khai thác tốt ánh sáng tạo gợi không gian huyền ảo trong tranh, gây hiệu ứng tốt về mặt thị giác người xem.

Với gam màu chàm hơi ánh nâu vàng, tác giả gợi cho người xem nét đặc trưng dân tộc miền núi. Tấm rèm màu chàm được đặt ở trung tâm bức tranh ẩn hiện nhân vật đồng sắc (người già) dõi theo con và cháu gái đang tập búi tóc chuẩn bị đi làm dâu. Theo phong tục Thái, búi tóc cao trên đỉnh đầu hay còn gọi tằng cẩu, là luật tục đặc trưng trong hôn nhân của người Thái đen. Búi tóc chính là thể hiện sự thủy chung, tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Họa sỹ Lò An Quang rất am hiểu lễ búi tóc cho cô dâu, ông khéo dùng ánh sáng phía trước hắt lại khiến gương mặt cô gái hừng lên, bộc lộ nét duyên dáng, kín đáo của cô gái Thái đã đến tuổi cập kê (tuổi 15, thời xưa có thể gả chồng được), tạo điểm nhấn cho bức tranh.

Bố ơi mình đi đâu thế – sơn dầu. Hoàng Anh Chiến (Tuyên Quang)

Đến với cuộc thi năm nay, tỉnh Thái Nguyên có 38 tác phẩm của 24 tác giả tham dự, đã được chọn trưng bày 17 tác phẩm của 15 tác giả, trong đó có 6 tác giả là hội viên Trung ương. Các tác phẩm tham dự đợt này chất lượng khá đồng đều, phong phú về chất liệu như: thể loại hội họa có tranh sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa; đồ họa có khắc gỗ màu và đen trắng, mới xuất hiện một tác phẩm điêu khắc sắt hàn của họa sỹ Trần Hoài Dũng (Phú Lương). Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn, xét nghiệm thu tài trợ năm 2018 được 3 tác phẩm như: Hương rừng (lụa) của Dương Văn Chung, Sắc màu thổ cẩm (sơn dầu) của Nguyễn Thế Hòa và Bài ca không quên (lụa) của Nguyễn Lộc; giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 3 tác phẩm: Chân dung tự họa (sơn dầu) của Trần Xuân Nam; Sà Phìn (sơn dầu) của Trần Quang Tú và Nhịp sống chợ ga của (sơn dầu) Trịnh Ngọc Hà.

Trong 2 giải C, bức sơn dầu Bố ơi mình đi đâu thế đã được Hoàng Anh Chiến (Tuyên Quang) chọn tả cận cảnh nhân vật bố con, ẩn ý sâu sắc về không gian biển, đâu đó mang tính thời sự nóng hổi. Đối với bức Hương rừng của Dương Văn Chung lại khai thác triệt để chất liệu lụa để nói về sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Tác giả khéo kết hợp lối vẽ hiện đại của phương Tây với Á Đông, gợi hình mà không diễn tả; vẽ buông - nơi nhưng vẫn gợi người xem đủ ý trọn vẹn, đã mắt. Tác phẩm được hội đồng nghệ thuật quan tâm. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ niềm vui và bày tỏ hy vọng những tác phẩm tiếp theo của Dương Văn Chung sẽ có thêm những đột phá trong sáng tạo.

Triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, sau 22 năm với biết bao thăng trầm, có những kỳ hài lòng, rồi trăn trở… Quy luật đó luôn tồn tại, luôn phải trải qua trong bất kể việc gì. Lần này, Hội đồng chuyên môn rất thuận tình và thấy thoải mái khi đã lựa chọn trao những phần thưởng xứng đáng cho các tác phẩm - tác giả. Chúng ta không hoài nghi về sự sáng tạo của nghệ sĩ, vì nó luôn không có giới hạn. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng những sự đổi mới mạnh mẽ, đột phá nhiều hơn vào năm sau, năm sau nữa…

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy