Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:18 (GMT +7)

Triển lãm ảnh Nude – tháo gỡ “nút thắt”?

VNTN - Chụp và phổ biến ảnh Nude nghệ thuật ở Việt Nam là một hành trình gian nan của những người sáng tạo và cả người thưởng thức. Nude là thể loại luôn đặc biệt bởi cần có sự đồng điệu cùng lúc của 3 đối tượng: tác giả, người cấp phép và người thưởng ngoạn.


Triển lãm chuyên đề “Ảnh Nude nghệ thuật” do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật & Nhiếp ảnh (nhà 29, phố Hàng Bài, Hà Nội) từ 20 đến 27/7/2018 của 10 nghệ sĩ nhiếp ảnh theo đuổi thể loại này trên toàn quốc: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Nguyễn Á, Trần Nhân Quyền, Phó Bá Cường, Dzung Nguyễn, Ngô Xuân Phú, Đỗ Thùy Mai, Đào Đức Hiếu; với nội dung nhằm ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể - tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ của người phụ nữ, dưới góc nhìn nghệ thuật đã mang tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Tác phẩm “ký ức” - (Dzung Nguyen)

Trong những ngày diễn ra cuộc trưng bày, số lượng người đến thưởng lãm rất đông. Theo lời ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm thì, trong lễ khai mạc, giữa lúc mưa lớn có khoảng 300 khách dự. Ngày hôm sau (thứ bảy) có khoảng 700 người, tới chủ nhật thì có tới hơn 2.000 người. 52 tác phẩm ảnh đen trắng và ảnh màu đã giúp công chúng tìm hiểu và thưởng thức những giá trị thẩm mỹ, nhân văn; đồng thời cũng để phân biệt điểm khác với những tấm ảnh Nude phản nghệ thuật. Chính các nghệ sĩ cũng bất ngờ. Tác giả Dzung Nguyễn, một trong những nghệ sĩ có ảnh trưng bày tại triển lãm tỏ ra hào hứng, bởi anh đã từng đến đây dự khai mạc trưng bày ảnh nhiều lần, nhưng ở các cuộc trước đây thường chỉ “hot” trong ngày khai mạc; vui vẻ do đồng nghiệp, bạn bè đến chia vui với nhau, còn các ngày sau thì thưa thớt. Còn ở triển lãm chuyên đề này thì tấp nập người đến xem, kéo dài cả ngày. Với Dzung Nguyễn và bao người khác, thì đây quả là tín hiệu tốt cho việc chụp và triển lãm ảnh Nude.

Nude nghệ thuật là thể loại ảnh, là đề tài có từ rất lâu trong hoạt động của các họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh trên thế giới. Những ảnh Nude đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tại Hà Nội vào những năm 60 thế kỷ 19, tác giả là một số thợ ảnh dịch vụ, người làm việc ở ngành văn hóa, xã hội. Những năm trước và sau ngày miền Nam được giải phóng, một số người chụp ảnh ở Hà Nội đã gặp không ít trở ngại trong khi chụp thể loại này. Có người bị kỷ luật, chuyển công tác, thu thẻ hành nghề, thậm chí bị thương vong khi xô xát với gia đình, người thân của người mẫu. Tới cuối những năm 90, ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng có vài dự án triển lãm trưng bày hoặc xuất bản sách về Nude được nêu ra, song vì nhiều lý do khách quan nên không thực hiện được.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thái Phiên (TP Hồ Chí Minh ) đã có 26 năm theo đuổi đề tài này. Nhờ đam mê và sự giúp đỡ của người thân và họ hàng, nhờ hàng trăm người mẫu mới có được cuốn sách ảnh, gần đây đã được tái bản. Ảnh của Thái Phiên, từ lâu đã được người trong và ngoài nghề biết đến. Các tác phẩm thường có sự so sánh vẻ đẹp hoàn mỹ cơ thể người phụ nữ cùng những đường cong hoàn hảo với những gồ ghề, góc cạnh của đá, của thiên nhiên; giàu chất lãng mạn và triết lý về cuộc sống trường tồn. Tại cuộc họp báo trước giờ khai mạc triển lãm, ông tâm sự: “vì phải làm thủ tục xin phép quá phức tạp, bị từ chối nhiều lần nên bây giờ, nói đúng ra là từ vài năm nay, tôi quyết định sẽ không bao giờ tự viết đơn xin tổ chức triển lãm ảnh về thể loại này nữa”.

Lý do để việc chụp và phổ biến ảnh Nude ở Việt Nam không dễ dàng, trước hết bởi đây là đề tài nhạy cảm, ranh giới giữa sang trọng, lịch sự và dung tục rất mong manh. Trên thế giới, các nền văn hóa, tập quán và trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau cũng có cách nhìn, cách đối xử và đánh giá, phương pháp phổ biến thể loại ảnh này, đề tài này cũng rất khác nhau. Các yếu tố khách quan cần có ngoài việc trực tiếp bấm máy như địa điểm, thời gian cũng ảnh hưởng tới việc phổ biến tác phẩm. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, số người cầm máy ở Việt Nam chụp các thể loại ảnh phổ biến như phong cảnh, tĩnh vật, báo chí cũng còn ít. Tại miền Bắc trước năm 1975, ở Hà Nội có hơn chục cửa hàng ảnh chụp dịch vụ, các tỉnh khác không phải nơi nào cũng có hiệu ảnh. Số lượng báo và tạp chí không nhiều như bây giờ, các tòa soạn báo thường chỉ có 1 hoặc 2 người chuyên chụp ảnh tin và kiêm trông nom nhà in, đi “chạy” ảnh. Trong hoàn cảnh có chiến tranh và tiếp sức cho tiền tuyến, việc hạn chế, thậm chí cấm chụp và phổ biến ảnh Nude là cần thiết. Các loại hình văn nghệ khác như âm nhạc, hội hoạ, văn thơ cũng như nhiếp ảnh “Phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” được xác định là đề tài duy nhất.

Những năm cuối 90, Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa với nước ngoài, riêng với thể loại ảnh Nude việc phổ biến ra công chúng Việt Nam vẫn còn vướng víu. Giao hữu, hợp tác, hội nhập hoặc hòa nhập hay hòa tan v.v… trong quan hệ với văn hóa quốc tế v.v… là những khái niệm được quan tâm bàn đến. Yếu tố văn hóa truyền thống, quan niệm của các nước phương Đông, Việt Nam về vai trò, vẻ đẹp của phụ nữ, nhất là về thân thể của họ lại được nhắc lại trong các cuộc họp bàn quyết định có hay không cho phép trưng bày ảnh Nude? Trước năm 2000 việc chụp ảnh kỷ niệm, ảnh du lịch vẫn chưa phổ biến. Điều kiện kỹ thuật với bao thiếu thốn về nguyên liệu và thiết bị làm ảnh, chất lượng máy ảnh, ống kính v.v… cũng khó có thể tạo ra những ảnh Nude đẹp.

Vài năm gần đây, sự du nhập và phổ biến nhanh thiết bị kỹ thuật Internet, kỹ thuật số, đặc biệt là sự cởi mở của xã hội đã tạo điều kiện cho việc chụp thể loại ảnh này. Có nhiều hơn những người chụp ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… tìm kiếm, khám phá, trăn trở việc ngợi ca vẻ đẹp thân thể, trong đó có các nhà nhiếp ảnh nữ, những nhiếp ảnh trẻ tốt nghiệp các trường đào tạo nhiếp ảnh.v.v… Tại triển lãm này, có duy nhất một tác giả nữ - Đỗ Thùy Mai. Cái nhìn của Mai đầy rung cảm, xuất phát từ những cảm nhận đầy nữ tính, tinh tế về người phụ nữ khỏa thân.

Sau hai cuộc triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 và 2017, cuộc triển lãm chuyên đề ảnh Nude nghệ thuật trưng bày tại Trung tâm Hà Nội tháng 7 vừa qua được coi là một sự kiện của nhiếp ảnh. Tuy không hẳn là sự “cởi trói”, nhưng như lời họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật & Nhiếp ảnh, thì đó như là sự “tháo bỏ một nút thắt”.

Vũ Huyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy