Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:29 (GMT +7)

Triển lãm Ảnh nghệ thuật Quốc tế VN-15 tại Thái Nguyên: Đẹp, giá trị, nhưng…

VNTN - Những tác phẩm ảnh xuất sắc nhất, đẹp, đa dạng chủ đề và phong cách sáng tạo mang tầm quốc tế thật đã khiến người xem “no” mắt. Nhưng điều đáng tiếc dường như vẫn… rất cũ, bởi việc tổ chức triển lãm và làm thế nào để đưa nó đến với đông đảo công chúng, vẫn là điều còn đang bị… bỏ ngỏ.


Trong 5 ngày (từ 14/3 đến 18/3/2016), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức Triển lãm Ảnh nghệ thuật Quốc tế VN-15 tại Thái Nguyên; trưng bày 150 bức ảnh trong tổng số 384 tác phẩm được lựa chọn trao giải ở Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 8, phát động từ ngày 25/5 đến ngày 17/9/2015, do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần, được Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội Hình ảnh không biên giới Pháp bảo trợ. Sau khi kết thúc và trao giải cuộc thi vào tháng 12 năm ngoái, thì bộ ảnh này lần đầu mang đi triển lãm ở tỉnh, và điểm đến là Thái Nguyên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Cuộc thi này tỉnh Thái Nguyên có tác phẩm “Khép lại nỗi đau” của Nguyễn Lê Phương đoạt Huy chương Vàng VAPA chủ đề “Tĩnh vật”, 2 ảnh của tác giả Thanh Huyền được chọn treo.

Ảnh dự thi tại VN-15 được đánh giá có chất lượng cao hơn các cuộc thi trước với gần 10.000 ảnh của 1000 tác giả đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ gửi tham dự. Ngoài chủ đề thường kỳ là “Tự do”, thì VN-15 có thêm 3 chủ đề mới gồm: “Khoảnh khắc thăng hoa”, “Tĩnh vật”, “Phụ nữ và việc làm”. Việc tăng đề tài, đẩy dần thể loại chuyên sâu là một nét khác mới, nhằm hướng các nghệ sĩ Việt Nam dần tiếp cận những đề tài khó hơn, đòi hỏi nhiếp ảnh gia nghĩ và đầu tư nhiều hơn cho tác phẩm của mình. Bên cạnh hệ thống giải truyền thống của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế còn có thêm hệ thống giải thưởng của Hội Hình ảnh không biên giới Pháp.

Đa dạng chủ đề và có sự góp mặt của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng trong 150 ảnh triển lãm chỉ có khoảng 30 tác phẩm của các tác giả nước ngoài. Lý giải về sự “ít ỏi” này, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Cuộc thi này số ảnh quốc tế bao giờ cũng ít hơn. Trong 1000 tác giả thì chỉ có khoảng 150 tác giả nước ngoài gửi dự thi với 1000 file ảnh. Nhiếp ảnh quốc tế một năm có khoảng 150 cuộc thi khác nhau, và Việt Nam là một thành viên. Vì thế không phải cứ tổ chức cuộc thi là thu hút được tất cả các nhà nhiếp ảnh tham gia, và có được những tác phẩm tốt nhất, bởi các tác giả còn nhiều sân chơi ở nhiều cuộc khác nữa”.

Tác phẩm “Thăng hoa” của Nguyễn Trung Kiên (Việt Nam) đoạt Huy chương Vàng - FIAP.

Triển lãm khai mạc với sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ là niềm vui được thưởng thức một bữa tiệc ảnh khá “no nê”, mà còn là cơ hội không thể bỏ lỡ để các nghệ sĩ tỉnh nhà được cọ sát, học hỏi tư duy trừu tượng, kỹ thuật nhiếp ảnh của nước ngoài, từ tông màu, cách xử lý màu…. Thu hút nhiều ảnh dự thi nhất là chủ đề “Tự do”, “Phụ nữ và việc làm”, 2 chủ đề “Tĩnh vật” và “Khoảnh khắc thăng hoa” là những đề tài khó chụp, liên quan đến cả mỹ thuật, ý tưởng, thông điệp… nên lượng ảnh ít hơn. Những tác phẩm thực sự gây ấn tượng không chỉ bởi giá trị nghệ thuật mà chúng mang đến, mà còn phản ánh một cách sinh động, đa chiều cuộc sống muôn màu; những khoảnh khắc đời thường dung dị nhằm tôn vinh con người, cảnh đẹp khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới; mang đến nhiều thông điệp, giá trị sống nhân văn sâu sắc…

Nhưng điều đáng tiếc là, dù không gian Bảo tàng rộng mở hội nhập quốc tế, triển lãm ngoài trời thân thiện với công chúng, song Ban Tổ chức cũng phải thừa nhận khâu tuyên truyền chưa được tốt, ngoài một băng-rôn ở ngay cổng Bảo tàng được căng trước khi diễn ra sự kiện một vài ngày thì chẳng còn gì khác, thời tiết lại không mấy ủng hộ vì mưa rét khiến việc thu hút công chúng Thái Nguyên đến thưởng lãm còn hạn chế. Anh Nguyễn Thế Vinh (phường Hoàng Văn Thụ) sau giờ làm tranh thủ ghé thăm triển lãm, chia sẻ đầy vẻ tiếc nuối: Bộ ảnh đẹp quá, có nhiều tác phẩm của nước ngoài tư duy mới lạ, thể hiện rất độc đáo. Tiếc là không có nhiều thời gian để xem và nghiền ngẫm. Giá mà triển lãm tổ chức vào các ngày cuối tuần thì tốt biết mấy. Hôm nay tôi cũng chỉ tình cờ chạy xe ngang qua đây, biết có triển lãm thì vào xem chứ không biết trước để sắp xếp thời gian.

Tác phẩm “Take me home BW” của tác giả Abdulla AL-Mushaifri (Qatar) đoạt Huy chương Vàng - VAPA.  Nguồn ảnh: VAPA

Chọn lựa bộ ảnh mang triển lãm tại Thái Nguyên, muốn giới thiệu nhiều hơn về đất nước con người Việt Nam, đặc biệt là vùng phía Bắc nên Ban Tổ chức Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã lưu ý sao cho phù hợp với thị hiếu của công chúng địa phương. Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngân đã có ý tưởng được lưu lại một số ảnh để phục vụ công chúng trong nhiều sự kiện khác sẽ diễn ra ở Bảo tàng thời gian tới. Đây quả là ý tưởng táo bạo và thú vị, tại sao không khi mà đó là một cách làm hiệu quả để đưa những giá trị nghệ thuật, những thông điệp đời sống đầy trí tuệ, nhân văn, được các nghệ sĩ “lao tâm khổ tứ” ghi chép, sáng tạo bằng nhiếp ảnh lồng ghép vào các hoạt động khác, giúp các tác phẩm sống đời sống của nó lâu dài hơn chứ không phải rơi vào cảnh “triển lãm xong rồi đem bỏ kho”?!

Được biết sau Thái Nguyên, thời gian tới bộ ảnh sẽ tiếp tục được đưa đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên… Quả thực triển lãm bộ ảnh VN-15 đã tạo cơ hội để các nhà nhiếp ảnh và công chúng được thưởng thức những bức ảnh đẹp, giá trị; hiểu biết thêm nhiều về ảnh nghệ thuật, tiếp cận những tư duy nhiếp ảnh thế giới mới lạ, sâu rộng hơn… Nhưng có lẽ việc mà Ban Tổ chức cần làm cho các lần triển lãm sau, không đơn thuần chỉ là tạo ra cơ hội!

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy