Tri ân, từ thiện… hay bán hàng để trục lợi?
VNTN - Bằng nhiều chiêu trò “núp bóng” tri ân, từ thiện, những kiểu trục lợi từ việc bán hàng đang ngày càng lộng hành một cách ngang nhiên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Vậy trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền và các ngành hữu quan ở đâu?
Dùng chiêu trò để bán hàng
Đã hơn 1 tháng trôi qua song sự việc người dân một số xã của huyện Phú Bình mua phải một loạt nồi cơm điện giá đắt mà về sử dụng không được như quảng cáo, thậm chí không sử dụng được vẫn là đề tài nóng hổi được bà con bàn tán xôn xao. Người thì tiếc của không ngừng than vãn, người thì tặc lưỡi “thôi thì cũng là bài học đắt giá cho sự nhẹ dạ cả tin của mình!”...
Sự việc diễn ra tại một cửa hàng ăn tại xóm Chiễn 2 xã Nhã Lộng huyện Phú Bình, do một nhóm người tự xưng là đại diện của một công ty, đến tổ chức Hội thảo giới thiệu sản phẩm, tri ân khách hàng. Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng xóm Chiễn 2 cho biết: Khoảng đầu tháng 9, có một nhóm người đến nhờ tôi thông báo, phát giấy mời cho bà con và đặt vấn đề sẽ bồi dưỡng tiền, nhưng tôi nhất quyết không làm và cũng không cho thuê Nhà văn hóa. Tuy nhiên, sau đó, họ đã thuê được địa điểm nhà dân và thu hút gần 100 người đến tham gia mua hàng. Khi chúng tôi đến nắm tình hình thì họ đã tổ chức xong rồi.
Một buổi giới thiệu và bán sản phẩm có dấu hiệu lừa đảo đã từng xảy tại Nhà văn hóa xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (năm 2018)
Là một trong những người tham gia mua sản phẩm, bà Lê Thị Độ (xã Úc Kỳ) chia sẻ: Hình thức bán hàng như thế này tôi cũng biết và mắc nhiều rồi, xác định đến nghe chỉ để cho biết và nhận quà thôi. Bản thân đã chủ động không mang nhiều tiền, thế mà cuối cùng nghe giới thiệu cuốn hút quá, mà mọi người lại mua đông, sợ bỏ lỡ hàng tốt khiến tôi vội vay tiền để mua bằng được chiếc nồi cơm điện giá gần 2 triệu đồng, nhưng mang về lại không sử dụng được, giờ vẫn gửi ở quán sửa chữa.
Bằng các chiêu trò dụ dỗ (mà thực chất là đánh vào sự hám lợi của bà con) các đối tượng đã khiến nhiều người “sập bẫy”. Cụ thể, các đối tượng thông tin Hội thảo sẽ diễn ra trong một tuần, nhằm tạo niềm tin cho bà con. Tại ngày thứ nhất, các đối tượng giới thiệu bóng đèn tiết kiệm điện, thuốc xịt muỗi (giá 100 nghìn), máy xay sinh tố, thuốc chữa xương khớp (giá 300 nghìn); điều đặc biệt là để tri ân khách hàng, sau khi mua các sản phẩm trên, người dân đều được hoàn lại tiền. Ngoài ra, mỗi người đến Hội thảo đều được tặng một xuất quà là một gói bột nêm; những ai giới thiệu, mời gọi được thêm 5 người đến tham dự thì được tặng một chai dầu ăn. Sáng ngày thứ hai, các đối tượng chuyển sang giới thiệu sản phẩm mới là nồi cơm điện ghi nhãn hiệu NAKASHI với giá 1.850.000 đồng/chiếc. Khiến người dân đinh ninh sẽ lại được hoàn tiền như các sản phẩm trước, các đối tượng đã bán chót lọt 27 chiếc nồi, thu về gần 50 triệu đồng, và tất nhiên không hề có chuyện hoàn tiền cho người dân.
Ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, lãnh đạo cùng công an xã đã trực tiếp đến tận nơi kiểm tra, lập biên bản đề nghị dừng ngay hoạt động tụ tập đông người, bán hàng trái phép. Sau khi được nhắc nhở, các đối tượng đã dọn đồ và chuyển đi nơi khác.
Chụp ảnh “móc túi”
Cũng khoảng đầu tháng 9 vừa qua, các cặp vợ chồng cựu chiến binh (CCB) song toàn (chỉ cần chồng hoặc vợ là CCB) của nhiều xã, phường thuộc thành phố Thái Nguyên hỉ hả rủ nhau đến Nhà văn hóa tổ nhận quà và chụp ảnh lưu niệm, in trực tiếp hình vợ chồng vào bằng vinh danh hay “thiệp mừng song toàn” - một hoạt động do Hội Cựu chiến binh Thành phố giới thiệu.
Tới Nhà văn hóa, các cặp vợ chồng CCB mỗi người được vài phút chụp ảnh chân dung chóng vánh dưới tấm phông xanh, như chụp ảnh thẻ; sau đó đến bàn cung cấp thông tin để làm bằng vinh danh (hoặc thiệp mừng song toàn) và nhận quà tặng là một bộ ấm chén, trị giá khoảng 100.000 đồng. Tại đây, những CCB được các nhân viên khéo léo mời chào phóng ảnh chân dung vợ chồng, chất liệu mica, kích thước 40x60cm với giá 900.000 - 1.200.000 đồng, và kích thước 50x75cm giá 1.800.000 đồng.
Mượn danh nghĩa chụp ảnh làm bằng vinh danh (thiệp mừng song toàn) miễn phí, đơn vị chụp ảnh đã “chèo kéo” các CCB phóng ảnh với giá “cắt cổ”.
Nhiều cặp vợ chồng lầm tưởng đây cũng thuộc chương trình tri ân của Thành hội, bản thân cũng muốn có bức hình làm kỉ niệm, mặt khác lại không nắm được giá cả thị trường nên đăng ký phóng ảnh mà không hề hay biết số tiền mình phải trả cho bức ảnh phóng đắt gấp 2 đến 3 lần so với giá thực tế, tức là bị “móc túi” tới mấy trăm nghìn đồng. Chưa kể, gọi là ảnh chân dung, nhưng thực chất thợ ảnh chỉ lấy khuôn mặt của các cặp vợ chồng CCB gắn vào hình có sẵn. Thế nên, mới có trường hợp cặp vợ chồng “song toàn” nào mà chồng hoặc vợ đi vắng, không thể tới chụp, họ đều ưu ái “tạo điều kiện” nhận ảnh chân dung đã chụp trước đó.
“Thực tình khi đăng kí phóng ảnh, chúng tôi đều được họ báo giá trước, bản thân là tự nguyện. Nhưng phải nói thật, họ mời chào rất khéo, đến như tôi đã điện về hỏi ý kiến vợ, vợ bảo không phóng, thế nào mà họ tỉ tê lại thấy bùi tai mà đăng ký. Cái chúng tôi bức xúc là họ mượn danh nghĩa tri ân chụp ảnh, tặng quà miễn phí để “nhử mồi” chúng tôi đến và lợi dụng việc chúng tôi “mù” giá cả mà “chặt chém” tiền phóng ảnh”, một hội viên CCB bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ văn hóa xã Cây Thị huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Cách đây khoảng 2 năm, kiểu chụp ảnh này đã xuất hiện ở xã mình, ngay khi nắm tình hình, chính quyền xã đã yêu cầu chấm dứt hoạt động. Vậy mà mình quên không kể lại và nhắc nhở ông bà ngoại (thuộc thành phố Thái Nguyên - PV), hôm rồi về đã thấy ông bà phóng ảnh cỡ 40x60cm giá lên tới 1,2 triệu. Cứ nghĩ chỉ ở nông thôn, người dân thiếu thông tin mới bị lừa, ai ngờ ở thành phố cũng bị “dính bẫy”.
Ngày 20/9, trao đổi với ông Bùi Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội CCB thành phố Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Hội CCB Việt Nam, có một số công ty đến Hội đặt vấn đề quảng bá thương hiệu và chụp ảnh, tặng quà tri ân với hội viên. Thấy việc làm tốt, Thành hội đã có công văn xuống tất cả các xã phường trong thành phố đề nghị phối hợp với các công ty để thực hiện, với điều kiện phải có sự đồng thuận cao trong các cấp hội và hội viên. Thành hội cũng yêu cầu các công ty không được lợi dụng việc tặng quà tri ân để chèo kéo những nội dung khác.
Tiếp nhận phản ánh của phóng viên, ông Dinh đã điện cho một số cơ sở Hội xác nhận sự việc và yêu cầu dừng ngay hoạt động. Tuy nhiên ngày 9/10 hoạt động chụp ảnh này lại tiếp tục diễn ra tại phường Trưng Vương (thành phố Thái Nguyên). Chúng tôi gặp ông Ngô Sơn Hà, Chủ tịch Hội CCB phường, được ông cho biết: “Đáng nhẽ là chúng tôi dừng, nhưng nhận được chỉ đạo, thôi cứ để cho họ làm, vì chương trình mang ý nghĩa tri ân, các CCB được chụp ảnh, nhận quà cũng phấn khởi. Ngày 3/10 chúng tôi đã có cuộc họp, quán triệt trước tất cả Chi hội trưởng, Chi hội phó là phải nói rõ với các hội viên, ở đây chỉ có chụp ảnh tri ân, tặng mỗi cặp vợ chồng một bộ ấm chén.”
Trao đổi lại với Chủ tịch Hội CCB thành phố, ông Dinh giải thích: “Các Chi hội khác đã dừng lại hết, chỉ mỗi phường Trưng Vương là để làm nốt vì đã triển khai dở dang rồi. Cũng đã nói rõ chỉ chụp ảnh, tặng quà thôi, không gì nữa cả.” Mặc dù vậy, thực tế thì đơn vị chụp ảnh vẫn tiếp tục mời chào các CCB phường Trưng Vương phóng ảnh với giá “cắt cổ” như đã phản ánh ở trên.
Có làm mất hình ảnh một chương trình ý nghĩa?
Ngày 11/9, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Truyền hình chống hàng giả - Bảo vệ thương hiệu Hà Nội và Công ty Cổ phần Thương mại Goddad Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình đo đường huyết trong máu và tặng các gia đình bệnh nhân bị tiểu đường có hoàn cảnh khó khăn nồi cơm điện tách đường Homely.
Tại Chương trình, các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã được khám, đo đường huyết, huyết áp và tư vấn những hiểu biết cơ bản, cách điều trị bệnh đái tháo đường; 64 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất đã được tặng nồi cơm điện tách đường Homely.
Theo tinh thần, Chương trình được triển khai mở rộng đến 9 huyện, thành thị trong tỉnh. Nhưng khi triển khai đến đơn vị xã, phường, cụ thể là tại phường Quang Trung (thành phố Thái Nguyên) bên cạnh việc khám, đo đường huyết, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng ngừa bệnh tiểu đường cho quần chúng nhân dân (hầu hết là những người lớn tuổi có nguy cơ mắc tiểu đường cao), đã lồng ghép giới thiệu và bán sản phẩm nồi cơm điện tách đường Homely với giá 2.850.000 đồng, bằng hình thức phát phiếu đăng kí mua hàng gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, sau đó giao hàng đến tận nhà.
“Thấy họ nói về căn bệnh tiểu đường với những biến chứng kéo theo mà đáng sợ quá, trong khi đó bản thân vừa được đo lượng đường trong máu lên 9,2; lại được tư vấn với nồi cơm điện tách đường này sẽ phòng bệnh cho cả nhà, còn đang được giảm giá tới 600.000 đồng. Tôi nghĩ, thì cứ đăng kí, rồi về thảo luận với gia đình sau. Thế mà vừa về nhà, chưa cắm nổi nồi cơm, đã có người gọi ở cửa ra nhận hàng. Họ bảo có đại lý ở gần đây nên chuyển tới luôn”. Bà Đỗ Thị Thuần (phường Quang Trung) kể lại với chúng tôi như vậy. “Họ còn nói, số lượng có hạn nên chỉ ưu tiên cho những người bị nặng, còn ai đăng kí mà không được thì xin cũng vui lòng và thông cảm cho họ. Nên nhiều người đăng kí lắm, nhưng cuối cùng ai đăng ký cũng đều được hết”. Bà Thuần cho biết thêm.
Bà Hoa (phường Quang Trung) cũng cùng đăng kí với bà Thuần, nhưng khi người mang hàng đến, con bà không cho lấy với lí do, bà đi khám thường xuyên, có thấy bị tiểu đường đâu? Và sáng hôm sau, gia đình đã đưa bà đến cơ sở y tế xét nghiệm tiểu đường, thì cho kết quả bình thường. Tại đây, các bác sĩ đã giải thích với bà Hoa rằng: Xét nghiệm tiểu đường sau khi ăn 2h thì không chính xác. Vậy mà bà Thuần, bà Hoa và nhiều người cao tuổi khác ở phường Quang Trung đều được lấy màu xét nghiệm tiểu đường vào khoảng tầm 2 - 3 giờ chiều trong ngày! Đấy là còn chưa kể đến việc, có thật là nồi nấu cơm có thể tự tách đường được không?
Chúng tôi liên hệ với Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quang Trung, được xác nhận: Chương trình đã được triển khai tới một số tổ trong phường. Sau đó, Trạm có nhận được một số phản ánh của người dân, nên hiện tại đã cho dừng.
Được đánh giá là một chương trình từ thiện, nhân đạo, vì sức khỏe cộng đồng, nhưng lại lồng ghép chào bán sản phẩm như trên, liệu ý nghĩa của Chương trình có bị làm méo mó đi? Mang băn khoăn này đến trao đổi với Sở Y tế, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Sở chỉ cho phép triển khai Chương trình tại các xã/phường/thị trấn của các huyện/thành/thị với các hoạt động đo đường huyết trong máu miễn phí, tặng từ 01 đến 02 xuất nồi cơm tách đường Homely (tùy tình hình thực tế của địa phương) cho những bệnh nhân mắc tiểu đường, béo phì, tim mạch có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn của địa phương; truyền thông, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng ngừa bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phì cho nhân dân. Và chỉ cho phép giới thiệu sản phẩm nồi cơm điện tách đường Homely chứ không cho phép hoạt động bán hàng tại Chương trình”, ông Đặng Ngọc Huy - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh. “Sở sẽ có công văn gửi Trung tâm Truyền thông Truyền hình chống hàng giả - Bảo vệ thương hiệu Hà Nội, Công ty Cổ phần Thương mại Goddad Việt Nam, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện/thành/thị yêu cầu xác minh thông tin và báo cáo tiến độ, kết quả triển khai Chương trình. Nếu đúng có hiện tượng lồng ghép bán hàng tại Chương trình, Sở sẽ yêu cầu chấn chỉnh, thậm chí là dừng ngay Chương trình”, đồng chí Phó giám đốc Sở Y tế bày tỏ thái độ cương quyết.
***
Thực tế, các vụ việc tương tự như những phản ánh ở trên đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong suốt thời gian qua và cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông cảnh báo liên tục. Như loại hình chụp ảnh miễn phí “móc túi” người dân xuất hiện ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quãng Ngãi), đã bị Công an vào cuộc điều tra và xử phạt các đối tượng (12/2018); hình thức “núp bóng” khám, chữa bệnh miễn phí để quảng cáo và bán thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người dân xảy ra ở huyện Văn Lăng (tỉnh Lạng Sơn) tháng 4/2019; hay loại hình “du lịch 0 đồng” gây nhức nhối một thời gian... thực sự là những ví dụ cảnh tỉnh mọi người.
Bà Đỗ Thị Thuần (phường Quang Trung) cùng sản phẩm nồi cơm điện tách đường Homely đã mua.
Thiết nghĩ, chính mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự cảnh giác, tránh bị hấp dẫn bởi những quà tặng, ưu đãi miễn phí mà trở thành nạn nhân của những cú “móc túi” không thương tiếc. Và các đơn vị, tổ chức, đoàn thể, có nên “tạo điều kiện” để các doanh nghiệp, công ty đến quảng bá hình ảnh, giới thiệu và bán sản phẩm (dù với hình thức nào) như vậy? Bởi suy cho cùng, đối với người kinh doanh, mục đích cuối cùng luôn là lợi nhuận. Hơn nữa, nếu việc giám sát, quản lý thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để những hành vi xộc xệch, trục lợi có cơ hội chen chân, trà trộn thì phía chịu thiệt không chỉ có người dân mà hình ảnh của các tổ chức, đơn vị cũng theo đó mà bị mang tiếng xấu.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời ông Nguyễn Đức Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chúng tôi đã nắm bắt và chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường cơ sở trực tiếp kiểm tra, báo cáo về hình thức tiếp thị, bán hàng tại các địa phương. Theo đó, các Đội Quản lý thị trường đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật. Song các hình thức bán hàng ngày càng tinh vi và liên tục thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động cộng với sự nhẹ dạ cả tin của người dân nên việc kiểm tra, kiểm soát vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát về hoạt động này, đồng thời tuyên truyền đến người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kịp thời báo cơ quan chức năng khi phát hiện những hoạt động có dấu hiệu trục lợi để bán hàng.
Mong rằng, khi bài báo này đến tay bạn đọc, sẽ có thêm nhiều người thoát khỏi cảnh bị “dụ dỗ” bởi những chiêu trò để bán hàng trục lợi.
Bích Hồng - Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...