Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:32 (GMT +7)

Trên vùng biển Tây Nam

Kỳ 1: Thanh xuân dành trọn với biển trời

Sở hữu làn da sạm cháy, nhịp bước nhanh và chắc, nụ cười tỏa rạng, ánh mắt chất chứa chở đầy khát khao hơi ấm đất liền…, đi và bắt gặp nhiều những hình ảnh ấy, thấy đó như là “đặc sản” về lính biển. Tôi hình dung họ như những cánh hải âu, cứ lặng lẽ, kiên gan vượt trùng khơi, gọi tên biển là nhà, nơi mà tuổi thanh xuân đã hiến dâng trọn vẹn như những bông hoa ở thời kỳ mãn khai nhất…


Những hồi còi như thúc giục vang lên từ con tàu vận tải quân sự 632 thuộc Hải đội 511 Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân rạng sáng ngày 27/1/2018, thời khắc tàu rời cầu cảng, trong ánh sáng nhập nhoạng buổi sớm mai, nhìn hàng quân ra tiễn xếp hàng ngay ngắn đưa tay chào đồng đội, cảm xúc bỗng lẫn lộn - vui - lo - hào hứng và cảm động. Cảm giác về sự trầm hùng thiêng liêng, xốn xang nghĩ về những cuộc chia ly đất liền của biết bao người lính coi biển là nhà. Chúng tôi rời đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để bắt đầu cuộc hành trình trên tuyến đảo Tây Nam. Đoàn công tác gần 130 người gồm phóng viên báo, đài trung ương, địa phương trên toàn quốc và đại diện Đảng bộ, chính quyền các tỉnh phía Nam đến với chiến sỹ, nhân dân những vùng phên giậu của Tổ quốc.

Tăng bo bằng xuồng vào điểm đảo Hòn Chuối

Những trái tim nồng ấm, vững vàng

Trong bữa cơm trước ngày rời đảo Phú Quốc tại Hải đội 512, chúng tôi được Hải đội trưởng, thiếu tá Bùi Đức Đồng giới thiệu gặp gỡ một gương mặt dạn dày sóng gió, người vừa đặt chân lên đất liền chỉ vài ngày sau hơn 10 tháng lênh đênh trên biển - trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lương Văn Hạnh (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình). Anh hiện đang là máy trưởng tàu 471, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân. Đơn vị đóng tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Gương mặt rám nắng khiến Hạnh già hơn so với tuổi 30 của mình. Ánh mắt bỗng ngại ngùng, mặt bừng đỏ khi các nữ nhà báo hỏi chuyện vợ con, anh thành thật: mình đi biền biệt, lại xấu thế này thì ai mà yêu cho được! Dứt lời, khuôn mặt càng đỏ cháy khi được mọi người gán ghép với một nữ nhà báo độc thân. Hạnh chỉ cười, thật hiền.

Cuộc sống gia đình Hạnh không mấy dư dả, bố anh trước đây vốn là lính lái xe, bất ngờ mất trong một tai nạn. Tốt nghiệp THPT một thời gian, anh đăng ký đi bộ đội. Trải qua đợt huấn luyện tân binh, rồi đi học lớp sơ cấp súng pháo và được phân công tác tại tàu 253, sau thì chuyển về ca-nô 111. Chớp mắt mà cũng đã 9 năm là lính biển. Chứng kiến và trải nghiệm những khó khăn giữa trùng khơi sóng gió, từng cùng đồng đội vượt bão, lao xuống biển cứu người chẳng màng nguy hiểm, tâm niệm của Hạnh giản đơn: “nếu để người gặp nạn dưới biển họ sẽ lạnh lẽo lắm. Hơn nữa, sóng to, nếu không vớt thi thể của họ lên, có thể sẽ không bao giờ họ được trở về với gia đình”.

Chín năm khoác lên mình bộ quân phục trắng, cái tết năm nay là cái tết thứ tám xa nhà. Hỏi Hạnh có tâm trạng gì, anh cười, rồi thủ thỉ kể: Lần đầu đón tết trên đảo đã khóc vì buồn, thương mẹ, nhớ em. Khi được rời tàu lên đất liền là chỉ muốn chạy thật nhanh đến bên những đứa trẻ để lì xì,… Những tết sau thì quen dần, suy nghĩ lạc quan hơn, bởi không chỉ có mình mà nhiều anh em đồng chí khác cũng đang gánh trên vai trọng trách đặc biệt thiêng liêng, là canh gác cho nhân dân một cái tết bình yên. Thế nên không biết tự khi nào lại yêu tết ở đảo. Đoạn anh vui vẻ khoe: “mình gói bánh chưng có nghề, thuộc hàng nhất nhì của đơn vị đấy nhá. Năm nào cũng vào rừng tìm cho được một cành mai vàng đem về trang trí tàu. Có bánh chưng xanh, có mai vàng, thế là đủ vui tết”.

Gặp gỡ trung úy Hạnh, cảm nhận về một trái tim ấm áp yêu thương. Qua những phút bối rối ban đầu, anh trở nên gần gũi, cởi mở. Hạnh dẫn chúng tôi đi xem câu mực, cùng hát karaoke chia tay chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Có tối chuẩn bị ngủ thì Hạnh gõ cửa, giọng phấn khích: Có mực câu ngon lắm, dân đảo cho em hồi chiều, các chị làm lon bia, ăn mực ngắm trăng, nhớ tụi em suốt đấy. Nói rồi anh chìa ra một chiếc bát có sẵn rượu pha muối (thay cồn), ngồi nướng mực mà mồ hôi lấm tấm, cả hành lang nhà nghỉ của Hải đội thơm nhức mũi. Thật vui với ý nghĩ đã khám phá ra một “chiêu” nướng mực mới, nhìn Hạnh thấy thương yêu và cảm động. Chưa bao giờ tôi thấy mực và bia ngon đến thế.

Tôi là nhân vật có phần đặc biệt trên tàu 632 trong chuyến hải trình Tây Nam lần này, bởi trước đó một ngày khi chuẩn bị rời đảo Phú Quốc đi các điểm đảo, tôi sốt liên tục. Gần nửa đêm, quân y ở Hải đội vẫn túc trực đo huyết áp và làm các xét nghiệm, kiểm tra hạ sốt, giúp tôi ổn định sức khỏe. Trên tàu, trung úy Lê Văn Hùng, y sỹ Đội điều trị 78 Phòng hậu cần Vùng 5 Hải quân, người nhận nhiệm vụ trong chuyến công tác lần này thường xuyên đến hỏi han, nắm bắt diễn biến bệnh tình, kê thuốc kịp thời. Anh theo chân chúng tôi lên các điểm đảo, nhắc nhở khi thấy “bệnh nhân” - (là tôi) để đầu trần ham mê tác nghiệp, thân thương như nhắc nhở một đứa em trong nhà.

Cuộc trò chuyện ngắn trong lúc chờ tàu cập cảng vào đảo Nam Du, câu hỏi như nửa đùa nửa thật, rằng người làm quân y thì chắc không được phép ốm? Trung úy Hùng cười xòa kể, anh đã từng có khoảng thời gian xa nhà 18 tháng ròng khi thực hiện nhiệm vụ đưa chiến sỹ công binh cùng vật liệu ra Trường Sa xây dựng đảo Trường Sa Đông và Đá Lát. Nhìn những tân binh lần đầu gặp sóng to gió lớn nằm bẹp dí, không ăn được gì, nôn ra mật xanh mật vàng, thương các em đến cháy lòng. Dù đã dạn dày sóng gió song anh cũng rất mệt. Nhưng ý chí không cho phép anh được đuối sức, bởi trọng trách chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho người khác không ai làm thay được. Trong những cơn chao lắc dữ dội, anh cố gắng đưa từng hộp sữa đã găm sẵn ống hút cho tân binh, và nước mắt cứ trào ra khi chứng kiến có những em đến sữa cũng không uống nổi.

Trung úy Lương Văn Hạnh (bên trái) chuẩn bị trang hoàng đón tết ở đảo

Ở một điểm đảo không có dân sinh sống, trên trạm radar 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, đóng trên đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), câu chuyện của trung úy Nguyễn Văn Quang (Hà Nội), quân y Trạm khiến tôi như mắc nghẹn. “Ngày vợ ở nhà sắp sinh con đầu lòng, tôi xin đơn vị cho về phép. Nhưng lúc đó biển động tàu không thể cập đảo, đành chỉ qua sóng điện thoại nghe tiếng người nhà, bồn chồn cầu mong mẹ tròn con vuông. Khi biển lặng thì cũng là lúc hết phép, tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi trao đá chủ quyền của Trường Sa cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, một tháng sau mới sắp xếp về được mấy hôm, rồi lại ra đi đằng đẵng đến tận khi nhóc con một tuổi. Ngày về thăm nhà, con gái khóc ré lên khi bố cưng nựng, ai nhìn cũng vừa thương và buồn cười”.

Hạnh phúc của lính đảo xây nên từ niềm tin son sắt, từ tình yêu bền vững hiếm hoi, cao đẹp như trong thời binh lửa, để những trái tim hậu phương đặt trọn tin yêu. Tôi đã không khỏi hoài nghi, rằng gần 10 năm anh đằng đẵng đảo xa, có khi nào tình cảm vợ chồng vơi nhạt. Nhắc đến hậu phương, đôi mắt anh trở nên sáng rỡ, chắc chắn: Không hề có điều đó. Bởi vì trái tim mình ở đây cũng mang niềm tin trọn vẹn với người phụ nữ của mình nơi quê nhà. Đi xa không thể gánh vác việc lớn bé trong nhà, biết là vợ con thiệt thòi nhiều, nhưng từ những ngày còn viết thư tay, rồi nay có điện thoại thông minh, mình luôn khiến vợ an tâm và hiểu rằng, phải có những người lính cầm chắc tay súng nơi hải đảo, biên cương như chồng mình, cuộc sống nơi đất liền mới bình yên, hạnh phúc.

Khi ta yêu đất sẽ hóa tâm hồn…

Tạm bỏ lại sau lưng cuộc giao lưu văn nghệ sôi nổi, trung úy Nguyễn Đức Hùng (25 tuổi, quê Thái Bình) Phó trạm trưởng quân sự phụ trách hậu cần kỹ thuật Trạm radar 625 thuộc tiểu đoàn 551 Hòn Đốc (xã Tiền Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) dẫn tôi đi xem… lợn rừng. Gần mười năm nay, đây là vật nuôi giúp cải thiện bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ, và là sản phẩm hàng hóa có giá trị. Giống lợn được lấy từ Lâm Đồng, Tây Nguyên. Nghe tiếng người, đàn lợn lục tục tìm đến, cẩn trọng xem xét nắm cỏ mà chúng tôi vừa đưa tới. Hùng bảo: chẳng thể chạm vào chúng đâu, cứ hễ đến gần là bỏ chạy hết. Nuôi lợn rừng dễ hơn các giống lợn khác, thức ăn không cầu kỳ, chỉ bã rượu, rau muống biển, chuối. Bệnh tật cũng hiếm gặp. Mà cái giống này lạ lắm, lợn cái một năm đẻ đều chừng 3 lứa, nhưng đẻ lúc nào thì chẳng ai hay biết. Chúng tự lủi vào đâu đó, “mẹ tròn con vuông” rồi lại dắt díu nhau về. Đảo Hòn Đốc hiện có 332 hộ, chủ yếu là người Kinh và người Khơme, sống bằng nghề đi biển và buôn bán nhỏ. Điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt, thiếu nước ngọt. Việc tăng gia sản xuất tự cung tự cấp là chuyện thường tình, nhưng tăng gia để có thể giao thương thì không phải nơi nào cũng làm được như trạm radar 625. Các chàng trai ở đây có vẻ khá “mát tay” khi duy trì nuôi bình quân 50 - 80 con lợn/năm. Không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm cho cán bộ chiến sĩ trên trạm mà còn bán cho dân đảo với giá 150 - 200 nghìn đồng/kg. Nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi lợn đạt 40 - 70 triệu/năm, đơn vị dùng cải thiện bữa ăn cho anh em và cơ cấu tái sản xuất.

Dạo một vòng quanh trạm, tôi hào hứng trẩy ổi chín, ngắm những chú chim bồ câu điệu đàng nghiêng mình phơi nắng; đàn gà túm tụm tìm thức ăn trên bãi cỏ. Hơn 150m2 trồng rau xanh không những dư dả cho đơn vị sử dụng mà còn bán được ít nhiều. Hùng thong thả kể chuyện đời sống trên đảo, thật thà, chững chạc: “sống đâu âu đó thôi chị ơi. Gian khó giúp con người trưởng thành nhanh và mạnh mẽ hơn. Ba năm trước nhận nhiệm vụ ra đây, buồn hiu buồn hắt, nhưng giờ anh em đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao; ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì tăng gia sản xuất. Điện thoại thông minh kết nối internet, dân ở đảo cũng đông đúc. Thích nhịp sống thư thả, bình dị, cảnh đẹp hiếm nơi nào có được như vùng này - trời trong, nắng vàng, biển xanh. Về phép mà nhớ đấy chị ạ. Ở đâu mà người yêu đất, thì nơi đó đất sẽ hóa tâm hồn thôi”. Hóa ra, chàng lính biển này không chỉ chững chạc mà còn lãng mạn và dường như rất yêu văn học nữa.

Vượt 46 hải lý từ quần đảo Nam Du, chúng tôi phải tăng bo bằng xuồng để vào đảo Hòn Chuối. Từ xóm chài nghèo nằm dưới chân đảo, ngược lên lưng chừng dốc cheo leo là tới Đồn Biên phòng 704 (Đồn Biên phòng Hòn Chuối). Tôi nghe nhiều, đọc nhiều về lớp học tình thương của Đồn và về người thầy giáo mang quân hàm xanh - thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Định bụng không viết gì thêm nữa. Nhưng nhìn những cử chỉ ân cần với học trò, nhìn nụ cười ấm áp trên khuôn mặt sạm đen ấy, vẫn thấy cảm xúc bị tác động không đừng được. Chín năm nhận nhiệm vụ ra đảo là chín năm người quân nhân ấy miệt mài bên trang giáo án, tự trau dồi kiến thức cho bản thân, giúp khoảng cách về kiến thức giữa học sinh ngoài đảo và đất liền gần nhau hơn. Để rồi hôm nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến lớp. Gần 20 học sinh đã vào đất liền tiếp tục đi tìm con chữ. Đặc biệt có một em đã tốt nghiệp Đại học ngành xây dựng phân hiệu ở Cà Mau. Điều kỳ diệu của cuộc sống nơi đảo xa đã được anh và đồng đội lặng lẽ kiến tạo như thế.

Trung úy Nguyễn Văn Quang

Trưa muộn mới thấy anh trở xuống Đồn, là bởi tan giờ học còn tận tâm đưa trò nhỏ về nhà. Bữa cơm soạn vội, nụ cười luôn thường trực, trong giọng cười, ánh mắt trầm ấm, tôi biết anh đang vui. Anh nói với chúng tôi về niềm tin, rằng sự chia sẻ dù lớn hay nhỏ cũng tạo nên sự kỳ diệu. Đã có lúc vận động trò đến lớp, gặp nhiều “ca khó” không màng chuyện học, anh phải biến mình thành người bạn của đám nhỏ, nói với chúng về những điều đơn giản và dễ hiểu nhất: Có chữ là có tương lai. Chín năm ròng kiên trì với lý tưởng cao đẹp gieo mầm tri thức, anh bảo: những đứa trẻ ngày trước sáng đi học mà lấm lem, bụng đói, khóc lóc, giờ chúng đến trường với những nụ cười thường trực trên môi. Đó chẳng phải là sự kỳ diệu ư?

Yêu thương những đứa trẻ, anh nhớ từng bậc thấp cao, từng mô đá khấp khểnh đường về nơi dân ngụ cư; chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ nhủ mình sống chân thành, yêu thương chân thành, thì đá sỏi cũng sẽ nhường lối. Cái bắt tay thật chặt khi tạm biệt, nụ cười anh tan ra nhẹ bẫng, nắng như dịu lại, trong tôi dấy lên niềm tin, nơi gập ghềnh đảo nhỏ, những nặng nợ yêu thương mà thượng úy Phục và những người đồng đội của anh gieo xuống, sẽ khiến vùng đất này ngày một sinh sôi.

Kỳ 2: Nghĩa tình tiền tuyến - hậu phương

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước