Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:34 (GMT +7)

Tranh thờ của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc

VNTN - Cùng với tranh khắc, mỹ thuật dân gian Việt Nam còn có những bức tranh vẽ tay của các tác giả khuyết danh thuộc dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… Mặc dù hầu hết là tranh tôn giáo, gắn với tín ngưỡng đạo Phật hay đạo Lão, song tranh thờ vẫn mang rõ dấu ấn nghệ thuật của mỗi dân tộc, hình thành từ cội nguồn văn hóa và phong tục tập quán riêng.


Bức “Cầu Hoa” của dân tộc Tày thờ Mé Bjóoc (Mé Hoa), cúng cầu sinh con trai hay gái. Tranh “Thần Nông”, vị thần cày cấy, trồng trọt, thường gặp ở lễ hội “Dựng Bồ thóc” của dân tộc Cao Lan tổ chức hàng năm vào dịp xuống đồng mở mùa lúa mới. Hay tranh vẽ hình tượng Bàn Cổ (thủy tổ của dân tộc Dao, theo truyền thuyết) được treo thờ, nhằm mục đích tưởng nhớ công đức che chở dân tộc trong buổi chuyển cư thuở xưa xuống phía Nam. Các lễ hội dân tộc đều khởi xuất từ ước vọng ấm no của nhân dân, và là dịp vui chơi cho các bản làng.

Tranh thờ miền núi cũng có mặt trong các lễ tang, biểu thị ước nguyện dân gian của gia đình người chết cầu cho vong hồn thân nhân thoát cảnh địa ngục, vươn tới cõi Niết bàn (Phật giáo) hay cõi Bất tử (Đạo giáo). Nhiều tranh còn miêu tả những cảnh hành hình rùng rợn dưới địa ngục đối với kẻ phạm trọng tội trên cõi dương, mục đích là để răn đe con người không làm điều ác, hoặc cổ súy tư tưởng, hành vi xử thế sao cho hợp lý hợp tình. Tranh thờ còn lại hiện nay lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phần nhiều là do thợ vẽ tranh Hàng Trống trước đồ lại, nét vẽ và màu sắc có kém đi chút ít nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của các tôn thánh. Ở miền núi đa số những tranh thờ do các thầy cúng tự sao chép thì còn kém hơn.

Bức tranh thờ Địa táng vương Bồ Tát

Đặc điểm riêng biệt

Tranh thờ mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Tranh có lối bố cục lạ: hẹp, dài và dày đặc các nhân vật thần linh. Về cơ bản loại tranh này vẽ bằng bột màu trên giấy. Tùy nơi xuất xứ, cùng một đề tài có thể xử lý qua các bố cục khác nhau, tạo ra nhiều dị bản. Màu sắc tranh thờ thường là màu bột và một số màu lấy từ tự nhiên (đá sỏi son, lá chàm, hoa hòe, than lá tre, bột vỏ sò vỏ điệp…), do vậy ít pha trộn như đỏ, vàng, trắng, đen, xanh lá cây..., đâu đó còn dùng cả vàng lá, bạc lá thếp thêm vào tranh tạo nên sự quện ấm tươi tắn, linh thiêng. Những màu ấy trong tranh mang tính ước lệ, biểu trưng nhiều hơn là tả thực.

Trong tranh thờ có một số nhân vật có những vòng tròn ở phía sau, nhiều người tưởng đó là vầng hào quang giống như phía sau trên đầu Đức Phật. Nhưng thực ra không phải thế. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu Viện Hán Nôm thì đó là cái gương soi. Theo quan niệm Đạo giáo, vạn vật hữu linh. Cây cối sống ngàn năm có linh khí, có thể thành địa tiên, muông thú tu luyện nghìn năm có thể biến thành người. Các nhân vật tiên thánh cũng đều xuất phát từ nhân thế, vì tu luyện lâu năm mà thành. Dù đã thành bậc thánh, nhưng đôi lúc ham muốn phàm trần lại trở về. Chiếc gương trên đầu là để soi hàng ngày. Soi vào đó, các vị nhìn thấy gốc gác xuất thân từ đâu mà ra để tự thức tỉnh mình, dẹp đi những ham muốn tầm thường. Đó là tấm gương giữ mình của các vị tiên thánh. Như vậy từng chi tiết trên tranh thờ cúng đều có ý nghĩa gắn liền với đạo lý, bản sắc của mỗi dân tộc.

Phong cách nghệ thuật độc đáo

Phong cách nghệ thuật đồng hiện và liên hoàn là điều đáng chú ý nhất trong tranh thờ. Nghĩa là trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau. Các thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người trên cùng một mặt tranh. Lại có những bức tranh thờ vẽ đủ cả các cảnh từ mặt đất lên bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ tranh. Điều đó đã tạo ra không gian trong tranh mênh mang, thời gian trong tranh vô tận chứ không ghim chặt vào một khoảnh khắc điển hình như tranh hội họa giá vẽ đương đại. Xét về mặt nào đó, đây là một sự giải phóng về mặt tư tưởng, là một thành công trong tư duy sáng tác nghệ thuật của các nghệ nhân vẽ tranh thờ.

Phân cấp các nhân vật

Tranh thờ vẽ một loạt các hình tượng nhân vật. Các nhân vật thần chủ này lại tuân theo một qui tắc xã hội: nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, và các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, nhỏ hơn. Đó chính là những vị thần chủ như Thập điện diêm vương, Tứ đại nguyên súy, Tả Sư Hữu Thánh... và các thần phụ đi kèm. Những vị thần chủ chính thường được khắc họa nổi bật, các chi tiết tạo hình chọn lựa kỹ càng, mang tính biểu trưng cao, ví như hình ảnh những lưỡi lửa bừng bừng cháy trên thanh gươm của vị Tả Sư và con rắn xanh quấn quanh gươm của vị Hữu Thánh - trong bộ tranh đôi Tả Sư Hữu Thánh. Những hình ảnh nói trên là ví dụ về sự khái quát, cô đọng bằng đường nét: diễn tả sức mạnh bừng bừng không gì cản nổi (như ngọn lửa), thâm sâu lạnh lẽo (như nọc độc của con rắn xanh), thứ quyền lực bao trùm, mạnh mẽ khủng khiếp của hai vị quan chấp pháp.

Trong khi đó, các nhân vật phụ thường được vẽ không mấy cụ thể, mang những tư thế giống hệt nhau, thậm chí đôi khi là những bản sao hoàn chỉnh về hình và sắc độ. Chính những hình tượng phụ này cũng là một điểm rất đáng lưu ý: hàng chục hình tượng vẽ lặp lại, na ná nhau, lại xếp liền tù tì thành một hàng hay nhiều hàng chồng chéo, giống như một loại họa tiết trang trí độc đáo thường bắt gặp ở đường diềm.

Trong sinh hoạt thường ngày, người dân miền núi phía Bắc không dùng tranh để trang trí nơi ăn ở của mình, không chỉ tranh mà tượng hay các tác phẩm điêu khắc cũng vậy. Tranh thờ Đạo giáo - do các nghệ nhân vẽ và sao chép - nằm trong một hệ thống các đồ dành cho thờ cúng như áo choàng mũ, kiếm cúng, lệnh bài, mặt nạ, nhạc cụ, sách cúng... Những vật này thuộc sở hữu của thầy Tào và chỉ được bày ra trong mỗi dịp lễ cúng.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ, con người khám phá thế giới đã tiến một bước dài, xã hội tri thức hình thành và đang phát triển, có nhiều nhà nghiên cứu về thế giới tâm linh, nhưng cũng chưa thể nói là đã giải thích hết, hiểu hết về thế giới tâm linh và nhiều hiện tượng thiên nhiên. Đó là dấu hỏi chưa thể xoá trong đời sống tinh thần mỗi người dân. Cho nên thể loại tranh thờ cúng trên vẫn còn nguyên giá trị văn hoá, nhân bản và nghệ thuật để chúng ta suy ngẫm và tiếp tục tìm hiểu, tiếp tục khám phá.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy