Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:53 (GMT +7)

Tranh thật như ảnh

VNTN - Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm giữ cho hội họa có thể đứng vững trước nhiếp ảnh đang thịnh hành ồ ạt, đồng thời đối trọng với chủ nghĩa trừu tượng, thích sáng tác theo kiểu siêu thực - hư ảo, một số họa sĩ Mỹ đã tạo nên một loại tranh cực kỳ giống ảnh, vừa có những chi tiết chân thật, dễ hiểu vừa có sự phóng khoáng, ấn tượng. 

Những họa sĩ tiên phong có thể kể đến như: Audrey Flack, Richard Estes, Charles Bell, John Baeder, Chuck Close và Don Eddy… Loại tranh hóa ảnh, tranh tựa ảnh hay tranh mô phỏng ảnh bấy giờ chỉ là một giải pháp tình thế để đáp ứng nhu cầu trưng ảnh của mọi người, song hiện nay đã trở thành một phong cách táo bạo, kỳ diệu đặc tả hiện thực, thu hút đông đảo các bạn trẻ.

 

Tác phẩm “Cơn đói khát” của họa sĩ Arinze Stanley (Nigeria)

Nói chung, để có tranh như ảnh, người ta sẽ dùng chính những bức ảnh đã được chụp, cũng có khi là nhìn thẳng vào cảnh vật xung quanh, vẽ lại và chuyển tải nội dung làm sao cho chính xác nhất so với hình ảnh từ máy. Là hội họa nên họ cũng sẽ dùng bút chì (pencil), than chì (graphite), than củi (charcoal) và một số loại màu thực hiện tác phẩm, cũng nhờ thế tạo ra sự nhận diện giữa tranh và ảnh. Mặc dù dựa trên ảnh, song đối tượng trong tranh và cả bức họa thường rất to, nhiều khi gấp năm, mười lần thực tế. Nó lớn như vậy là để giúp tác giả vẽ được sâu sắc, sống động hơn sự việc, đồng thời cho người xem dễ nhận hơn về những thứ, những người mà họ quen thuộc, và từ những chi tiết cực nhỏ như cành cây, mái ngói, bộ lông con vật tới những ánh mắt, nụ cười, hàm răng hay thậm chí là nốt ruồi trên khuôn mặt…, đặc biệt là các minh tinh màn bạc, ca sĩ, chính khách, nhân vật được yêu mến. Xuất hiện như ảnh phóng đại, mỗi họa phẩm thường phải mất rất nhiều thời gian sáng tác.

Do tranh mô phỏng ảnh nên mọi tính chất của ảnh đều hội tụ ở đây, gồm các nguồn sáng - bóng đổ, những chi tiết và tỷ lệ. Nếu như tranh thông thường chỉ quan tâm đến màu sắc - mảng miếng thì loại tranh này lại chú trọng đến ánh sáng và bóng tối. Chỗ nào cần sáng, chỗ nào phải tối đúng nghĩa. Nhờ ánh sáng, mọi thứ cũng rất cụ thể, rành mạch và tại một điểm có khi chứa tới hàng vạn chi tiết, nói dễ hiểu là hàng vạn cái chấm hay nét phẩy chẳng hạn, trong khi ở tranh nó sẽ bị tô phủ hoặc thay bằng một mảng màu nào đó. Vì sự rõ ràng nên từng chi tiết cũng tuân theo các tỷ lệ khoa học về độ cân xứng và phối hợp xa gần ba chiều thay vì hai chiều ở tranh. Không nông hoặc mờ mịt các khoảng cách, độ dài rộng, ở đây chúng hiện lên rất sinh động dưới nhiều góc cạnh, phương hướng. Ngoài ra, còn có một đặc tính quan trọng nữa là sự chuẩn xác, trung thực. Khác với kiểu sáng tác mơ mộng, thường sửa đổi, thêm thắt cho cảnh vật, ví dụ như muốn có hoa thì vẽ thêm hoa, muốn có nước thì vẽ thêm sông suối, người vẽ tranh này luôn phải nhìn mọi thứ đơn giản, có gì tả nấy và mang thông điệp hẳn hoi. Tuy vậy, cảnh vật, con người vẫn phải xinh đẹp, hấp dẫn, ngay cả những cảnh u buồn, hỗn loạn cũng phải lôi cuốn, thú vị vì không chỉ là ảnh mà còn là tranh.

Với ảnh đã có máy móc (camera, đèn flash, ống kính lens) hỗ trợ, nhưng với tranh tựa ảnh, mọi việc đều phải làm thủ công. Người nghệ sĩ, thông thường là họa sĩ phải huy động rất nhiều kiến thức và chất liệu sẵn có gồm ảnh chụp, bút, giấy, phấn, mực, sơn, dầu, cá biệt là đất cát, lông tóc, tro… để vẽ. Hay gặp nhất là bút chì đen cho tranh có màu đen trắng, độ tương phản cao cùng vẻ hồn nhiên - cổ điển giống hệt ảnh đen trắng, loại ảnh vintage (xưa cũ) cách đây hàng chục năm. Nhờ màu này và sự khéo léo, tài tình của họa sĩ, hình ảnh chân thật tới 90%. Kế đó là bút chì màu, tuy không thật bằng song lại cuốn hút, khó quên bởi màu sắc sặc sỡ gần với ảnh màu kỹ thuật số. Dù dùng bút nào, cũng phải vẽ thật chi tiết, biểu cảm về đối tượng. Trong đó khó nhất là khuôn mặt vì vừa phải khắc họa sắc đẹp vừa phải truyền đạt được cái thần, tính cách hiền dữ, cảm xúc vui buồn của nhân vật. Để tiện đặc tả từng phần sắc nét, người ta thường chia bức ảnh thành dạng lưới và vẽ dần, từ phác thảo đến tô đậm, sang sửa, chuyển từ hai chiều sang ba chiều. Không tùy ý, họa sĩ luôn phải nhìn vào mẫu từ đầu tới cuối và chú ý tới từng chi tiết, đường nét nhỏ nhất, dù ở chân tơ, kẽ tóc. Cùng với khâu tạo hình, khâu đánh bóng, viền sáng đối tượng cũng rất tỉ mỉ, cầu kỳ bởi đặc trưng của ảnh là sự sáng láng, hào quang. Mỗi tác phẩm cho thấy ánh sáng từ nhiều góc độ, soi tỏ cả những nơi xa xôi nhất ánh sáng có thể chạm tới, mà vì điều này nhiếp ảnh được gọi là nghệ thuật của ánh sáng. Không chỉ tả cảnh thiên nhiên, chân dung - tĩnh vật, nhiều người còn tiếp cận với đa dạng ảnh khác, trong đó có ảnh rung, ảnh ý niệm là những thể loại có kỹ thuật khó, chứa nhiều tầng lớp. Để có sự thành công, tất cả đều phải nhờ sự kiên trì, nhẫn nại và siêng năng. Trong khi một thợ ảnh chỉ cần một giây để chụp một bức ảnh, thợ vẽ phải tô vẽ nhiều lần hàng ngày, và thường mất cả tuần hay cả tháng mới hoàn chỉnh tác phẩm. Bù lại, tranh rất ấn tượng, nếu không nhìn kỹ sẽ không nhận ra đó là hội họa. Vì sự công phu nên đa số tác phẩm đều được dành để quảng cáo cho các danh thắng, thương hiệu và người nổi tiếng.

 

Tranh tĩnh vật của Petro Campos (Madrid, Tây Ban Nha) với những đường nét tinh xảo

Hiện nay, có khá nhiều họa sĩ tranh này được hâm mộ khắp thế giới, vì là bậc thầy về ảo giác. Những tác phẩm của họ vừa phản ánh được hiện thực khách quan, vừa dễ dàng chủ quan đưa ta bước vào thế giới của những sự vật khổng lồ mà vẫn gần gũi, quen thuộc. Trong các tác giả trứ danh, phải kể tới họa sĩ Arinze Stanley của Nigeria. Anh thường khắc họa mọi thứ trong cuộc sống ở Lagos, miền tây Nigeria với những con người bình dị và giàu nghị lực. Một số tác phẩm tiêu biểu của anh là “Sắc đen nhiễu loạn”, “Bộc phá bên trong”, “Cơn đói khát”, “Buổi trò chuyện đau đớn” hay “Sự than vãn”… phản ánh sự đấu tranh để giải phóng, vượt lên số phận của người dân. Mỗi bức tranh anh đã phải sáng tác từ 8 đến 12 tuần.

Armin Mersmann là người Đức sống tại Mỹ, cũng là một danh họa có nhiều tranh phong cảnh diễm lệ nhưng vắng lặng, và gần đây là chân dung đặc tả những đôi mắt đầy cảm xúc, khi thì ngạc nhiên - vui vẻ, lúc lại hãnh diện, cau có, nghiêm nghị. Ngoài ảnh, hiếm có ai có thể vẽ mắt sắc sảo đến thế! “Andy Roggenbuck”, “BB Winslow” và “Russell Thayer” là các tác phẩm mà mỗi cái anh mất hàng trăm giờ thủ công. Diego Fazio ở Terme - Italy từ lâu cũng nổi tiếng bởi chân dung người đẹp và quý ông đẫm mình trong nước. Trong tranh của anh, từng giọt nước ướt sũng, vung ra một cách tự nhiên như thể mưa trước ống kính, song thực ra được vẽ bằng chì. Cùng với đó là những đường nét trên gương mặt rất mềm mại, uyển chuyển, hòa nhập tinh tế với nước đến nỗi không thể phân biệt thật giả. Vốn vẽ hình xăm, tự học song mỗi sáng tác phẩm của họa sĩ đều tuyệt đẹp, mà tiêu biểu là bức tranh “Sự gợi cảm”.

Elizabeth Patterson (Pennsylvania - Mỹ) lại đưa người xem đến với những cơn mưa thật sự trên đường phố. Mưa rất to, làm cảnh vật mờ ảo, lung linh khi được nhìn qua lớp kính ô tô hay cửa sổ của những ngôi nhà. Nhờ rực rỡ, kết hợp giữa chì và màu nước, mọi thứ trông thật sôi động, chân thực. Dù nhòe nhoẹt giống các mảng màu, nhưng tất cả vẫn thấy rõ từ nhà cửa, ô tô, lòng đường, cột đèn, cầu cống… và là tranh pha lẫn giữa hiện thực và trừu tượng. Petro Campos (Madrid, Tây Ban Nha) khác hoàn toàn trên vì anh chỉ chuyên về tranh sơn dầu. Anh thường vẽ các tĩnh vật như lon cocacola, chai lọ, bút chì, hoa quả bọc trong ni lông… với những đường nét rất tinh xảo cùng với việc tả cận cảnh, khiến họa phẩm cực kỳ rõ ràng. Hơn thế, những vật dụng nhỏ bé, mộc mạc ngày thường ít ai chú ý, còn trở nên hào nhoáng, sang trọng, nêu bật tầm quan trọng và hấp dẫn của việc trang trí đồ dùng trong đời sống.

Ngoài các tác giả tài ba trên, những cái tên sau đây cũng hay được nhắc đến ở các trang báo và cộng đồng mạng, như Cath Riley (Anh), Dirk Dzimirsky (Đức), Giacomo Burattini (Italy), Gottfried Helnwein (Austria), Halim Ghodbane (Algeria), Jay Varma (Ấn Độ), Jeannette Sirois (Canada), Jono Dry (Nam Phi), Hector Gonzalez (Tây Ban Nha) Linda Huber (Mỹ), Martijn Versteeg (Hà Lan), Monica Lee (Malaysia), Paul Cadden (Scotland), Paul Lung (Hồng Công), Samuel Silva (Bồ Đào Nha), Stan Bossard (Pháp), Stefan Marcu (Romania), Yigal Ozeri (Israel)…

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy