Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:09 (GMT +7)

Tranh luận sôi nổi về giải pháp “trị” cán bộ, công chức né trách nhiệm

VNTN- Cán bộ là gốc của mọi công việc. Khó khăn chồng chất khó khăn của người dân và doanh nghiệp hiện nay càng đòi hỏi cán bộ tận tụy, nhưng nghịch lý là yếu kém trong công tác này đang làm trầm trọng thêm những khó khăn.

Bởi thế, phiên thảo luận sáng 31/5 của Quốc hội có đến 3/4 tấm biển tranh luận được sử dụng để tranh luận về giải pháp “trị” cán bộ, công chức né trách nhiệm.

Quang cảnh phiên thảo luận

Thay ngay cán bộ như thay cầu thủ thi đấu kém hiệu quả

Là người đầu tiên đăng đàn, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đẫn lại thông tin được nêu trong báo cáo của Chính phủ, “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế này, đại biểu nhấn mạnh vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện, không những thế, còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lang rộng từ khu vực công đến khu vực tư…

Vì thế, đại biểu cho rằng, cần xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Đồng nghĩa với việc, cần phân hoá, phân định rõ "bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm" ấy, gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế, để từ đó tìm ra những giải pháp, khắc phục kịp thời và hiệu quả.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Theo ông Tuấn, trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy, bao gồm 2 nhóm cán bộ.

Một là, nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng.

Hai là, nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.

Về nhóm thứ nhất, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói: “Tôi cho rằng, ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng như thế này, thì giải pháp cấp thiết, cần phải làm ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm…, vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, khi huấn luyện viên trưởng vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo, họ sẵn sàng thay người, khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả”.

Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn… để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Với nhóm cán bộ thứ hai, ông Tuấn nêu một trong các nguyên nhân làm cho cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là, công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả, đặc biệt là có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ những cán bộ này đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự, ông Tuấn nhấn mạnh.

Làm sao để cán bộ, công chức viên chức không phải dám nghĩ, dám làm

Tranh luận với đại biểu Trần Quốc Tuấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, cần phải làm sao để cán bộ, công chức các cấp không phải “dám nghĩ, dám làm”.

Vì, theo ông Hậu, với nhóm cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc thứ hai mà đại biểu Tuấn nêu, là đúng, nhưng không chỉ như vậy.

Bởi, nếu chỉ thực thi công vụ, thực thi chức trách, mà có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn phần đông cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn nỗ lực làm tốt hơn, chẳng có gì phải sợ.

Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, trong không ít việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước, thì sẽ vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành của Đảng, pháp luật nhà nước.

Do vậy, những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, dù "vì lợi ích chung", mà không biết sợ thì có lẽ là "điếc không sợ súng" hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, đại biểu Hậu nhìn nhận.

Vì vậy, theo đại biểu Hậu, “việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng trở thành việc rất khó khăn, có vẻ  bất khả thi". Bởi lẽ, bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật, và khi ấy, lại cần có việc “bảo vệ người bảo vệ người dám nghĩ, dám làm”. Và, cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội, vì cái vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.

Đại biểu Trần Hữu Hậu Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Và cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi, nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng, nên lại chuyển ngược lên cho cấp trên xin ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến, có khi lại được cho là phương pháp hợp lý nhất.

Việc xây dựng để ban hành chính Nghị định về khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy, vị đại biểu Tây Ninh nhìn nhận.

Việc định hướng, chỉ đạo là rất rõ ràng qua nhiều văn bản, thế nhưng, sau 3 lần chỉnh sửa Dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy "vướng rất nhiều quy định của pháp luật", nên "đang tham mưu, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành nghị định.

“Từ những phân tích trên tôi cho rằng, cần phải làm sao để cán bộ, công chức viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm; và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo" thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước. Tức là, khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp, thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn”, ông Hậu nêu quan điểm.

Cái khó là phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo

Cũng dùng quyền tranh luận để trao đổi thêm với đại biểu Tuấn và đại biểu Hậu, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Tuấn nói là mới có gần đây, nhưng ông thấy hiện tượng này có từ lâu. Song dường như gần đây, có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Theo đại biểu Tám, vấn đề ở chỗ, bây giờ làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý.

“Theo báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021, có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nói rằng, việc đánh giá cán bộ chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải khảo sát bộ phận này là bao nhiêu để xử lý”, ông Tám nêu.

Về giải pháp, đại biểu Tám cho rằng, cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền.

Tấm biển tranh luận tiếp theo được đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) sử dụng để trao đổi với cả đại biểu Tuấn, đại biểu Hậu và đại biểu Tám.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Ông Hạ cho biết, khi trao đổi với cán bộ cơ sở, anh em tâm sự là "Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm là người lãnh đạo người ta xử đến nơi, đến chốn, nhưng cái khó ở đây, làm sao tham mưu phải đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo".

Cái khó trong tham mưu là chỗ đó, cho nên không xử lý được cán bộ không chịu tham mưu, ông Hạ nhấn mạnh và cho rằng, phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu.

Đại biểu chăm chú theo dõi các ý kiến tranh luận

“Bây giờ, ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho đứng sang một bên khi không làm được việc, việc này tôi cho mới là điểm chính”, đại biểu Hạ nêu chính kiến.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy