Tranh giả có thật giả?
VNTN - Sau một ngày làm việc khá “nóng”, thậm chí có cả một scene (bối cảnh) hành động gây chấn động giới mỹ thuật Việt Nam, thì công chúng đã nhận được lời xin lỗi của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và một kết luận khá “tốc độ”: 15/17 tranh là giả, 1 tranh là thật - tên giả, và 1 tranh nghi ngờ là giả tác giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ ngày 10- 21/7/2016 vừa qua.
Có lẽ trong lịch sử triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nói riêng, ngành Bảo tàng Việt Nam nói chung, công chúng có được lời xin lỗi rất nghiêm túc về một triển lãm kém chất lượng, mang đến vật phẩm không rõ ràng về giá trị gây tranh cãi giả - thật và ảnh hưởng đến uy tín danh tiếng nghệ thuật hội họa Việt Nam đương đại.
Nhưng kết luận của Hội đồng chuyên môn gồm một số lãnh đạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Sở VHTT TP.HCM, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, họa sĩ danh tiếng và uy tín…, được đưa ra sau chưa tới một ngày thẩm định là 15/17 tranh là giả có quá vội vàng và thiên về cảm quan, cảm tính, kinh nghiệm mà không có chứng lý khoa học hay “vật chứng” để đối chiếu một cách thuyết phục?
Bức tranh Vườn chuối (Nguyễn Sáng) - thuộc sở hữu của Công ty Tàu biển Hải Phòng (bên trái) và bộ sưu tập của Vũ Xuân Chung (bên phải)
Chứng lý chưa rõ ràng và thiếu thuyết phục
Ngay ngày đầu khai mạc cuộc triển lãm, chuyện “tranh giả” đã râm ran gây xôn xao giới họa sĩ. Đỉnh điểm là việc họa sĩ Thành Chương phát hiện ra bức tranh của mình được gắn tên “Trừu tượng” và thuộc về Tạ Tỵ, một tiền bối Mỹ thuật Đông Dương, đã gây chấn động trong giới. Ông đã phải mang theo “vật chứng” chứng minh là bức phác thảo gốc - bản nháp và bức ảnh của nhà quay phim - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn chụp bức tranh trong một trang sách ảnh giới thiệu tranh của ông năm 1975.
Không mang theo “bửu bối” để chứng minh tranh giả - tranh thật, một số thành viên của Hội đồng thẩm định cũng đã cho truyền thông biết ý kiến của mình. Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân: “Vụ việc nên xử lý thế nào? Tôi nghĩ là nhìn tranh này, những người làm mỹ thuật biết ngay! Có cái tranh thật thì lại mạo danh tranh anh Thành Chương. Chứng cứ rõ ràng. Tôi cho là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã bị lừa”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Có thông tin 15/17 tranh ở triển lãm là tranh giả; độ thật/giả 50/50 là hai bức, trong đó có “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”. Bức “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, mấy ngày qua họa sĩ Thành Chương đã làm sáng tỏ là tranh của mình. Còn bức “Cô gái”, chúng tôi khẳng định, đây là tranh giả. Nguyễn Sáng không thể vẽ thứ tranh “kinh hãi” như thế này. Tranh của cả phòng tranh này là tranh giả. Nếu nói về cảm quan, thì chắc chắn đây là những bức tranh giả. Với những bậc danh họa lớn của Việt Nam như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… chúng tôi có nhiều năm gần gũi và hiểu được sáng tác của họ”…
Trong Thông cáo báo chí gửi cho truyền thông của Bảo tàng đưa ra kết luận khá văn tắt, gọn gàng: “15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại bảo tàng không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. 02 bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sỹ Tạ Tỵ và họa sỹ Sỹ Ngọc)”. Có thể hiểu là 15/17 tranh trong triển lãm là tranh giả theo kết luận này.
Liệu Hội đồng chuyên môn có vội vàng, có quá chủ quan khi chưa có chứng lý rõ ràng đã kết luận 15 tranh là giả? Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cảm quan về đường nét, bố cục, màu sắc, chất liệu, đề tài - chủ đề và thời gian mà kết luận vậy có đủ sức khiến công chúng “tâm phục khẩu phục”?
Giả thiết tranh giả mà thật - tranh thật mà giả?
15/17 tranh quả thật không thể gọi là đẹp theo đúng như danh tiếng của các họa sĩ. Nhưng có phải tranh giả không thì không thể thẩm định theo cảm quan, mà thiếu “pháp chứng” khoa học. Cách “thẩm” của Hội đồng thẩm định tranh của triển lãm này cũng là một cuộc thẩm định “tình thế” không có cơ sở khoa học để kết luận chính xác.
Phần khác, câu chuyện ngoài lề, trong giới hội họa Việt Nam lâu nay râm ran đồn đại chuyện ngày trước các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương thi thoảng vì nhiều lý do đã sao chép tranh của mình, để tặng, để bán, và không biết họ có tuân thủ nguyên tắc đánh dấu bản sao? Rồi chuyện có thời gian như thập niên 1990-2000 tranh của Bùi Xuân Phái “nóng” thị trường tranh quốc tế, nên tranh “Phố” Phái lan tràn mà trong số đó 99% là tranh giả. Chưa kể chuyện hư hư thực thực các họa sĩ hồi xưa hay uống café “chịu” ở café “Lâm toét”, và “gán” nợ bằng những mảnh vẽ như ký họa trên giấy bao xi măng, giấy bao thuốc lá...
Nếu như các họa sĩ sao chép chính tranh của mình, có thể do bản gốc không còn, có thể dựa vào phác thảo nháp, hoặc giả cảm xúc không như bản vẽ đầu tiên… mà có sự sai lạc, có sự nguệch ngoạc, hoặc giả vẽ vội… để có những bức tranh giả như hiện tại? Và nói giả cũng đúng, thật cũng không sai. Chưa kể khi họ qua đời, thì tranh của họ là tài sản - di sản và con cháu họ có thể sao chép để lưu giữ?
Bức Ba cô gái của họa sĩ Dương Bích Liên
Nói về vấn đề này, bà Xuân Phượng, chủ Gallery Lotus nổi tiếng của TPHCM (trước đây bà từng làm bên Ủy ban liên lạc Văn hóa với nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam…) chia sẻ: “Có thể các lãnh đạo của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện tại không biết, chứ dân sưu tầm và mua bán tranh ở Sài Gòn đều rất biết 2 ông Jean Francoi Hubert và Vũ Xuân Chung chuyên buôn bán tranh giả, chẳng ai mắc lừa 2 ông này. Và tôi khẳng định là các bức tranh trong triển lãm này là tranh giả (trừ 2 bức Tạ Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc là mạo tên)”. Hỏi bà về việc các họa sĩ chép tranh của mình, bà khẳng định: “Họ có chép, chép không chỉ 1 - 2 bản vì rất nhiều lý do, nhưng họ đều chép rất kỹ, và có đánh số như Bản số 2, Bản số 3… Tôi đã từng nhiều lần tận mắt xem họ chép tranh của chính họ. Ví dụ như Phan Chánh, ông tỉ mỉ lựa lụa, chọn màu và trau chuốt chép từng nét vẽ… Với họ không có sự cẩu thả. Nên những bức tranh ở triển lãm này không thể là của họ chép. Cũng có thể những bức tranh này rơi vào trường hợp bị chính con cháu họ vì chút lợi mà đã sao chép tranh, tạo nên sản phẩm khiếm khuyết và thô kệch”.
Còn như muốn thẩm định để ai cũng “tâm phục khẩu phục”, theo bà Xuân Phượng: “Thứ nhất là phải có hội đồng gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều phong cách hội họa - mỹ thuật xưa nay, nước ngoài - Việt Nam… Tiếp đến cần có cả chuyên gia cộng với máy móc công nghệ để giúp phân tích tác phẩm về chất liệu, vật liệu...”.
Thẩm định tranh, nhất là các bức tranh của các họa sĩ thuộc Mỹ thuật Đông Dương là một việc rất khó, khi tranh của họ lưu lạc khắp nơi, và gần như không có một “lý lịch” đúng nghĩa theo chuẩn của quốc tế. Cũng như không ai biết các họa sĩ liệu có vẽ “độc bản” hay nhiều bản trong nhiều thời gian khác nhau. Không kể việc tranh giả ở thị trường quốc tế là một trong những “nguồn lợi” của các tổ chức mafia nghệ thuật, có những đường dây từ ăn cắp các danh họa ở các bảo tàng danh tiếng đến làm giả tranh bán ở các gallery nghệ thuật uy tín… Nên để tìm nguồn của tranh giả Việt Nam cũng không thể là dễ dàng.
Riêng với số tranh của triển lãm này, tuy phương án tạm giữ để các cơ quan chức năng thẩm định lại cho chính xác hơn, để có những cách thức giải quyết, không thể chỉ thẩm định theo như cách thẩm vừa diễn ra. Mà rất cần có những chuyên viên khoa học kỹ thuật chuyên ngành mỹ thuật để “giải phẫu” tranh bằng những phương pháp công nghệ cao.
Cũng qua sự cố từ triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, ngành Mỹ thuật Việt Nam cần lập ra một quy chuẩn như Luật về tác phẩm mỹ thuật, có lý lịch rõ ràng, có sự theo dõi cuộc sống của tác phẩm. Ngoài ra còn có một Hội đồng chuyên nghiệp bao gồm nhiều chuyên gia (kể cả chuyên gia nước ngoài), ngoài kiến thức mỹ thuật, còn có chuyên gia kỹ thuật công nghệ ứng dụng trong ngành mỹ thuật để không chỉ thẩm định mà còn có thể tư vấn phục hồi, phục chế các tác phẩm bị hư hại.
Một cuộc triển lãm “tai tiếng”, nhưng chính từ đây sẽ có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc triển lãm và giám định mang tính Bảo tàng một cách chuyên nghiệp hơn đối với các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam.
Những bức tranh thật và giả 1. Vườn chuối (Nguyễn Sáng): 1 tranh hiện thuộc sở hữu của Vũ Xuân Chung, có kích thước 90 x 120 cm, vẽ năm 1978. 1 tranh có kích thước 120 x 180 cm, vẽ năm 1981, vốn thuộc sở hữu của Công ty Tàu biển Hải Phòng. 2. Ba cô gái (Dương Bích Liên): 1 tranh hiện thuộc sở hữu của Vũ Xuân Chung, sơn mài, 90 x 120 cm, không đề năm. 1 tranh có tên “Mùa Xuân và thiếu nữ”, sơn dầu trên bố, 130 x 180 cm, 1980, vốn thuộc sưu tập của Nguyễn Hào Hải. Bức này in trong sách Dương Bích Liên, trang 46, NXB Mỹ thuật, 2003. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải, bức sơn mài gốc cũng có tên “Mùa Xuân và thiếu nữ”, từ lâu đã thuộc bộ sưu tập Đức Minh, hiện vẫn trưng bày tại bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). 3. Thằng hề (Bùi Xuân Phái): 1 tranh hiện thuộc sở hữu của Vũ Xuân Chung, sơn dầu, 38 x 49 cm, 1969; 1 tranh in trong sách 100 Years of Contemporary Paintings from Vietnam trang 42, phát hành tháng 12/1994, do Đông Sơn xuất bản, Hà Thúc Cần và Đào Hùng biên soạn. Theo sách này, tranh thuộc chất liệu gouache, 53 x 78 cm, 1968. 4. Múa vòng (Nguyễn Sáng): 1 tranh hiện thuộc sở hữu của Vũ Xuân Chung, sơn mài, 50 x 58 cm, 1980; 1 tranh in trong sách Nguyễn Sáng, trang 143, sơn mài, 80 x 100 cm, 1980, lưu chiểu tháng 12/1996, do Trần Hậu Tuấn biên tập. Tranh vốn thuộc sưu tập của Vụ Mỹ thuật Việt Nam; một bức nữa là phác thảo bằng phấn màu trên giấy, 37 x 37 cm, 1977, vốn thuộc sưu tập của Trần Hậu Tuấn. 5. Múa rồng (Nguyễn Tư Nghiêm): 1 tranh hiện thuộc sở hữu của Vũ Xuân Chung, có tên là “Rồng”, sơn mài, 80 x 120 cm, 1974; 1 tranh do một nhà sưu tập tại Hà Nội cung cấp, bột màu, vẽ năm Bính Thìn 1976, nhưng không cung cấp kích thước. |
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...