Trăng sảy ruộng
Truyện ngắn. Nguyễn Thị Thùy Linh
VNTN - Ruộng đêm sùm sụp nước. Cái bụng nước kễnh càng chờ ngày cắm mạ loang loáng những đôi ốc bươu xoắn riết làm tình dưới trăng. Trăng mò cả xuống đồng rình rập, bơi lõm ngõm trên mặt mương, lang thang đi tìm tiếng ếch nhái khóc than rỉ rả. Màn đêm trộn vào từng dòng trăng đứt mảnh một màu xanh xao âm khí. Bóng người gù rạp lội ruộng bòm bọp trong khuya gập mảng sáng tối thành một đường bán nguyệt. Tóc đen sì, mặt đen sì, y phục đen sì chìm vào khuya khoắt, chỉ những bước chân nhờ nhờ trồi lên đạp xuống bùn đất ải không ngớt, dầm nát vạt trăng suông dính bùn lớp nhớp.
Mụ So trở dạ trong đêm. Cái lưng còng mỏng dẹt phải chống đỡ cái bụng chửa tròn xoay khiến người mụ chẳng khác gì con số 6. Mụ lăn lộn, gào thét, khóc rống dưới nền đất lạnh. Tiếng gào khằn khặt của mụ lẫn vào tiếng gió cắn rứt bóng tối như tiếng quỷ đói gầm rền trong căn chùa hoang. Mụ vẫn lấy hết sức bình sinh gào thật to, gào chửi tên thằng chồng bét rượu làm mụ chửa mụ khổ, gào chửi cái mảnh đất nghịch quái gở làm mụ bốc điên bốc hỏa về đêm không ở được lại phải chui rúc tối ngày trong căn chùa hoang xập xệ này, gào chửi cái số kiếp đàn bà phải tự một mình lăn lộn đau đớn với cái mớ ruột thịt bòng bong quậy thúc trong bụng. Mụ cố gào hi vọng có người vãng lai nghe thấy sẽ vào đỡ đẻ giúp mụ (?) Đó là điều không tưởng vì căn chùa này bị bỏ hoang từ lâu, người dân đồn chùa mất thiêng kể từ khi thực dân Pháp đến phá, chặt đầu tượng Phật, vứt chỏng chơ mất tích. Lại có lời đồn dưới nền chùa hoang có hòn đá xanh to tướng chính là hóa hình của con yêu tinh khiếp đảm cai trị. Ngôi chùa bị phá dở hoang tàn lại dính vào những lời đồn ám muội kể từ ấy bị mọi người sợ sệt xa lánh. Những hộ dân gần chùa đều chuyển đi nơi khác gần hết, cổng và sân cỏ mọc lùm xùm, man dại. Hơn nữa lại đang đêm u tịch thế này. Vậy thì làm gì có ai sẽ đến giúp mụ So! Mụ nhấm từng sợi trăng yếu ớt lành lạnh hắt trên bờ tường sần sùi, chới với bấu vào những rãnh gió hoang hoải đang ra sức xoa bớt cơn đau trần tục của mụ. Những hình thù kỳ quái trên vách tường trăng thoắt nghiêng ngả, thoắt run rẩy, to ra, bé đi, khuất dạng…Chẳng biết là bóng của cây hay vật hay ma quỷ gì, chúng đang rùng mình thương hay cười ngặt trước những cơn gào thét cực kỳ cô độc của người đàn bà?
U oa u oa u oa… Tiếng khóc dội vào bóng tối một luồng sinh khí nóng sực, tiếng gào bỗng im bặt. Phúc ba đời nhà mụ So! Cái đầu nhỏ ti hin lòi ra rồi, đứa bé lòi ra rồi. Ai giúp mụ? Không ai cả, mình mụ thôi. Mình mụ và những cái bóng liêu trai lởn vởn nhòa nhoẹt trong đêm hoang. Thôi thế chắc là ma quỷ giúp mụ rồi. Con yêu tinh đá xanh cũng chống lưng cho mụ. Ngoài trời, gió thục vào những bụi cây vặn mình răng rắc. Cánh cửa gỗ lâu ngày bở mục, mọt gặm kèn kẹt. Trăng đang vắt thứ ánh sáng lờ nhờ ma mị lên miệng đứa trẻ sơ sinh. Đứa bé đẻ đêm chui ra nguyên lành nguyên vẹn, quỷ ma đỡ đầu cho nó!
Người đàn bà khốn khổ gù lưng từ thuở nhỏ. Cái nghèo đói bấu rứt thân thể mụ đã quá nửa cuộc đời, co kéo khuôn mặt mụ chằng chịt những vết rằn, vết thẹo gần như biến dạng. Mụ nhếch mép cười thôi mà bọn trẻ con trong làng chạy mất dép, vừa chạy vừa hét “bà ba bị chúng mày ơi”. Chẳng biết bà ba bị là ai, chắc là xấu lắm, đáng sợ lắm mới khiến bọn trẻ khiếp vía như thế. Mụ xấu, gù lại cù lần nên khắp làng trên xóm dưới chẳng một ai ngó ngàng. Ngoài dăm chục tuần trăng mới dọn về ở cùng một gã đàn ông góa vợ, nghèo lại hâm thiếu hơi đàn bà.Thôi thì chẳng biết mùi yêu đương trai gái nó thế nào, cứ sàn sạt lại với nhau cho nó có cặp, trên đời này mấy thứ mấy đồ không có đôi có cặp đâu. Đũa mốc thì gắp lộc héo vậy.
Chồng hờ không đuổi đi nữa lại là lúc mụ So phải nếm quả đày thứ hai. Cứ mỗi khi đêm xuống đầu mụ như bốc hỏa, những ảo ảnh ma quái xẹt ngang xẹt dọc trong tâm trí mụ, trong tròng mắt mụ kể cả khi nhắm nghiền. Mụ muốn nhảy múa, muốn phá phách trong bốn bức màn trắng đục. Ban đêm thấy thấp thoáng bóng mình trên bức vách mụ tưởng mình là quỷ, tưởng căn nhà, thế giới bên kia mới là của mình. Nhiều đêm mụ đầu tóc rối xòa đi lang thang theo tiếng gọi của ảo ảnh, gõ cửa lộc cộc từng nhà trong vô thức. Xóm giềng nhiều phen hết hồn. Nhưng đến sáng hôm sau thì mụ lại bình thường, chỉ thấy người mỏi rã và thần sắc ngày càng xanh xao như bị bắt vía. Người làng đồn dong đất nhà mụ nghịch, quấy quả mụ về đêm. Người ta bảo rằng vong hồn người vợ trước vẫn lẩn quất ở đó, đuổi mụ ra ngoài, đày đọa mụ. Có người không tin thì bảo mụ bị ảnh hưởng thần kinh do bị chồng đánh nhiều. Nó toàn đánh vào chỗ hiểm. Người ta đang cắt dán, nhào nặn cuộc đời mụ để đắp vào những món ăn tinh thần mỗi khi rảnh miệng. Có người hàng xóm thấy mụ So ngày càng tiều tụy bèn dẫn mụ đến gặp mẹ lang người dân tộc vẫn ngồi bán lá thuốc ở cổng chợ. “Đi xem nó phán mày bệnh gì mà bốc thuốc. Tao chẳng tin chuyện ma quỷ”. Mẹ lang bắt mạch rồi nhìn người đàn bà một lúc lâu, lắc đầu nguầy nguậy. “Chẳng bệnh tình gì sất. Căn quả rồi. Căn quả rồi.” Ơ ra là căn quả. Mụ So cũng chỉ hiểu lơ mơ từ này trong những buổi chầu chực bên ngoài những giá hầu đồng để chộp những tờ tiền lẻ, trái cây, bánh lộc tung ra. Chỉ cần hô to, vỗ tay thật lớn là lộc từ trong sẽ trút ra như mưa. Thôi căn thì mặc căn, quả cũng kệ xác quả, là gì thì cũng chả chết được. Xưa nay người ta chết bệnh chết tật chứ có ai chết vì căn quả! Mụ So mừng thầm vì không phải vứt đi mấy đồng bốc thuốc chỗ mẹ lang.
Nhưng bóng đêm thì vẫn hành hạ mụ như một đứa ác thích đùa dai. Những ảo ảnh kỳ quái chui ra từ hốc đêm ngày một nhanh hơn, dày hơn, chúng đang xẻo từng giấc ngủ ngon lành của mụ vứt vào những cái miệng nanh ác vô hình. Hai trũng mắt mụ như bị rút hết sinh khí, chỉ còn lại những đường vân tím nhợt. Người ta thương hại khuyên mụ lên chùa ở đợ cho bớt nghiệp căn quả. Nhưng mà làng chỉ còn ngôi chùa hoang bị phá dở từ xưa, dân làng vẫn tránh xa sợ gặp họa. Chùa không sư, không tượng Phật, không chuông mõ. Chỉ còn bốn bức vách và nóc uốn lượn vẫn thi gan với lãng quên, cỏ tốt xanh rợn như ôm lấy phế tích đáng thương. Mụ So thở dài, thôi cuộc đời mụ xem như cũng hoang phế một nửa rồi, giờ chọn một nơi nửa trong nửa đục thế này để rửa nghiệp cũng đáng. Thế là mụ tức tốc dọn đến chùa hoang. Như một sự hối thúc bất khả cưỡng. Gã chồng hờ cũng chẳng níu mụ ở lại nữa. Mày đi cũng được, ở cũng xong. Mụ dần trở thành cái bóng sống giữa những bập bềnh thân phận.
Chiều chiều, những ngọn khói thơm nồng tỏa ra từ chiếc bếp đun ngồ ngộ của hai mẹ con. Ngôi chùa hoang như nở ra sinh khí. Mụ So ngày nào cũng ru con ngủ say đặt lên tấm phản rồi đi phát quang cỏ dại. Cỏ rậm rịt cao ngút người. Khó mà đoán được tuổi của loại thân thảo đã lâu năm này. Lũ trẻ làng thấy chùa hoang có người ở lại không còn lùm xùm cây dại như trước nữa lại hò nhau đến đây đánh khăng, chơi gụ trước sân chùa rộng. Ríu rít tiếng cười nói và ánh mặt trời. Người làng ban đầu còn dè dặt sau thương tình hai mẹ con lủi thủi thi thoảng cũng qua lại cho miếng khoai, bát cháo, con cua đồng. Họ còn nựng yêu đặt tên cho thằng bé kháu khỉnh. “Nó trắng bồm bộp, miệng don đỏ khum khum thế này, đặt tên là thằng Sò nhé!” Mụ So cười khùng khục, tiếng cười đặc quánh lại như từ kiếp trước chưa bao giờ được cười. Mụ vui quá, muốn cười thật nhiều, thật to mà từng thớ cơ trên mặt cứ co lại, như cũng từ rất lâu rồi chúng không được dãn ra. Thế là cái cục thịt của mụ được hít hơi ấm của tình xóm giềng rồi. Những đọt nắng ấm áp cuộn tròn trên nóc chùa cổ sáng rực lên như chúng chưa từng bị bỏ rơi. Đứa trẻ cứ trần trục lớn lên, chắc bắp, bền bỉ như cỏ hoang, cây dại.
Một ngày, mụ So đang bổ củi bỗng thấy một đoàn người rất đông tiến vào chùa. Thằng Sò ba tuổi nghịch đất ngoài vườn chạy vội vào níu mẹ. “Mạ! Mạ!” Nhóm người ăn mặc lịch sự, trang nghiêm, dẫn đầu là một ni sư áo thụng nâu dài khuôn mặt trắng trẻo. Trong số đó có cả ông Lịch chủ tịch xã, ông Mừng trưởng thôn mụ biết. Mụ So run rẩy ôm riết lấy con, những vết thẹo trên mặt mụ giật giật như sắp khóc, mụ sợ họ đến đuổi hai mẹ con mụ đi. Nơi đây là đất hoang, đất tạm, đâu có mảnh miếng nào là của mẹ con mụ. Bây giờ mà bị đẩy ra ngoài sẽ biết đi về đâu đây, chẳng thể quay về với gã chồng hờ không còn tình nghĩa, chẳng thể quay về mảnh đất quái gở ấy nữa. “Bà So đâu? Mẹ con bà So đâu rồi?”. Tiếng trưởng thôn ồm ồm như tiếng loa rè chiều muộn. Mụ So lập cập cắp con bên nách bước ra, không dám nhìn đoàn người. “Các ông các bà đến đây… Có chuyện gì thế ạ?”. Ni sư đã già khuôn mặt hiền từ cúi nhìn hai mẹ con mụ So gù, cặp lông mày điểm bạc, hàng mi rủ cụp mà đôi mắt vẫn tinh anh. “Hai mẹ con chị sống ở đây à?”. “Xin các vị đừng đuổi mẹ con tôi đi!”. Mụ So bỗng nức nở vo làn tóc rối xòa, khóc lên ồ ồ như thể sợ nghe thấy những điều tiếp theo. Đứa bé thấy mẹ khóc cũng ré lên những tiếng thảm thiết. Vị sư già khẽ vỗ nhẹ lên tấm lưng còng gầy dẹt đang rung lên của mụ, sư bỗng rớm nước mắt nghĩ đến cuộc đời, nhiều số phận còn quá khổ, người ta bế tắc trong cả cách nghĩ. “Chị yên tâm. Gần đây, một số nhà hảo tâm bàn bạc với xã ta cho tu tạo lại ngôi chùa. Ai lại giữa một thôn văn hóa mà vẫn còn chùa hoang đổ nát thế này. Tạm thời chùa vẫn còn nền móng, cột kèo chắc, có đủ kinh phí hỗ trợ sẽ tu tạo nhanh thôi. Thày tình nguyện về làm trụ trì ở chùa, sẽ giúp hai mẹ con chị nơi ăn chốn ở. Nhưng chị cũng phải giúp thày việc chùa đấy nhé!”. Mụ So mắt ầng ậc nước, cúi đầu lia lịa lạy đức Bồ Tát sống trước mặt. “Con nguyện làm con sen con đợ cho nhà chùa. Nghiệp con nặng quá, được thày giữ lại con không bao giờ chối việc!.” Toán người khẩn trương tiến hành đo đạc, kiểm tra cơ sở vật chất nhà chùa. Hai mẹ con mụ So như tìm thấy nguồn sáng qua bao tháng ngày khổ cực ở nơi nương náu tạm bợ này. Sư thày cũng tìm một gian phòng trống ở lại luôn để tiện đốc thúc việc tu tạo. Cả một đời chay tịnh yên bình sư lại chọn chuyển về chốn này. Cũng như một cái duyên vậy.
Từ ngày chùa bắt đầu đi vào khởi công tu tạo, mụ So tươi tỉnh nhanh nhẹn hẳn lên. Mụ đi khắp làng trong làng ngoài kêu gọi người làng lên chùa chấp tác. Người ta không còn thấy trong mụ hình ảnh một người điên đi gõ cửa từng nhà vào lúc đêm nữa, không còn thấy sự ngờ nghệch mất hồn trong con mắt ấy nữa. Ánh mắt như rực lên niềm tin, cả những vết thẹo dài cũng bắt đầu dãn ra cùng với những khúc hoan ca được lao động, được sống cuộc sống làm người của người đàn bà bất hạnh. Người ta còn thấy mụ huýt sáo, cái đầu rối xòa lắc lư trên tấm lưng gù rặt trông rõ là ngộ nghĩnh. Mụ làm việc rất nhanh, rất khỏe. Nhóm thợ xây đến trưa nóng mệt mà có bát bún riêu cua kèm mấy gắp rau chuối ghém mụ chuẩn bị cứ gọi là tuyệt cú mèo. Không ai còn nhận ra chốn này trước kia là một nơi hoang liêu tàn lạnh. Lời đồn viên đá xanh, viên đá yêu tinh đã tắt ngúm trước không khí lao động rộn rịp. Mụ So còn lùa cả tá những gã đàn ông có sức vóc mà hâm hâm dở dở ở làng đi lao động công ích. Thật kỳ lạ trong số những người này còn có những người điên hay thơ thẩn đi bới rác ăn nhồm nhoàm ngoài đường mà vào đây họ như tỉnh cơn u muội, vác gạch, kéo gỗ khỏe không nề gì. Mỗi sáng ngâm nghê một cút rượu với cỗ lòng nóng hôi hổi, những con người này còn múa hát như lên đồng, cười khành khạch, ánh mắt sáng lên những niềm vui ngô nghê trong thế giới của riêng họ.
Sư thày bữa nay đi đâu về vui vẻ vẫy mụ So. “Chị So ơi, thày bảo này. Bên xã họ vừa cấp cho ta bốn sào ruộng ngay sau chùa đấy. Ruộng nước sâu hẳn hoi nhé. Thế là ta có miếng gạo rồi. Thày giao toàn ruộng cho chị đó”. Mụ So thích quá nhảy lên chồm chỗm. Tiếng cười ư hự lại đặc sệt trong cuống họng. Khuôn mặt mụ lúc này giống như mặt lá ngây thơ đón nắng. Từ trước đến nay mụ chẳng bao giờ dám mơ có được tấc đất làm ruộng. Làm nông cực lắm nhưng thứ cực ra thóc ấy cũng không đến lượt mụ, đến làm mướn họ còn chẳng cần nhờ mụ nữa là. Bây giờ có trong tay mảnh ruộng để tra hạt, cấy cày, dù là ruộng của chùa thì mụ cũng thấy vui sướng như thể có tất cả sự sống trên mặt đất này vậy.
Mụ So hớn hở cắp thằng Sò ra thăm ruộng mới. Chiếc lưng gù của mụ lúc lắc theo điệu chân nhún nhẩy. Thằng bé mập tròn trắng bật trên chiếc áo nâu của mẹ. Nó cũng mở cái nhìn lay láy, háo hức ra cánh đồng tít tắp rộn hương hoa cỏ. Sào ruộng ngay sau chùa ăm ắp nước chờ ngày cấy mạ. Mụ So đang tưởng tượng một màu xanh ngút ngàn nảy lên dưới đôi bàn tay bê vữa, xúc gạch chai ráp. Những cọng lúa vàng rộm trĩu xuống tận gốc, gạo trắng ngần nở ra bát cháo thơm thơm cho thằng Sò. Mùi đất ải nồng nồng kích thích con người ta tồn tại, sinh nhai đến thế. Mụ phát hiện ra một con mương ăm ắp nước, những con ốc bươu tròn căng đang mút chặt rìa bờ phù du ẩm ướt. Đặt thằng Sò lên bờ cỏ, mụ So mê mẩn lượm ốc. Từng con ốc béo vàng chũm chọe lóng lánh dưới nắng, đem về nướng thơm phải biết. Mụ còn muốn móc cả lỗ rốc đồng, rốc mẩy bọc lá sen nướng với mớ ốc này, đời còn gì hơn nữa! Mụ mới chỉ nghe người ta kháo thế, chứ đã bao giờ được ăn. Miếng rốc nướng giòn ngậy trong tâm trí mụ. Thứ này cho thằng Sò ăn nó sẽ cứng xương, mai mốt làm việc chùa nhanh thoăn thoắt, khỏe gấp nhiều lần mẹ nó. Thằng Sò thích ăn khoai nướng, ngô nướng, chắc nó cũng thèm ăn ốc nướng, rốc nướng chứ. Mụ So lúi húi bới móc trong cái tâm hồn ăn uống đang trỗi dậy. Cho thằng Sò ăn món này, cho thằng Sò ăn cái kia, Sò ơi con thích không, con thèm không… Nhưng thằng Sò đâu?
Mụ So hốt hoảng ngoái đầu lại không còn thấy Sò trên bờ cỏ nữa. Tiếng ríu rít của nó như từ xa xa, đứt quãng rơi vào mạch nước. “Mạ! Mạ!”. Nó không thể nói được thêm câu nào nữa về mớ ốc, mớ rốc tươi rói của mẹ nữa. Thằng Sò nằm úp mặt trên ruộng nước sâu. Chiếc áo trắng lốp, cánh tay trắng bóc của nó ruộm đầy bùn. Mảng tóc hung lơ thơ cũng ruộm đầy bùn. Nó đang trong tư thế ôm cái ruộng mới. Nó mãi nhìn vào cái ruộng lũng bũng nước, cái ruộng của ngày mai hơn là nhìn thứ món ăn béo ngậy tươi sốt trên tay người mẹ gù sẽ có luôn cho nó trong bữa nay. Mụ So tung hết nắm sinh vật còn cựa quậy những mời mọc hấp dẫn vào khoảng không vô nghĩa, bầu trời trên đầu như mất dạng, đảo nghiêng trong mắt mụ. Những vết thẹo dài trên mặt mụ co lại, đỏ sọng lên, giật giật trong cơn hẫng hụt đến tột cùng. Tiếng nấc đục khàn vỡ vào mặt cỏ. Tấm lưng gù rạp quỳ sập bên bờ ruộng nghiêng ngả, rung rẩy như lưng con rùa đày khốn khổ từ ngàn kiếp trước.
Mụ So thơ thẩn cắp tay nải rời chùa. “So ơi! Dù đau cũng hãy ở lại. Chị biết đi đâu bây giờ?”. Mụ không nghĩ nổi một nơi cần đến. Trong đầu mụ thấp thoáng hình ảnh sào ruộng mới, cái áo trắng lốp, làn da trắng bóc nhơ nhoét bùn. Mai đây mạ sẽ cắm đầy thửa ruộng, xanh ngút ngàn, những bông lúa trĩu vàng tận gốc, những hạt gạo nở bung trắng ngần thơm tho như da thịt thằng Sò. Không, Sò ơi! Sao mẹ có thể ở lại nơi này, nơi da thịt con mãi hóa vào bông lúa mà mẹ không bao giờ muốn ước…
Ruộng đêm sùm sụp nước. Có tiếng lội nước bì bọp đều đặn trong khuya. Dáng người gù rạp như mảnh trăng đen lưỡi liềm nhấp nhô trên ruộng. Sư thày bàng hoàng nhìn qua cửa sổ phía sau chùa. Tiếng chân lội bùn lẫn vào tiếng mưa rỉ rả, huyễn hoặc nhào vào bóng đêm nỗi buồn đặc quánh. Trăng vẫn thả thứ ánh vàng nhợt nhạt, đứt mảnh nhòa run trong màn mưa như không thấy đường lui. Dòng trăng trần trục mỏng vụn lót trên từng bước chân trồi đạp. Sư thày không ngủ được, ngồi tựa vào tường nhìn mảnh trăng dần tím ngắt trong mưa, buông tiếng thở dài não nuột. “So ơi! Là người hay là ma?”
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...