Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
00:54 (GMT +7)

Trang phục của Chí Phèo đâu phải quần nâu áo vá

VNTN - Từ lâu chúng ta đã quen với hình dáng chí phèo với quần nâu áo vá quê mùa của người Việt và đến tận bây giờ tư duy đó vẫn không thay đổi. Bằng chứng là những bức tượng Chí Phèo được tạo tác ở các công trình ngoài đời sống. Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ chúng ta mới giật mình, trang phục thực của Chí Phèo đâu có như vậy.

Ai từng đọc “Chí Phèo” của Nam Cao đều ấn tượng với lối trang phục sau khi ra tù về làng: “Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng…”. Và không chỉ Chí Phèo trong các sáng tác của Nam Cao, có đến hai nhân vật nữa của Nam Cao đều mang lối trang phục này, đó là người chồng Dì Hảo: “Hắn về với một cái quần đen, một cái áo tây vàng…” (truyện “Dì Hảo”); và nhân vật Đức, con Trương Rự - biệt danh ông Thiên Lôi - sau thời gian vắng mặt trở lại làng: “Cái áo trong của hắn, màu đỏ khé, có cái cổ cụp xuống như tai chó tây, phần dưới cái áo ấy đút vào bên trong cái quần bằng lĩnh đen; ngoài cùng là cái áo tây vàng, cài một cúc” (truyện “Nửa đêm”). Như vậy các nhân vật đều có chung kiểu trang phục: khoác áo tây vàng và trong mặc quần nái đen…

Vậy kiểu trang phục của nhân vật nói lên điều gì?

Chiếc áo tây vàng: Vào những năm 30 thế kỷ XX, lối trang phục của người Việt đã có những thay đổi. Lối Âu phục xuất hiện ở tỉnh thành, nam giới với áo sơ mi, quần âu, vét -tông. Vậy “chiếc áo tây vàng” cũng là một loại áo mới, nhưng kiểu cách ra sao? May sao một truyện ngắn, tuy là hư cấu nhưng có thể cho ta hình dung về kiểu áo này:

“Cái áo gây được sự chú ý của mọi người. Nó là một cái áo tây bằng vải ka-ki màu vàng, đã cũ rích cũ mèm, nhưng chính vì nó quá xưa cũ mà cái kiểu áo còn mang một vẻ rất "tây". Tay áo dài và rộng, ráp lên hai bờ vai thật khéo không một vết nhăn nhúm. Cái kiểu cổ bẻ, hở xuống tới ngực rồi chạy tiếp hai hàng nút áo, mỗi bên có ba chiếc khuy bằng đồng chạm trổ, đem lại một vẻ phong lưu mà xuất xứ của nó, hẳn phải là của một tay chơi sành từ hai ba chục năm về trước. Tuy lâu đời là vậy, nhưng là vải hàng ngoại, lại được giữ gìn, nên mặt áo trông vẫn còn tươm…” (Truyện ngắn “Chiếc áo Tây vàng” của nhà văn Nhật Tiến. Một cô gái đem bán chiếc “áo Tây vàng”, một đồ tùy táng của một người chết ).

Như vậy, 'chiếc áo tây vàng', bằng vải ka-ki màu vàng, tay áo rộng, cổ bẻ hở xuống tận ngực, hai hàng nút áo, mỗi bên có ba chiếc khya đồng trạm trổ. Một dấu hiệu vẻ ngoài của người hiện đại, văn minh!

Chiếc quần nái đen: “Nái” là từ chỉ “đồ dệt bằng tơ gốc”, nái đen chỉ màu sắc chất liệu của chiếc quần. Nhưng loại quần áo này có phải dành cho đàn ông? Nhà thơ Nguyễn Bính từng hoài nhớ về người thôn nữ, những “yếm lụa sồi”, “dây lưng đũi”, “áo tứ thân”, “khăn mỏ quạ”, “quần nái đen”… đã mất đi vì bị “thành thị hóa”. Để thay bằng “khăn nhung quần lĩnh”, “áo cài khuy bấm”…(“Còn đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân/ Còn đâu cái áo tứ thân/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen”, bài Chân quê, tập Tâm hồn tôi, 1940 ).

Như thế, “quần nái đen” chỉ phụ nữ quê mới mặc. Nhân vật Chí Phèo, cùng các nhân vật khác của Nam Cao lại có lối trang phục ấy, thì quả là “kì cục”. Các nhân vật đều “thoát ly” nhà quê, “lang bạt kỳ hồ”; đua đòi lối “thành thị”, tỏ rõ kiểu dân ăn chơi, nhưng “nửa mùa”, nhố nhăng… Kiểu dân “anh chị”, tay chơi, nhưng vẫn lòi cái đuôi “quê kệch”, ở những năm 30-40 thế kỉ trước! Hình ảnh Chí Phèo sau khi ra tù, lang bạt trở về làng (nhân vật khác chỉ bỏ làng lang bạt) những ngày đầu phải được ghi nhận như vậy. Cần để ý tới nhận xét của người kể chuyện: “Trông đặc như thằng sắng cá!”( Tuyển tập Nam Cao, tập 1; SGK Văn học 11 chú : “Săng đá (hoặc sắng cá) có lẽ từ tiếng Pháp xônđa (soldat: người lính); có thể hiểu là lính tẩy). Có thế mới thấy ý đồ của nhà văn, sự thay đổi ở trang phục, diện mạo theo từng thời gian cuộc đời, một loại nhân vật ở nông thôn Việt Nam, ở những năm nửa đầu thế kỷ XX. Những lối trang phục như những tay “anh chị”, có “số má”, giống kiểu diện quần áo lính , “na-tô” , rằn ri… trông rất “hầm hố” của các thời sau này…

Chí Phèo đâu phải áo quần nâu rách vá như trên phim ảnh đã trình diễn!? Không quê mùa thuần túy, mà pha tạp lối sống thị thành, nên mới có đời sống tâm lý không hề giản đơn. Bi kịch Chí Phèo mới mang nhiều ý nghĩa.

Đỗ Tiến Bảng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 2 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước