Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:08 (GMT +7)

Trăng mọc đáy sông

Truyện ngắn. Phan Thái

VNTN - Ngày lũ trẻ mới nứt mắt bọn tôi biết chơi khăng đánh đáo, biết lêu lổng rủ nhau đi vặt trộm dái mít, táo và trăm thứ bà rằn khác miễn có cái đút vào mồm, Chính điên đã khoảng ngoài hai mươi tuổi. Hễ ra khỏi nhà, bất luận mùa đông hay mùa hè, Chính đều vận chiếc quần cộc, mình để trần khoác khẩu súng AK gỗ. Khẩu súng đó nghe đâu là đạo cụ của các chú bộ đội đóng quân ở làng tập văn nghệ. Chính mê đàn hát nên tối nào cũng ngồi chầu hẫu trên sân đình xem tập luyện và mê mẩn ngắm vuốt khẩu súng. Biết Chính thích, sau hội diễn Chính được các chú tặng luôn khẩu súng ấy.

Tuy mọi người gọi là Chính điên nhưng hiếm khi thấy Chính lên cơn. Người Chính cao gầy lỏng khỏng, khô đét, thô nhám như con cá mắm, lại có hàng ria con kiến được xén tỉa, trông chả khác nhân vật thằng hề trong phim hoạt họa. Bà mẹ kể ngày nào Chính cũng soi gương vuốt ve hàng ria mép. Gương của Chính là cái chảo nấu cám lợn, lợn ăn xong chỉ cần rửa qua là Chính có thể ghé mặt vào tha hồ soi và tỉa tót. Bố mẹ Chính là công nhân xí nghiệp khai thác cát sỏi, công việc múc cát sỏi bằng thuyền trên sông chủ yếu ăn đấu làm khoán, hàng ngày chả ai quản lý nên Chính cũng theo bố mẹ xuôi thuyền múc cát trên sông.

Nghe nói hồi bé, khi chưa xác định bị bệnh điên mà mới có biểu hiện ngớ ngẩn, Chính cũng được bố mẹ cho đi học, những mong có chữ đầu óc sáng ra, không còn mụ mị u tỳ cuốc. Nhưng tới trường học hành mà bốn năm liền Chính cũng không qua được lớp vỡ lòng. Thấy Chính lớn lộc ngộc, sợ làm ảnh hưởng tới các bạn bé hơn, cô giáo đành cho Chính lên lớp một. Ngay cả lớp một Chính cũng mài đũng quần suốt hai năm đánh vần không sõi, vừa học xong chữ tác đã ra chữ tộ. Chán vì toàn bọn lau nhau không có ai chơi cùng, Chính bỏ học theo bố mẹ đi múc cát. Múc cát chả có gì hay, nhưng được cái nếu không thích làm thì nhảy bùm xuống sông, bám mạn thuyền tha hồ đạp chân khua khắng, đôi khi theo bố thả vó ven bờ, thi thoảng tạt vào cất cũng có tôm cá ăn.

Nhà tôi ở cạnh con đường sang đình nên dù nhà Chính tận cuối làng, nhưng lần nào Chính qua ngõ hát ông ổng, tôi trong nhà ngó ra cũng thấy. Dạo đó thanh niên nam nữ người đi bộ đội, người đi thanh niên xung phong, số còn lại đi thoát ly, ở làng rặt người già và trẻ con. Trong số bọn trẻ, Chính có vẻ thích tôi nhất vì tôi có ý thân thiện. Hôm đó, lũ chúng tôi đang thả trâu ven bờ suối và nhóm lửa nướng sắn nhổ trộm của hợp tác xã, Chính lù lù xuất hiện, mặt lạnh tanh không nói không rằng làm cả bọn sợ phát khiếp. Số là năm ngoái học lớp hai, thấy Chính đi qua, bọn tôi đồng thanh hô: “Hai ba… Chính điên” rồi ù té chạy… Mấy thằng thấy Chính đến mặt tái ngoét. Tôi cũng hơi sợ nhưng chẳng biết làm thế nào, bèn cời từ đống lửa củ sắn vừa chín to nhất đưa cho Chính. Nhìn tôi như người từ trên trời rơi xuống, Chính thản nhiên bóc vỏ sắn thổi phù phù ăn ngon lành. Tôi rụt rè hỏi: “Tại sao anh thích súng?” Chính ngoạm miếng rõ to: “Để tao làm bộ đội đánh giặc.” Thằng Tèo nhanh nhảu mồm miệng: “Làng làm gì có giặc?” Chính tỉnh bơ: “Thằng nào đểu là giặc!” Tôi đồ rằng Chính điên khi đó chả biết thế nào là giặc cũng như thằng đểu. Ăn xong củ sắn, Chính thủng thẳng: “Chúng mày gọi tao là Chính điên cũng được. Cốt không gọi là thằng.” Thấy Chính không giận dữ, cả bọn sán lại gần sờ nắn khẩu súng gỗ, xuýt xoa nịnh và tôn Chính là tướng. Từ buổi đó bất cứ có thứ gì chôm chỉa ăn được, Chính đều như ma xó lẻn đến dấm dúi cho tôi.

Có lẽ khoái vì được phong làm tướng cầm đầu bọn trẻ trâu nên kỳ nghỉ hè năm ấy, làng tôi được phen náo loạn bởi các trò nhất quỷ nhì ma do Chính đầu têu nghĩ ra. Gần như ngày nào chúng tôi cũng xới tung cả làng chơi trò đánh trận giả. Đánh trận trong làng, trên đồi chán, Chính kéo cả bọn ra sông chơi trò thủy chiến, nhiều thằng không biết bơi, Chính bảo bắt chuồn chuồn cho cắn dái rồi ôm cây chuối tập bơi. Một tên cãi: “Cắn rốn chứ?” Chính quát: “Ngu! Dái là cái phao câu, phao nổi mày khắc bơi được.” Tôi cho cắn nhiều ngày tưởng bơi được, nào ngờ vừa bỏ cây chuối đã chìm nghỉm, sặc mấy ngụm nước, đột nhiên con gì đó đớp vào chim, hoảng quá tôi vùng vẫy đạp lia lịa lao về bờ, từ đó tự nhiên biết bơi.

Lần ấy thằng Tèo phát hiện trong làng có bà Hòa mới gói bánh chưng bán, sáng nào bà cũng quẩy gánh bán rong khắp làng. Chính nhìn bà ngẩn người rồi ngoác miệng hát: “Bà Hòa bán bánh chưng/Chưa ăn đã tưng bừng/ Hai đứa ra nằm trên đê/Chén xong rồi phê phê…”. Bọn tôi chả biết tại sao ăn bánh chưng lại phê phê, nhưng nghe Chính hát cũng gân cổ hát theo làm bà nổi đóa vung đòn gánh phang gió túi bụi.

Một buổi Chính cầm mấy chiếc vỏ bánh chưng tới, trải ra đất bảo chúng tôi ị vào đó. Chả rõ ị làm gì nhưng chúng tôi cũng tụt quần thi nhau rặn. Chính ngồi tỷ mẩn gói lại vuông vắn như chiếc bánh chưng thật rồi kéo cả lũ ra đường. Vỡ lẽ trò bẫy cứt của Chính, một thằng thả chiếc bánh gần vệ đường rồi lẩn vào hàng rào nấp. Người qua đường tưởng ai đánh rơi hăm hở nhặt, người nào mở ra cũng chửi ầm ĩ. Có người cẩn thận nhìn trước nhìn sau như sợ ai đó giành mất rồi bỏ luôn vào tay nải. Ông Phầu là người nhặt được chiếc sau cùng, ông hít hà đắc chí cởi nón phẹt đít ngồi bên vệ cỏ, vừa cởi lạt mùi thối bốc lên, biết bị lừa, ông chửi um rồi ném về bụi cây trúng đầu thằng Tèo làm phân vãi tung tóe. Chúng tôi cười phá lên rồi bỏ chạy. Ông Phầu gầm gừ chửi vuốt theo: “Tiên sư lũ điên!”…

Nếu cứ tái diễn các trò nghịch ngợm quỷ quái do Chính nghĩ ra, không khéo chúng tôi cũng điên thật. Bố tôi vót chiếc roi dâu dựng bên góc cửa đe nẹt. Bị đòn roi với tụi trẻ con hồi ấy là chuyện thường, vì tức lên bố mẹ hay đánh nhưng chả đau là mấy, với lại người lớn dọa trẻ con cũng là chuyện vặt. Tuy nhiên, sau vài lần mấy thằng quắn mông đít, lúc ra sông tồng ngồng tắm vằn vện các lằn đỏ bọn tôi cũng hãi, chỉ dám thậm thụt bí mật, tịch không còn la hét om sòm, chỉ có mỗi Chính chả sợ gì vẫn hát cười phớ lớ.

Đùng một cái Chính đòi lấy vợ. Chả là đận ấy, làng tổ chức lễ thành hôn cho anh Dũng, chị Mai. Anh Dũng đã có giấy gọi lên đường nhập ngũ nên hợp tác xã đứng ra tổ chức rất trọng thể theo nghi thức đời sống mới tại đình làng. Chính và bọn tôi kéo nhau ra xem cô dâu chú rể. Các anh chị thanh niên trang trí phông cưới rất đẹp, bên cạnh khóm trúc, đôi chim bồ câu vừa bay vừa đấu mỏ vào nhau, trên cùng là dòng chữ đỏ: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Được cô dâu đưa cho mấy cái kẹo, thích quá, ngay hôm đó Chính về nhà đòi cưới. Cả làng được phen cười ra nước mắt. Đời thuở nhà ai một thằng điên khùng lại muốn lấy vợ. Từ trước đến nay, Chính vẫn mắng nhiếc gái làng không tiếc lời. Nào là loại người gì lúc nào cũng áo xống sùm sụp, đi làm quần lụa xắn lên tận bẹn, sao không cởi mẹ nó ra, mặc quần đùi cho đỡ tốn vải? Rồi thì vú vê đã mẩy, lại ốp thêm cái khỉ gió vào làm nó to tổ bố, nhìn tức cả mắt… Có lần Chính kiếm đâu cái xu chiêng đứng giữa ngã ba, cô nào đi qua cũng toét miệng hỏi: “Em có cái vú giả này không?”

Ông bố Chính chưa biết xử trí thế nào về chuyện Chính đòi lấy vợ thì ông bác họ phán xanh rờn: “Thằng Chính là con trưởng, đầu óc không được minh mẫn, nhưng nó đòi lấy vợ tức giống má tốt. Kiếm cho nó một đứa, biết đâu lại có người nối dõi tông đường”. Chẳng biết bàn bạc thế nào, dạm hỏi ra sao, đám cưới của Chính cũng được tổ chức. Cô vợ Chính người làng bên, tuy phốp pháp nhưng cũng vào loại chập cheng, hơn Chính nghe đâu năm bảy tuổi. Ngày cưới Chính vẫn diện quần đùi, khoác súng đánh trận giả khắp làng, chỉ khi ông bác tìm, nịnh về mặc quần áo cưới vợ rồi tha hồ ăn kẹo, Chính mới gật gù vẻ thích chí. Đêm tân hôn, cả làng nín thở nghe ngóng tin tức, ai cũng đoán già đoán non không rõ Chính ngủ với vợ ra sao. Gần sáng một góc làng râm ran tiếng chó sủa, người ta thấy Chính vác súng đuổi vợ chạy bán sống bán chết. Thì ra làm mấy cút rượu Chính lăn ra ngủ, lúc tỉnh dậy thấy người đàn bà nằm cạnh mình, Chính điên tiết đuổi thẳng cổ. Họ mạc lại xúm vào khuyên giải để Chính cho vợ vào buồng ngủ cùng. Mấy đêm liền chẳng có chuyện gì xảy ra, hàng xóm nhấp nháy: “Lửa gần rơm thế đếch nào chả bén… Cái của nợ kia mà biết mùi đời, khác gì thài lài gặp cứt chó.” Đi làm đồng mấy bà ướm lời hỏi, vợ Chính không ngần ngại ca thán: “Nó có làm gì đâu, nó mà làm thì nhà em đã phúc bảy mươi đời.” Mọi người té ngửa khi hay chuyện: Nghe lời họ mạc, Chính không đuổi, nhưng nhất quyết ôm súng gỗ không thèm nhìn mặt vợ. Táy máy ngó nghiêng, Chính phát hiện hũ rượu ông bố cất ở góc buồng, thế là mồm Chính chả khác thuồng luồng, đêm nào cũng ních một bụng rồi lăn ra ngủ như chết.

Làm đủ mọi cách cho Chính gần gũi vợ nhưng sau nhiều ngày, biết cháu dâu vẫn chưa được xơ múi gì, ông bác họ lại phải nói khó với bên nhà gái cho cô cháu dâu lại nhà. Ông nói với bố Chính: Thằng chồng đã vậy, con vợ cũng ngẫn ngờ. Không khéo nó cho thằng nào, bụng kễnh lên, cả họ nhà mình đi mà đổ vỏ. Lúc này mọi người mới ngộ ra rằng Chính thấy đám cưới anh Dũng chị Mai vui vẻ, trang trí đẹp, lại có nhiều bánh kẹo nên nằng nặc đòi lấy vợ, chứ thực ra Chính chả biết làm gì khác.

Phởn chí vì không còn cô vợ trong nhà, hàng ngày Chính lại cởi trần vận quần cộc ôm súng cùng bọn trẻ con đánh trận giả. Chơi đánh trận mãi đói, Chính rủ bọn tôi ra bãi tha ma. Tại đây mồ mả cái mới cái cũ la liệt. Chính lần mò tới mấy ngôi mộ mới chôn cất thó cơm, trứng, hoa quả dúi cho bọn tôi. Cơm thiu phải bỏ, còn hoa quả và trứng thì cả bọn tha hồ ăn. Có hôm gia chủ đang cúng, không rõ bằng cách nào Chính cuỗm cả con gà và đĩa xôi mà không ai hay biết. Quen mui cứ ngày rằm mùng một, bọn tôi lại rủ Chính tới bãi tha ma trộm đồ và kéo tới một xó xỉnh nào đó ngồi chén.

Sinh ra từ làng và bị điên nhưng chưa ai thấy Chính dữ dằn cục súc, chỉ mỗi tội thích ai, ghét ai đều tỏ thái độ hơi thái quá. Điển hình người Chính ghét là ông Phùng chủ tịch xã. Nhiều người cũng không ưa ông bởi tính độc đoán gia trưởng, hay dùng quyền uy để giải quyết việc không đâu vào đâu. Tỷ như ai đó chần chừ không vào hợp tác xã, hoặc cãi vã việc chia công điểm, ông quy kết tội chống đối và cho dân quân trói nghiến đưa về trụ sở bắt viết kiểm điểm. Tôi không rõ Chính ghét ông vì lẽ gì. Lần đó, cả bọn đang ngồi tào lao, chợt có tiếng đài vọng tới, Chính đang hớn hở mặt bỗng biến sắc: “Có địch, về vị trí chiến đấu.” Từ xa tôi đã thấy ông Phùng mặc quần ka ki màu be hồng, áo sơ mi trắng, đầu đội mũ cối, một bên hông khoác xà cột, một bên đeo đài mở oang oang cưỡi xe đạp Phượng Hoàng đi tới. Chính nhằm thẳng khẩu súng vào ông, mặt đằng đằng sát khí. Khi ông Phùng đi khuất, Chính phẩy tay: “Ta không diệt được thằng này thì để người khác tiêu diệt”. Tôi từng nghe Chính nói đểu cũng là giặc nhưng không dám hỏi, chả biết Chính thấy ông Phùng đểu ở điểm nào? Có lần theo bố đi ăn giỗ, tôi cũng nghe lỏm được đôi lời xì xầm bàn tán về những việc khuất tất của ông Phùng. Chưa kịp hiểu rõ sự thể, một người ra điều hiểu biết chặc lưỡi: “Lão ta có chức có quyền, xà xẻo gì chả được. Ai biết ma ăn cỗ. Mình phải giữ mồm giữ miệng, vớ vẩn nó lại vu cho tội thông đồng với địch bôi nhọ, nói xấu cán bộ…”. Với tôi, ở cái xã hẻo lánh nghèo nhất huyện nhất tỉnh này, dân quanh năm chân lấm tay bùn, quần áo vá chằng vá đụp, cơm ăn bữa nay lo bữa mai, làm chủ tịch xã có nhà cao cửa rộng lại oai vệ, sang trọng như ông quả là niềm mơ ước.

Bẵng đi một dạo làng yên ắng hẳn vì Chính đi viện. Nhiều năm qua, các ông lang đã bốc cho Chính đủ các loại thuốc mà bệnh tình chẳng hề thuyên giảm. Bố mẹ Chính thương con, dành dụm tiền đưa bằng được Chính lên tỉnh chữa trị. Nhưng đưa Chính đi viện cũng là một kỳ công. Sau vài lần dỗ dành không thành, cô y sĩ của trạm xá phải lừa cho Chính uống mấy viên thuốc ngủ, để mọi người khiêng lên võng có cây tre làm đòn buộc vào hai chiếc xe đạp chở đi. Ấy vậy mà nửa đường thế nào Chính đã tỉnh, nhất quyết đòi về nhà. May ông bác họ sáng ý để sẵn trong võng cây súng gỗ, dỗ ngon dỗ ngọt bảo Chính lên tỉnh an dưỡng cho đủ cân để khám tuyển bộ đội, Chính mới đồng ý.

Chưa đầy tháng sau, Chính đã lại cởi trần, vận quần cộc, đầu đội mũ rơm đeo súng gỗ về làng. Gặp chúng tôi, Chính lôi từ cạp quần bao thuốc lá bẹp dúm chia cho mỗi thằng một điếu: “Tao lừa lão bảo vệ về với chúng mày. Tao còn thó của lão bao thuốc.” “Thế anh chữa bệnh chưa xong à?”. Tôi ngạc nhiên. “Họ nhốt tao với mấy thằng điên, chữa con mẹ gì!”.

Ở đời, phàm những người ít chữ thường hay chơi chữ, những kẻ điên không nghĩ mình bị điên, đến giờ tôi nghĩ Chính khi ấy cũng vậy. Tuy nhiên, có điều lạ là nhiều lúc Chính có vẻ đàng hoàng, đĩnh đạc. Không rõ do học mót hay chưa lên cơn, Chính nói năng có câu thông thái chả khác người bình thường. Bằng chứng là có lần tôi nhảy vào vườn trẩy trộm ổi của bà cụ Khảm nhà nghèo nhất làng, Chính lừ mắt: “Bà ấy khổ, đừng để người ta khổ thêm!”

*  *  *

Năm đó giặc Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc. Làng tôi cũng là một trọng điểm oanh tạc của máy bay địch, vì nằm kề bên con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Cứ mỗi lần còi báo động của thành phố rúc lên ba hồi, tôi lại thấy Chính đeo súng gỗ leo tót lên ngọn cây đa gần đó, ai quát bắt xuống hầm Chính vẫn tỉnh bơ. Khi máy bay địch gầm rú trên bầu trời, tiếng la hét bắn đạn mồm của Chính át cả tiếng súng của trận địa pháo cao xạ bên kia núi…

Dường như sức khỏe của Chính ngày càng xấu đi, bệnh tình ngày một nặng thêm. Mỗi lần báo động, Chính leo lên cây đa không còn nhanh nhẹn như trước. Chính cũng không chơi đánh trận giả cùng bọn tôi nữa, vì chỉ chăm chăm trực chiến và đánh trận cùng bộ đội bằng cây súng gỗ của mình.

Một hôm đi học về gặp Chính, tôi sửng sốt vì trên bộ ngực trần nhăn nhúm lép kẹp, Chính kiếm đâu mấy chiếc huy hiệu và một tấm huân chương cài lên thịt. Vết cài tứa máu đã thâm đen. Thấy tôi chăm chú nhìn, Chính ngoẻn miệng cười: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực. Mày có muốn như tao không?” Nghe vậy tôi hãi, khen bừa một câu rồi chạy biến về nhà. Mấy lần mẹ đi vắng, tôi lục đồ lấy kim đơm lại cúc áo bị đứt, kim đâm vào tay một nhát tôi đã thấy buốt nhói đến tận tim, cài vào da thịt như thế có mà điên.

Tối đó, Chính hú gọi chúng tôi ra bến sông. Trăng đã lên lưng lửng bờ tre. Ánh trăng non ướt mướt mát trên cánh đồng lúa đang làm đòng thơm ngậy mùi hương cốm sữa. Như mọi bận, vừa đi Chính vừa nghêu ngao hát: “Tình tang tình/Em đi rình…/Đài đeo bên hông, đồng hồ đeo tay…”. Hát chán, Chính lại gào rống lên: “Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần…”. Tới bờ sông, Chính lôi từ bụi cây chiếc quần lụa đen túm ống đựng nải chuối, mấy quả trứng luộc và một lô lốc hoa quả sắp chín nẫu: “Tao lấy từ mả lão Hanh, lão chết không ăn thì cho chúng mày ăn”. Chúng tôi ngồi bóc gọt sì sụp ăn và tán ngẫu đủ chuyện trên trời dưới bể. Nói chuyện với người điên cũng có cái thú, bởi chuyện không đầu không cuối và chẳng chết ai. Duy có điều bọn tôi bái phục là mang tiếng bị điên, nhưng chuyện gì trong làng Chính cũng biết. Có lẽ lọ mọ đêm hôm lắm, nên quen thói rình mò nghe lỏm chăng? Nhìn chiếc quần lụa đen, tôi buột miệng: “Anh lấy quần đàn bà kia ở đâu?”. Chính cười khủng khỉnh: “Tao thấy lão Phùng chủ tịch xã với con mụ Mít đè nhau bên đống rơm, cái quần vứt dưới chân. Nó không dùng thì tao lấy”. “Thế quần lão Phùng đâu?”. “Tao cho lão Phú ăn mày”. Đột nhiên, nhìn mặt sóng lao sao in bóng mảnh trăng trôi lóng lánh, Chính bật dậy đeo súng vào lưng, lẩm bẩm: “Tao vớt cái trăng kia cho chúng mày”. Chúng tôi chưa kịp mở miệng cản thì Chính đã lao xuống vệ cỏ nhảy bùm xuống sông. Sóng và trăng đan nhau bắn lên tung tóe. Đến chỗ mảnh trăng, Chính bì bõm lặn ngụp hồi lâu nhưng không vớt trăng được, đành bơi về bờ làm chúng tôi bấm nhau cười nghiêng ngả. Vuốt nước trạt trên mặt, Chính làu bàu: “Mẹ tiên sư nó. Cứ định nhặt lên thì nó lại biến mất”. Thằng Tèo dù sợ Chính phật ý, vẫn không không nín được cười: “Anh ơi! Trăng trên trời, nó chỉ in bóng xuống thôi”. Chính quắc mắt: “Chúng mày ngu bỏ mẹ, từ đấy trăng nó mọc lên”. Không hiểu tại sao hôm nay Chính lại nghĩ ra cái chuyện ấy, không đứa nào dám cãi, mà có cãi cũng chả tích sự gì.

*  *  *

Ba hôm sau buổi tối Chính bì bõm vớt trăng dưới đáy sóng, làng tôi hứng chịu trận bom hủy diệt kinh hoàng của máy bay địch. Chúng tôi vừa từ lớp học nhảy xuống giao thông hào chạy ra hầm trú ẩn thì tiếng súng, tiếng bom nổ rung chuyển mặt đất, nhiều đứa ngã dúi dụi vào nhau, bọn con gái thét lên sợ hãi. Tiếng bom nổ gần làm tôi không nghe rõ tiếng bắn đạn mồm của Chính. Một lát sau, Chính hớt hải ôm đứa bé máu me đầy mình chạy tới dúi vào hầm, miệng gào khản đặc: “Mẹ nó chết rồi!”. Cô giáo tôi vừa đón đứa bé thì Chính lại nhảy lên miệng giao thông hào. Qua lỗ thông hơi, tôi thấy Chính chạy ra sân đình. Trong làn khói bom mờ mịt, Chính gương súng chĩa lên trời… Sau trận bom ấy, người ta chỉ nhìn thấy vài mảnh xương thịt của Chính và những mẩu súng gỗ vương vãi.

Nhiều ngày sau, dù cả xã chung tay giúp đỡ dọn dẹp và dựng lại nhà cửa, làng tôi vẫn tiêu điều xơ xác vì trận bom hủy diệt. Chính trở thành ân nhân của gia đình đứa bé. Ông Đôn bị bom phạt cụt chân nằm cách đó một đoạn chứng kiến sự việc kể: Hôm đó như mọi khi, Chính leo lên ngọn đa chiến đấu với máy bay địch, quả bom nổ gần làm cô Nụ ôm đứa con nhỏ bị mảnh bom phạt mất đầu, đứa bé giãy giụa khóc thét bên cạnh xác mẹ. Chính đã từ cây đa truội xuống, bế đứa bé chạy về hầm trú ẩn của lớp học rồi lại ôm súng gỗ chạy ra sân đình đánh trận…

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, hình ảnh Chính điên cởi trần, ngực cài huy hiệu và huân chương, đầu đội mũ rơm, tay siết khẩu súng gỗ vẫn hiện ra rõ mồn một. Mẹ tôi bảo Chính bị điên nhưng không mất bản năng làm người.

Nhiều lần về quê, tôi thơ thẩn ra bờ sông ngắm mảnh trăng dưới đáy sóng. Dòng sông Chính từng bì bõm lặn ngụp không thể vớt được mảnh trăng lên, vẫn ngằn ngặt xanh như chảy ra từ cổ tích. Năm nay trở lại thăm quê, như có điều gì đó thôi thúc, tôi lội vào ký ức vớt lên hình ảnh của Chính viết câu chuyện này, thay nén tâm nhang gửi cho người đã khuất.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước