Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
05:53 (GMT +7)

Trận Him Lam qua kí ức người chiến sĩ giật bộc phá năm xưa

VNTN - Giữa cơn mưa đầu hè xối xả, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Trai, người chiến sĩ thuộc tiểu đoàn Phủ Thông, trung đoàn 141, sư đoàn Chiến Thắng 312 năm xưa - là đơn vị được Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ đánh trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Him Lam. Trong căn nhà nhỏ, tuềnh toàng nằm nép mình trong con ngõ nhỏ của tổ 10, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên sầm uất, nhộn nhịp, câu chuyện về trận đánh khai hỏa trong chiến dịch Điên Biên Phủ năm xưa được người chiến sĩ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm (ông sinh năm 1926) kể lại đầy sôi nổi, khí thế dẫu nhiều chi tiết ông chỉ còn nhớ nhớ quên quên.

***

20 tuổi, chàng dân quân du kích tại địa phương (xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) Nguyễn Xuân Trai nên duyên với cô du kích cùng xóm Nguyễn Thị Nghì. Dù đời sống vợ chồng đương buổi mặn nồng, nhưng 4 năm sau ngày cưới, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, mong muốn được tham gia chiến trường, cống hiến xương máu cho độc lập của đất nước, Nguyễn Xuân Trai giấu vợ đi tìm bộ đội xin gia nhập đơn vị chiến đấu. Ngày ấy, gia cảnh nghèo khó, lúc ra đi ông chỉ có mỗi chiếc quần cộc, phải mua chịu một bộ quần áo, một chiếc khăn và một đôi dép làm tư trang lên đường tìm đơn vị nhập ngũ. Chỉ đến khi người ta đến nhà đòi tiền, vợ ông mới hay chồng trốn đi bộ đội, biền biệt bao năm không tin tức gì.

Sau khi xin gia nhập bộ đội năm 1950, đến năm 1954 sư đoàn 312 của ông tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ. Gần một tháng trời hành quân trong mưa gió rét buốt, lại bị địch đánh phá liên tục, chặn đường, ông cùng các chiến sĩ trong sư đoàn đã vượt qua hơn 500 cây số đến vị trí tập kết ở khu vực cây số 15 đường Tuần Giáo - Điện Biên an toàn. Ban đầu, ông cùng các chiến sĩ được phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "Tốc chiến tốc thắng" theo sự tham mưu của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc, đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng. Theo kế hoạch sẽ tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu và dự định ngày nổ súng là ngày 20 tháng 1, sau hoãn đến ngày 26. Nhưng đơn vị vào đến trận địa rồi, trận đánh lại không diễn ra như dự kiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án "Tốc chiến tốc thắng" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên nên không thể đảm bảo chắc thắng. Đại tướng kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "Đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm. Ngày 26 tháng 1, sư đoàn được lệnh hoãn tiến công, lui về địa điểm tập kết, phối hợp cùng với đơn vị pháo kéo pháo ra qua những đoạn đường dốc cao hiểm trở đại bác địch bắn phá ác liệt. Năm ấy ông Trai cùng các đồng đội đón Tết Giáp Ngọ ngay tại núi rừng và chờ lệnh tiến công mới.

Ngày 22 tháng 2, sư đoàn ông được lệnh tiêu diệt cứ điểm Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nằm ở phía Đông Bắc, cách trung tâm Mường Thanh 2,5 km, được mệnh danh là “Cánh cửa sắt” bất khả chiến bại của tập đoàn cứ điểm. Trung tâm đề kháng Him Lam được xây dựng bởi 3 cứ điểm, trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng để dễ dàng chi viện và bảo vệ lẫn nhau. Tại đây chúng bố trí hệ thống công sự, vật cản rất hoàn chỉnh, mỗi cứ điểm đều có 2, 3 chiến hào khép kín, liên thông cơ động dễ dàng, phía ngoài có đường giao thông hào vươn ra để tháo chạy, hệ thống vật cản có 6, 7 hàng rào kẽm gai các loại dày 60 - 70mm bao quanh và đặc biệt quân Pháp bố trí 700 binh sĩ  trang bị hỏa lực rất mạnh, thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng.

Trận Him Lam là trận đánh mở màn, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như gây tâm lý bất an cho địch nên sư đoàn ông được lệnh yêu cầu “phải đánh thắng trận và kết thúc nhanh (trước 24 giờ đêm), để loại trừ các đòn phản công của địch”. Nhận nhiệm vụ, sư đoàn 312 của ông bắt tay ngay vào việc xây dựng cấu trúc trận địa, đào giao thông hào để chuyển lương thực vũ khí, đào hầm chỉ huy, hầm cho thương binh… Ông Trai nhớ lại: những ngày tháng đó dẫu gian khổ khó khăn nhưng bộ đội luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, vẫn cất tiếng hát, tiếng cười giòn tan.

Ngày 13 tháng 3, sư đoàn được lệnh tấn công. Tiểu đội ông là một trong những đơn vị nhận nhiệm vụ giật bộc phá phá hàng rào dây kẽm gai của địch, mở đường cho quân đội ta tiến lên chiến đấu. Ông cùng đồng đội phải di chuyển từ 4 giờ chiều ngày 12/3 đến 5 giờ sáng ngày 13/3 mới tới được trận địa, chờ lệnh tấn công. Sau lệnh “xung phong”, tiểu đội ông từng người một ôm bộc phá nặng khoảng 10kg, dài như chiếc đòn gánh lao về phía hàng rào mặc địa hình trống trải, địch xả đạn xối xả ngăn cản. “Dẫu chứng kiến các đồng đội đi trước hy sinh, tôi cùng những người sau vẫn không run sợ mà ôm bộc phá lao lên phía trước. Lúc đấy chẳng màng đến tính mạng, chỉ nghĩ phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá”, ông Trai bồi hồi nhớ lại. Ông là người giật quả bộc phá thứ 8. Quả bộc phá nổ thành công, phá tan một hàng rào dây kẽm gai của địch. Giật xong, quay trở lại vị trí, như các đồng chí giật bộc phá thành công khác, ông được tuyên bố khen thưởng tại trận. Đó là kỉ niệm đầy tự hào mà đến giờ nhắc lại ông vẫn còn xúc động.

Nhưng xúc động hơn cả là niềm cảm phục của ông với đại đội trưởng Phạm Hội của mình. Ông kể rằng, khi phá được 5, 6 hàng rào của địch, còn lại hàng rào cuối cùng thì hết bộc phá, đồng chí Phạm Hội không quản hy sinh, mặc mưa đạn địch bắn phá chống trả, chui vào trong nâng hàng rào lên cho các đồng đội chui vào tấn công địch. Phá hàng rào, mở đường cho quân ta tiếng công là một trong những nhiệm vụ góp phần làm nên thắng lợi của trận đánh tiêu diệt cứ điểm Him Lam vào đúng 23h 30 phút ngày 13/3. Thắng lợi giòn giã này làm nức lòng cán bộ chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, tạo nên niềm tin tưởng và sức chiến đấu mới cho bộ đội ta.

Hơn nửa tháng sau trận đánh Him Lam, ông Trai cùng các đồng đội hoàn thành nhiệm vụ giật bộc phá được nhận bằng khen của sư đoàn 312 do sư phó Lê Chiểu kí ngày 30/3/1954 với nội dung: “vì đã có thành tích trong trận chiến đấu Him Lam rất anh dũng chiến đấu khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Điên Biên Phủ” (năm 2014 đã được Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên lưu giữ trở thành hiện vật lịch sử quý giá). Trong niềm vui sướng ấy, ông Trai vẫn không quên những đồng đội đã hy sinh. Tiểu đội ông 12 người, sau nhiệm vụ giật bộc phá phá hàng rào chỉ có 5 người may mắn trở về. Lúc chiến đấu, chứng kiến đồng đội mình ngã xuống không hề thấy nao núng, chỉ thêm lòng quyết tâm không hổ thẹn với xương máu đồng đội. Nhưng giờ, dẫu hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, ông vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng bộc phá nổ và hình ảnh đồng đội lúc hy sinh, có người chẳng vẹn nguyên thân xác.

“Mất mát, hy sinh là quá nhiều, không phải chỉ riêng có bộ đội!”, ông Trai nghẹn ngào kể lại. Trước trận đánh, tại điểm tập kết ở khu vực “vườn chuối” cách cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 20 km đường chim bay, đơn vị ông được hội phụ nữ và dân công đến thăm, cho một con bò để thịt. Đang trong không khí phấn khởi, vui mừng thì đơn vị nhận nhiệm vụ phải đi ngay. Ngay sau đó, địch thả bom khiến các chị em hội phụ nữ và dân công hy sinh phân nửa… cùng con bò chưa kịp thịt. Nghe tin, đơn vị ông không khỏi bàng hoàng, đau xót. Ông Trai xúc động: “Vừa mới không lâu trước, chúng tôi còn chuyện trò, ca hát vui vẻ bên nhau, vậy mà chỉ trong nháy mắt, những cô gái đã không còn nữa, nhiều người trong số họ vẫn còn trẻ măng!”. Sự hy sinh, mất mát của những con người trước giờ nổ súng ấy đã góp phần trở thành động lực cổ vũ khí thế cho những người chiến sĩ anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng trấn động địa cầu.

***

63 năm trôi qua, giờ người chiến sĩ Nguyễn Xuân Trai đã tuổi cao sức yếu, phải liên tục chống chọi với bệnh tật (mổ não 2 lần vì tai biến) nhưng chưa bao giờ ông ngừng nhớ về những đồng đội năm xưa. Có điều hầu hết họ đều đã hy sinh và khuất núi. Những cuộc gặp mặt do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tổ chức, dù ông rất muốn tham gia nhưng sức khỏe chẳng cho phép. Con cháu đều bận bịu công việc, chỉ mình ông quanh quẩn trong nhà, nhiều lúc những kỷ vật như huân chương, kỉ niệm chương có ảnh đồng đội của mình lại được ông mang ra ngắm nghía cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Mọi năm cứ vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mùng 7 tháng 5 đều có các đoàn của phường, thành phố đến thăm hỏi và tặng quà, nghe ông kể lại những câu chuyện xưa. Vậy mà năm nay lại chẳng thấy ai, khiến ông có chút chạnh lòng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, trong ánh mắt ông Nguyễn Xuân Trai luôn chực trào nỗi xúc động được trải lòng, được kể lại quá khứ một thời. Và chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay cũng cảm thấy xúc động, khâm phục thế hệ cha ông, và cảm phục ông, một con người nhỏ bé nhưng đã góp công sức làm nên một chiến thắng lịch sử vang danh khắp toàn cầu.

Bằng khen của sư đoàn 312 trao cho ông Nguyễn Xuân Trai vì có thành tích trong trận chiến đấu Him Lam (Bản gốc đã được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên)

Ông Nguyễn Xuân Trai xúc động kể lại những câu chuyện xoay quan trận đánh đồi Him Lam năm xưa

Chân dung ông Nguyễn Xuân Trai

 Anh Thắng - Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục