Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
07:10 (GMT +7)

Trận đánh Đường Tăng ở Nam Cha

1. Sau trận đánh ở “Đồi Con Lợn” – Khu sân bay Xiêng Khoảng (Lào) tôi được anh em trong Đại đội Trinh sát (C20, E165, F312) mang về cứu chữa lành lặn, tôi lại đi phục vụ dẫn các Tiểu đoàn 4, 5, 6 đánh trận Phu Tâng (Pu Theng Leng) ở Cánh Đồng Chum ngày 17, 18, 19 tháng 12 năm 1971.

Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 của chúng tôi được mặt trận Bắc Lào chi viện 500 quả “cối” 120 li dọn đường “làm cỏ” 3 điểm 1, 2, 3 (Phu Tâng) do BC 609 – Quân đội Hoàng Gia Thái Lan án ngữ giữa trung tâm Cánh Đồng Chum. Hồi đó tôi hay theo Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông (nay đã mất) người làng Thượng Nung, Tam Nông, Phú Thọ bây giờ, nên hay gặp cụ Đại tướng Lê Trọng Tấn (hồi ấy cụ là Thiếu tướng), Tư lệnh Mặt trận Bắc Lào, còn Chính ủy Mặt trận là cụ Huỳnh Đắc Hương. Anh em trinh sát ở Sư đoàn 316 và 866 tôi quen nhiều (kể cả anh em nước bạn là Pa Thét Lào nữa). Một người bạn thân bây giờ là nhà văn Dương Mạnh Việt, anh cũng là “dân trinh sát 316” nên dễ thông cảm, đồng điệu tâm hồn lắm.

Giải phóng xong Cánh Đồng Chum, chúng tôi đánh thọc qua bản Mèo vào khu cứ điểm Nam Cha – Long Chẹng, hang ổ Phỉ Vàng Pao và quân Coong Le. Từ Mường Pang, Mường Pốt (hang đá) tôi tìm đường theo dông núi chạy 17km (trên bản đồ UTM tỷ lệ 1/50) thọc vào trận địa 1300 của quân Thái Lan và Phỉ Vàng Pao. Mất 7 ngày phát đường, ngày đi đêm ngủ trên các chốt vừa được “nhổ”. Chúng tôi gồm có anh Dương Nhú (sau này là Đại tá – Lữ đoàn trưởng Bảo vệ Thủ đô, quê Sóc Sơn - Hà Nội); anh Trần Thanh Tuấn (đã mất) ở 115 Hàng Bột – Giờ là đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội; anh Trần Thanh Văn - ở 288 ngõ Chợ Khâm Thiên Hà Nội; anh Nụ - người Tày – quê Kỳ Sơn Hòa Bình; anh Nguyễn Đức Tộ (Đại úy chuyển ngành về Nhà máy Điện Thái Nguyên) và 2 “ông tướng” thông tin C18.

Đêm nghe tiếng gió, tiếng chim, nhớ nhà quá. Tiếng C130 “gõ”… “thùng thùng” báo hiệu là sắp tới tập đoàn cứ điểm Nam Cha của địch. Là lính trận, người miền núi nên chỉ cần ngửi mùi gió tôi đã đoán mình sắp gặp địch.

Đêm ấy, nhớ nhà, nhớ các đồng đội hy sinh không sao mà chợp mắt được. Phần nữa nghĩ mình có sống qua trận này hay không? Vì hôm nọ tôi đã phải vuốt mắt 2 đồng đội “đồng hương Lào Cai” tại cửa mở “Phu Tâng”. Nằm nghĩ lan man, ngửi qua tiếng gió tôi thấy mùi thuốc lá thơm Thái Lan. Tôi “bấm” anh em dậy, lính trinh sát phản xạ nhanh như mèo, “xốc” lên nằm phục lõng địch. Hai tên lính Thái Lan quân phục đen xám đội mũ sắt bò lên chốt bản Mèo “sục ăn”. Tôi nghĩ 2 tên này là lính thất trận Phu Tâng chạy về Nam Cha đây. Bốn thằng chúng tôi ra hiệu chia nhau túm chúng.

Tôi và anh Dương Nhú bắt tên đi đầu. Tuấn, Văn tóm tên thứ hai đi sau. Khẩu AK báng gập của tôi có mũi lê dài 20cm (1 gang tay) tôi “tặng” tên địch một lê vào bắp chân trái, anh Dương Nhú miệng hô khẽ “Nham bô tai” (Tiếng Thái Lan - Giơ tay lên). Hai tay anh như hai gọng kìm sắt quật ngã tên địch. Hắn bị thương kêu như bò rống. Tên địch thứ hai chạy ngược lại tụt dốc thì vướng chân anh Tuấn ngã xoài ra, bị ngay 2 “ông tướng” Nụ, Tộ tiếp ứng trói gô lại bằng dây dù mắc võng. Hai tên địch quỳ lạy như tế sao. May mà tiếng Thái chúng tôi biết nhiều nhờ phiên âm na ná tiếng Tày, Nùng (Lào Cai) nên tôi hiểu chúng xin tha mạng. Thế là chúng tôi lại thiếu đi 2 người (anh Nụ, anh Tộ giải 2 tù binh quay về Mường Pang để Trung đoàn khai thác).

Trời tờ mờ sáng, chúng tôi lại tiến vào Nam Cha – 1300 chuẩn bị phục vụ trận đánh lớn ở Đường Tăng cách Long Chẹng một gang tay bản đồ (áng chừng 18km) các đơn vị bạn đã vào từ trước, họ đi theo hang Toa Tầu.

Ôi những cái tên thân yêu trên đất nước Triệu Voi… Cao điểm 1664 ta hy sinh 17 đồng chí. Hang Há Mồm – túi bom, tôi chôn Lê Văn Luận đồng hương Lào Cai “dính bom”. Hang Nhà Bò chôn 1 đồng đội. Hang Toa Tàu chân cao điểm 1507 tôi chôn 6 đồng đội. Vào Nam Cha chúng tôi “vẹt” đi 2 đại đội chủ lực của Tiểu đoàn 4, 5. Còn trận Đường Tăng tôi sắp kể sau đây thì thật là “máu lửa”, chúng tôi “tiêu tốn” một Đại đội.

Một máy bay của không quân Mỹ cất cánh khỏi căn cứ đi ném bom miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch Liner backer II (tháng 12/1972). Ảnh tư liệu quân sự.

2. Sắp tết Nguyên đán 1972, rồi lệnh của cụ Lê Trọng Tấn: “Nhổ xong Đường Tăng ăn tết” (bức điện cụ Tấn gửi cho Sư đoàn trưởng Sư 312 Lã Thái Hòa). Cụ Hòa họp lãnh đạo Sư đoàn đi đến quyết định: “Trao trận này cho Đại đội chủ công Trung đoàn 141 đánh”. Cầm quân trận này là 2 mãnh hổ của Sư đoàn. Đại đội trưởng người Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Được - sau này là Anh hùng LLVTND, Thượng tướng, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam.

Còn Đại đội phó là anh Nguyễn Văn Hoắc - sau này chuyển sang Công an, Đại tá, Giám thị Trại giam Hỏa Lò, Hà Nội. Tôi theo anh Dương Nhú và Trần Thanh Văn (sau này là giảng viên trường Đại học Kiểm sát ở Hà Đông) đi phục vụ anh Được, anh Hoắc. Xin kể rõ cho bạn đọc hiểu, anh Hoắc người Trực Ninh, Nam Định rất giỏi võ thuật. Trước kia anh ở Đại đội 19 Đặc công của Trung đoàn 165, Sư 312. Anh Hoắc tốt tính, ăn ở có trước có sau lắm (anh khổ vì đồng đội). Anh tặng cụ Nguyễn Chuông gạch, xi măng để cụ Chuông xây miếu thờ lính 312 ở 25A, Khu tập thể Quân đội Mai Dịch, Bắc Từ Liêm. Bây giờ Hoắc bị “gút” đi lại khó khăn. Một con người kiên cường, gan dạ, nghĩa cử “sống chết vì đồng đội”. Nhiều chuyện về anh Hoắc tôi chưa có dịp kể cho các bạn nghe.

Ba lính trinh sát (Tôi, Văn, Nhú) Trung đoàn 165 đưa 2 anh Được, Hoắc bò vào trinh sát tận hàng rào thứ 3 ở Đường Tăng, Nam Cha. Trời lạnh sương nhiều cộng thêm mồ hôi làm ướt đẫm vai áo lính. Chúng tôi chia 2 mũi đi trinh sát. Mũi một có tôi, Văn và anh Hoắc. Mũi 2 có anh Nhú và anh Được thêm một trinh sát của Trung đoàn 141 (lâu quá, 51 năm rồi tôi không rõ đồng chí ấy giờ còn sống hay đã chết, quê ở tỉnh nào nữa; nay điểm lại, tôi, Nhú, Văn, Được, Hoắc vẫn khỏe mạnh tuy rằng tuổi đã 70 – 76 cả rồi).

Đường Tăng là chốt tiền tiêu của tập đoàn cứ điểm Long Chẹng. Là cái gai “cuối cùng” đánh vào Long Chẹng. Mấy hôm trước tôi vào Hang Cá (cách Đường Tăng chừng 1800m) chuẩn bị “lót ổ” cho cụ Lã Thái Hòa, cụ Nguyễn Chuông đặt sở chỉ huy tiền tiêu ở đây “nhằm vào bản Đông Nhà”, nên đoạn đường ở “Đường Tăng” tôi rõ như bàn tay mình. Chính cái Hang Cá ấy tôi đã lên rừng tìm thuốc nam chữa bệnh nấm đầu cho cụ Lã Thái Hà – cụ bị “Ếch xi ma – tổ đỉa” khổ lắm. Chiếc lược Đuy ra gãi tứa máu cũng không hết ngứa. Tôi rịt thuốc nam 3 liều cụ Hòa đỡ liền, ăn da non nữa cơ. Còn cụ Nguyễn Chuông bị đau dạ dày kinh niên từ thời Điện Biên Phủ 1954 tới giờ khổ lắm. Tôi và Văn cứ phải “ruôn” nước nóng vào bị đông cho cụ chườm suốt đêm (sau này nhờ mật ong, tam thất và tập yoga cụ Chuông khỏi đấy).

Đêm tháng Chạp, tôi kéo anh Hoắc vào bãi chuối chân Đường Tăng ngủ tới 4 giờ sáng rồi rút sau cùng. Anh Nhú dẫn anh Được đi vòng phía Bắc trinh sát đường rút của địch. Vì chúng tôi đã mò vào bản Đông Nhà nhiều lần nên tường tận khu này lắm. 7 hôm trước khi đánh “Đường Tăng”, tôi và anh Hinh (Nguyễn Văn Hinh – quê ở TP. Nam Định bây giờ) đã tóm được một chú mèo to vật vã. Lính làm lông, luộc, chấm muối ớt uống với côca – chiến lợi phẩm trên chốt 1300. Tôi là anh lính láu cá hay tích lũy, mì chính, muối, mỳ ăn liền, bánh bích quy Thái Lan, thuốc lá Thái, côcacôla Thái, (thậm chí cả ảnh con gái Thái nữa cơ). Tôi hay làm thơ, nên thuộc nhiều thơ, cả thơ của địch mà bọn “Tâm lý chiến” rải ra khắp chiến trường! Ví như “Rừng Trường Sơn những chiều hiu quạnh/ Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê nhà/ Khói lam chiều giàn mướp đắng lên xanh/ Con bướm nhỏ mái đình xưa nhớ quá” - suýt bị kỷ luật. Tôi giải thích là lượm về để mặt trắng viết thơ. Bút thì xin các anh Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Ấm, Hà Đình Cẩn ở trên Ban Chính trị. Lần ấy không có cụ Đỗ Trường Quân Chính ủy Trung đoàn 165 và anh Mậu, anh Gia Dũng đỡ đòn thì tôi toi đời. Nằm giữa đêm lạnh ở cao điểm Đường Tăng tôi vẫn “nhẩm thơ” – thật là tuổi 19 - 20 đánh giặc cũng vô tư chả nghĩ gì đến cái chết ngày mai cả. Hoa cúc vàng phả hương vào mặt tôi. Tôi nhìn rõ cách bố phòng của địch.

Chốt ở Đường Tăng là một Đại đội Thái Lan và một Đại đội Phỉ Vàng Pao. Chúng tôi thì thừa biết bọn lính Thái và Phỉ không ưa nhau. Lính Thái được Mỹ trả lương cao, đi đâu có xe pháo, máy bay hộ tống yểm trợ. Thứ Bảy, Chủ nhật lại có “chị em” ở Viêng Chăn ra phục vụ. Còn lính Mèo (Phỉ) Coong Le, lương thấp, ăn mặc lôi thôi, súng dài hơn người (chúng vét cả trẻ con 12, 13, 14 tuổi đi lính). Nên khi đánh nhau với quân tình nguyện Việt Nam, chúng “tít” nhanh hơn mèo, mặc xác bọn Thái Lan để “Việt Nam làm thịt”.

Nắm được yếu điểm đó nên cấp trên (Mặt trận Bắc Lào) chỉ dùng một Đại đội của anh Được, anh Hoắc đánh Đường Tăng là đủ. Các cụ lý luận: Dùng đông quân quá quẩn chân khó tác chiến – chỉ cần đánh cuốn chiếu, thằng Mèo chạy, thằng Thái bị cô lập phải thua, áp dụng cách đánh ở Phu Tâng hôm 18/12/1971 là sẽ toàn thắng.

Duyệt đội ngũ chào mừng 70 năm Ngày Truyền thống (27/12/1950) của Sư đoàn 312. Ảnh minh họa, nguồn: qdnd.vn

3. Vốn có kinh nghiệm trinh sát và thận trọng, chúng tôi không hề chủ quan. Phải nhờ Sư đoàn chi viện pháo binh như cối 120 ly, ĐKZ, 14,5 ly và B40, B41 làm sức mạnh. Từ Đường Tăng cách một tả ly dài 300m, cứ như một bức tường rào bùng nhùng và cũi lợn ken dày đặc. Mất một đêm nữa trinh sát chúng tôi mới ra được phương án tác chiến. Sau đó lập sa bàn tại Hang Cá, có sự chỉ đạo của cụ Lã Thái Hòa, cụ Nguyễn Chuông, cụ Đỗ Trường Quân và ban Tham mưu. Cụ Tham mưu trưởng Trung đoàn là Đỗ Phú Vàng, sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 14 (cụ mất, an táng ở nghĩa trang Bình Dương 12 năm nay rồi).

Chúng tôi mệt mỏi lếch thếch, 6 thằng lính về tới hậu cứ thì đã 15 giờ chiều. Tôi thấy cụ Chuông đứng bần thần nhìn tôi như mẹ tôi ngày xưa ngóng con về tan học. Tay cụ đấm nhè nhẹ vào cái bao tử khốn khổ. Khói thuốc lá Trường Sơn phụt tràn trên sương chiều. Hình như cụ Chuông khóc.

Tôi tiến gần cụ Chuông “Con chào bố”. Cụ nắm tay tôi lắc lắc. Cụ Đỗ Trường Quân, cụ Đỗ Phú Vàng đỡ anh Được, anh Hoắc hỏi khẽ: “Ổn chứ?”. Hai anh trả lời “Vâng ạ”. Linh tính lính già trận mạc các cụ nhà mình thấy trinh sát về không vui là đoán trận đánh ngày mai sẽ “gay” và “ác liệt” lắm. Cụ Chuông khẽ khóc (không biết bao sinh mạng lính sẽ nằm lại đất Triệu Voi này nữa đây).

Trận đánh kéo dài 2 tiếng đồng hồ vào một ngày cuối đông 1971 sang 1972. Pháo ta nổ giòn, 200 quả 120 li. Như tôi đã kể, bọn lính Mèo chạy tan nát nhanh lắm. Bọn Coong Le nối theo chạy xuống khu lõng của Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 đã phục sẵn. Trung liên, AK của ta bắn chéo cánh sẻ làm cho lính Mèo lộn ngược trở lại Đường Tăng. Nhiều tên tỳ súng M79 và AR15, Cạc bin bắn trả lại chúng tôi rất hung hăng. Tiểu đoàn 4 tăng cường đại đội của anh Nguyễn Đức Sơn (bây giờ là Trung tướng ở Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam). Đơn vị anh Sơn thanh toán Đại đội Mèo và Coong Le phải hơn một giờ mới xong.

Trận đánh chính là chốt Đường Tăng – cao điểm 1300. Ta “bóc vỏ” xong đánh thọc lên cao điểm vào trung tâm Đường Tăng có Đại đội Thái Lan chốt giữ. Lính Thái Lan cuồng loạn bắn lại liên hồi kỳ trận. Ta mở được hàng rào cũi lợn nhờ mìn ĐH20 của Đại đội Công binh 17. Trung đoàn hỗ trợ mở toang 6 mét chiều ngang và 15m chiều dài. Hoắc dẫn Trung đội 1 của Nguyễn Như Kim xông lên. Địch chống trả, ta thiệt hại 2 tiểu đội. Hoắc bị thương vào bả vai nằm bất động, máu trào ra lênh láng. Anh Được đánh từ phía Nam. Anh gầm lên “Pháo đâu, B40, B41 đâu!”.

Địch ở trong lô cốt (đúc bê tông) quét ra dữ dội. Anh Được bị một mảnh vào chân phải. Anh điên lên giương B40 phụt ra 2 quả vào lô cốt địch.

Lô cốt dày chỉ bị sượt một tí bê tông thôi. Anh Huấn, Trung đội trưởng lắp pháo cối 14,5 li bắn ứng dụng… 2 khẩu ĐKZ của Trung đoàn bắn hỗ trợ đục vỡ lô cốt địch. Địch túa ra chống trả quyết liệt.

Tiểu đội 2 còn 4 người kết hợp với Tiểu đội 6 còn 6 người anh Được dẫn quân tập tễnh đánh thốc vào trung tâm.

Phía bắc, anh Nhú dẫn Trung đội của anh Thiêm người Hải Phòng (Sau này là Đại tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn 312). Quân anh Thiêm gan dạ và nhanh nhẹn lắm. Đúng là quân đất Cảng có khác. Vừa mưu mẹo, vừa thông minh tháo vát. Các anh tản ra 12 người làm 12 hướng dùng thủ pháo đánh lối đặc công tiêu diệt địch trong vòng 15 phút chiến đấu.

Đã chiến đấu nhiều trận, nhưng dùng cối 14,5 li đánh từ tả ly lên thì đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến. À thế ra tùy từng điều kiện, hoàn cảnh ta có thể nảy sinh cách đánh sáng tạo khác nhau, đỡ tốn xương máu bộ đội, thu hiệu quả cao. Gần 1 giờ đồng hồ mà chưa dứt điểm. Lệnh của cụ Chuông tung cả trinh sát C20 lên hỗ trợ. Tôi, Nhú khoác AK lên vai, xách B40 đánh thẳng vào mỏm 2 Đường Tăng. Nhú lại tạo ra cách đánh mới chĩa thẳng B40 vào lô cốt bóp cò cách 15m. Tôi lia cả 1 băng AK trúng 2 tên lính Thái Lan, còn 1 tên chạy thục mạng đạp cả lên xác đồng đội tẩu thoát.

Chiều vàng ảm đạm sương giăng. Chúng tôi thu quân. Thiệt hại hơn 1 Đại đội. Anh Được chống AK khóc. Anh Hoắc mắt nhắm nghiền vì đau quá. Anh Nhú anh Sơn dìu anh Hoắc và 3 đồng chí bị thương xuống Hang Cá. Tôi thấy cụ Chuông buồn lắm. Chả có chiến công nào không đổ máu của quân tình nguyện Việt Nam. Năm mươi năm, nửa đời người tôi không bao giờ quên trận đánh ác liệt ở Đường Tăng – 1300 – Nam Cha.

Thái Nguyên, 25/8/2021

Đỗ Dũng

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Ngô Minh Thịnh Viet****@gmail.com

    Tên em được bác Vàng đặt cho là Việt! Vì xã em có tên là Việt Ngọc.