Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
17:43 (GMT +7)

“Trái tim ta đập ở Thái Nguyên!”

Một ngày, ngồi nhớ lại những vùng đất ký ức của đời mình, tôi bỗng nhận ra Thái Nguyên thật sâu nặng. Con người lưu giữ nhiều tình cảm về những vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình học hành và trưởng thành, nơi mình từng sống và làm việc. Thái Nguyên không phải là một trong những vùng đất ấy, chỉ là một vùng đất tôi đã đi qua. Vậy mà lạ lùng, vùng đất ấy vẫn làm nên nỗi nhớ, làm giàu cho ký ức của tôi.

Có một bài thơ trong sách giáo khoa, hồi còn thơ bé, đến trường sơ tán trong rừng sâu Tây Bắc, cô giáo ngân nga: “Một nhà sàn đơn sơ vách nứa/ Bốn bên suối chảy, cá bơi vui/ Đêm đêm cháy hồng bên bếp lửa/ Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi”. Tôi thuộc rất nhanh đoạn thơ này từ giọng đọc của cô giáo, chả nhớ tác giả là ai. Cô giáo nói cái nhà sàn ấy là của Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Trẻ con chúng tôi hồi ấy yêu kính Bác Hồ qua thơ văn như thế này, chứ mấy ai được gặp, được biết về Bác Hồ. Lại nữa, hồi ấy, tôi sống ở Tây Bắc, là một khu tự trị, thì Việt Bắc cũng là một khu tự trị. Cô giáo nói, Việt Bắc là nơi “Thủ đô gió ngàn” hồi kháng chiến chín năm. Thái Nguyên là thủ phủ của Việt Bắc.

Một góc thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Khắc Thọ

Lớp tôi có mấy bạn học cùng, thân với tôi, có liên quan đến Thái Nguyên. Chúng ở Tây Bắc với mẹ và ông bà, còn bố của chúng là bộ đội, đóng quân ở Thái Nguyên bên khu Việt Bắc. Khi kể về bố mẹ, chúng cứ reo lên “Thái Nguyên! Thái Nguyên!”. Cái tên địa danh như một tiếng chim reo đã găm lại trong trí nhớ của tôi. Rồi một ngày, mấy bạn ấy cùng cả nhà chuyển đi, về Thái Nguyên cùng với bố. Thế là tôi ngơ ngẩn nhớ. Nỗi nhớ đầu đời là nhớ bạn, đã liên quan đến Thái Nguyên, đến Việt Bắc chưa từng đến bao giờ…

***

Cứ ấn tượng như thế cho đến khi vào đại học ở Hà Nội. Lúc ấy thì tôi đã biết Thái Nguyên là một thành phố, nơi có Khu Gang thép, niềm tự hào của công nghiệp ở miền Bắc. Mẹ tôi dặn là có cậu tôi làm công nhân ở Gang thép Thái Nguyên, nếu thích thì đi lên đấy tìm thăm cậu. Còn gì hơn nữa, tôi tự mình tìm đến với Thái Nguyên. Trước khi đi, đã đọc những cuốn sách viết về Khu Gang thép, về núi rừng Việt Bắc, thấm cho nhiều để mường tượng, rồi mới lên đường. Hồi ấy là đi tàu hỏa, xuống ga Lưu Xá. Con tàu chật chội, đầy người lên xuống, nóng bức, mướt mải… Cái khu Gang thép ấy cũng cao lớn, nhưng không cao lớn bằng với khu nhà máy trong tưởng tượng của tôi.

Nhưng bù lại, tôi được thấy một Thái Nguyên lớn rộng hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Tôi đến thăm thầy giáo cũ đã về dạy ở trường Sư phạm Thái Nguyên, ăn một bữa trưa toàn khoai tây luộc với cà chua nấu muối. Cái thời bấy giờ, đầu những năm 80, đất nước hai đầu chiến tranh, biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, là cùng cực thiếu thốn.

Rồi tôi đi tìm bạn bè học đại học ở đây, trường Cơ điện, trường Sư phạm, trường Y, cả những bạn từ ngày bé hồi cùng trường sơ tán rừng Tây Bắc…

Bạn dẫn tôi ra sông Cầu trôi thư thả, chỉ về phía xa, nói rằng đấy là vùng núi Linh Sơn… Sau này thì tôi hiểu, Linh Sơn chỉ là một phóng dụ, làm thiêng lên cái đuôi phía Nam của cánh cung Bắc Sơn và Ngân Sơn quẫy mạnh từ sự kiện tạo núi Hymalaya cách đây 25 triệu năm, nâng vùng đất Thái Nguyên từ bình địa lên cao hơn từ 200 tới 500 mét mà thành đồi núi như ngày nay ta thấy.

Tôi đã ở đêm nhà bạn bên cái dốc xuôi xuống sông Cầu, nhìn xa xa là cầu Gia Bẩy dẫn sang Đồng Bẩm, nối đường đi lên Võ Nhai, Bắc Sơn… Cái đêm thức miên man ấy, trong khi các bạn chụm lại nói đủ thứ chuyện trẻ con, thì tôi và em gái bạn tôi, cô bé xinh xinh, đang học cấp ba, hát hay, đàn giỏi, ngồi nói chuyện với ông bà nội của bạn. Ông kể những câu chuyện về Thái Nguyên và thời kháng chiến ở Việt Bắc. Ông bà không phải là người gốc ở đấy, mà từ dưới đồng bằng lên định cư mấy đời rồi. Ông say mê nói về Đức Thánh Đuổm, tức là danh tướng Dương Tự Minh, người đã có nhiều công lao chống giặc, hai lần được nhà Lý gả công chúa cho. Rồi đến chuyện ông Lưu Nhân Chú ở Đại Từ, cùng cha và anh rể tham gia khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi chống giặc Minh. Khi ông kể về thời kháng chiến hào hùng xong, thì bà nội chép miệng: “Cũng còn có cả những gian lao, cay đắng nữa, như chuyện bà địa chủ Nguyễn Thị Năm bị chết ở Đồng Bẩm ấy”…

Buổi sáng chia tay, cô em gái xin phép bà nội, hái cho tôi chục quả hồng đỏ ngọt trên cây sai lúc lỉu trong vườn. Cô gói gọn gàng bằng những tấm lá dong cũng hái trong vườn, nói: “Anh mang về ăn cùng bạn bè và đừng quên Thái Nguyên nhé!”. Cô ấy còn nói, lâu lâu thì tôi phải trở lại Thái Nguyên và kể về ý định sau này sẽ thi vào một trường nghệ thuật ở Hà Nội.

Thế mà thời gian trôi đi vùn vụt, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại…

***

Lần ấy, vào năm 1998, tôi đi theo đoàn của Báo Văn Nghệ lên Lạng Sơn rồi tới Bắc Sơn, dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng thời chống Pháp của huyện này. Từ con đường trên núi cao dẫn xuống thung lũng Bắc Sơn, lòng tôi đã nôn nao vì cảnh núi rừng hùng vĩ, mộng mơ... Sau buổi trưa, tôi đi lan man trong thị trấn. Bỗng thấy trong rất nhiều vườn nhà có những cây hồng, quả đỏ sai kỳ lạ. Bỗng sững người nhớ đến cây hồng trong vườn nhà em gái trên dốc nhìn xuống sông Cầu. Bỗng nhớ Thái Nguyên như một cơn bừng tỉnh. Tôi nhìn con đường dẫn ra ngoài thị trấn, ngược với hướng tôi đến, hỏi nó dẫn đi đâu. Người ta bảo, đấy là đường đi Đình Cả. Một câu thơ vang lên, từ thơ của Tố Hữu: “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/ Đường sang Tây Bắc, đường lên Điện Biên/ Đường cách mạng dài theo kháng chiến…”. Lại hỏi, đây có phải con đường trong câu thơ ấy không? Đúng rồi đấy! Thế là buổi chiều, trong khi đoàn về Lạng Sơn thì tôi ở lại Bắc Sơn. Một thanh niên sẵn lòng đưa tôi đi Thái Nguyên bằng xe máy, với chừng 80 cây số, theo con đường trong thơ “Ta đi tới”...

Ngày ấy, con đường còn đơn sơ, mỏng manh lắm. Nhưng bù lại, núi rừng xanh thẳm, cây núi miên man. Con đường của những bước chân thời hình thành nên Việt Nam Cứu quốc quân gắn với tên tuổi Tướng Chu Văn Tấn. Đấy cũng là con đường từ khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, kéo qua Võ Nhai, đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là một con đường của căn cứ địa Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Đi trên con đường như thế, chầm chậm, từ khi nắng còn sáng rõ đến lúc hoàng hôn dần buông xuống, khói lam chiều bảng lảng trên những mái nhà nép dưới bóng cây nơi chân những ngọn núi cao đang dần thẫm lại, hình dung những gì mình đã đọc, đã biết về người xưa, cảm xúc thật khó mà kể lại.

Trong đêm ấy, khi về Thái Nguyên, tôi đã đi tìm ngôi nhà bên dốc sông Cầu có cây hồng quả chín đỏ mãi mà không thấy. Bao nhiêu ngôi nhà mới đã mọc lên, những khu vườn cũ không còn nữa. Vùng đất mộc mạc ngày xưa, giờ lên phố xá. Bao nhiêu người đã đến đây. Cũng nhiều người đã chuyển đi. Chỉ còn nỗi nhớ về chùm quả hồng đỏ ngọt gói trong lá dong xanh là nguyên vẹn thôi.

***

Thái Nguyên còn cho tôi một ký ức khác, cũng thật dày dặn. Người tôi yêu nhiều năm, sau này thành thân với tôi, là một cô giáo, đã có một thời tuổi thơ gắn bó với Thái Nguyên. Cô ấy là con gái áp út của một nhà văn, nhà báo từng công tác nhiều năm trong cơ quan văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc, bên những nhà thơ người dân tộc nổi tiếng của vùng đất này như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại… Má của vợ tôi cũng đã từng dạy học và làm công tác Công đoàn trong thời kỳ ấy ở Thái Nguyên. Đó là một miền ký ức về Thái Nguyên thật hồn nhiên, trong trẻo, dù rất nhiều thiếu thốn và gian khó, nhưng cứ ấm áp, gắn bó mà đi qua bằng tảo tần, thương mến... Đó cũng là ký ức của rất nhiều con người từ mọi miền quê của đất nước đã đến sống cùng và yêu thương Thái Nguyên trong một đoạn đời cống hiến và vun đắp, không dễ gì nguôi quên.

Năm vừa qua, có một cuộc thi viết mang tên “Tôi và Thái Nguyên” do Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phát động. Đó là một cuộc thi nhỏ mà có ý nghĩa thật là lớn, dành cho ký ức của những người đã từng sống với Thái Nguyên qua nhiều giai đoạn. Cô giáo nhà tôi có một bài viết ấn tượng về những ngày tháng này qua câu chuyện về người cha của mình. Hôm tổng kết và trao giải cuộc thi, tác giả bài viết được mời lên tham dự và giao lưu.

Tôi lái xe đưa vợ đi. Bây giờ đi Thái Nguyên là vun vút xe trên đường cao tốc. Trên xe, biết bao nhiêu ký ức về thời thơ ấu gắn bó với Thái Nguyên lại được vợ tôi kể lại rất hào hứng. Con đường về Thái Nguyên xưa, giờ bỗng nhiên thân thuộc lên biết bao nhiêu…

Bây giờ thì Thái Nguyên đã xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông ra cả nước. Những dự án phát triển. Những địa điểm du lịch. Những khu đô thị mới đang mọc lên… Thái Nguyên đang sải cánh rộng bay trong nhịp điệu phát triển chung. Một công cuộc phát triển cần huy động rất nhiều nguồn lực. Ký ức cũng là một loại nguồn lực. Nguồn lực ký ức được đánh thức sẽ vun đắp cho văn hóa và tinh thần của ngày hôm nay, tạo nên một động lực hòa trong nhiều động lực mà phát triển.

Sau chuyến đi ấy, tôi có cuộc ngồi trò chuyện với nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Thế rồi bỗng nhận ra, những dòng thơ viết về nhà sàn Bác Hồ ở Việt Bắc mà mình học hồi thơ bé chính là một đoạn trong bài thơ mang tên “Quê hương Việt Bắc” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết hồi kháng chiến chống Pháp kể về những con người từ nhiều miền quê đã đến Việt Bắc, cùng chiến đấu và phấn đấu cho công cuộc lớn: “Rời đồng bằng lên miền núi/ Ta đi đã mấy mùa xuân”, “Ta yêu những rừng Việt Bắc/ Nơi ta khôn lớn nên người”, “Ta tới núi xanh và suối bạc/ Ngang trời Tam Đảo đứng nghiêng nghiêng/ Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp/ Trái tim ta đập ở Thái Nguyên”, “Chiều chiều ca hát quê hương mới/ Mỗi bước đi lòng một thắm tươi”…

Trái tim ta đập ở Thái Nguyên! Đúng như thế và còn hơn thế nữa! Nhìn lên bản đồ đất nước, vùng đất Thái Nguyên tượng hình như một trái tim đỏ hồng đang đập, cao cao trên ngực trái. Cảm ơn nhà thơ đã viết thay cho rất nhiều người đã từng đến đây, cũng như những người đang sống và gắn bó với nơi đây, với Thái Nguyên, với Việt Bắc. Câu thơ này liệu có thể trở thành một thông điệp mới để gọi mời và làm thức dậy những nguồn lực mới cho Thái Nguyên trên con đường phát triển hôm nay và mai sau, được không nhỉ?...

Hà Nội, giữa tháng 12/2021

Tùy bút. Nguyễn Thành Phong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy