Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
23:06 (GMT +7)

Trái chiều

VNTN- Tôi là cán bộ phòng văn hoá của huyện. Hôm nay có việc về xã Hạ Điền, tiện thể đến thăm chú Dũng. Chú đang là trưởng thôn, vừa thấy tôi chú đã nói vui:

- Ái chà, cán bộ huyện xuống kiểm tra thôn đấy à.

Tôi cười phân bua:

- Đâu có, cháu đến thăm chú, thế công việc của chú tốt chứ ạ?

Mặt chú tự nhiên buồn buồn, chú thấp giọng:

- Bà con ở đây quá tốt, chỉ bực mình vì mấy ông cán bộ mới nghỉ hưu thôi.

Tôi ngạc nhiên vì ở đâu cũng khen các cụ hưu sao chú tôi lại có nhận xét trái ngược như vậy. Biết tâm trạng của tôi, chú kể:

Ông Tuấn ngày trước là cán bộ đoàn xã, sau được đi học rồi thoát ly lên huyện, lên tỉnh. Ông là sếp lớn của một ngành. Ông về hưu ai cũng mừng chắc ông sẽ giúp cho thôn nhiều việc. Tuy nhiên,  ông chẳng nhận việc gì còn bảo: Mình ở trên tỉnh quen đi kiểm tra đôn đốc huyện, xã, bây giờ làm cán bộ thôn thấy nó ngược đời thế nào ấy. Hồi làm ở tỉnh thì hình ảnh thôn nó bé nhỏ, lờ mờ, có việc gì dưới thôn mình lại phân công cán bộ xuống. Mấy khi biết việc của thôn thế nào. Tóm lại là ông thoái thác. Ngày thôn làm đường bê tông vận động nộp tiền, tưởng ông sẽ nộp gấp mấy lần hộ khác. Nào ngờ ông chỉ nộp có một nửa, còn xin nộp sau. Đường làm xong đẹp đẽ. Ông Tuấn mua cái xe con hàng tỷ và đắp dầy thêm bê tông từ cổng nhà ông, vào tận chỗ để xe. Ông bảo: Đường dân làm để cho xe đi, mình mua xe là phải rồi.

Ngán nhất là mời ông đi học luật lệ. Ông bảo: Tôi ở trên tỉnh còn nghiên cứu làm ra luật. Ông cứ cho bà con học, chỗ nào không hiểu tôi bảo cho.

Còn ông Mão cũng về hưu mấy năm, là kỹ sư kinh tế, ông cũng chẳng nhận việc gì.

Ông bảo:

- Tôi làm trưởng phòng tài vụ một công ty lớn, nếu có công trình nào trên tỷ thì tôi sẽ tính toán giúp. Xin lỗi ông, tiền của cả xã không đủ mua con xe máy tầm tầm, thì cần gì tính toán lắm.

Hễ cứ nói đến làm gì, thu tiền gì, ông dọa:

- Các ông làm cho chuẩn đấy, không đúng nguyên tắc tài vụ là toi đời, thanh tra tiền là soi giá cả công xá… từng dòng từng chữ. Tôi xem mạng thấy nhiều bê bối lắm, ông có biết mạng là cái gì đâu mà biết.

Rồi ông cười hô hố:

- Các ông làm ăn cho cẩn thận kẻo bạn bè tôi ở báo ở đài truyền hình về nó đưa lên thì dở lắm.

Ông này còn kiệt hơn cả ông Tuấn, thu tiền gì ông ấy đều đòi văn bản nào ai ký số bao nhiêu, ai cho phép, có nơi nào làm chưa...

Mỗi lần đến nhà ông ấy chú lại vò đầu bứt tai ngán ngẩm.

Con đường bê tông của tổ làm chưa được bao lâu, bê tông không đổ dầy lắm, ấy thế mà ông Mão đào đất đồi sau nhà cho chở toàn xe tải to. Góp ý ông ấy lý sự:

- Tôi có đóng góp tiền, tôi chở bao nhiêu là quyền của tôi. Đường này sao mà hỏng được. Tôi làm bao nhiêu công trình, tôi quá hiểu.

Bực quá chú phải mời đồng chí kỹ sư nọ xuống phân tích ông ấy mới chịu. Họ có trình độ, có học, mình chỉ chân lấm tay bùn, vừa làm vừa học, tưởng là học được ở các ông ấy. Ai ngờ…

Tôi nhìn chú cảm phục. Ở cái thôn nhỏ bé xa xôi này có những người như chú, dân ắt được nhờ, huyện tỉnh cũng được nhờ. Không biết mấy ông như Tuấn, Mão sẽ nghĩ gì để đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước