Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
05:29 (GMT +7)

Tốt nghiệp và thất nghiệp

VNTN - Kể từ 1/8, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển, việc xét tuyển bổ sung đợt 1, đợt 2 sẽ kéo dài đến hết tháng 9. Trong lúc các tân sinh viên háo hức chờ đợi kết quả, thì lại có một lứa sinh viên bảo vệ xong luận văn, luận án tốt nghiệp rời khỏi trường đại học. Và câu chuyện “tốt nghiệp là thất nghiệp” nhiều năm nay vốn đang là bài toán khó tìm lời giải với các cử nhân, một lần nữa được đem ra bàn luận.

Theo Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thì đến quý 1/2016, cả nước có 1.072,3 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015 và giảm 87,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015. Xét theo chuyên môn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp nhiều nhất, khoảng 150 nghìn người; kế đến là cao đẳng, trên 100 nghìn người.

Dường như số người thất nghiệp đang ngày càng tăng lên theo thời gian, nhưng giải pháp nào cho tình trạng này thì đang còn bỏ ngỏ. Đáng suy ngẫm hơn là việc hàng năm có tới mấy chục nghìn cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp, song cơ hội tìm kiếm việc làm không mấy khả quan cho dù là bằng cấp hạng ưu chăng nữa.

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay có rất nhiều sinh viên theo học các ngành nghề không đúng sở trường cá nhân, mà học do ảnh hưởng bởi ý thích của cha mẹ. Thông thường khi học hết cấp 3, học sinh chỉ lo làm thế nào để đỗ đại học nên chọn một trường gần với khả năng đỗ mà chưa xét đến năng lực bản thân. Đó cũng là sự thiếu hụt định hướng từ gia đình, nhà trường. Hình ảnh dễ thấy nhất là, trong khi cha mẹ sốt sắng đưa con đi đăng ký nhập học, chạy đôn chạy đáo lo thủ tục, thì các tân sinh viên chỉ ngơ ngác bám theo sau. Hệ lụy là có nhiều bạn sau 4, 5 năm học không hứng thú gì với ngành, nghề đã chọn, vẫn băn khoăn, mơ hồ không định hướng được “đường đi” của mình.

Mặt khác, ở thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các công ty, doanh nghiệp có khuynh hướng tiếp nhận những người có thể làm được việc ngay chứ không muốn đào tạo lại người mới. Chính vì thế, họ sẵn sàng từ chối những tấm bằng giỏi nếu người sở hữu nó không làm được việc. Có ý kiến bày tỏ, rằng các doanh nghiệp có vẻ đã quá khắt khe chăng? Bởi việc học là trang bị những kỹ năng, kiến thức nền tảng, nhưng để có thể bắt kịp được guồng quay của công việc trong các doanh nghiệp lớn thì các cử nhân cần thêm kiến thức nâng cao, thực tế, cọ xát và sức bền… Nếu nơi đâu cũng cần kinh nghiệm, không được tạo cơ hội việc làm thì bao giờ họ mới có kinh nghiệm!

Nhưng xét cho cùng, tư duy trọng năng lực không trọng bằng cấp ấy rất đáng khuyến khích, bởi đó là một lối đi rộng mở để người trẻ khám phá khả năng bản thân và trải nghiệm. Có người cho rằng, hiện nay không ít người trẻ đánh mất cơ hội lập nghiệp là do thiếu kỹ năng mềm. Sinh viên Việt Nam rất hồn hậu và… tự nhiên chủ nghĩa, còn non nớt và thiếu tự tin hơn rất nhiều so với những bạn bè cũng trang lứa ở Malaysia, Indonesia, Singapore, thậm chí ở Lào và Campuchia. Vì thế, không hiếm trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập rất tốt nhưng khi phỏng vấn xin việc gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặt vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tiếng Anh… vẫn là những điểm yếu lớn. Họ tự tin về kiến thức trong sách vở nhưng khi được yêu cầu làm công việc khác ngoài lề thì lại rất kém.

Một điều đáng lo ngại nữa, là tình trạng ảo tưởng giá trị bản thân của một bộ phận tân cử nhân. Họ tham vọng công việc tốt, đòi hỏi mức lương và chế độ họ mong muốn hơn là quan tâm việc sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp. Rồi chuyện sợ không làm được việc, hễ thấy khó là bỏ cũng khá phổ biến hiện nay.

Thực tế cho thấy, nếu sau khi tốt nghiệp, các cử nhân không làm việc một cách nhiệt tình, học hỏi thật nhanh và nhiều từ công việc hiện tại, kể cả những công việc nhỏ nhất, thì viễn cảnh thất nghiệp mãi sẽ đeo bám không dứt. Chính vì thế, các bạn phải xác định những điểm xuất phát, dù thấp đến đâu thì đó cũng là thời gian học việc, trải nghiệm thực tế. Suy cho cùng, chẳng ông chủ nào để bạn ra đi khi bạn tạo ra giá trị dương cho doanh nghiệp cả.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy