Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
13:39 (GMT +7)

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – nhìn từ phía bên kia

VNTN - Cách đây 50 năm, đêm 30 rạng ngày 31/01/1968, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào các đô thị miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta ở miền Nam đã gây chấn động mạnh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ, khiến cho chính quyền Mỹ choáng váng. Qua sự kiện Tết Mậu Thân, công chúng Mỹ thấy rõ hơn sự trái ngược đã và đang diễn ra trên chiến trường miền Nam, khác hẳn với những "thắng lợi" mà chính quyền đưa ra với họ và thấy được họ đang bị chính phủ Mỹ lừa dối.


Đã 50 năm trôi qua, song dư âm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã và đang được tiếp tục nhắc đến với sự thán phục và kinh ngạc. Đối với rất nhiều sĩ quan và quan chức Mỹ, đây là một sự kiện bất ngờ và khó hiểu đến nỗi, ngay từ khi nổ ra, các sĩ quan tình báo của Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) cũng phải thú nhận rằng, nếu như bấy giờ họ nắm được toàn bộ kế hoạch cuộc Tổng tiến công chăng nữa, thì họ cũng sẽ không thể nào tin được, vì quả thực họ không tài nào hiểu nổi bản chất của hành động này.

Ngay sau khi sự kiện xảy ra, nhân dân Mỹ đã được xem những hình ảnh và đọc những dòng tin trên báo chí về sự kiện gây chấn động này, tuy nhiên phải đến ba năm sau, năm 1971, một trong những cuốn sách đầu tiên viết về Tết Mậu Thân 1968 mới ra đời tại Mỹ, có nhan đề "TẾT!" của tác giả Don Oberdorfer, Nhà xuất bản The Johns Hopkins University Press, dày 440 trang. Do xuất bản vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang tiếp diễn, nên chính tác giả đã tự bộc lộ: “Vì chiến tranh chưa kết thúc, lối thoát đang còn mờ tối, ý nghĩa đầy đủ của cuộc tiến công Tết vẫn đang nằm ngoài sự phán đoán của chúng tôi. Câu hỏi đầu tiên thường ám ảnh chúng tôi là, trong cuộc tiến công này “Ai thắng? Ai thua?”. “Chúng tôi nghĩ Bắc Việt và Việt Cộng đã không ghi được chiến thắng trên chiến trường, nhưng chính quyền Mỹ cũng đã bị thua ngay trong nhà vì nhân dân Mỹ không tin tưởng nữa. Mặt khác, đối phương bị thiệt hại nặng nhưng sau Tết, quân đội miền Bắc vẫn ùn ùn kéo vào miền Nam; chính quyền Sài Gòn bị choáng váng nhưng vẫn chưa bị lật đổ. Sau Tết, quân số của quân đội Sài Gòn tăng lên gấp đôi, cụ thể là từ 670.000 lên tới hơn 1,1 triệu người…”.

Ban Chỉ huy Thống nhất phân khu 5 (thị xã Thủ Dầu Một) bàn kế hoạch tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu, nguồn: Internet.

Tháng 2/1994, trong cuốn sách nhan đề "After TET: the bloodiest year in Vietnam" (Sau Tết: Năm đẫm máu nhất ở Việt Nam), Nhà xuất bản First Vintage Books Edition, New York, dày 390 trang, tác giả Ronald H. Spector, từng là giáo sư Khoa Lịch sử và Bộ môn Quan hệ đối ngoại trường Đại học Washington, Giám đốc Viện Lịch sử Hải quân Mỹ đã viết: “Sau cú Tết diễn ra trong tháng 1 và 2/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố đình chỉ ném bom lãnh thổ Bắc Việt và quyết định lựa chọn hòa bình. Cuộc đàm phán thương lượng đã được tiến hành ở Paris. Người Mỹ cứ tưởng chiến tranh đã kết thúc. Nhưng mỉa mai thay, cái năm sau Tết lại là năm diễn ra những cuộc chiến đấu đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam”. Ronald H. Spector nêu dẫn chứng: “Tám tuần sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố trên truyền hình: “Đêm nay, tôi cần phải nói trước đồng bào Mỹ về hòa bình”, tức là đến ngày 31/3, vẫn có thêm 3.700 lính Mỹ bị chết ở Nam Việt Nam. Từ ngày 5-18/5, số lính Mỹ bị chết ở Nam Việt Nam tăng gấp đôi so với số lính chết trong những ngày Tết. Trong 8 tuần sau Tết, gần 18.000 lính Mỹ bị thương vong.

Trong cuốn sách "Vietnam Verdict - A Citizen's History" (Lời phán quyết về Việt Nam - Lịch sử của một công dân), Nhà xuất bản Continuum Intl Pub Group, 1982, dày 400 trang, tác giả Joseph A. Amter viết: "Rồi vào những giờ đầu của ngày 31/1/1968, các lực lượng Cộng sản tiến công Tết trên cả nước, đánh vào 28 đô thị Nam Việt Nam. Các đội Việt Cộng cũng tiến công các căn cứ quân đội Việt Nam cộng hòa trên khắp miền Nam. Vì Việt Cộng đưa chiến tranh vào khu buôn bán của Sài Gòn, ngay trước cửa của đại sứ quán Mỹ, nên các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ bắt được những chi tiết sinh động. Việc chiếu hàng ngày phim đó trên màn ảnh truyền hình Mỹ hết ngày này qua tuần khác, và việc mô tả sự tàn bạo của những người Nam Việt Nam đối với những Việt Cộng bị bắt đã làm xúc động lương tâm của Mỹ hơn bất kỳ cái gì đã làm trước đây trong chiến tranh. Quang cảnh cuộc tiến công Tết mà vô tuyến truyền hình và báo chí Mỹ mô tả chưa phải hoàn toàn xác đáng. Công chúng Mỹ được thấy câu chuyện của một thắng lợi lớn của Cộng sản, trong khi trên thực tế, Cộng sản phải trả giá đắt cho sự táo bạo của họ. Tuy vậy, tiến công Tết có một tác động choáng váng đối với nước Mỹ".

Năm 1988, Mỹ đã xuất bản cuốn Từ điển về chiến tranh Việt Nam (The Dictionary of the Vietnam War), Nhà xuất bản Greenwood Press, dày 585 trang, do James Stuart Olson chủ biên. Mục từ "Tết" được chia làm hai phần. Phần đầu định nghĩa: “Tết là ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc Việt Nam kéo dài nhiều ngày đầu năm âm lịch bằng các hình thức sum họp gia đình, liên hoan ăn uống, vui chơi, lễ hội”. Phần hai viết về cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, từ điển nhận định: "Trong cuộc tiến công lớn này, Việt Cộng và Bắc Việt mở cuộc tập kích vào 36 trên tổng số 44 thành phố, tỉnh lỵ, hầu hết các mục tiêu quân sự, chính trị, cơ quan đầu não ở Sài Gòn, trong đó có tòa đại sứ Mỹ... Đối phương gặp thất bại về chiến thuật, nhưng thu được thắng lợi lớn về chiến lược. Sau cuộc tiến công này, việc Mỹ tìm được một chiến thắng ở Việt Nam là rất nhỏ, có chăng chỉ tìm được một lối thoát trong danh dự”.

Trong cuốn hồi ký nhan đề "A Soldier Reports" (Tường trình của một quân nhân", Nhà xuất bản Doubleday, 1976, dày 446 trang, Đại tướng William C. Westmoreland, nguyên Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Mỹ ở miền Nam Việt Nam, trước làn sóng chỉ trích cho rằng, ông là một người cầm quân có tài nhưng kiêu căng, tự phụ, nên chủ quan, sơ hở và do đó đã gặp thất bại “đo ván” ở Nam Việt Nam, đã ra sức thanh minh và cho rằng, mình không hề chủ quan tự phụ, vì ngay khi tới Việt Nam đã tìm đọc các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, đã tìm hiểu lịch sử của dân tộc Việt Nam và đã nghiên cứu kỹ phong tục tập quán ngày Tết của Việt Nam rất thiêng liêng, chỉ “dành cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, lễ hội, sum họp gia đình” và kiêng “động thổ”. Vì vậy, mặc dù tịch thu được một số tài liệu văn bản của đối phương thông báo “sẽ tiến hành cuộc tiến công vào ngày N”, Westmoreland đã phán đoán cuộc tập kích lớn này 40% sẽ xảy ra trước Tết, 60% sau Tết và 0% trong những ngày Tết. Sự phán đoán của Westmoreland càng làm cho dư luận chỉ trích: “Bị bất ngờ vì không biết trước đã là thiếu sót lớn. Biết trước mà vẫn bị bất ngờ càng là một tội nặng”. Westmoreland cũng bị lên án rất nặng vì đã không nhanh chóng dập tắt được cuộc nổi dậy kéo dài gần 1 tháng ở Huế, nhất là đã bị “mắc bẫy” ở Khe Sanh.

Gabriel Kolko, một nhà sử học người Mỹ gốc Canađa, tác giả của hai công trình nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam là: "Vietnam: Anatomy of a War, 1940-1975" (Việt Nam: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, 1940-1975), Nhà xuất bản HarperCollins Publishers Ltd, 1986, dày 638 trang và "Vietnam: Anatomy of a Peace" (Việt Nam: Giải phẫu một nền hòa bình), Nhà xuất bản Routledge, 2014, dày 201 trang, đã khảo cứu đề cập khá toàn diện về chiến tranh Việt Nam. Đánh giá về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Gabriel Kolko viết: "Đảng từ năm 1968 đã xem cuộc tiến công Tết như là điểm ngoặt trong cuộc chiến tranh và như là một thắng lợi quyết định mà hậu quả sẽ hoàn thiện thắng lợi cuối cùng. Vào năm 1968, chiến tranh Việt Nam đã trở thành khó phân tích hơn nhiều, bởi vì chính quá trình diễn biến của cuộc xung đột kéo dài đã làm cho nó không chỉ là một cuộc đấu tranh quân sự mà còn là một cuộc đấu tranh trong đó các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hệ tư tưởng và con người trở thành ngày càng trọng yếu. Trong tất cả các nhân tố đó, không có nhân tố nào một mình mà có tính chất quyết định được, nhưng tác động qua lại của chúng với nhau sẽ hình thành kết quả cuối cùng của chiến tranh.

Đối với Mỹ, Tết là sự đối đầu với thực tế, đã bị trì hoãn quá lâu; trước đó Mỹ đã bị mê hoặc bởi chính những ảo tưởng, những tham vọng và những nhu cầu của chính mình. Nhận thức muộn màng rằng, tuy có chiến thuật và kỹ thuật quân sự, Mỹ không có chiến lược quân sự phù hợp với các ưu tiên trong nước và quốc tế, nhận thức đó đã làm cho Tết trở thành điểm ngoặt trong tính toán của chính quyền Mỹ. Những người trước kia tán thành chiến tranh, bây giờ có những đánh giá khách quan hơn nhiều về so sánh lực lượng. Tết cho thấy rằng đã đến lúc phải tập trung vào những hạn chế của chế độ. Nếu theo đuổi một quy mô leo thang với mức cao hơn nữa thì sẽ gây thiệt hại không kể xiết cho vị trí kinh tế của Mỹ ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở những nơi khác và cho cả đời sống chính trị của Mỹ nữa. Đó là một cái giá mà ít ai nghiêm chỉnh muốn trả.

William Westmoreland - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam (1964-1968)- tác giả cuốn hồi ký nhan đề "A Soldier Reports" (Tường trình của một quân nhân), Nhà xuất bản Doubleday, 1976.

Cuộc tiến công càng làm cho tình hình trên nghiêm trọng thêm và nhìn về mặt này thì Cách mạng đã đạt được một thế lợi quyết định trong toàn bộ cuộc đấu tranh của mình. Với ý nghĩa này, Cách mạng đã đạt các mục tiêu chiến lược chính của cuộc tiến công Tết, buộc Mỹ phải rời bỏ lĩnh vực của ao ước để đương đầu với lĩnh vực của sự cần thiết. Nhưng chính khung cảnh của cuộc đấu tranh sử thi anh hùng đó đang thay đổi đối với Cách mạng cũng như đối với kẻ thù... Tết là ngưỡng cửa trong sự phát triển của chiến tranh, một điểm ngoặt lớn bảo đảm rằng Cách mạng không thể nào bị đánh bại được".

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, đã đặt nước Mỹ trước “sự thật nghiệt ngã”, với hơn nửa triệu quân Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy và hàng triệu tấn bom đạn đã không làm xoay chuyển được cục diện chiến tranh mà còn bị thất bại nặng nề. 50 năm đã trôi qua, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn trong ký ức của nhiều người và chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ đề nghiên cứu của các nhà sử học cả trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy