Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội: Ý kiến ít, tâm tư nhiều
VNTN - Nhiều đại biểu chưa thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân;vẫn còn biểu hiện chưa liêm chính trong xây dựng chính sách; Nhà Quốc hội hoành tráng nhưng thiếu bóng dáng của Nhân dân...đó chỉ là một số trong rất nhiều hạn chế được nêu tại các ý kiến thảo luận về nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, sáng 26/3.
Quang cảnh phiên họp
Khác với các phiên họp được truyền hình trực tiếp ở các kỳ họp trước, số đại biểu đăng ký ở đầu phiên thảo luận chỉ vỏn vẹn 9 vị, dù thời gian được dành cả một ngày. Sau đó, gần hết buổi sáng, nhiều vị phát biểu hai lần, cũng chỉ có 25 ý kiến. Quốc hội nghỉ buổi chiều.
Nhưng dẫu thế, các vị đăng đàn đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm để Quốc hội khoá sau có thể tiếp nối thành công và tránh được hạn chế của các khoá trước.
Đỉnh cao không chỉ ở phía trước
Phát biểu sau cùng trong danh sách đăng ký lần đầu, sau khi nghe khá nhiều khẳng định những thành tựu, những đóng góp và những dấu ấn của Quốc hội khóa XIV, nhà sử học Dương Trung Quốc (người đã có 20 năm tham gia Quốc hội) nói:những nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo sẽ luôn luôn phải hướng về phía trước theo kịp với thời đại.
"Nhưng tôi muốn nói những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở phía sau lưng mình, nếu chúng ta soi lại những gì các bậc tiền nhân làm được, chúng ta phải suy nghĩ" - ông Quốc phát biểu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu.
Ông dẫn chứng, Quốc hội khóa I được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập, khi đó Quốc hội đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho dân tiếp cận với hoạt động Quốc hội. Lúc đó Quốc hội họp ở Nhà hát Lớn, một thiết chế văn hóa của chế độ cũ, nhưng dành toàn bộ tầng trên cùng để cho không chỉ báo chí mà mọi người dân có quyền đến xem.
"Ngày nay chúng ta có cả một tòa nhà hoành tráng như thế này, nhưng vắng bóng người dân. Hàng ghế trên kia chỉ thỉnh thoảng có đại biểu nước ngoài hoặc một số đối tượng nào đó thôi" - ông Quốc tâm tư.
Việc tiếp theo phải suy nghĩ, theo đại biểu Quốc là ngay khi Quốc hội đầu tiên triệu tập, thời gian chỉ cho phép Quốc hội khóa I thông qua được Hiến pháp và Bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó chiến tranh bùng nổ. Nhưng đã có được sắc lệnh, những văn bản dưới Hiến pháp liên quan đến quyền con người, liên quan đến quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội.
"Hiến pháp năm 2013 đã cố gắng đưa ra mục tiêu nhanh chóng thực hiện mục tiêu ấy bằng việc xây dựng luật pháp, nhưng chúng ta mới thông qua được vấn đề trưng cầu dân ý, chưa bao giờ được áp dụng. Trong khi đó, rất nhiều những luật khác rất quan trọng, đang là đòi hỏi của đời sống ngày hôm nay chúng ta vẫn né tránh. Chúng tôi nói chữ "né tránh" bởi vì mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề thì được trả lời một cách rất đơn giản là Chính phủ chưa hoàn thành, chưa làm xong. Điều đó cho thấy chúng ta vừa phải thấy mặt khó khăn, những nhạy cảm của những luật đó. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm" - ông Quốc thẳng thắn.
Phát biểu lần cuối tại nghị trường, vị đại biểu cao niên (ông Quốc năm nay 75 tuổi) không quên nhắc lại vấn đề ông đã phát biểu nhiều lần ở Quốc hội nhưng chưa bao giờ được tiếp thu. Đó là khi Quốc hội ứng dụng việc bấm nút biểu quyết thì không bao giờ cử tri được biết chính kiến của từng đại biểu Quốc hội, mà chỉ có một con số vô nhân xưng (tỷ lệ tán thành, không tán thành, không biểu quyết - PV).
"Con số ấy tôi tin là rất chính xác. Nhưng người dân làm sao giám sát được đại biểu Quốc hội của mình chính kiến như thế nào để có thể tín nhiệm", ông Quốc nhấn mạnh.
Không được ngủ mê trên quyền lực
Tham gia ý kiến về hoạt động lập pháp của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, ngoài việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận.
Ví dụ như quy định bổ sung một lực lượng an ninh trật tự cơ sở hàng triệu người, không tính đến khó khăn chồng chất, tính khả thi của luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp, chính sách cho lực lượng Công an xã đã và đang là quy định hiện hành - ông Nhưỡng dẫn chứng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận.
Công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật theo ông cũng vẫn còn nhiều sơ hở. Một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của "lobby" không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.
Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách nhà nước, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước Nhân dân - ông Nhưỡng nhìn nhận.
"Bàn giao" những kinh nghiệm và tâm tư tình cảm để tiếp nối những thành công của Quốc hội XIV cho nhiệm kỳ kế tiếp, ông Nhưỡng cho rằng Quốc hội cần tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước.
Ngoài ra, Quốc hội cần xây dựng là một Quốc hội nhân văn không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và nhân dân.
Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế - đại biểu nêu quan điểm.
Có đại biểu chưa thực sự đại diện cho nhân dân
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu vấn đề lựa chọn đại biểu Quốc hội quản lý đại biểu Quốc hội đánh giá đại biểu Quốc hội như thế nào là vấn đề lớn để không ngừng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hoạt động thực chất của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) phát biểu.
Về lựa chọn đại biểu Quốc hội, ông Thắng phân tích, lâu nay về cơ bản việc lựa chọn đại biểu Quốc hội qua nhóm đối tượng, trên cơ sở số lượng, cơ cấu được phân bổ theo kiểu "so bó đũa, chọn cột cờ". Cách làm này dẫn đến sự thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất ngắn, gấp gáp cùng với nhiều yếu tố khác nên đại biểu Quốc hội được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cá biệt còn lọt vào Quốc hội những người có vi phạm không đủ tư cách làm đại biểu buộc phải xử lý sau đó.
Vì vậy, đại biểu Quảng Trị cho rằng cần xem xét, đánh giá đầy đủ cách thức tổ chức lựa chọn, giới thiệu đại biểu Quốc hội.
"Để khắc phục cho được những hạn chế này, nên chăng cần xây dựng sớm phương án khung về nhân sự đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa sau, ngay từ đầu nhiệm kỳ hay giữa nhiệm kỳ của khóa trước; không để đến cuối nhiệm kỳ mới xây dựng phương án" - ông Thắng góp ý.
Theo đó, trên cơ sở định hướng nhân sự khung để thực hiện quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách các cấp. Khi đã có cơ chế tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng, lựa chọn một cách chủ động, khoa học, chặt chẽ, rộng mở thì chúng ta mới có nguồn để lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm, thực sự hiện tại như mong đợi của nhân dân; khắc phục được những tình trạng là trước kỳ bầu cử Quốc hội phải đốt đuốc đi tìm nhân sự - ông Thắng phát biểu.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...