Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
09:42 (GMT +7)

Tới trang trại xanh xem Mạc “giun” làm giàu

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Lập nghiệp nhờ trùn quế (còn gọi là giun quế), làm web bán hàng online, chia sẻ thông tin, tiếp thị kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp do anh tự sản xuất qua Youtube… Nguyễn Văn Mạc (bà con quen gọi là Mạc “giun”), một nông dân trẻ tại thôn Hảo Sơn, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên đã vươn lên làm giàu, trở thành tỉ phú về chăn nuôi. Hiện Mạc làm chủ một trang trại xanh rộng hơn 10.000 m2, hàng năm mang về nguồn lợi tới cả tỉ đồng.


Mạc nghĩ, làm nông nghiệp bây giờ cũng giống như nhà kinh doanh, khi sản xuất được hàng hóa rồi thì phải là nhà kinh doanh tốt thì mới tiêu thụ tốt hàng hóa đó. Và Mạc đã làm, hiện sản phẩm của anh được bán khắp Việt Nam. Lấy giun quế làm trung tâm để phát triển hệ thống trang trại liên hoàn trong vòng tròn chăn nuôi khép kín, với phương châm làm chắc, thắng chắc “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, chưa đầy 10 năm, từ hai bàn tay trắng Mạc đã bước đầu thành công ở tuổi 34.

Mạc bên sản phẩm máy ấp trứng thủ công

Lập nghiệp từ 500 nghìn

Còn đường liên thôn dẫn vào thôn Hảo Sơn rất ngoằn ngoèo, phải liên tục hỏi đường mới biết phương hướng. Cũng may cứ nhắc đến Mạc “giun” thì bà con ai cũng biết, vui vẻ chỉ đường nên tìm tới nhà Mạc không quá khó. Nhà Mạc mới xây khang trang, kiên cố nằm bên khu trang trại xanh mướt. Trước sân bạt ngàn cây trái được quy hoạch gọn ghẽ. Vườn chanh trước nhà quả sai trĩu trịt; ngan, gà nằm trú nắng dưới những tán lá. Hai chiếc ao xây nuôi cá giống nước trong xanh, quanh bờ trồng toàn ngô và cỏ voi. Hệ thống các khu chuồng trại bố trí khoa học. Chuồng lợn, chuồng gà liên hoàn xen kẽ bên cạnh là những chuồng nuôi giun quế. Rồi cây ăn quả, rau, lúa… chẳng thiếu thứ gì.

Nhìn chàng trai, dáng người khá nhỏ bé đứng giữa khu trang trại bạt ngàn nói về cách làm giầu dễ như lật bàn tay chắc hẳn không mấy người nghĩ Mạc “giun” đã từng phải trải qua không ít gian truân để có được ngày hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ước mơ của Mạc thật đơn giản. Mạc muốn làm nông dân, một nông dân chính hiệu sống đàng hoàng trên mảnh đất quê hương, hàng ngày vui thú ruộng vườn, chăn nuôi và trồng trọt. Mạc bắt đầu tìm hiểu những kiến thức về sinh học từ những năm học cấp ba. Thi trượt Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Mạc đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, trên con đường về làng thấy trâu bò nối đuôi nhau đi hàng đàn, thải ra rất nhiều phân. Mạc chợt nghĩ, làm giầu từ đây chứ đâu. Chăn nuôi muốn “phát” phải xử lý tốt môi trường. Để biến lượng phân thừa này thành những sản phẩm có ích thì chỉ có con giun quế, loại sinh vật phân hủy có ích mà anh vô tình được biết tới qua sách báo trước đây. Vả lại nuôi loại giun này chỉ đầu tư ít vốn lại rất thuận lợi cho việc chăn nuôi mà anh đang theo đuổi.

Mạc đã tìm ra lời giải cho bài toán phát triển kinh tế của những người nông dân ít vốn như anh. Anh sẽ nuôi được giun quế bằng phân trâu bò và sử dụng chính giun này làm nguồn thức ăn chất lượng cao cho ngan, gà, vịt, cá… Thế là năm 2011 sau khi lập gia đình, Mạc đã giấu vợ mạnh dạn bỏ ra 500 nghìn đồng mua một thùng vừa phân, vừa lẫn giun quế giống mang về “ủ mưu” làm giầu.

Ngày ấy những hiểu biết về giun quế rất ít. Vừa thấy Mạc và thùng giun quế vợ anh đã giãy nảy: anh tha quái quỷ gì về nhà thế này. Còn mẹ Mạc thì nhìn Mạc lo lắng rồi ca thán: khéo nó bị dở rồi, giun đầy đồng bãi diệt đi còn không hết. Cơm chả đủ ăn lại còn nuôi thêm giun…

Mặc những lời chê trách, Mạc lặng lẽ buộc thêm đôi thùng vào sau xe đạp, hàng ngày đi dọc đường làng hót phân về nuôi giun quế. Đặt hết niềm tin vào đó, đêm ngủ giật mình, Mạc lại dậy ngó chuồng giun quế xem giun ăn phân ra sao. Đam mê là vậy nhưng đàn giun của Mạc lại như “giở chứng”, lớn rất chậm, lại không sinh sôi được.

“Thời gian đầu bắt tay vào thực hiện tôi gặp phải nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật và chuồng trại lúc đầu còn chưa đồng bộ. Những ngày mới nuôi giun tôi cứ nghĩ phải nuôi trên nền bê tông còn nuôi dưới đất giun có thể bị chui đi mất. Nuôi giun trên nền bê tông, hoặc lát gạch tưởng như sạch sẽ nhưng lại là sai lầm vì không đúng với môi trường tự nhiên nên giun mãi chẳng chịu lớn, thậm chí còn chết dần đi, buồn lắm!” - nhớ lại những ngày khó khăn ấy Mạc đăm chiêu.

Qua nhiều đêm thức trắng, Mạc nhận ra, con giun ở ngoài tự nhiên thì nó sống hoàn toàn tự nhiên. Gom chút giun còn sót lại anh mạnh dạn thử nuôi trên nền đất. Quá trình nuôi và theo dõi Mạc thấy với cách này giun cứ ăn phân, quấn nhau rồi sinh sản, cũng chẳng cần chăm sóc kỹ lưỡng và đầu tư chuồng trại tốn kém.

Mấy năm trời hót phân nuôi giun, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tự mày mò qua sách báo, dần dần giun cứ thế nhân đàn và nghiệp chăn nuôi của Mạc cũng theo đó mà phát triển. Từ mảnh đất 1.000 m2, Mạc mua dần và mở rộng tới 10.000 m2. Trang trại của Mạc quy mô. Mạc xây nhà to nhất nhì xã. Từ diện tích nuôi thử nghiệm khoảng chục mét vuông đến nay anh đã mở rộng đến cả trăm mét vuông giun quế. Với diện tích này số giun có thể đủ để cung cấp thức ăn cho khoảng 300 con ngan, hàng trăm gà, vịt và 2 ao cá giống; làm phân bón cho trên 100 gốc cây ăn quả. Bây giờ bà con trong làng trong xã cũng không giễu cợt bậy bạ gọi là Mạc “cứt”, Mạc “hâm” nữa mà đã gán cho anh cái tên mới gần gũi, thân thương Mạc “giun”. Mọi người còn kéo đến nhà Mạc xem anh nuôi giun và học cách làm giàu.

Đưa khách đi thăm quan trang trại, Mạc cười thân thiện và chia sẻ: “Em làm chẳng giống ai. Con giun quế nó như móc xích trong chuỗi thức ăn chăn nuôi trồng trọt thân thiện và bền vững”. Thật vậy, cỏ voi Mạc để nuôi trâu bò và lợn rừng, rồi lấy nguồn phân ấy làm thức ăn cho giun. Lấy giun quế làm thức ăn bổ sung cho ngan gà, dùng để nuôi cá giống bằng cách vãi cả phân giun và sinh khối giun xuống ao. Với loại thức ăn đặc biệt này, đàn cá vừa khỏe, lớn nhanh đồng thời lại cải tạo môi trường nước, khiến nước ao trong hơn, tái tạo những sinh vật phù du để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn cá bột. Ngoài ra, phân giun quế là loại phân sạch không mùi chứa nhiều nguyên tố vi lượng, vi sinh vật có lợi và mang tính sát khuẩn cao rất tốt cho việc trồng các loại rau và cây ăn quả trong trang trại như táo, bưởi…

Một góc trang trại xanh

Từ nuôi giun thành kỹ sư “chân đất”

Không chỉ biết đến là người thành công trong việc nuôi giun quế, Nguyễn Văn Mạc còn được nhiều người biết đến với việc sáng chế ra máy ấp trứng gia cầm tự động giá rẻ.

“Cái khó ló cái khôn”, Mạc nhớ lại, mấy năm trước lúc nhà nuôi vài chục gà mái đẻ. Mùa hè nóng bức, thấy gà cứ ấp rồi lại nhảy xuống, bỏ ổ đi, nhiều con dẫm đạp làm vỡ hết trứng. Lúc ấy kinh tế đang khó khăn. Thế là Mạc lại tính phải tự làm ra máy ấp trứng, chứ mua máy ngoài thị trường thì tốn kém quá. Nghĩ là làm, hôm sau Mạc lại mày mò nghiên cứu. Có gì làm nấy. Mạc lấy ống kẽm làm khung máy. Vỏ máy tận dụng nhôm, nhựa hoặc xốp, còn động cơ là những chiếc mô tơ điện và hệ thống điều khiển có bán ở cửa hàng điện máy ngoài thị trường. Làm máy quả thật khó khăn vì chuyên ngành này đối với Mạc hoàn toàn xa lạ. Mạc phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại rất nhiều máy mới chạy được nhưng ban đầu vẫn rung lắc. Mạc theo dõi để điều chỉnh dần cách vận hành của máy. Nhắc tới chuyện này vợ Mạc lườm yêu chồng, kể tội: Anh bê luôn cả máy để bên cạnh giường ngủ của hai vợ chồng, hành em cả tháng trời. Máy kêu ầm ĩ, anh lại dậy ghi chép, điều chỉnh còn em thì bị mất ngủ thường xuyên”.

Nhờ những đêm mất ngủ đó Mạc đã cho ra đời vô vàn các loại máy ấp trứng thủ công mang thương hiệu trang trại xanh với nhiều mẫu mã chủng loại khác nhau, mang nhiều ưu điểm. Những chiếc máy ấp trứng của Mạc có thể ấp tự động hoàn toàn, khiến trứng nở đồng loạt và tỉ lệ nở đạt trên 90%. Máy không chỉ ấp nở được một loại trứng mà với thao tác thay đổi nhiệt độ cho máy ấp, máy có thể ấp trứng của nhiều loại gia cầm khác nhau như: chim cút, ngan, vịt.

Đàn ngan Mạc mới úm

Giá thành rẻ phù hợp với túi tiền người nông dân, giá bán mỗi máy chỉ bằng nửa giá thị trường, chỉ từ 2 đến 6 triệu đồng một máy, lại tiết kiệm điện và được bảo hành 1 năm, bảo trì suốt đời nên ngày càng nhiều người biết đến. Qua Youtube Mạc bán máy khắp cả nước. Năm 2017 anh bán ra thị trường 60 máy và 4 tháng đầu năm 2018 anh đã bán được gần 40 máy.

“Sản phẩm nào cũng được tôi chuyển giao khoa học một cách khá kỹ lưỡng để bà con có thể học và nắm bắt một cách có hiệu quả trong mô hình chăn nuôi của từng người”- Mạc cười hiền khẳng định.

Tôi hỏi đùa: “Thành công cũng dễ đúng không?”. Mạc lắc đầu: “Dù đổ mồ hôi chưa chắc đã thành công. Quan trọng mình phải không ngừng học hỏi và thực hiện các ý tưởng. Khi có các ý tưởng hay thì nhiều người khác cũng có ý tưởng đấy. Người nào thực hiện trước thì sẽ chiến thắng…”.

Nói về dự định trong tương lai, Mạc chia sẻ: Trong chăn nuôi, trồng trọt, người nông dân như một kỹ sư chăn nuôi trực tiếp, rủi ro cũng rất nhiều. Dù chưa biết trước được điều gì nhưng hiện tại em không hề sợ thất bại. Có điều kiện em sẽ mua thêm 1.000m2 đất nữa mở thêm trang trại chăn nuôi và trồng rau sạch cung cấp cho thị trường.

Bằng sự nỗ lực học hỏi, Mạc đã phát triển mô hình trang trại xanh gần gũi với cuộc sống của người dân địa phương bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Năm 2017 Nguyễn Văn Mạc đã vinh dự là một trong hai thanh niên của Thái Nguyên được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của, dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Rất hy vọng Thái Nguyên sắp tới sẽ có nhiều những tỉ phú nông dân trẻ thời 4.0 như Mạc “giun”.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy