Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
16:24 (GMT +7)

“Tôi bấm nút nhưng vẫn còn băn khoăn”

VNTN - Vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ sáu vừa bế mạc tuần qua, Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Bất ngờ vào phút chót là quy định xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc đã được nhấc ra khỏi dự thảo trình Quốc hội thông qua, dù đây là nội dung đã tốn rất nhiều thời gian thảo luận với những tranh luận khá căng thẳng.

Lý do là cả phương án xem xét giải quyết tại toà án và phương án thu thuế thu nhập cá nhân đều không nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ngay sau khi Luật được thông qua, đại diện Văn nghệ Thái Nguyên đã tìm gặp Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó Tư lệnh Quân khu 1, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên để hiểu rõ hơn quan điểm của một vị đại diện cho dân luôn có những phát biểu rất thẳng thắn tại nghị trường.

Thiếu tướng Phan Văn Tường

Thưa ông, kết quả xin ý kiến bằng phiếu về các phương án xử lý tài sản tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc có 209/456 ý kiến đại biểu (chiếm 43,09% tổng số đại biểu) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 vị, (chiếm 32,16% tổng số đại biểu) tán thành với phương án thu thuế; 40 đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác. Chính kiến của ông thế nào?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Tôi chọn phương án xem xét giải quyết tại tòa án, vì muốn chứng minh được tài sản tăng thêm có nguồn gốc hợp lý hay bất minh thì phải do tòa án phán quyết.

Phòng chống tham nhũng thì có nhiều công cụ nhưng kiểm soát tài sản, thu nhập là cốt lõi của luật, tiếc là sự đồng thuận lại chưa cao.

Nhưng không chỉ lần này Quốc hội mới tiến hành xin ý kiến qua phiếu về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và kết quả không phải bao giờ cũng mang ý nghĩa quyết định. Kết quả xin ý kiến cho thấy tỷ lệ đại biểu ủng hộ phương án xử lý qua tòa án vẫn cao nhất, còn chỉ 40 đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành thôi. Vậy theo ông có nên đem ra biểu quyết riêng quy định này trước khi Quốc hội thông qua toàn bộ dự án luật hay không?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Theo tôi thì cũng nên làm như vậy, nhất là với quy định về các phương án xử lý tài sản tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Với cương vị hiện tại, ông cũng là đối tượng cần kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Chọn phương án giải quyết qua tòa án, nếu quy định đó được thông qua ông có "sợ" bị giám sát chặt chẽ hơn không?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Toà án là nơi công minh nhất, để phán quyết thì họ có quá trình tìm hiểu, xem xét mọi lý lẽ mới đưa ra tòa, không tin ở tòa thì còn tin ai nữa.

Thế nhưng quy định đó chưa được bổ sung mà luật vẫn được thông qua với 452/465 vị có mặt tán thành, chỉ có 6 vị không tán thành và 7 vị không biểu quyết, theo ông cử tri sẽ cảm nhận thế nào?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Tất nhiên sẽ có người thất vọng vì khi sửa luật này thì cử tri kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để những vấn đề về tài sản. Ví dụ anh có tài sản tăng thêm là cái nhà thì phải chứng minh được tiền lấy từ đâu, mua sắt thép chỗ nào, có hóa đơn không,...

Nhưng trước khi đại biểu bấm nút thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình là do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.

Tức là còn phải đợi khá lâu. Vì như ông đã biết đấy, sửa Luật Phòng chống tham nhũng lần này phải qua ba kỳ họp, mà mỗi năm Quốc hội cũng chỉ họp có hai kỳ. Dư luận có đặt câu hỏi vậy những trường hợp cán bộ có "biệt phủ" mà giải trình nguồn gốc là đi buôn chổi đót với nuôi lợn thì sẽ xử lý thế nào cho triệt để?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Luật hiện hành có quy định rồi, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành. Cụ thể: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Ngoài vấn đề xử lý tài sản bất minh thì còn nội dung nào khiến ông cảm thấy còn băn khoăn mà vẫn phải bấm nút biểu quyết trong các dự luật được thông qua tại kỳ họp này?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Có một số vấn đề tôi không thoải mái. Ngoài việc chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản bất minh chưa thỏa mãn kỳ vọng của nhân dân thì còn có quy định phong thăng quân hàm cấp tướng tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Khi xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2015 cơ quan có thẩm quyền đã quyết định giám đốc công an cấp tỉnh là đại tá, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng là đại tá, công an quân đội như nhau. Luật vừa thông qua thì 11 tỉnh, thành giám đốc công an là cấp tướng tất nhiên sẽ tạo ra tâm lý không ổn định. Biểu quyết riêng điều này thì cũng có đến 104 đại biểu không đồng ý.

Nhưng khi thông qua toàn văn dự thảo luật thì chỉ có 40 đại biểu không tán thành thôi?

Thiếu tướng Phan Văn Tường: Điều đó cũng dễ hiểu, vì có thể không đồng ý một nội dung nhưng khi đã có trên 50% đại biểu tán thành toàn bộ đạo luật thì những người không tán thành riêng điều đó vẫn đồng thuận để tạo niềm tin khi triển khai thực hiện luật.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy