Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:49 (GMT +7)

TOÀN CẦU HÓA VÀ COVID 19 – NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐA CHIỀU

Những nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu đã và đang mang lại thay đổi to lớn trong thói quen lao động và lối sống của con người ở tất cả các quốc gia dân tộc. Ngày nay, không một quốc gia dân tộc nào có thể làm ngơ trước vấn nạn khủng bố, tội phạm quốc tế hay những biến đổi của khí hậu… đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan tràn rộng rãi trên toàn thế giới.

Kỳ 1: Những tác động đến xu thế toàn cầu hóa đại dịch COVID-19

Dịch bệnh không còn là vấn đề mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Trong hàng ngàn năm qua, dịch bệnh đã là kẻ giết người hàng loạt ở quy mô mà con người không thể tưởng tượng nổi. Bệnh dịch hạch Jusinan xảy ra ở thế kỷ VI đã làm chết 50 triệu người (tương đương một nửa dân số thế giới toàn cầu lúc đó). Năm 1918 thế giới xảy ra đại dịch cúm làm chết khoảng gần 100 triệu người, vượt xa số thương vong trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thậm chí khi con người tìm ra được vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa thì cũng có đến 300 triệu người chết chỉ riêng trong thế kỷ XX. Trong thế kỷ XX, khi khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc, thiết bị y tế hiện đại hơn, cảnh cửa “giải cứu thế giới” có cơ hội mở rộng. Thời kỳ đầu của COVID-19, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã sử dụng những công cụ tiên tiến nhất nhanh chóng, tập trung nghiên cứu về chủng virus corona mới để xác lập bộ gene của virus, tìm ra vaccine hoặc thuốc chữa trị. Sau đó truyền thông tin về sự nguy hiểm của virus này đi khắp thế giới, và phối hợp các biện pháp khả thi và tìm kiếm vaccine, tất cả đều nhanh chóng hơn bao giờ hết. Những bộ test nhanh phát hiện virus cũng ra đời góp phần phát hiện khẩn cấp những trường hợp mắc bệnh để cách ly và điều trị kịp thời. Những thành tựu đó cũng đã hạn chế được sự lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, là cơ sở quan trọng để chúng ta có một niềm tin vào việc đẩy lùi dịch bệnh của nhân loại.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự xuất hiện của các kênh truyền hình tin tức vệ tinh dựa trên sự kết hợp của công nghệ báo chí và các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khiến cho thông tin được truyền tải trên phạm vi toàn cầu, vượt qua mọi khoảng cách địa lý với tốc độ gần như tức thì. Khi dịch bệnh bùng phát, các phương tiện truyền thông đã thường xuyên cập nhật về số người mắc cũng như sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, nhân dân các quốc gia trên thế giới đều có thể tiếp cận ngay tức thì tình hình dịch bệnh mặc dù không ở tại quốc gia và địa phương đó.

Con người cũng đã tận dụng những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh như thường xuyên gửi những tin nhắn cảnh báo người dân, tổ chức những cuộc họp trực tuyến, làm việc tại nhà thông qua các phần mềm trực tuyến, xây dựng những video tuyên truyền cổ động người dân phòng chống dịch... Hiện nay, ứng dụng Bluezone đang được khuyến khích cài đặt trên hàng triệu điện thoại thông minh của người dùng Việt Nam, hy vọng, tạo ra “khẩu trang điện tử” khổng lồ với chức năng cảnh báo sự tiếp xúc với nguồn dịch bệnh. Cuộc truy lùng F1, F2, F3... hẳn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều với sự hỗ trợ ấy.

Toàn cầu hóa gắn kết các quốc gia trong những mối quan hệ về quyền lợi, trách nhiệm, thúc đẩy sự trợ giúp xuyên biên giới, không chỉ vì động cơ đạo đức mà còn vì bản thân các nước nhận thấy họ thực sự có chung một mối an nguy. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, toàn cầu hóa cũng đem lại tác động trái chiều tới tình hình dịch bệnh.

Thứ nhất, sự phát triển của công nghệ giao thông vận tải đã làm xóa nhòa khoảng cách về biên giới của các quốc gia. Việc đi lại xuyên lục địa diễn ra chỉ trong khoảng 20h hoặc ít hơn đã mang virus đi đến những quốc gia xa xôi nhất, không ngoại trừ phạm vi về không gian, thời gian. Ở Việt Nam, những người mắc bệnh hầu hết đi từ các quốc gia khác có dịch về nước bằng đường hàng không, sau đó lây nhiễm cho cộng đồng trong nước. Trong vòng 8 tháng qua, từ nơi bùng phát đầu tiên là Vũ Hán, Trung Quốc, đã có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có người nhiễm virus corona. Trong lịch sử chưa từng có đại dịch nào lây nhiễm với tốc độ nhanh chóng và trên quy mô rộng lớn như đại dịch COVID-19. Đó chính là mặt trái của xu thế toàn cầu hóa trên lĩnh vực xã hội. Bệnh COVID-19 có thể trở thành căn bệnh của thời đại, khởi phát từ một thành phố thịnh vượng, đông đúc trong đất nước Trung Quốc trước khi lan rộng ra khắp thế giới chỉ trong vài tháng.

Thứ hai, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuyên quốc gia làm cho nền kinh tế của các nước xích lại gần nhau hơn. Các chuyên gia, những nhà quản lý, những nhân viên kỹ thuật cũng sang các nước đặt công ty con để quản lý, giám sát và điều tra thị trường. Hiện tượng xuất khẩu lao động diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới góp phần giải quyết vấn đề việc làm ở những nước có hiện tượng già hóa dân số. Sau khi dịch bệnh bùng phát, họ có xu hướng quay về quê hương đất nước để mong nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất. Nhưng không thực sự may mắn khi thời gian ủ bệnh của loại virus này khá lâu (14 ngày, thậm chí 24 ngày), họ đã mang theo mầm bệnh về quê hương. Đây chính là nguyên nhân cơ bản nhất khiến virus corona lan tỏa đi khắp thế giới. Bên cạnh đó, khi mức sống của con người ngày càng tăng lên, phương tiện đi lại trở nên thuận lợi thì số người đi du lịch giữa các quốc gia là rất lớn. Theo WTO, những năm 2000, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 3 triệu người đi du lịch quốc tế. Do đó, khái niệm “ngôi nhà toàn cầu” hay “nền kinh tế toàn cầu”, nơi mà các đường biên giới quốc gia đã dần bị lu mờ, đồng thời làm cho dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh.

Thứ ba, đại dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán của Trung Quốc - trung tâm giao thông lớn của đất nước từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông và trung tâm đường sắt Vũ Hán là một trung tâm đường sắt quan trọng nhất Trung Quốc. Các chuyến bay thẳng từ Vũ Hán cũng kết nối với các thành phố lớn của châu Âu và Bắc Mỹ với mật độ khá cao. Với vị trí đặc biệt quan trọng, Vũ Hán đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn của phương Tây đến mở chi nhánh và nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, Trung Quốc là có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhanh nhất thế giới, có số dân đông nhất thế giới. Do đó, thị trường Trung Quốc là vô cùng hấp dẫn đối với các quốc gia phát triển trên thế giới. Các công ty xuyên quốc gia đều có mong muốn xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, đặt được các công ty con tại đây. Đất nước này được ví như “công xưởng của thế giới” khi tham gia quy trình sản xuất của rất nhiều sản phẩm thế giới. Vì vậy, Trung Quốc là một trong những quốc gia đóng vị trí vô cùng quan trọng trong thời kỳ toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát và lan tỏa ở Trung Quốc thì nguy cơ lây lan nhiều hơn.

Thứ tư, một biểu hiện về những tác động của toàn cầu hóa đối với đại dịch COVID-19 là số người nhiễm bệnh ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhiều và nhanh hơn những quốc gia có kinh tế kém phát triển. Nước có nền kinh tế phát triển nhất là Mỹ, quốc gia tham gia vào toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, có nhiều công ty xuyên quốc gia, đóng góp nhiều nhất cho các tổ chức quốc tế như WTO, WHO, UN… Đồng thời, số ca mắc và tử vong bởi virus corona đang cao nhất cũng ở Mỹ. Ngoài ra, nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển có số người mắc và tử vong lớn, như: Brazin, Mexico, Ấn Độ, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc,… Trong khi đó các nước ở châu Phi, một số nước kinh tế kém phát triển ở châu Á như Lào, Đông Timo, Mông Cổ… có biên giới gần với Trung Quốc nhưng số người mắc COVID-19 rất ít. Để ngăn cản dịch bệnh lây lan, Trung Quốc đã ban hành lệnh phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và hạn chế việc xuất nhập cảnh đến nước này. Khoảng 51.000 công ty khắp thế giới có ít nhất là một nhà cung cấp chủ lực ở những tỉnh thành bị phong tỏa đó. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lập tức thực hiện các biện pháp sơ tán các nhà ngoại giao và quan chức tại Tổng lãnh sứ quán Hoa Kỳ tại Vũ Hán. Chỉ trong thời kỳ toàn cầu hóa, số công dân ngoại kiều của mỗi quốc gia rất lớn và cũng chỉ có điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại mới có khả năng giúp các nước thực hiện lệnh sơ tán công dân ra khỏi vùng dịch. Nhưng chính điều này là một trong những nhân tố làm dịch bệnh vượt qua khỏi phạm vi một nước để trở thành đại dịch toàn cầu với tốc độ lan nhanh chưa từng có trong lịch sử.

(Còn nữa)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy