Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
21:06 (GMT +7)

Tọa đàm “Người viết trẻ và công việc sáng tạo”: Thú vị và lôi cuốn

VNTN - Nằm trong khuôn khổ của chương trình “Gặp mặt những người viết trẻ khu vực Việt Bắc” chiều nay (10/8) các tác giả trẻ sẽ có buổi tọa đàm “Người viết trẻ và công việc sáng tạo” với 3 nội dung: Vấn đề chất lượng sáng tác của tác giả trẻ Việt Bắc trong tương quan với cả nước hiện nay; phát huy bản sắc, truyền thống của vùng miền trong sáng tác; đổi mới – hội nhập của các tác giả trẻ Việt Bắc. Tham gia buổi tọa đàm có 35 tác giả trẻ, các nhà văn, nhà thơ thuộc tạp chí Văn nghệ Quân đội và lãnh đạo các Hội VHNT thuộc khu vực Việt Bắc.

 

 

(Ảnh toàn cảnh tọa đàm)

 

Điều hành buổi tọa đàm là 5 tác giả trẻ thuộc các đoàn Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

 

Mở đầu, tác giả Phạm Văn Vũ (Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên) đã “nổ phát súng” đầu tiên đó là “bạn nghĩ sao về yếu tố vùng miền trong mỗi tác phẩm?”. Tác giả Vũ Phương Thảo (Học sinh lớp 11 trường THPT Định Hóa) cho rằng nên đưa bản sắc vùng miền vào trong tác phẩm nhưng tránh thái quá rất dễ gây phản cảm cho người đọc.

 

Ngay lập tức, không khí buổi tọa đàm đã “nóng” lên. Nhiều tác giả trẻ cũng đã đưa ra ý kiến tranh luận về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng “như thế nào là thái quá? Như thế nào là vừa?” hoặc “tác giả phải tự tổng hòa những yếu tố vùng miền, cái riêng, cái mới… không nên quan trọng quá những vấn đề đó”. Cuối cùng, hầu hết đều đồng ý rằng văn hóa, tư tưởng của tác giả về vùng miền trong tác phẩm là điều quan trọng, tuy nhiên nên tiết chế vừa phải để cho bạn đọc thấy thoải mái khi thưởng thức.

 

 

Tác giả trẻ Vũ Phương Thảo

 

Vấn đề tư tưởng trong mỗi tác phẩm cũng đã được đề cập tại buổi tọa đàm, trước khi viết bạn gửi gắm tư tưởng gì vào trong tác phẩm? Tác giả Hà Mạnh Luân cho rằng: những yếu tố như bản sắc vùng miền, văn hóa, tư tưởng… chỉ là chất liệu, không nên quá quan tâm mà hãy viết những gì mình thích và thông điệp mình mang đến cho độc giả là gì.

 

Xung quanh vấn đề này, nhà văn Đỗ Tiến Thụy (tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã trao đổi bằng kinh nghiệm của một người đi trước: Trong mỗi tác phẩm, điều quan trọng nhất là cảm xúc, hãy viết sao để nhận được sự đồng cảm từ bạn đọc, “chân thành cần hơn kỹ xảo”.Các tác giả không nên quá quan tâm mà phải biết tự tổng hòa các yếu tố thuộc về chất liệu sáng tác.

 

 

Lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật địa phương tham dự cuộc tọa đàm

 

 

Câu hỏi của chủ tọa Nguyễn Nhật Huy đặt ra: “Làm thế nào để có được cái riêng (ngôn ngữ, giọng điệu, phong cách) trong mỗi tác phẩm?” cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình, tác giả Trinh Nguyên cho rằng, việc đọc là đặc biệt quan trọng với người viết, từ đó mỗi người tự xác định cách viết và phong cách cho mình.

 

Bàn về xu hướng ngôn ngữ vay mượn trong thời đại @, trong nhiều hoàn cảnh không có ý nghĩa, sáo rỗng, với tư cách một biên tập viên tạp chí Văn nghệ Sông Thương, tác giả Trịnh Thị Hoàn (Bắc Giang) chia sẻ: “ngôn ngữ có thể linh hoạt để phù hợp với đối tượng tác phẩm hướng đến, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội dung, sau đó là giá trị nghệ thuật”.

 

Theo Nhà văn Phạm Duy Nghĩa (tạp chí Văn nghệ Quân đội), việc sáng tạo từ góp phần đổi mới nền văn học là thiết thực nhưng vẫn phải dựa trên truyền thống. Ngày nay có nhiều ngôn ngữ mạng, 9x chỉ phù hợp với một bộ phận sống ở đô thị. Tác phẩm chỉ nhận được sự hưởng ứng một bộ phận thì đó chưa phải là tác phẩm thành công.

 

 

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa (tạp chí Văn nghệ Quân đội) chia sẻ về vấn đề ngôn ngữ trong buổi tọa đàm

 

Cũng có tác giả trẻ không ngại bộc lộ chính kiến riêng của mình, cho rằng việc áp dụng ngôn ngữ hiện đại một cách có sàng lọc thì các tác phẩm sẽ trọn vẹn hơn. Ngày nay, hầu hết các nhà văn nhà thơ vẫn chưa chấp nhận được điều đó, có thể do truyền thống, do khoảng cách giữa thế hệ nên chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng dù là hiện đại hay truyền thống thì mục đích cuối cùng vẫn là hướng tới độc giả, vẫn có không ít tác phẩm sử dụng ngôn ngữ hiện đại mà vẫn được công chúng hưởng ứng. Vấn đề là nội dung và tư tưởng của tác phẩm thế nào.

 

Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học trên mạng xã hội, cảm xúc trong sáng tác của mỗi người viết, tiêu chí để xác định một tác phẩm hay - mới - riêng… cũng là những vấn đề được các tác giả thảo luận sôi nổi.

 

Kết thúc cuộc Tọa đàm, VNTN đã nhận được nhiều những chia sẻ cởi mở từ phía những người tham dự.

 

Nhà văn Đoàn Văn Mật (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho đây là một hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ với những người viết trẻ, mà còn với cả các vùng miền khác. Cởi mở, thẳng thắn, đối thoại sòng phẳng… là những gì nhà văn cảm nhận được từ không khí của buổi tọa đàm.

 

 

Tác giả trẻ Hà Mạnh Luân thì cho rằng các chủ đề thảo luận mà Ban tổ chức đặt ra rất xác đáng, gợi mở được nhiều điều mà người viết trẻ đang quan tâm.

 

Vào 19h30 tối nay sẽ diễn ra cuộc giao lưu thơ nhạc giữa các đại biểu tham dự với chủ đề “Việt Bắc boong hây”.

 

Thanh Tâm - Anh Thắng - Lê Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy