Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:26 (GMT +7)

Tọa đàm “30 năm – Thơ Thái Nguyên”: Trăn trở và hy vọng

VNTN - Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (1987 - 2017), nhằm nhìn lại diện mạo và quá trình hình thành, vận động, phát triển của nền thơ Thái Nguyên, ngày23/7, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Tọa đàm “30 năm - Thơ Thái Nguyên” và gặp mặt các thế hệ làm thơ trong tỉnh. Đến dự có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, các Câu lạc bộ thơ trên địa bàn, cùng đông đảo những người làm thơ Thái Nguyên.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Mở đầu buổi Tọa đàm, Chi hội trưởng Chi hội Thơ Nguyễn Kiến Thọ đã báo cáo đề dẫn, khái lược 30 năm quá trình vận động - phát triển từ đội ngũ tác giả đến số lượng tác phẩm, từ cảm hứng sáng tác đến xu hướng, cá tính nghệ thuật của thơ Thái Nguyên. Đó là một chặng đường với nhiều thành tựu, có sự tiếp nối giữa các thế hệ, với sự thống nhất nhưng cũng đầy đa dạng, hứa hẹn bước phát triển mạnh mẽ phía trước.

Tại Tọa đàm, đã có nhiều ý kiến chia sẻ cởi mở, tâm huyết xung quanh các vấn đề về đội ngũ, chất lượng sáng tác, cũng như những thách thức trong đời sống sáng tạo hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh thẳng thắn cho rằng thơ Thái Nguyên đang có dấu hiệu chững lại, thơ phong trào ngày càng mở rộng, phát triển mạnh mẽ, rầm rộ nhưng các tác giả thành danh dường như lại đang bế tắc trong sáng tạo, còn các tác giả trẻ mới đang định hình và đi những bước đầu tiên. Nhận thấy bản thân cũng như một số bạn thơ đang không thoát khỏi lối viết cũ kỹ, ông cho rằng nguyên nhân ở đây là vì ít đọc thơ đồng nghiệp; kiến thức nền về nghề còn mỏng, một số chỉ sáng tác theo tính chất tự phát, bản năng; người làm thơ ngày càng ít chia sẻ với nhau và đang vơi dần tâm huyết.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh tuy tin tưởng và tự hào về đội ngũ người làm thơ Thái Nguyên hiện tại, nhưng cũng đặt ra vấn đề áp lực, thách thức về chất lượng sáng tạo thơ ca trước sự phát triển ngoài sức tưởng tượng của internet và mạng xã hội - thông tin ngày nay. Việc đăng tải - quảng bá tác phẩm và tương tác trên các diễn đàn không gian mạng đã đặt báo chí văn nghệ đứng trước sức ép lớn về sự cạnh tranh tồn tại. Người sáng tác, công tác hội và hoạt động báo chí buộc phải thay đổi kịp thời theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tự chủ.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Bài chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ với sự giao lưu, trao đổi, trau dồi thường xuyên hằng tháng, qua đó đặt ra đề xuất về việc Chi hội Thơ cần thúc đẩy các sinh hoạt chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác thơ hiện nay.

Những vấn đề đáng quan tâm khác của Thơ Thái Nguyên trong 30 năm qua cũng được các đại biểu chia sẻ, thảo luận như: thế hệ người làm thơ thời văn nghệ Việt Bắc; các tác giả thơ nữ Thái Nguyên; vai trò của các câu lạc bộ thơ với đời sống văn nghệ Thái Nguyên; thơ trẻ Thái Nguyên hiện nay…

Tọa đàm là dịp để phác họa lại diện mạo, quá trình vận động phát triển, thành tựu cũng như hạn chế của thơ Thái Nguyên 30 năm qua, đồng thời đặt ra các vấn đề thiết yếu để những người sáng tác cũng như những người làm công tác quản lí văn nghệ Thái Nguyên cùng tiếp tục nỗ lực, vun đắp nền thơ tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Nhân dịp này, những người tham dự Tọa đàm đã tưởng nhớ - tri ân các nhà thơ Thái Nguyên quá cố; đồng thời các tác giả trẻ cũng đã tặng hoa tri ân các nhà thơ cao tuổi - những người đã góp phần xây đắp nền móng cho thơ Thái Nguyên.

Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:

 

 

 

 

 

Chủ tọa điều hành buổi Tọa đàm.
 
Nhà báo, nhà thơ Thanh Hằng (Báo Công an Nhân dân) - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên khóa III tham dự và phát biểu tại Tọa đàm.

 

 

Một số hội viên phát biểu tại buổi Tòa đàm:

Tác giả Nguyễn Ngọc Minh

Tác giả Vũ Đình Toàn

Tác giả trẻ Trần Thị Nhung

Thanh Tâm - Lê Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy