Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
07:00 (GMT +7)

Tờ báo cho tôi một điểm tựa

VNTN - Vậy là Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã khép lại hành trình gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, hoàn thành sứ mệnh, bước sang một hành trình mới. Nhìn lại chặng đường đã qua với ăm ắp kỷ niệm, những nỗ lực hết mình, những thành quả ngọt ngào để cùng nhau nỗ lực hơn nữa, kết nối, đồng hành, đảm trách một sự nghiệp mới, một sứ mệnh mới. Trong số báo cuối cùng này, chúng tôi muốn gửi tới độc giả đôi dòng tâm sự của những người làm Báo Văn nghệ Thái Nguyên, để hẹn cùng nhau bước tiếp trong ấn phẩm mới từ năm 2021: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên.

Với tôi, và không riêng tôi, tờ Báo Văn nghệ Thái Nguyên là một điểm tựa vững chãi về tinh thần, cho tôi, cho bạn tôi - những người cầm bút ở xứ chè Thái Nguyên. Bởi phía sau mỗi bài báo, hoặc một tác phẩm văn học nghệ thuật, còn gói ghém, mang đi của tôi, của bạn tôi niềm đam mê, tâm huyết trách nhiệm, sự rung cảm từ trái tim.

Dù là dân làm báo, quen với thông tin khô cứng, nhưng tôi được các hiền sĩ đi trước và cùng thời động viên, khuyến khích vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh - Hội của những người mê mến văn học nghệ thuật. Rồi qua Tòa soạn, tôi được gặp thêm những bạn viết mới, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ai nấy đều thân thiện, mở lòng, cùng sẻ chia xúc cảm về góc nhìn nghệ thuật với một sản phẩm chuyên ngành nào đó.

Tất cả luôn sôi động, hào hứng, để mỗi ngày tôi, bạn tôi tự động viên mình phải sống thực sự có ích thông qua tác phẩm. Không phải để thành danh, nổi danh, mà được hiến cho bạn đọc, cho xã hội những thông tin cần thiết, bổ ích. Xa hơn nữa là ngoài giá trị thông tin, giải trí là đấu tranh với thói hư, tật xấu, tệ nạn tham nhũng, quan liêu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Điều tôi luôn nói với bạn bè văn sĩ và đồng nghiệp báo chí: Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, nguyên Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên là chủ bút dũng cảm. Chị dám làm, dám chịu, dám dấn thân vào vùng “nhạy cảm” ở địa phương. Bởi thế tôi và nhiều bạn viết có điểm tựa để lăn xả vào thực tế sôi động. Những bài phóng sự tôi viết được nhào trộn từ mồ hôi, sự đau nhức cơ bắp cùng niềm trăn trở. Đã có một người đến gặp tôi và nói: “Nhờ một bài anh viết đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên mà tôi được nên người”. Là tác giả, vui lắm chứ. Nhưng tôi nghĩ đến một số các bài viết bảo vệ người yếu thế trong xã hội của tôi đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên. Trong số đó có người là cựu chiến binh, có người là nông dân, có cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Thông qua bài viết, một số nhà chức trách đã để tâm, chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn xét lại việc, trả lại công bằng cho người dân. Bằng thủ pháp đấu tranh chống tiêu cực nhẹ nhàng, song sắc, ngọt như gươm năng mài, “buộc” nhà chức trách phải nhìn nhận lại sự việc thấu lý, đạt tình. Một bài đăng trên báo, có thể với ai đó chỉ như làn gió mát thoảng qua. Nhưng với người được thoát vòng lao lý, không phải chịu oan sai, thì đó là sự tái sinh, cho họ có niềm tin vào cuộc đời. Tiếc là tờ báo vừa đến độ “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”, chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, mang tên Tạp chí.

Vì công việc mỗi ngày đều bận rộn, nên tôi không có thời gian để buồn. Nhưng mong: Trên nền tảng vững chãi của Báo Văn nghệ Thái Nguyên trước đó, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tới đây tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng; là nhịp cầu nối quan trọng giữa Đảng và dân; là người bạn thân thiết của nhân dân; là mái nhà ấm áp của kẻ sĩ xứ chè; là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho “cánh lính” chúng tôi bước vào chiến đàn bảo vệ công lý. Và cho những tài năng xứ chè phát triển, hiến dâng cho cuộc đời nhiều hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy