
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Tôi biết anh trên mạng xã hội facebok, trên trang cá nhân của anh luôn xuất hiện những giò phong lan nở tuyệt đẹp và những câu thơ sâu lắng như đang chứa chất nỗi niềm. Thấy lời nhắn của tôi muốn vào ngắm hoa, anh nhắn lại: Vào đi, ngày nào cũng có những giò lan nở đẹp lắm! Dẫu chưa một lần gặp mặt, nhưng lời nhắn ấy thân tình quá và tôi đã đến.
Nhà anh trên một quả đồi rợp mát. Giàn phong lan trước cửa, ngay dưới là bàn uống nước, trên hiên treo rất nhiều lồng chim. Tôi rất thích ngồi trong khung cảnh thế này. Sắc lá, sắc hoa ngay bên, tiếng chim véo von luôn gợi một không khí trong trẻo, êm đềm.
Anh lịch kịch pha cà phê, tôi không sành thức uống này, nhưng trong không gian ấy, mùi cà phê như đánh thức một cảm giác rất quen và cũng mơ hồ cảm thấy có gì đó mới lạ đang chờ.
Cái lạ đầu tiên là cách anh pha cà phê. Không biết anh có bí quyết nào mà cà phê sánh và xốp trên mặt như kem trứng. Anh bảo đó cũng là cách pha của riêng anh. Lâu không uống cà phê, tôi sợ mất ngủ, nhưng ngon mắt, ngon mũi, tôi vẫn giải quyết gọn ly cà phê anh pha. Cái lạ nữa là giàn lan, dù đã chăm chút nó hơn bốn mươi năm, nhưng anh không kinh doanh, không chơi lan mà là nuôi lan. Nghe anh nói tôi hơi bất ngờ, nhưng nhìn vào mắt anh, tôi cảm thấy có một điều gì đó rất riêng mà anh vẫn đau đáu tháng ngày.
Anh nhập ngũ tháng 5 năm 1972 khi đang học năm cuối Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Thời điểm đó chiến trường vô cùng khốc liệt, đặc biệt là thành cổ Quảng Trị. Chỉ riêng mấy trường đại học trên địa bàn như: Sư phạm, Cơ điện, Nông nghiệp III, và Y đã có hơn 400 giáo viên, sinh viên lên đường nhập ngũ. Cùng thời điểm đó, cả nước có hàng ngàn sinh viên các trường đại học cũng gác bút vở cầm súng ra trận. Năm đó là dấu mốc của nỗi đau mất mát hơn 10 nghìn người trong 81 ngày đêm đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị, mà một phần không nhỏ là sinh viên. Anh cũng trong những đoàn hành quân gấp vào Nam, nhưng khi gần tới Quảng Trị thì có lệnh rẽ ngoặt sang Lào rồi vào chiến trường miền Trung Trung Bộ, biên chế về đơn vị 600, Quân khu V.
Anh kể, ngày ấy anh còn trẻ, chưa từng yêu một người con gái nào. Và sự rung động trong trái tim đầu đời lại xảy ra giữa một ngã ba trọng điểm địch đánh phá cực kỳ ác liệt. Đó là địa điểm ở giữa Saphanakhet và Khăm Muộn (Lào). Xung quanh là núi đá, thung lũng có ngã ba ấy toàn đất đỏ ba - zan. Địch ném bom ngày đêm nhiều đến nỗi đất bị bóp tơi tả thành lớp bụi dày hàng mét. Cô gái giao liên ấy anh không biết tên, có nhiệm vụ dẫn các anh qua trọng điểm rồi dừng lại. Cô đứng đó tạm biệt đoàn quân toàn những sinh viên trai trẻ. Anh bảo đó là một buổi hoàng hôn đỏ, bởi ánh mặt trời sắp tắt hắt trên cây lá, núi non một màu bụi đỏ ối. Ngay cả quần áo, gương mặt mỗi người cũng toàn bụi đỏ. Anh nhìn thấy trong chiếc túi bạt đeo bên người cô gái có một nhành lan trồi lên. Anh khẽ nói: Em gái vẫn yêu cây lá, yêu đời thế! Rồi thật bất ngờ, cô lấy luôn nhành phong lan trao cho anh: Anh hãy giữ nhành lan này bên mình, nó sẽ đem đến cho anh nhiều may mắn. Anh sững sờ giây lát, hai ánh mắt nhìn nhau, nhưng là nơi trọng điểm nên anh không thể tách khỏi đội hình và chỉ kịp nhận ra dáng cô mảnh mai như một nữ sinh mờ dần trong ráng đỏ cuối chiều.
Cựu chiến binh Nguyễn Sinh và giò phong lan huyền thoại
Tôi thoáng chút nghi ngờ những chi tiết anh kể vì nó đẹp, nó lãng mạn quá, cứ như hư cấu về một câu chuyện tình. Một hoàng hôn đỏ và một cô gái nhỏ, lại một nhành lan nhỏ nữa. Giữa cái sống và cái chết luôn cận kề ở nơi trọng điểm mà có được những điều ấy, khó có thể lý giải với những người chưa từng có những cảm xúc về chiến tranh. Và câu chuyện của anh, cứ lần lượt làm tôi tin ở những rung động đã khắc sâu trong trái tim anh mấy chục năm rồi.
Anh cẩn thận giắt nhành lan vào ba lô, mải miết cùng đơn vị hành quân. Từ buổi ấy, anh thấy xốn xang như mình đã từng yêu và đã được yêu. Khi đói lả và mệt, đôi chân không muốn nhấc nữa, anh nhớ đến gương mặt và đôi mắt ấy trong hoàng hôn đỏ rực và bỗng thấy như có thêm sức mạnh. Anh linh cảm cô gái giao liên đã giữ nhành phong lan bên mình không phải để chơi, mà như giữ niềm tin vào một vật luôn che chở trong mọi hiểm nguy. Có thể cô biết, những anh lính trí thức trẻ măng này qua mỗi ngày, sẽ không ít người ngã xuống. Có thể vì những cảm xúc vừa thương yêu, vừa xót đau mà cô đã trao một vật được tin như luôn đem điều may mắn của mình cho anh. Điều đó càng làm anh nâng giữ nhành lan như nâng giữ tình yêu không lời trao gửi, hẹn ước mà nặng sâu trong suốt năm tháng chiến trường. Anh bảo năm ấy anh còn trẻ, không nghĩ gì về tâm linh nhưng cử chỉ của cô gái giao liên đã làm anh đinh ninh tin rằng anh đã được yêu, và nhành phong lan sẽ đem về cho anh nhiều may mắn. Anh cũng luôn tin, sẽ có một ngày gặp lại cô gái giao liên anh đã thầm dành những yêu thương ấy.
Tôi - một cựu chiến binh tin điều anh tâm sự, bởi trong chiến tranh có những khoảnh khắc người chiến sĩ cảm thấy sự sống quá mong manh. Khi ấy, phải có một niềm tin nào đó để hy vọng, dù điều đó rất mơ hồ nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho họ. Di chuyển khắp nhiều cánh rừng, nhành phong lan vẫn theo anh, lúc bên vách lán, lúc ở dưới hầm. Hàng ngày anh ngậm nước phun nhẹ lên nhành lan, thì thầm chuyện trò. Như một sự giao cảm đặc biệt, nhành phong lan ở bên anh cứ xanh tươi một cách kỳ lạ. Có đêm, đang trong giấc ngủ anh nghe tiếng người con gái hát đâu đây. Anh nhìn thấy dưới ánh trăng mờ, bên gốc cây anh treo giò phong lan có cô gái đang vẫn khe khẽ hát. Anh bật ngồi dậy, chiếc võng đung đưa. Bóng hình cô gái cũng đung đưa, rồi cô nhoài tới ôm chặt lấy anh: Anh không thể để em cứ bằn bặt chờ mong mãi vậy đâu. Anh ác lắm. Mà không. Chiến tranh ác lắm. Nó không muốn cho chúng mình gặp nhau. Mà không. Em vẫn luôn ở bên anh mà… Anh dang hai tay ghì chặt cô gái, hơi thở nóng hổi phả vào mặt anh, mùi da thịt tuổi xuân nồng nàn lan trong cơ thể anh. Hai làn môi hút vào nhau. Hai trái tim đập rộn lên làm rung nhịp võng. Khi cảm giác lạ lùng mê đắm dâng trào thì anh giật mình choàng dậy và bị hụt hẫng vì cô đã tan nhanh vào ánh trăng bàng bạc giữa muôn ngàn cây lá. Anh dụi mắt ngồi lặng lẽ nhìn ra khoảng sáng mờ kia mà chỉ muốn vùng dậy gọi lên thật to, gọi cho vang vọng khắp cánh rừng: Em ơi! Giờ em đang ở đâu. Anh nằm vật xuống võng… Sao ngày ấy anh lại không hỏi tên em… Sao anh không biết được quê em ở đâu… Anh cảm thấy mùi thơm của da thịt người con gái và cái cái cảm giác lạ lùng vừa qua cứ lâng lâng mãi trong người. Nó như một dấu ấn khẳng định rằng anh đã được yêu.
Rồi một lần, đó là vào khoảng tháng 7/ 1973 tại đèo Lò Xo gần sông Chanh (Quảng Nam). Đêm trước khi anh đi làm nhiệm vụ, trong giấc ngủ anh lại thấy nhành phong lan chao đảo trước mắt. Anh vừa thấy cô xuất hiện lại tan biến vào đêm như không muốn gặp anh. Anh bồn chồn vì cảm thấy như có sự bất thường. Đêm hôm sau địch dội bom dữ dội vào căn cứ, khu rừng bị đào xới tơi tả. Anh trở về cuống cuồng tìm lại nhành lan. Thật may, nhành cây mảnh mai ấy chỉ bị văng xuống bờ suối, tơ tướp như bị thương. Anh lặng lẽ rửa từng vết lá, xuýt xoa như chính mình đang bị xót đau, làm lại giá thể, chăm bẵm cho cây. Nhành lan dần hồi phục và vẫn luôn bên anh.
Sau tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị anh đóng quân ở sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Đất nước đã yên bình, niềm khao khát gặp lại cô gái giao liên lúc nào cũng cháy bỏng. Anh đã nhiều lần hỏi tin về các binh trạm bên Lào, nhưng nghiệt một nỗi tên tuổi, quê quán cô không có thì làm sao tra ra trong danh sách hàng trăm cô giao liên. Đúng thời điểm này, anh bất ngờ bị sốt rét ác tính kèm bệnh lỵ trực trùng được đưa cấp cứu ở bệnh viện Duy Tân - Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê. Các y bác sỹ nghĩ anh khó lòng qua khỏi vì cùng lúc bị hai bệnh nặng như vậy. Một cán bộ chính sách Quân khu V đưa quân tư trang của anh vào, đã mang cả giò lan theo... và sẵn sàng làm các thủ tục nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Lại một sự lạ kỳ. Từ khi có giò phong lan bên cạnh, bệnh của anh thuyên giảm rất nhanh. Các y, bác sỹ bệnh viện coi đây là một trường hợp hy hữu thoát được tử thần. Sau đợt điều trị, anh lại lần tìm để mong gặp lại cô gái giao liên nhưng đều thất vọng. Anh tự dằn vặt mình sao khi ấy không hỏi cho được tên tuổi, quê quán cô gái. Chiến tranh là vậy, gặp được cô gái ở một nơi trọng điểm bom đạn, tâm trạng căng như dây đàn, nói được với nhau vài lời động viên đã là quá rồi. Anh linh cảm cô gái không còn vì nghe kể lại những mất mát ở trọng điểm vài năm sau đó. Những tiếc nuối, dằn vặt tình cảm trong chiến tranh của hàng triệu hoàn cảnh khác nhau nó sâu nặng lắm. Nó có thể còn là một nỗi đau canh cánh suốt một đời người. Cuối năm 1975, anh ra quân và trở lại trường Đại học Sư phạm Việt Bắc học tiếp. Cuối năm 1976, anh xây dựng gia đình và tháng 7/1977 anh được điều về dạy tại Trường Vùng cao Việt Bắc (nay là Trường THPH Vùng cao Việt Bắc) cho tới lúc về hưu. Trước khi cưới vợ, anh đã kể lại chuyện cô gái giao liên năm xưa và kỷ niệm về giò phong lan cho chị nghe. Chị bảo giờ mà bất ngờ gặp lại, chị sẵn sàng yêu thương cô ấy như hai chị em. Tôi hiểu tâm trạng của chị, khi sự cảm phục đến trân trọng thì không còn sự nhỏ nhen nào vướng bận trong lòng. Rồi chị cũng nâng niu, chăm bẵm giò phong lan mỗi khi anh vắng nhà.
Tôi háo hức muốn được nhìn ngắm ngay giò phong lan mà anh đã nâng niu 48 năm nay. Nó không to so với các giò lan khác, lá cũng không xanh lắm. Đã trải từng ấy năm thì cũng như người bạn của nó thôi, mắt mờ chân chậm rồi. Cứ mỗi lần giò lan bung sắc, ngắm lan thì lòng anh lại trào lên nỗi niềm: “Chắc vì hai chữ nhân duyên/ Mối tình năm ấy vẹn nguyên đến giờ”.
Giờ thì anh dành toàn bộ thời gian bên giàn lan mỗi ngày. Bạn bè đến thì chuyện trò, ngắm lan, đọc thơ. Mỗi một giò lan cũng có cuộc đời riêng của nó. Riêng giò lan mang về từ rừng Lào vẫn mỗi năm tặng anh một lần ra hoa, và anh vẫn nâng niu nó với một nỗi niềm riêng biệt.
Bây giờ là câu chuyện “nuôi” lan của anh. Anh tâm sự: “Nói thật, tớ không phải người ham mê chơi lan, nhưng vì giữ cây lan kỷ niệm kia mà tớ cứ sưu tầm thêm cho cây lan có thêm bầu bạn”. Những năm cuối thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, đời sống hai vợ chồng giáo viên thiếu thốn, đi công tác tới vùng nào có lan anh lại đưa về vài cây, hồi ấy chỉ xin thôi chứ không phải mua mấy triệu một cây như bây giờ. Rồi các em học sinh vùng cao về quê có lan cũng lấy cho thầy vài cây. Cứ thế, vườn lan nhiều dần lên. Khi thấy lan nở, ngắm nó anh thấy thư thái tâm hồn và vui thêm nên càng tích cực chăm. Năm 1988, lương có mấy chục ngàn, mà anh dám bỏ ra hàng trăm ngàn mua thuốc kích hoa có thể coi là điều hơi gàn. Có anh bạn thấy thế làm câu thơ trêu chọc: “Suốt đời chăm chút cho lan/ Đến khi lan nở thì anh đã già”. Năm 1990, khi Đại học Nông nghiệp III có bộ phận nghiên cứu về phong lan, anh đã đến nhờ nhân giống cây lan ở rừng Lào. Vì nhiều lý do, các nhân viên kỹ thuật không nhận, chỉ biếu anh ít thuốc và hướng dẫn kỹ thuật chăm bón, vậy là anh thành chuyên gia chăm lan từ đó. Đến nay, giàn lan của anh đã có gần ba trăm giò với hơn sáu mươi loại lan, lúc nào cũng có những giò đơm bông.
Trong vườn lan nhà anh Sinh, hàng ngày vẫn có hoa nở
Khi tôi kể câu chuyện này với vài người bạn, họ đều thắc mắc, liệu cây lan kỷ niệm của anh có tồn tại nổi nửa thế kỷ không? Trông bên ngoài nó vẫn mảnh mai chứ không sum sê như mấy loài khác. Nói điều này sợ chạm đến sự thiêng liêng vẫn lưu giữ trong anh, nhưng để tôn trọng độc giả tôi vẫn phải tìm hiểu thêm về loại lan rừng này. Tôi đã liên hệ với thạc sĩ Nguyễn Thị Tình hiện đang công tác tại Khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Nông lâm Thái Nguyên và được biết, chưa có công trình nghiên cứu nào nói rõ lan rừng có tuổi thọ bao nhiêu, nhưng lan là loại cây sống lâu năm và đã lâu năm thì mấy chục năm là bình thường. Thế là đã giải tỏa được sự băn khoăn của tôi và mọi người. Năm 2018, do có thuốc và học thêm kỹ thuật anh đã tự tách được một nhánh và đang phát triển. Thật mừng cho anh.
Vậy là có thể đã lý giải được vì sao anh không kinh doanh, không chơi lan mà là nuôi lan rồi. Bạn bè đến chơi, ai thích cây nào mà anh vừa nhân được, anh đều tặng chứ không bán. Tôi có cảm giác những năm tháng chiến trường, những ký ức gian khổ thương đau và cả những di chứng chiến tranh vẫn để lại vết thương rất đậm trong cuộc đời anh. Chất đioxin vẫn âm ỉ trong cơ thể nên anh không được khỏe. Anh bảo khi có gia đình và những đứa con, cứ nín thở âm thầm theo dõi tình trạng sức khỏe con mình. Rồi khi con cái trưởng thành lại lo lắng cho từng đứa cháu ra đời. Anh thấy mình còn được hạnh phúc, may mắn hơn nhiều anh em đồng đội khác. Bao người đã trải qua chiến tranh, đã tưởng mình được yên ấm an hưởng yên bình, nào ngờ nỗi đau lại đè nặng lên cuộc đời con cháu họ. Một nỗi đau làm họ đau đớn suốt cuộc đời. Bản thân anh giờ uống thuốc còn đều hơn ăn. Nào là loét dạ dày, nào đa năng gan thận, nào viêm dây thần kinh..., đã vậy người bạn đời lại không may, đã bỏ anh đi trước. Tôi cảm giác nếu không có những sắc lan, không có những tiếng chim trong vườn, không có bạn thơ có lẽ anh khó vượt qua bệnh tật dày vò hàng ngày. Anh bảo “nuôi chim là nuôi chí mà nuôi lan là nuôi tâm”. Và có lẽ vẫn phải nhắc đến giò lan anh đã chăm bẵm bốn mươi tám năm qua, luôn chung thủy bên anh, lúc vui, lúc buồn và cho anh cả nhiều may mắn. Cùng tình cảm với người vợ quá cố của anh, cô giao liên ngày nào vẫn luôn xuất hiện bên anh trong những cơn đau và giấc mơ chập chờn… Có một lần, anh đang hí húi bên vườn lan thì một người đàn ông trung niên tìm đến. Nghĩ là khách chơi lan, anh pha cà phê mời khách. Người khách sau khi ngắm khắp vườn lan liền dừng lại ở giò lan đặc biệt rồi hỏi cặn kẽ về lai lịch của nó. Anh nhận ra một sự xúc động đặc biệt trên gương mặt khách. Người đàn ông đó nói đã đi khắp các vườn lan ở Thái Nguyên này và xin anh cho chụp kiểu ảnh anh đứng bên giò lan. Chụp xong, anh ta xin phép đi ngay như vội vã đem một tin bất ngờ cho ai đó… Sau giấc mơ đó, anh luôn có một niềm xốn xang hy vọng và đột nhiên, giò lan rừng Lào sau bao năm bỗng bật lên một nhành bé nhỏ như một sự thần kỳ…
Người cựu chiến binh - một nhà giáo, người yêu lan, yêu thơ cùng câu chuyện ly kì mà tôi vừa kể cùng độc giả là anh Nguyễn Sinh, hiện là hội viên Câu lạc bộ Thơ Mùa Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Hoa Sen (Thái Nguyên). Bạn đọc nào yêu mến, muốn tận mắt chiêm ngưỡng giò phong lan kỷ niệm của anh, hãy tìm đến địa chỉ xóm Lượt, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, hỏi anh Sinh. Biết đâu bạn lại khám phá thêm được những điều kì diệu trong câu chuyện anh kể.
Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...