Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức
Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức kết quả còn thấp. Số lượng cán bộ, công chức không giảm mà lại tăng, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập và công chức, cán bộ chuyên trách, không chuyên trách xã, phường, thị trấn”.(1)
Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII đã đặt ra những vấn đề hết sức căn bản, cấp bách và lâu dài về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, việc quản lý biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm, cấp bách. Mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII đặt ra là: Đến năm 2021, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đầu mối, 10% biên chế so với năm 2015…
Tinh giản biên chế không chỉ là giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức mà còn để kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy. Mục tiêu của tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là “cắt” cơ học về lượng, mà phải đi vào yếu tố cốt yếu nâng cao “chất”. Quản lý biên chế theo hướng tinh gọn phải đi đôi với nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tinh giản biên chế là công việc khó khăn, phức tạp. Để việc tinh giản biên chế đạt kết quả tốt nhất, chủ trương, quan điểm đúng chưa đủ, mà phải có những giải pháp về tổ chức thực hiện theo một quy trình phù hợp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, sau khi rà soát và loại bỏ những chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo (cùng một công việc mà có hai chủ thể trở lên cùng làm), xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình phải làm và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo cho cơ quan khác thực hiện.
Bước tiếp theo là phân cấp quản lý theo nguyên tắc cấp nào quản lý có hiệu quả hơn thì phân cấp cho cấp đó.
Sau khi chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến hành sắp xếp về tổ chức trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc: Một nhiệm vụ thì chỉ giao cho một tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện. Khi cần thiết thành lập tổ chức thì nhất thiết phải căn cứ độ lớn, tính phức tạp của nhiệm vụ được giao. Trường hợp nhiệm vụ được giao không đủ độ lớn thì tổ chức theo đa ngành. Việc thành lập tổ chức phù hợp phải phân biệt rõ: tổ chức tham mưu (các vụ, ban, phòng chuyên làm công tác tham mưu cho lãnh đạo) và tổ chức điều hành (tổng cục, cục ở các bộ, các chi cục ở các tỉnh). Cần ưu tiên sắp xếp loại công chức có đủ khả năng xây dựng, đề xuất chính sách cho lãnh đạo trong các cơ quan tham mưu để phát huy có hiệu quả năng lực của họ. Còn công chức có khả năng điều hành thì bố trí tại các tổ chức điều hành.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp công chức vào các vị trí thì nghiên cứu giải quyết phân loại những người chưa được sắp xếp: phân loại theo sức khỏe, trình độ, tinh thần trách nhiệm. Đối với những người không đủ sức khỏe thì cho đi điều dưỡng, rồi giải quyết chính sách. Những người yếu về trình độ, nhưng còn trẻ thì cho đi đào tạo, bồi dưỡng, rồi bố trí công tác thích hợp. Đối với những người kém về năng lực, tinh thần trách nhiệm thì giải quyết cho nghỉ việc.
Các cơ quan, đơn vị cần thành lập hội đồng để lập danh sách và xét từng trường hợp cụ thể. Kiên quyết tinh giản đối với những người trong diện, không để xảy ra tình trạng chạy chọt để ở lại trong bộ máy nhà nước những công chức không đủ tiêu chí cần có. Mặt khác, không để những người trong diện tinh giản trục lợi từ chính sách này như: người đương nhiên trong diện nghỉ hưu hoặc có năng lực, nhưng được doanh nghiệp, cơ quan khác mời ra làm việc với mức lương cao, đã lợi dụng chính sách tinh giản biên chế để hưởng một khoản trợ cấp lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi nghỉ hưu trước tuổi. Cần bổ sung thêm đối tượng cần tinh giản là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, ngành, địa phương. Lãnh đạo nếu không làm được việc cũng phải đưa vào diện tinh giản. Lâu nay, dường như hình thành thói quen là chỉ tinh giản nhân viên, chứ không tinh giản thủ trưởng. Thật không công bằng khi đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thủ trưởng vẫn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và được biểu dương khen thưởng.
Đồng thời với việc tinh giản biên chế, cần thực hiện chế độ sát hạch công chức hằng năm, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người không đạt đủ các tiêu chí, chấm dứt tâm lý hễ là công chức là yên tâm cả đời dù không hoàn thành nhiệm vụ. Công tác thi tuyển cán bộ, công chức cần được thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, có nền nếp, chất lượng cao; gắn công tác tuyển dụng với tinh giản biên chế là một trong các mục tiêu phải hướng tới...
Nguyễn Xuyến
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...