Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:41 (GMT +7)

Tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật: Tranh dân gian Ngũ Hổ

VNTN - Tranh “Ngũ Hổ” là loại hình đồ họa (in và vẽ trên giấy) thuộc dòng tranh Hàng Trống, có kích thước 55cmx75 cm. Các nghệ nhân phường Hàng Trống đã sử dụng năm màu ứng với ngũ phương, ngũ hành và các mùa trong năm, chẳng hạn: Thanh Hổ ứng với màu xanh, ở phương Đông, hành Mộc và thuộc mùa Xuân; Xích Hổ ứng với màu đỏ, ở phương Nam, hành Hỏa và thuộc mùa Hạ; Bạch Hổ ứng với màu trắng, ở phương Tây, hành Kim và thuộc mùa Thu, trong một chừng mực nào đó hổ trắng còn được người ta quan tâm nhiều vì nó là hiện thân của thần tài và thần chữa bệnh; Hắc Hổ ứng với màu đen, ở phương Bắc, hành Thủy và thuộc mùa Đông; Hoàng Hổ ứng với màu vàng, thuộc Trung Phương và ứng với hành Thổ.

Quan sát tổng thể bức tranh “Ngũ Hổ” được biểu hiện sống động, sức mạnh và uy lực: Hổ ngồi chính giữa màu vàng (Hoàng Hổ) dáng vóc to lớn, uy nghiêm - biểu hiện bản lĩnh vững vàng, thành tín và ngự trị ở trung cung. Bên phải có năm lá cờ ngũ sắc, thể hiện sự uyển chuyển linh hoạt của ngũ hành. Bên trái có năm bảo kiếm thể hiện uy lực. Phía dưới bên phải có Hổ xanh (Thanh Hổ), bên trái có Hổ đỏ (Xích Hổ), đều đứng chầu trên bệ đá thể hiện sức mạnh của âm. Phía trên, bên phải Hổ trắng (Bạch Hổ) và bên trái là Hổ đen (Hắc Hổ) bay trên làn mây cách điệu bồng bềnh sinh động thể hiện dương. Trong khoảng trống phía trên đầu hổ trắng và đen có hình mặt trời, dưới hình mặt trời có hình ngôi sao Bắc Đẩu chìm ẩn, đấy là biểu hiện không gian vũ trụ.

Bố cục tranh đối xứng dọc, biểu hiện thời gian, không gian đồng hiện. Bốn con hổ nhỏ ở bốn phía có bốn màu: xanh - đỏ - trắng - đen, tương ứng với hành Mộc - Hoả - Kim - Thuỷ, bốn phương Đông - Nam - Tây - Bắc, bốn mùa Xuân - Hạ -Thu - Đông. Cùng với những cặp mắt đối nhãn đầy sinh khí, những bộ ria, lông mi cứng như những tia sáng…, những biểu tượng trong tranh đã minh họa cho thế chuyển động xoay vần của vũ trụ. Bởi lẽ thế giới vật chất có muôn màu, vạn vật - con người cũng có nhiều loại. Nhưng dù đa dạng hay phức tạp thế nào đều được quy thành các ngũ hành, âm, dương cụ thể. Trong ngũ hành này lại có mối quan hệ tương sinh, tương khắc. Tất cả chúng đều có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời, không thể phủ nhận một yếu tố nào, chúng tồn tại dựa trên sự tương tác lẫn nhau.

Trong tranh Ngũ Hổ, cách tạo hình khoẻ khoắn, tính khái quát và ước lệ cao, sự phối hợp uyển chuyển đường nét, hình khối đầy sức sống mãnh liệt, miêu tả hổ với thân hình vạm vỡ, chắc khỏe trên thế ngồi vững chắc của hai chân trước. Các nghệ nhân dân gian đã khéo khai thác ngôn ngữ tạo hình đa nghĩa giàu chất dân gian, mang đậm nét văn hoá dân tộc thuần Việt. Những họa tiết như các đám mây ngũ sắc với các đường cong gãy khúc nối nhau, lớp trong, lớp ngoài cuồn cuộn gợi cảm giác thần bí, thiêng liêng. Đây cũng là mục đích của tranh tết, tranh thờ của người Việt thời xưa.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy