Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:47 (GMT +7)

Tìm hiểu một số vấn đề về tư tưởng đoàn kết của Bác Hồ

1. Nguồn gốc tư tưởng Đoàn kết của Bác Hồ

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nổi bật là tinh thần đoàn kết. Đặc điểm và truyền thống đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kết hợp với học thuyết Marx - Lenin là những nhân tố quan trọng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kếtđại đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam. Ngay đầu thế kỷ XX, khi còn hoạt động ở nước ngoài, Người đã xác định rõ: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”(1).

Bác Hồ với Đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam ra Chiến khu Việt Bắc (tháng 10/1949). Ảnh tư liệu.

Bác Hồ là người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tiên phong của dân tộc Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc (1945), thống nhất Tổ quốc (1975) và ngày nay tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển, đi lên Chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nguyên nhân quan trọng nhất là Bác Hồ và Đảng đã phát huy được sức mạnh to lớn của dân tộc bằng sức mạnh đoàn kết và đại đoàn kết. Qua thực tiễn cách mạng cho ta thấy: Tư tưởng đoàn kết và đại đoàn kết của Bác Hồ bắt nguồn từ: 1) Truyền thống văn hóa của dân tộc; 2) Bài học lịch sử; 3) Tư tưởng thời đại.

* Bắt nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc

Ra đời trong một gia đình nhà nho yêu nước ở vùng đất Lam Hồng sâu đậm văn hóa dân tộc, Bác Hồ sớm được tắm mình trong những câu ca dao, tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Thuận vợ thuận chồng/ Tát Biển Đông cũng cạn”;... Kinh nghiệm đó ăn sâu trong suy nghĩ và trí nhớ của Người cùng với tình nghĩa tương thân tương ái trong những thành ngữ, tục ngữ: “Máu chảy, ruột mềm”, “Môi hở, răng lạnh”, “Tay đứt, ruột xót”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã thấm sâu vào tâm can của Bác cùng với Bác đi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Ngay trong tác phẩm Bác viết sớm nhất là Đường Kách mệnh (1927), Người đã khẳng định đoàn kết là nhân tố quan trọng, bắt nguồn từ cảm hứng truyền thống văn hóa dân tộc. Bác viết: “Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng, mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau” (T.2, tr. 134)(2).

* Bắt nguồn từ bài học lịch sử

Bác Hồ là người am hiểu lịch sử dân tộc với những thành công và thất bại của các triều đại và các phong trào yêu nước gần với thời đại của Bác. Từ các vương triều nhà Lý, Trần, Lê… bao giờ cũng vậy. Lịch sử lặp đi lặp lại, mỗi khi đoàn kết dân tộc được phát huy thì tập trung được mọi lực lượng cho các triều đại ấy giành được thành tựu to lớn trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, nhưng cuối mỗi triều đại khi các triều đình trở nên xa hoa, chia rẽ đoàn kết thì trở nên phản động và đi tới diệt vong. Và trong nhiều trường hợp trở thành lý do cho bọn giặc xâm lược phương Bắc. Nhà Trần đã từng là vương triều chiến thắng hiển hách trong 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông nhưng về sau mất đoàn kết, xa dân nên khi quân Minh sang xâm lược đã thất bại. Trần Ngỗi rồi Trần Quý Khoáng bỏ chạy về Nghệ Tĩnh (quê Bác Hồ) lập nên 2 triều Hậu Trần vẫn bị thất bại. Nhà Hồ thay thế nhà Trần nhưng không giữ được nước. Hồ Nguyên Trừng đã từng kêu lên: “Ta không sợ quân giặc mạnh mà chỉ sợ lòng dân không theo”. Triều đình nhà Tây Sơn là tấm gương nhãn tiền, sau những chiến thắng lẫy lừng, đánh bại các thế lực vua Lê, chúa Trịnh - Nguyễn thống nhất đất nước, đánh bại giặc Tàu, giặc Xiêm, nhưng rồi anh em nhà Tây Sơn bất hòa, không đoàn kết nên đã sớm suy tàn.

Thực dân Pháp đã chiếm được nước ta trong tình trạng tương tự. Triều đình nhà Nguyễn sớm đầu hàng giặc Pháp nhưng nhân dân ta với tinh thần yêu nước quật cường tiếp tục kháng chiến chống lại. Những Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… không có được sự đoàn kết của cả dân tộc nên lần lượt bị quân xâm lược Pháp tiêu diệt: “Vì dân đoàn kết chưa sâu. Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.

Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc và lịch sử dân tộc là cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh.

* Bắt nguồn từ tư tưởng thời đại

Năm 1911 Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã tận mắt nhìn thấy vấn đề đoàn kết trên thế giới để học tập và rút kinh nghiệm. Ấy là sự cần thiết của vấn đề đoàn kết quốc tế. Người đã thấm nhuần học thuyết của Các Mác (Karl Marx): Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. Và với V.I. Lênin: Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại. Người chỉ ra: “Bọn đế quốc cố nhiên là áp bức người An Nam, nhưng đồng thời chúng cũng áp bức cả người Trung Quốc... Chúng ta biết rằng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới hiện nay có Ai Cập, Marốc, Xyri, An Nam, Trung Quốc và rất nhiều nước khác. Cho nên, chúng ta cần phải liên hiệp lại, cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc” (T.3, tr.231 - 232). Người cho rằng, phải “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” (T.3, tr.134).

Năm 1930, Bác Hồ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong Sách lược vắn tắt của Đảng Người xác định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp” (T.3, tr.3) và “ Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là quần chúng vô sản Pháp” (T.3, tr.4).

Bác Hồ đã nêu lên quan điểm và sự cần thiết phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức, xây dựng khối liên minh giữa các dân tộc này trong cuộc đấu tranh giải phóng . Nguyễn Ái Quốc cũng đề cao sự cần thiết phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới, phải xây dựng khối liên minh giữa giai cấp vô sản ở chính quốc với nhân dân các nước thuộc địa.

Để hình thành khối liên minh giữa các lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, Bác Hồ viết: “Làm cho đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này” (T.3, tr.134).

Cũng nhờ tư tưởng đoàn kết và đại đoàn kết của Bác Hồ mà với cách mạng Việt Nam, nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và 30 năm chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) đến thắng lợi cuối cùng cũng như công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay.

2. Đoàn kết là một khoa học và nghệ thuật

Để đoàn kết đạt được hiệu quả, Bác Hồ đã xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, phát huy sự thống nhất, tương đồng trong mục tiêu, lý tưởng. Trong đó, đoàn kết phải phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn của lịch sử và phù hợp với đối tượng của cách mạng, bắt đầu là thành lập Mặt trận Việt Minh.

Tháng 10 năm 1940, tại Quế Lâm, Trung Quốc, Bác Hồ lúc đó tên là Nguyễn Ái Quốc chủ trương thành lập một mặt trận để tập hợp những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở Trung Quốc trên cơ sở phát triển tổ chức Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội (trước có tên là Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội, do Hồ Học Lãm thành lập năm 1936), mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì.

Trước tình hình Chiến tranh Thế giới thứ 2 ngày càng lan rộng và ác liệt, đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước. Sau một thời gian nắm tình hình và chuẩn bị, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 trong khu rừng Khuổi Nậm, thuộc Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Hội nghị đã xác định cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng và chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, vào ngày 19/5/1941, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, thay cho Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (thành lập theo Quyết nghị của Hội nghị Trung ương VI - khóa I, tháng 11/1939). Ngoài Đảng Cộng sản, trong thời gian đầu có các tổ chức tham gia như Đảng Cách mệnh An Nam, Việt Nam Quốc dân Cách mệnh Đảng, Đảng Quốc gia Cách mệnh An Nam, Phục quốc Hội, Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội, Đảng Đại Việt Quốc xã, Đảng Hưng Việt, Đảng Đại Việt, Việt Cách…

Chương trình của Việt Minh được Nguyễn Ái Quốc soạn thành một bài thơ dài theo thể song thất lục bát gồm 212 câu và được Bộ Tuyên truyền Việt Minh xuất bản.

Chủ trương cụ thể là: Liên hiệp với tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở. Việt Nam Độc lập Đồng minh còn hết sức giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh hay là Mặt trận Thống nhất dân tộc Phản đế toàn Đông Dương để đánh kẻ thù chung giành quyền độc lập cho nước nhà.

Qua đây ta thấy chủ trương đoàn kết của Bác Hồ là tất cả mọi tổ chức, đảng phái, tất cả mọi thành phần xã hội, với cả người Pháp ở Đông Dương chống chiến tranh. Đoàn kết với nhân dân Lào và Campuchia anh em.

Cũng từ đây ta thấy sự linh hoạt, uyển chuyển của Mặt trận Việt Minh qua lịch sử phát triển của nó. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức tiền phong của dân tộc lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối cách mạng Việt Nam, nhưng với Mặt trận cũng chỉ giữ vai trò của một thành viên ngang hàng với các thành viên khác. Cũng từ đó ta thấy xuất hiện Mặt trận Liên Việt (1946 - 1951), Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (1960) và hiện nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó có các Hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Ái hữu, Hội Nông dân, Hội Sinh viên…) Đoàn, Đảng (Đoàn Thanh niên, Đoàn Luật sư, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ…) khác nhau.

3. Đoàn kết không phải là “Thủ đoạn chính trị”

Tư tưởng Đoàn kết đi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đoàn kết là chủ đề của 400 tài liệu trong số 3.000 thư mục của Bác trong Hồ Chí Minh - Toàn tập. Bác đã từng viết “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị” (T.9, tr.244). Tư tưởng ấy thể hiện qua hành động và ứng xử của Người. Dưới đây là mấy ví dụ.

Tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, khi đọc Bác đã dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ngoài sự quan tâm đến người nghe là xuất thần từ tâm thức, từ tận đáy lòng của Bác, ấy là tình cảm ruột thịt gắn kết giữa người hỏi và người nghe. Tuyên ngôn độc lập truyền đến hàng triệu đồng bào trong nước và cả khắp thế giới về tinh thần gần gũi, đoàn kết ngay từ hai chữ “Đồng bào”: Đồng (cùng) và Bào (ruột); bao gồm cả những người chống lại cách mạng, phản động (tay sai của thực dân Pháp, Phát xít Nhật), binh lính, quan lại phong kiến Nam Triều và nhiều người của các đảng phái phản động. Với Bác, tất cả là “đồng bào”, cùng khúc ruột (bào) sinh ra.

Tinh thần đoàn kết của Bác Hồ thể hiện ngay cả ở trang phục Người mặc ở ngày lễ trọng đại ấy, đó là sự hòa đồng với các vị trong Chính phủ gồm các vị quan lại của triều đình nhà Nguyễn đi theo cách mạng, các vị Nho học với khăn xếp và quần áo chùng cùng các vị cộng sự trên khán đài đều mặc đồ vét Tây và thắt cà vạt. Bác Hồ chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao su trắng - những biểu tượng của Bác là hòa giải và đoàn kết với tất cả mọi người. Bác Hồ xem nó là một giải pháp thích hợp giữa bộ đồ Tây với bộ áo dài đen, khăn đóng của giới nho sĩ Việt Nam, vốn được xem là truyền thống. Hình như Bác Hồ chưa bao giờ mặc bộ quần áo này, kể từ năm 1911 khi Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng ngàn năm chế độ phong kiến ở nước ta. Bác Hồ đã thể hiện tinh thần đoàn kết với Hoàng tộc nhà Nguyễn ngay trong những ngày biến động ấy. Ngoài việc bảo đảm an toàn cho tất cả các quan chức của triều đình nhà Nguyễn, Bác đã mời Bảo Đại làm cố vấn tối cao. Với tinh thần đoàn kết của Bác mà có đến 8 trong 10 vị của chính phủ Trần Trọng Kim, nội các của vua Bảo Đại đã đi theo cách mạng. Sau đó do hoàn cảnh đặc biệt, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật nhưng thực chất vẫn lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1955) với Mặt trận Việt Minh tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng. Trên tinh thần đoàn kết, Chính phủ có 18 Bộ trưởng thì có đến 9 vị không phải đảng viên Đảng Cộng sản. Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, trong số 333 đại biểu cũng có đến 213 vị không phải là cộng sản; trong đó có nhiều người thuộc các đảng phái chống phá Cách mạng như Việt Quốc, Việt Cách hoặc các đảng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Cũng với tinh thần đoàn kết ấy mà ngay lúc đất nước vô vàn khó khăn thiếu thốn và gian khổ, hàng loạt trí thức Việt Nam đang ở Pháp đã về nước tham gia kháng chiến (3).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài quân và dân hai miền Nam - Bắc, chúng ta còn có lực lượng thứ ba trong Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng làm cho chính quyền Mỹ và Chính quyền Sài Gòn run sợ.

Chính vì vậy mà suốt cả cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, không chỉ quân đội Pháp, nhân dân Pháp mà cả thế giới đều gọi quân dân Việt Nam là Việt Minh. Pháp đã thua Việt Minh. Người Mỹ vẫn rất sợ hãi và thừa nhận họ đã bị Vi-Xi (VC: Cộng sản Việt Nam - Việt Cộng) đánh bại năm 1975.

Bác Hồ dành cả cuộc đời hoạt động cách mạng với tư tưởng: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (T.13, tr.119), là nguyên nhân của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước lúc “về trời”, cách đây 50 năm Bác vẫn canh cánh trong lòng tư tưởng đoàn kết. Bác đã để lại Di chúc với lời dặn dò: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Lê Thị Hạnh Liên

..............................

(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1994, tr 49.

(2) Từ đây trích trong tác phẩm Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011 (Tập… tr…).

(3) Lê Đình Cúc, Hồ Chí Minh - Một cốt cách văn hóa Việt Nam, Nxb TTTT, Hà Nội, 2019.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy